Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.

Thực hiện Quyết định số: 573/QĐ /KHLN-KH ngày 25/12/2024 của của Giám đốc Viện về việc Thành lập Hội đồng Khoa học Công nghệ. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ:

Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.

Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Gia Kiêm.

Đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp.

Mục tiêu:

  • Đánh giá được thực trạng và phân tích hiệu quả kinh tế các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng.
  • Đề xuất được giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và thúc đẩy quản lý rừng bền vững.
  • Nâng cấp phần mềm và xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý, giám sát chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng hợp pháp..

Nội dung nghiên cứu:

  • Nội dung 1: Đánh giá và phân tích thực trạng và đặc điểm của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng.
  • Nội dung 2: Phân tích hiệu quả kinh tế các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng
  • Nội dung 3: Thực trạng tuân thủ quy định về gỗ hợp pháp của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng và thúc đẩy quản lý rừng bền vững
  • Nội dung 4: Nâng cấp phần mềm và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý, giám sát chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng hợp pháp.
  • Nội dung 5: Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và thúc đẩy quản lý rừng bền vững

TÓM TẮT NHỮNG KẾT QUẢ CỦA ĐỀ TÀI:

1- Đề tài đã đánh giá, phân tích thực trạng và đặc điểm 7 chuỗi giá trị gỗ rừng trồng bao gồm: Chuỗi giá trị Dăm, viên nén, ván MDF, ván bóc, ván ghép thanh, đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoại thất. Từ đặc điểm sản phẩm mỗi chuỗi giá trị, đề tài phân nhóm các chuỗi giá trị để phân tích và so sánh, bao gồm: chuỗi giá trị Nhóm 1 là các chuỗi có chứng chỉ rừng, có hiệu quả kinh tế cao và Nhóm 2 là các chuỗi không có chứng chỉ rừng, chuỗi có hiệu quả kinh tế thấp.

2- Hiệu quả kinh tế các chuỗi giá trị được đánh giá thông qua chỉ tiêu Lợi nhuận ròng (NPr). Kết quả phân tích tại các khâu và tổng thể chuỗi khi sử dụng 1 tấn gỗ nguyên liệu cho sản xuất dăm, viên nén, ván MDF và 1m3 gỗ có đường kính tối thiểu từ 10cm cho sản xuất ván bóc, ván ghép thanh, đồ gỗ nội thất và đồ gỗ ngoại thất cho thấy, các chuỗi giá trị nhóm 1 có hiệu quả kinh tế hơn chuỗi giá trị nhóm 2, cụ thể như sau:

– Chuỗi giá trị dăm: có NPr tổng chuỗi Nhóm 1 đạt 295 nghìn đồng, khả năng sinh lợi nhuận với 1 đồng doanh thu sẽ mang lại 0,1 đồng lợi nhuận. Đối với Nhóm 2 có NPr toàn chuỗi đạt 192 nghìn đồng.

– Chuỗi giá trị viên nén: NPr tổng chuỗi Nhóm 1 đạt 393 nghìn đồng, 1 đồng doanh thu sẽ mang lại 0,12 đồng lợi nhuận. Nhóm 2 với NPr toàn chuỗi đạt 271 nghìn đồng, 1 đồng doanh thu sẽ mang lại 0,09 đồng lợi nhuận.

– Chuỗi giá trị ván MDF: NPr tổng chuỗi là 336 nghìn đồng, 1 đồng doanh thu sẽ mang lại 0,1 đồng lợi nhuận.

– Chuỗi giá trị ván bóc: NPr tổng chuỗi Nhóm 1 đạt 376 nghìn đồng, 1 đồng doanh thu sẽ mang lại 0,08 đồng lợi nhuận. Nhóm 2 với NPr toàn chuỗi đạt 257 nghìn đồng, 1 đồng doanh thu sẽ mang lại 0,06 đồng lợi nhuận.

– Chuỗi giá trị ván ghép thanh: NPr tổng chuỗi sản xuất từ gỗ Keo đạt 410 nghìn đồng. Nhóm chuỗi giá trị sản xuất từ gỗ Thông có NPr đạt 437 nghìn đồng. 1 đồng doanh thu sẽ mang lại từ 0,09 đồng đến 0,11 đồng lợi nhuận.

– Chuỗi giá trị đồ gỗ nội thất: NPr tổng chuỗi Nhóm 1 đạt 1.191 nghìn đồng. Nhóm 2 với NPr toàn chuỗi đạt 878 nghìn đồng. 1 đồng doanh thu sẽ mang lại từ 0,09 đồng đến 0,11 đồng lợi nhuận.

– Chuỗi giá trị đồ gỗ ngoại thất: Nhóm 1 đạt 1,474 nghìn đồng. Nhóm 2 với NPr tổng chuỗi đạt 940 nghìn đồng. 1 đồng doanh thu sẽ mang lại từ 0,1 đồng đến 0,13 đồng lợi nhuận.

3- Các chuỗi giá trị đều gặp khó khăn trong quản lý chuỗi cung và truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng đối với gỗ từ rừng của hộ gia đình. Trong khi đó, gỗ của các tổ chức trồng rừng có đầy đủ hồ chứng minh nguồn gốc, thuận lợi trong chế biến và thương mại. Các chuỗi giá trị sản phẩm có chứng chỉ rừng và chuỗi sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tốt các quy định về gỗ hợp pháp và khả năng truy xuất nguồn gốc gỗ.

4- Đề tài đã nâng cấp hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng hợp pháp (Hệ thống iTwood), tổ chức được 15 lớp tập huấn cho 541 học viên tham gia đại diện cho cơ quan kiểm lâm ở địa phương, đại diện các UBND xã, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị bao gồm: tổ chức trồng rừng, hộ gia đình chủ rừng, cơ sở khai thác và chế biến gỗ. Đề tài đã xây dựng 4 mô hình thí điểm ứng dụng hệ thống iTwood tại 4 vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Kết quả đạt được của 4 mô hình bao gồm: đăng ký được 7.530,8 ha rừng trồng, với sự tham gia của 2.040 hộ gia đình đăng ký trực tiếp, 1.005 hộ gia đình tham gia theo hình thức “ủy quyền”, 226 cơ sở khai thác vận chuyển gỗ và 107 cơ sở chế biến gỗ đăng ký tham gia để tạo lập chuỗi giá trị trên phạm vi hoạt động của 19 tài khoản được phân cấp quản lý (số tỉnh, huyện và xã).

5- Trên cơ sở phân tích thực trạng, đánh giá những thuận lợi khó khăn từng chuỗi giá trị và kết quả ứng dụng mô hình thí điểm, đề tài đề xuất được các nhóm giải pháp phát triển chung cho 7 chuỗi giá trị và nhóm giải pháp riêng cho sự phát triển của từng chuỗi. Trong đó, tập trung giải pháp về số hóa cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng hợp pháp (ứng dụng hệ thống iTwood trong các chuỗi giá trị).

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]