Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Hông
(Paulownia fortunei)
Lời nói đầu
Cây Hông tên khoa học Paulownia fortunei là một trong 9 loài cây gỗ thuộc chi Paulownia họ hoa Mỗ chó Scrophulariaceae. Nó thuộc loại cây gỗ lớn lá rộng có phân bố tự nhiên ở Trung Quốc, Lào và một tỉnh ở Việt Nam. Hông sinh trưởng nhanh, tán lá thưa, lá dễ phân giải có tác dụng cải tạo đất tốt, rễ phân bố sâu 30-40cm dưới mặt đất nên ít cạnh tranh với các loài cây ngắn ngày, ít cong vênh là nguyên liệu tốt trong công nghiệp gỗ ván nhân tạo và các đồ dùng thông thường trong gia đình.
Do có nhiều đặc tính ưu việt nên Hông đã được chú ý nghiên cứu, phát triển ở nhiều nước. ở Trung Quốc 1,8 ha các loài thuộc chi Paulownia đã được gây trồng. Một số nước khác như Mỹ, úc cũng chú ý nghiên cứu phát triển loài cây này. ở Việt Nam Hông mới được thử nghiệm gây trồng mấy năm gần đây. Cây sinh trưởng khá nhanh trong mấy năm đầu và tỏ ra có tiềm năng phát triển rộng cho các mục đích trồng rừng nguyên liệu, tạo cảnh quan môi trường. Hông cũng là một cây sống rất lâu năm nên còn được sử dụng trồng rừng phòng hộ. Trong tự nhiên nó thường phân bố xen với một số loài cây tiên phong, nó dễ trồng hỗn giao với một số loài cây khác như: Tre, Mỡ, trồng xen che bóng cho cây nông nghiệp hoặc cà phê, chè,v.v…
Bản hướng dẫn kỹ thuật này quy định hệ thống biện pháp kỹ thuật liên hoàn từ chọn cây mẹ lấy giống, gieo tạo cây con, trồng rừng chăm sóc bảo vệ cho đến khi rừng trồng khép tán.
Chương I
Điều kiện gây trồng
1. Điều kiện khí hậu
Có thể trồng Hông ở các khu vực có độ cáô với mặt biển từ 300-1500m, có lượng mưa bình quân 1.500-1.884mm, những nơi có nhiệt độ bình quân năm 18-23,50C, nhiệt độ bình quân tháng nóng nhất 28-300C, nhiệt độ bình quân tháng lạnh nhất 9-130C và mùa khô kéo dài 3-4 thnág.
2. Đất trồng Hông
* Đất feralit trên các loại đá mẹ granit, gnai, phiến thạch sét, sa phiến thạch, phiến thạch mica,…. còn tương đối tốt, tỷ lệ mùn tầng mặt trên 1%, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, tấng đất dày trên 50cm, tơi xốp khả năng thấm và thoát nước tốt.
* Không trồng Hông ở nơi đất chặt bí, có thời gian úng nước, đất đã quá thoái hoá trống trọc, trơ sỏi đa,….
Chương II
Thu hái chế biến bảo quản giống
1. Chọn cây lấy giống
Chọn cây sinh trưởng tốt , không bị sâu bệnh, có tán lá phát triển đều đặn và có đường kính lớn hơn 30cm để thu hái giống. Trước mùa thu hoạch 2-3 tháng tiến hành khảo sát lựa chọn cây sẽ tiến hành thu giống. Tuỳ theo khu vực lấy giống vụ thu hoạch có thể xê xích trong phạm vi 1 tháng từ tháng 12 đến giữa tháng 1 năm au. Khi gần đến ngày thu hoạch cần theo dõi quan sát thường xuyên để thu hoạch được kịp thời.
Khi quả từ màu xanh chớm chuyển sang màu nâu ở đầu quản là có thể thu hoạch. Thu vào thời điểm này, hạt giống đạt chất lượng tốt, tỷ lệ nảy mầm cao. Quả Hông thường chín không đều nên trên 1 cây vừa có quả chín vừa có quả vỏ đã khô. Có thể thu cả những quả vỏ đã khô trên cây những chưa bị tách.
Quả thu về cần chế biến ngay, không để quá 3 ngày.
2. Chế biến hạt giống
Dùng dùi đục để đập quả thu lấy hạt. Dựng quả theo chiều thẳng đứng với những quả còn tươi trên 1 vật kê chắc. Dùng dùi gỗ đập từ trên xuống quả sẽ tách đôi, dùng tay nhẹ nhàng bửa ra và tuốt lấy hạt dính ở hai giá noãn bên trong. Khi đập quả chú ý đập nhẹ vừa phải cho quả vừa đủ tách, nếu đập mạnh vỏ quả dập nát lẫn vào ẽ làm giảm độ độ thuần của hạt. Với loại quả vỏ đã khô đặt quả nằm ngang để đập cho quả tách. Quả nào khi đập ra thấy hạt đã bị sẫm màu là những quả đã tách trên cây bị nước mưa thấm vào làm giảm chất lượng hạt, cần loại bỏ.
Hạt tách xong để trong thúng hoặc mẹt, phía trên che bằng vải màn và phơi dưới nắng nhẹ buổi sáng và buổi chiều hai đến ba ngày, mỗi ngày 2-3 tiếng, thời gian còn lại trong ngày hong trong chỗ thoáng mát. Sau 3 ngày hạt đã khô có thể đem gieo hoặch đưa vào bảo quản.
3. Bảo quản hạt
Hạt đựng trong túi pôlyêtylen hàn kín, bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thông thường trong phòng. Để túi hạt nơi thoáng mát. Bằng cách này có thể giữ sứcnảy mầm của hạt đến mùa hè. Nếu có điều kiện giữ các túi hạt trong tủ lạnh chuyên dùng có thể giữ cho hạt vẫn nảy mầm tốt trong 1 năm.
Thông thường 1kg hạt có khoảng 3,7 đến 4 triệu hạt. Nếu thu hái chế biến tốt tỷ lệ nảy mầm ban đầu có thể đạt tới 90%. Tuy nhiên theo cách gieo ươm thông thường hiện nay mới đạt được khoảng 250.000 đến 300.000 cây con trên 1kg hạt giống đem gieo.
Chương III
Gieo tạo cây con
1. Chuẩn bị vườn ươm
Vườn ươm chọn nơi đất bằng phẳng, đất cát pha hoặc thịt nhẹ còn màu mỡ, thấm nước và thoát nước tốt. Cần chú ý chọn nơi không bị úng nước dù là tạm thời trong suốt quá trình ươm cây.
Phát dẫy sạch cỏ và thực bì, phơi khô, gom và đốt. Cày hoặc cuốc trước khi gieo ít nhất 15 ngày cho đất ải. Đất đã ải đập nhỏ hoặc bừa kỹ 2-3 lần. Lên luống theo chiều cao sao cho khi mưa thoát nước nhanh nhất. Sau khi lên luống đập nhỏ đất mặt luống cho các hạt đất có kích thước nhỏ đều và bé hơn 1cm là được. Trộn 2-3 kg phân chuồng hoặc 1kg phân vi sinh trên mỗi mét vuông mặt luống. Trộn đèu với đất mặt độ sâu 5cm và san cho bằng phẳng. Rải đều lên trên một lớp cát sạch khoảng 1 đến 2 gánh cho một luống 10m2 rồi dùng thanh gỗ rà lại cho thật phẳng mặt và tạo gờ luống để hạt không bị trôi ra khỏi luống sau khi gieo.
Trước khi gieo tưới nuớc cho ẩm khắp mặt luống rồi phun phòng nấm bằng benlát nồng độ 5 phần vạn (5g benlát đã được hoà tan trong cồn pha cho 1 bình phun 10 lít). Phun đều trên khắp mặt luống trước khi gieo hạt.
2. Gieo hạt
Hạt gieo không cần xử lý trước. Dùng tay rải đều hạt trên mặt luống với lượng gieo 10-12g hạt tốt cho một luống gieo 10m2. Nên chia đôi rải hạt làm hai lần cho đều. Hạt Hông rất dễ gieo đều vì nó có màu trắng nên dễ dàng quan sát lượng hạt trên mặt luống.
Sau khi gieo dùng sàng sàng thêm một lớp cát sạch đủ để vừa che kín hạt. Chú ý không lấp quá dày. Tưới bằng bình phun thuốc sâu cho đủ ẩm khắp lượng cát phủ. Trong 20-25 ngày đầu cần che mặt luống bằng tấm màng polyetylen để tránh mưa làm trôi hạt, làm dập nát cây mầm đồng thời giữ ẩm cho luống gieo giảm bớt số lần phun tưới. Dùng thanh tre làm khung thành hình vòm trên mặt luống để đỡ tấm polyetylen. Hai bên thành luống đè bằng đất cục để giữ cho gió khỏi bay. Khi phun tưới mở ra và sau khi phun xong lại đậy lại chư cũ.
3. Chăm sóc cây gieo
Thường xuyên quan sat giữ ẩm cho luống gieo, không để cho cát trên mặt khô trắng. Khoảng 10 ngày sau khi gieo cây mọc, lúc này vẫn phải tiếp tục dùng bình phun giữ ẩm cho luống gieo. Định kỳ phun phòng nấm 15 ngày một lần bằng benlát với nồng độ như cũ, cần phun cho đủ ướt đều thân và lá cành cây con. Khi cây được 4 lá là có thể dỡ bỏ nilông che và tưới bằng thùng tưới có hương sen lỗ nhỏ.
4. Cấy cây vào bầu
Khi cây được 6 lá thì tiến hành cấy ra bầu. Dùng túi bầu với kích thước 9 x 12cm để cấy cây. Hỗn hợp ruột bầu gồm 90% đất tầng mặt + 10% phân chuồng hoai đã được ủ lẫn với 3-4% phân super lân… Sau khi cấy phải che cho cây 2-3 ngày cho cây phục hồi sau đó dỡ toàn bộ vật che để có đủ ánh sáng cho cây mọc. Trong thời gia nuôi cây có thể tưới thúc cho cây bằng phân u rê nồng độ 1-2%, hoặc có thể phun phân vi sinh thiên nông qua lá theo chỉ dẫn.
Thông thường sau khi cây đã phục hồi sẽ sinh trưởng rất nhanh. Kể từ khi gieo cho đến khi cây đủ tiêu chuẩn đem trồng từ 75-90 ngày tuỳ theo thời vụ gieo và đất vườn ươm.
5. Tiêu chuẩn cây con
Cây con cao 25-35 đường kính cổ rễ trên 5mm đó là lúc trồng tốt nhất. Cần tính toán thời vụ gieo sao cho thật khớp với thời vụ trồng vì chỉ cần để quá 1-2 tuần là cây đã quá tiêu chuẩn, cây Hông con thân rất mềm nếu để cao quá sẽ rất dễ gẫy khi vận chuyển khi trồng.
Chương IV
Trồng rừng Hông
1. Xử lý thực bì
Hông là loài cây ưa sáng cực đoan, do vậy dù áp dụng phương thức trồng nào xử lý thực bì cũng là yếu tố phải coi trọng. Cần đảm bảo sau khi trồng Hông không bị loài cây khác che bóng. Tốt nhất là phát thực bì toàn diện kết hợp trồng các cây nông nghiệp trong năm đầu. Có thể đốt nếu có các biện pháp đảm bảo không để lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.
2. Làm đất
ở những nơi đủ điều kiện tiến hành làm đất bằng cơ giới, đất được rà sạch cây bụi, gốc cây gỗ sau đó tiến hành cày ngầm rạch trồng theo đường đồng mức với độ sâu 40-50cm, rồi đào lấp hố trồng cây trên rạch cày kích thước 30x30x30cm. Có thể cày máy toàn diện bằng lưỡi cày thường rồi dào hố trồng cây.
Làm đất cục bộ
ở những nơi dốc tiến hành làm đất thủ công. Sau khi xử lý thực bì tiến hành đào hố với kích thước 40x40x40cm. Hố trồng phải được đào và lấp trước khi trồng ít nhất 15 ngày.
3. Bón phân
Nếu có điều kiện bón lót cho mỗi gốc Hông 1kg phân chuồng hoặc 100-150g phân vi sinh. Việc bón phân được thực hiện lúc lấp hố. Phân được trộn đều ở phần đất từ đáy đến 2/3 độ sâu hố từ đáy lên, sau đó lấp đầy hố chuẩn bị trồng cây.
4. Thời vụ trồng
ở miền Bắc tốt nhất trồng từ tháng 4-6. Không nên trồng Hôngvào vụ thu cây sẽ mất một mùa sinh trưởng và năm sau cũng phát triển kém. Miền Trung và Tây Nguyên mùa mưa chậm hơn tiến hành trồng cùng vụ với các loài cây trồng khác.
5. Phương thức và mật độ trồng
Tuỳ theo phương thức trồng mà mật độ có thể thay đổi từ 100-1100 cây/ha. Có thể trồng Hông với chức năng phòng hộ theo các phương thức sau đây:
* Hồn giao theo hàng
– Trồng Hông hỗn giao với Mỡ theo hàng. Mật độ chung 1.100 cây/ha (Hông 550 cây, Mỡ 550 cây. Cự ly trồng 3x3m)
– Trồng Hông hỗn giao với Sao đen hoặc Dầu nước theo hàng, cứ hai hàng Hông 1 hàng Sao đen hoặc Dầu nước. Mật độ Hông 1.111 cây/ha, kết hợp 555 cây Sao hoặc Dầu/ha. Mật độ chung 1666 cây /ha (hàng 3m, cự ly cây 2m).
– Trồng Hông xen Luồng. Luồng 200 cây/ha (Cự ly 10mx5m). Giữa hai hàng Luồng trồng 1 hàng và Hông sẽ có cự ly hàng 10m, cây cách cây 2,5m (400 cây/ha). Mật độ chung 600 cây/ha.
* Trồng tạo cảnh quan môi trường, phòng hộ cho cây nông nghiệp
– Trồng Hông theo hàng cự ly 10m, 20m, 30mét trên hàng trồng cây cách cây 2,5mét, (ứng với mật độ 400 cây, 200 cây, 133 cây/ha). Phương thức này áp dụng cho vùng đất thấp gần khu dân cư, khu công nghiệp để cải thiện môi trường sinh thái và vẫn canh tác cây nông nghiệp như Lạc, Ngô, Đỗ,…
– Để tạo môi trường làm việc và tạo điều kiện che bóng thích hợp cho chè góp phần tăng năng suất, trồng Hông trên nương chè rải đều với mật độ 100 cây/ha (10mx10m). Phương thức giúp cho chè ra búp tốt hơn, không ảnh hưởng đến chất lượng chè búp và tăng cường khả năng phòng hộ của các đồi chè.
6. Kỹ thuật trồng
Cây trồng đủ tiêu chuẩn quy định, không trồng cây quá lớn. Trước khi trồng 5-7 ngày ngừng tất cả các biện pháp chăm sóc, cắt bớt 1/2 phiến lá của một nửa số lá phía gốc cây.
Trước khi đem trồng phải tưới vừa đủ ẩm cho bầu. Trồng cây vào những ngày mưa khi đất trong hố đã đủ ẩm. Khi trồng chú ý lèn chặt đất xung quanh bầu đến ngang cổ rễ rồi phủ thêm một lớp đất xốp lên cao hơn cổ rễ 2-3cm. Cần chú ý khi trồng không làm cong gập các rễ thò ra ngoài bầu.
Chương V
Chăm sóc bảo vệ rừng trồng
1. Nghiệm thu
Sau khi trồng 15 ngày tiến hành nghiệm thu. Nếu tỷ lệ sống thấp hơn 85% phải tiến hành trồng dặm ngay các hố cây bị chết.
2. Chăm sóc rừng trồng
Rừng trồng được chăm sóc 3 năm liên tục:
* Năm thứ nhất
Ba tháng sau khi trồng tiến hành chăm sóc lần thứ nhất. Xới nhẹ xung quanh gốc sâu 7-10cm thành vòng tròn đường kính 90-100cm. Nhặt hết cỏ rác, phát hết cành nhánh các cây bụi xung quanh có ảnh hưởng đến cây trồng.
Chăm sóc lần thứ hai: Cuối mùa mưa tiến hành chăm sóc lần thứ hai (6-7 tháng sau khi trồng). Nội dung gồm xới đất vun gốc, cắt đứt các loại dây leo bám vào cây trồng, tỉa bớt các cành gần gốc để tạo đoạn thân dưới cành dài và thẳng.
* Năm thứ hai:Chăm sóc hai lần
Lần một: Nội dung chăm sóc như lần đầu năm thứ nhất nhưng mở rộng phạm vi xới xáo thành vòng tròn đường kính 1-1,2m quanh hố. Trong lần chăm sóc này bón thúc cho cây 50-100g NPK hoặc 20-30g ure cho một gốc. Xới nhẹ 1 vòng cách gốc 20-30cm sâu 10cm, rải đều phân vào rãnh rồi lấp đất bằng đất mặt. Bón thúc vào những ngày râm mát, sau những ngày mưa đất ẩm.
* Năm thứ ba: Chăm sóc hai lần như năm thứ hai.
3. Quản lý, bảo vệ
Cây trồng cần bảo vệ tốt ngay những ngày đầu. Cây Hông rất mềm dễ gẫy nên tuyệt đối không để trâu bò vào khu vực trồng trong 1-2 năm đầu và ngăn chặn các hành vi vô ý thức của người như bẻ ngọn và cành nhánh cây.
Sau khi trồng phải lập hồ sơ ghi chép các xử lý kỹ thuật, tình trạng rừng trồng và các ghi chú cần thiết khác.
Tin mới nhất
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam
- Hội đồng nghiệm thu Dự án Sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: “Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ nhân giống và trồng cây Tam thất hoang (Panax stipuleanatus) theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở vùng Tây Bắc“