Nhằm góp phần thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, ngày 28/12/2015, tại Hà Nội, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Khoa học công nghệ lâm nghiệp góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành”.
Đến dự tham dự và điều hành Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và GS.TS.Võ Đại Hải – Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Tham dự hội thảo còn có hơn 80 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các cơ quan quản lý (Vụ KHCN&MT, Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ KHCN), các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy (Viện Khoa học Lâm nghiệp VN, Trường Đại học Lâm nghiệp, Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp VN, Viện Điều tra quy hoạch rừng), Tổng công ty giấy Việt Nam và Sở NN&PTNT Phú Thọ cùng các các cơ quan thông tấn báo chí.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận về thực trạng, những định hướng và các giải pháp thuộc các lĩnh vực Giống, Lâm sinh, Công nghiệp rừng và Kinh tế lâm nghiệp trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và TS. Nguyễn Phú Hùng – Vụ trưởng Vụ KHCN&HTQT (Tổng cục Lâm nghiệp) đều đã nhấn mạnh Khoa học và công nghệ lâm nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành. Mục tiêu đặt ra là phải nâng cao giá trị gia tăng của rừng thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp liên tục tăng trong những những năm qua, từ 5,03% giai đoạn 2010 – 2012 lên 7,8% năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ có tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm, năm 2014 đạt 6,3 tỷ USD. Tuy nhiên, theo GS.TS. Võ Đại Hải ngành lâm nghiệp cũng đang còn nhiều tồn tại như chỉ có khoảng 25 – 30% giống mới được áp dụng vào sản xuất; rừng trồng chủ yếu là rừng gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; rừng tự nhiên chủ yếu là rừng nghèo và nghèo kiệt (chiếm 70% diện tích)…
Trong những năm qua, công tác nghiên cứu giống đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, chỉ trong 15 năm trở lại đây, đã có hơn 199 giống cây lâm nghiệp được công nhận là giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật. Nghiên cứu nhân giống bằng giâm hom và nuôi cấy mô cũng đã có những bước tiến vượt bậc. Đến nay, hầu như các giống keo và bạch đàn đã được sản xuất đại trà bằng công nghệ mô-hom, qua đó đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng (có nơi năng suất đạt trên 30 m3/ha/năm). Mặc dù đã tạo ra được nhiều giống mới được công nhận nhưng công tác chuyển giao giống vào sản xuất còn nhiều bất cập. Cụ thể, trong số các giống được công nhận, chỉ có 40 giống đang được sử dụng rộng rãi trong sản xuất bao gồm các giống keo lai tự nhiên, keo tai tượng, một số giống bạch đàn lai UP, bạch đàn URO và mắc ca. Phần lớn các giống còn lại chưa được chuyển giao trong sản xuất.
Về kỹ thuật trồng rừng, các ý kiến thảo luận tại hội thảo đều cho rằng, trong thời gian tới ngành lâm nghiệp cần tập trung nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng thâm canh các loài cây cung cấp gỗ lớn chủ lực chưa được nghiên cứu đầy đủ cho các vùng trồng rừng tập trung, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gỗ, được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận để thay thế một số loại gỗ nhập khẩu chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng tạo nguyên liệu gỗ xẻ có chất lượng cao bằng các loài cây mọc nhanh.
Việc phát triển nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ công nghiệp chế biến lâm sản của cả nước cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn luận. Theo TS. Nguyễn Quang Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng thì trên 70% nguyên liệu gỗ trong nước sử dụng cho sản xuất dăm gỗ là chưa hợp lý. Đây chính là lý do khó nâng cao thu nhập cho người trồng rừng (đơn giá nguyên liệu sản xuất dăm gỗ chỉ từ 40 – 50 USD/m3; trong khi giá nhập khẩu nguyên liệu gỗ cho sản xuất đồ mộc xuất khẩu từ 250 – 300 USD/m3). Nguyên nhân của tình trạng này do chất lượng nguyên liệu gỗ rừng trồng của Việt Nam hiện nay không đáp ứng yêu cầu nguyên liệu gỗ cho sản xuất đồ mộc, gỗ rừng trồng có chứng chỉ chưa nhiều.
Ngoài ra, các ý kiến thảo luận tại hội thảo cũng đã cho rằng, để góp phần thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp thì các cơ chế chính sách lâm nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng, trong đó việc huy động nguồn lực tài chính cho phát triển trồng rừng sản xuất thông qua tích tụ đất đai; huy động vốn thông qua thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích tạo ra mô hình liên lết lấy doanh nghiệp chế biến làm trung tâm để tạo liên kết với các đối tượng khác và huy động vốn thông qua cổ phần hóa các các công ty trồng rừng là những nội dung quan trọng cần được quan tâm giải quyết.
Ban KHKH
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Thông báo kết quả thi tuyển, xét tuyển viên chức năm 2015 của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong ngành lâm nghiệp
- Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ
- Đoàn công tác của Bộ KHCN và Bộ NNPTNT thăm và làm việc tại Trung tâm KHLN Vùng Trung tâm Bắc Bộ
- Hội thao truyền thống Công đoàn cơ sở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam năm 2015