Thực hiện Quyết định số 197/QĐ/KHLN-KH ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Giám đốc Viện về việc Thành lập hội đồng Khoa học Công nghệ nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia thuộc Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài: Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để bảo quản di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang. Mã số: ĐTĐL-G03/2014; Chủ nhiệm: PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc;
Đơn vị thực hiện: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
Mục tiêu chung của Đề tài:
Xây dựng mô hình bảo quản di sản Mộc bản kết hợp giữa phương pháp bảo quản truyền thống và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại để giữ gìn lâu dài di sản quý giá tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà.
Mục tiêu cụ thể của Đề tài:
– Đánh giá được hiện trạng về vật liệu và chất lượng bảo quản của Mộc bản;
– Đề xuất được giải pháp bảo quản di sản Mộc bản theo phương pháp truyền thống và ứng dụng khoa học & công nghệ hiện đại;
– Đề xuất được vị trí xây dựng, quy mô, mô hình kiến trúc, phương án thiết kế nhà lưu giữ mộc bản có hình thức truyền thống, tương ứng với giá trị chung, nổi trội của kiến trúc mỗi chùa (Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà); đảm bảo được yêu cầu bảo quản, bảo vệ di sản Mộc bản, đồng thời phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu khách tham quan du lịch, trải nghiệm.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở xếp loại Xuất sắc.
Một số kết quả đạt được của đề tài:
Đề tài đã hoàn thành các nghiên cứu xác định hiện trạng chất lượng bảo quản mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà với các kết quả chính:
1.1. Mộc bản tại hai chùa hiện đang được lưu giữ cẩn thận, có phương án kiểm soát các yếu tố gây hại đến mộc bản. trong các nhà kho tạm, diện tích hẹp. Các nhà kho tạm có diện tích hẹp, kiến trúc và vật liệu xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu tạo môi trường tiểu khí hậu phù hợp để bảo quản mộc bản;
1.2. Hiện trạng ngoại quan của mộc bản được đánh giá như sau:
– Về kích thước: Mộc bản tại hai chùa phần lớn có chiều dài từ 330 mm đến 360mm, chiều rộng từ 170 mm đến 210mm, chiều dày từ 18 mm đến 24mm. Tuy nhiên, kích thước phổ biến của các mộc bản ở 2 chùa không giống nhau. Còn có một số bộ kinh sách cá biệt được chế tác với thông số kích thước khác hẳn với kích thước phổ biến.
– Mộc bản có nhiều khuyết tật như cong, nứt, mất chữ, nấm hại… Chỉ có khoảng 3% mộc bản giữ được trạng thái phẳng, còn lại bị cong lòng máng, cong mặt, hoặc cong theo cả hai dạng ở các mức độ khác nhau; Tỷ lệ mộc bản bị nứt chiếm tới 80,1%; Có 49,2% bị mất chữ hoặc hư hại phần chữ khắc ở mức độ có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của việc in ấn bằng mộc bản.
– Nấm mốc là đối tượng sinh vật gây hại phổ biến nhất trên mộc bản. Chỉ có 8,2% số mộc bản hoàn toàn không phát hiện thấy nấm mốc trên bề mặt. Đáng chú ý, gần như tất cả các mẫu mộc bản của chùa Bổ Đà đều phát hiện thấy nấm mốc. Số lượng mộc bản bị mối mọt gây hại ít, chỉ có khoảng 4% số mộc bản có vết mối, mọt xâm hại.
1.3. Đã xác định được thành phần loài nấm gây hại trên mộc bản
– Tại chùa Vĩnh Nghiêm: đã thu thập được 95 chủng nấm. Kết quả định loại đã xác định được 17 loài nấm, phổ biến nhất là loài Aspergillus versicolor và loài Paracremonium contagium với tỷ lệ bắt gặp là 12,6%; tiếp theo là loài Aspergillus flavipes và Penicillium sp. với tỷ lệ bắt gặp là 11,6%; tiếp đến là Cladosporium tenuissimum 10,5% và Syncephalastrum racemosum 9,5%.
– Tại chùa Bổ Đà: đã thu thập được 107 chủng nấm. Kết quả định loại đã xác định được 24 loài nấm, phổ biến nhất là loài Aspergillus versicolor và loài Aspergillus flavipes với tỷ lệ bắt gặp là 14,95%; tiếp theo là loài Leptosphaeria maculans với tỷ lệ bắt gặp là 13,08%; Paracremonium contagium 6,54%; Ceriporia lacerata và Aspergillus sp. đều là 5,61%.
– Các loài nấm mốc hại mộc bản thuộc 3 ngành nấm: ZYGOMYCOTA, ASCOMYCOTA và DEUTEROMYCOTA. Các loài nấm mốc hại Mộc bản ở chủ yếu thuộc ngành nấm bất toàn (DEUTEROMYCOTA), trong đó chi Aspergillus là phổ biến nhất với 4 loài gây hại ở chùa Vĩnh nghiêm và 6 loài gây hại ở chùa Bổ Đà.
2. Các thông số cơ bản của chất liệu gỗ làm mộc bản của chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà đã được xác định:
2.1. Gỗ làm mộc bản tại hai chùa đều là gỗ Thị Diospyros decandra Lour. thuộc chi thực vật Thị (Diospyros), họ thực vật Thị (Ebenaceae).
2.2. Gỗ Thị có khối lượng riêng cao, thớ gỗ mịn, các tính chất vật lý và cơ học ở mức trung bình đến cao phù hợp để sử dụng làm Mộc bản và đồ gỗ mỹ nghệ. Gỗ Thị có hệ số co rút thể tích trung bình, điểm bão hòa thớ gỗ thấp, tỷ lệ giãn nở và co rút gỗ theo chiều tiếp tuyến so với chiều xuyên tâm cao nên gỗ dễ bị nứt trong quá trình gia công và sử dụng.
2.3. Gỗ Thị được xác định có độ bền tự nhiên trung bình và ở mức tiệm cận gần với ngưỡng có độ bền tốt với nấm mục, côn trùng, song gỗ Thị lại có độ bền tự nhiên kém với nấm mốc.
3. Đã nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo quản kết hợp truyền thống với hiện đại để giữ gin phát huy giá trị mộc bản
3.1. Đã tổng hợp thông tin về các giải pháp bảo quản mộc bản truyền thống và hiện đại có thể áp dụng để bảo quản mộc bản chùa Vình Nghiêm và chùa Bổ Đà. Đề xuất được tiêu chí bảo quản mộc bản trên quan điểm mộc bản chùa Vĩnh nghiêm và cùa Bổ Đà là di sản Quốc gia.
3.2. Gỗ xẻ gỗ Thị (vật liệu gỗ để chế tác mộc bản) có độ ẩm thằng bằng trong điều kiện phòng (nhiệt độ 250C, ẩm độ tương đối 65%) khi đặt trong môi trường ẩm độ tương đối 55%, 75%, 95%, gỗ đều co rút, giãn nở dẫn đến hiện tượng gỗ bị cong, nứt. Đề tài đã đề xuất thông số môi trường lưu giữ mộc bản phù hợp gồm : Nhiệt độ: 20 – 25oC; Ẩm độ tương đối: 60- 70%; Độ chiếu sáng không vượt quá 50 lux; hạn chế tối đa sự bức xạ tia cực tím; không khí sạch được lưu thông.
3.2. Đã khảo nghiệm hiệu lực phòng chống sinh vật gây hại gỗ Thị khi xử lý bảo quản bằng một số giải pháp truyền thống (luộc gỗ, ngâm gỗ trong nước vôi) và bảo quản bằng 05 loại thuốc dạng khí, dạng lỏng. Chỉ có thuốc bảo quản Antiblue và LN5 có hiệu lực tốt chống nấm mốc gây hại (đối tượng sinh vật gây hại chính cho mộc bản hiện nay), còn lại chỉ đạt mức kém đến trung bình.
3.3. Giải pháp quản lý tổng hợp sinh vật hại mộc bản IPM cho cả hai chùa được đề xuất kết hợp với giải pháp về kiến trúc về nhà kho lưu giữ mộc bản để tạo được môi trường phù hợp hạn chế sự phát triển của sinh vật hại đồng thời kiểm soát chủ động các yếu tố sinh vật và phi sinh vật gây hại tới mộc bản.
4. Đã nghiên cứu cơ sở khoa học cho phương án xây dựng kho bảo quản mộc bản tại chỗ của chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà
4.1. Hai nhà kho chủ yếu lưu giữ mộc bản tại hai chùa hiện nay chưa đảm bảo tạo được môi trường tiểu khí hậu cho bảo quản mộc bản, đồng thời chưa có không gia trưng bày phục vụ nghiên cứu, tham quan, du lịch trải nghiệm.
4.2. Tổng hợp cơ sở về kiến trúc, vật liệu xây dựng chùa Việt Nam và những yêu cầu về kiến trúc nhà kho bảo quản mộc bản, đề tài đã đề xuất phương án bố trí không gian lưu giữ, trưng bày, trải nghiệm với mộc bản phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi chùa.
4.3. Đã đề xuất được sơ đồ bố trí vị trí xây dựng nhà kho lưu giữ mộc bản phù hợp quy hoạch chung của mỗi chùa:
– Tại chùa Vĩnh Nghiêm: thống nhất với phương án hiện nay nhà chùa đang xây dựng kho, tại
– Tại chùa Bổ Đà: vị trí phía trước nhà Tam bảo, bên tả và sau Tam quan kiêm gác chuông; dự kiến sẽ xây dựng trên trục chính, trước Tam bảo. Hướng công trình cùng hướng Tam bảo và Tam quan.
4.4. Mô hình kiến trúc nhà kho bảo quản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có phương án thiết kế hình chữ “CÔNG”, gồm 3 tòa:
+ Tòa ngoài một tầng mái, tường hai đầu thu hồi bít đốc là kiểu kiến trúc truyền thống. Kết cấu nhà vì tam giác, kẻ ngồi và bẩy, cột 4 hàng chân, 2 cột trốn. Nền nhà lát gạch. Chức năng của tòa ngoài là để trưng bày và trải nghiệm giá trị vật thể và phi vật thể của Mộc bản. Hành lang trước và sau để tạo bóng râm trên vách và nền nhà;
+ Tòa giữa, kết nối giữa tòa ngoài và trong, không gian trống – nơi thư giãn và giao thông. Kiến trúc 1 tầng mái, bốn mái, bốn đao;
+ Tòa trong – chức năng nhà kho để lưu giữ Mộc bản và in ấn của nhà chùa. Kiến trúc gồm 3 gian hai chái, hai tầng mái, tám mái, tám đao, cổ diềm bao quanh; thiết kế hành lang có mái che xung quanh. Nền hành lang lát gạch, nền nhà kho bằng đất sét trộn đất mối xông, vôi, gạch vỡ nhỏ; Tường, dưới xây gạch dày, trên tường đất nện. Trong nhà kho, bố trí kệ gỗ chứa mộc bản xung quanh tường, ở giữa là không gian in ấn của nhà chùa.
4.5. Mô hình kiến trúc nhà kho bảo quản mộc bản chùa Bổ Đà có phương án thiết kế hình chữ hình chữ NHỊ, gồm:
+ Tòa tiền là không gian trưng bày và trải nghiệm với không gian nửa kín nửa hở, có thiết kế kiến trúc một tầng mái, tạo khu vực chuyển tiếp giữa trong nhà và ngoài sân để du khách có thể sử dụng thêm không gian sân chùa.
+ Tòa hậu là nhà kho bảo quản mộc bản với chức năng lưu giữ mộc bản nguyên gốc và không gian nghiên cứu, in ấn của nhà chùa; có thiết kế kiến trúc 2 tầng mái truyền thống. Khu vực cổ diêm sẽ là nơi thông gió theo chiều đứng, thiết kế hành lang xung quanh; Nền nhà kho bằng đất sét trộng đất mối xông, vôi, gạch vỡ nhỏ, tường, dưới xây gạch dày, trên tường đất nện.
5. Đã đề xuất được phương án thiết kế và thi công nhà kho lưu giữ mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà
5.1. Đã đề xuất các kiến nghị thay đổi thiết kế và vật liệu xây dựng của phương án xây nhà kho hiện nay chùa Vĩnh Nghiêm đang tiến hành xây dựng để tạo môi trường phù hợp hơn với mục đích sử dụng bảo quản mộc bản.
5.2. Nhà kho lưu giữ mộc Chùa Bổ Đà có tổng diện tích xây dựng để đảm bảo công năng bảo quản, trưng bày, trải nghiệm là 322m2. Trong đó, phòng kho lưu giữ và in ấn có diện tích là 87,5m2. Nhà trưng bày, trải nghiệm có diện tích là 117,5m2. Hai nhà được nối nhau bằng ống muống, có dãy hành lang giúp đi lại dễ dàng và đảm bảo sự an toàn cho các mộc bản.
6. Đề tài đã tổ chức 02 lớp tập huấn, giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật bảo quản tại hai chùa.
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Các tin khác
- Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm lại Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Tổ chức Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS Lại Thanh Hải
- Tổ chức Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp cơ sở cho NCS Đỗ Hữu Sơn
- Thông báo kết quả trúng tuyển viên chức năm 2017
- Vafs đào tạo cán bộ trình độ cao - Báo Nông nghiệp Việt Nam