Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ
Thông là loài cây có tác dụng cải tạo đất đai, khí hậu, cung cấp gỗ và nhựa có giá trị kinh tế cao. Thông có khả năng mọc được trên những vùng đất khô cằn, trơ sỏi đá mà các loài cây khác không thể mọc được. Chính vì vậy mà thông được chọn là một trong những loài cây trồng chủ yếu trên đất trống đồi núi trọc ở nước ta từ nhiều năm nay. Trong tương lai cây thông vẫn giữ được vai trò chủ đạo phủ xanh những vùng đồi núi trọc.
Trên địa bàn Trung tâm Khoa học Sản xuất Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ, các loài thông đã được trồng khảo nghiệm loài và xuất xứ là:
* Thông bản địa: Thông nhựa (Pinus merkusii), thông đuôi ngựa (Pinus massoniana), thông ba lá (Pinus kesiya)
*Thông nhập nội: Thông P. oocarpa, thông P. elliotti, thông P.caribaea
Riêng thông caribaea đã có khảo nghiệm và trồng các chủng sau:
–Pinus caribaea var caribaea Cuba
-Pinus caribaea var bahamensis
-Pinus caribaea var hondurensis guatema
Hơn chục năm nay, các rừng trồng khảo nghiệm xuất xứ vẫn được bảo tồn, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Riêng chủng hondurensis đã được trồng trên diện rộng: năm 1986 trồng 27 ha, năm 1987 trồng 15 ha, năm 1993 trồng 50 ha,… Thông trồng năm 1986-1987 tới nay đã được 13-14 năm và đã được tỉa thưa lần 1 vào năm 1997, mật độ hiện còn xấp xỉ 700 cây/ha.
Từ năm 1998 trở về trước, nhìn chung các rừng thông caribaea trồng năm 1979, 1986, 1987 đã lác đác ra hoa và quả, hầu hết tập trung vào những cây ở bìa rừng hoặc ở rìa những khoảng trống trong rừng. Tuy nhiên, thông có quả nhưng quả lại không có hạt hoặc có nhưng hạt lép. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì thông caribaea trồng từ vĩ tuyến 17 trở ra sẽ bất thụ.
Năm 1999 hiện tượng ra hoa, đậu quả khá đặc sắc trên toàn rừng trồng năm 1986-1987. Qua các ô điều tra tỷ lệ ra quả chiếm 51,38%, số quả bình quân là 9 quả/cây. Những cây ở bìa rừng, cạnh các khoảng trống trong rừng hoặc ở những nơi có mật độ thưa (400-500 cây/ha) thì tỷ lệ đậu quả khá cao, có cây đạt tới 300 quả/cây, cá biệt có cây cho tới 0,5 kg hạt chắc. Về chất lượng hạt, qua kiểm tra cho thấy: tỷ lệ nảy mầm đạt 80,5%, mầm lên khoẻ, đẹp. Những quan sát gần đây nhất cho thấy năm 2000 thông caribaea lại đã bắt đầu ra hoa với nhiều hứa hẹn. Đây là những dấu hiệu rất đáng mừng cho triển vọng phát triển loài cây này ở nước ta vì hiện tại nguồn giống của loài thồng này rất hiếm, giá thành rất cao mà chất lượng đôi khi không đảm bảo. Như vậy, nếu 40 ha rừng thông caribaea trồng tại Đại Lải được đầu tư chuyển hoá thành rừng giống thì có thể cung cấp giống cho công tác trồng rừng ở nước ta trong những năm tới, đặc biệt là ở những nơi đồi núi trọc.
Hiện nay, Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ vẫn đang tiếp tục theo dõi, thu thập số liệu về ra hoa kết quả của thông caribê và kiểm tra chất lượng hạt để có những kết luận cuối cùng. Bên cạnh đó, Trung tâm dự kiến sẽ cho trồng thử nghiệm một số diện tích rừng thông caribaea bằng nguồn hạt giống đã thu được tại Trung tâm, đồng thời tiến hành tỉa thưa, nuôi dưỡng những khu rừng có triển vọng chuyển hoá thành rừng cung cấp giống./.
***********************************************
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- hội thảo về bảo vệ và phát triển rừng ngập ven biển nam bộ
- Một số nét khái quát về chính sách giao đất, giao rừng và việc tổ chức thực hiện ở Việt Nam
- Thực trạng thị trường lâm sản Việt Nam hiện nay và các giải pháp chủ yếu nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ lâm sản
- Nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất sản xuất dăm công nghiệp của máy băm dăm MB 930.B
- Xây dựng đồ thị động lực học của máy kéo - Th.s Nguyễn Can