Nguyễn Ngọc Quang
Phòng Nghiên cứu KTLN – Viện KHLNVN
1. Một vài khái niệm và quan điểm chung về đa dạng hoá sản xuất trong kinh tế nông thôn
ở nước ta, “đa dạng hoá sản xuất” là cụm từ còn tương đối mới mẻ. Để đưa ra một khái niệm chính xác và cụ thể vẫn còn rất nhiều bàn luận. Đỗ Kim Chung đã đưa ra khái niệm và quan điểm chung về đa dạng hoá như sau:
“Đa dạng hoá kinh tế nông thôn là sản xuất ra nhiều loại sản phẩm hàng hoá với tỷ suất hàng hoá cao, tận dụng triết để các lợi thế so sánh của các hộ, các vùng, trước hết là nguồn lực đất đai, lao động và các điều kiện tự nhiên ưu đãi để đáp ứng yêu cầu tại chỗ và góp phần tham gia vào các quá trình phân công và hợp tác kinh tế trong nội bộ hộ gia đình nông dân cũng như trong phạm vi rộng”
Đồng thời ông cũng đưa ra công thức tính đa dạng hoá có dạng:
Trong đó:
DI: Chỉ số đa dạng hoá (lần)
Yi: Giá trị sản lượng hay sản phẩm hàng hoá của ngành sản xuất thứ i (i = 1 – n)
Theo Đào Thế Tuấn thì đa dạng hoá sản xuất trong kinh tế nông thôn là sự phát triển đa dạng các cây, con cũng như mở rộng các ngành nghề dựa trên điều kiện của hộ gia đình sao cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và đạt hiệu quả cao. Theo ông thì đa dạng hoá sản xuất và doanh thu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ này được xác định bằng một chỉ số gọi là chỉ số đa dạng hoá có dạng
:
Trong đó:
D: Chỉ số đa dạng hoá (lần)
Xij: Giá trị sản xuất của ngành thứ j ở hộ thứ i (i=”1…n,” j=”1…n)
XJ : Giá trị bình quân các ngành của các hộ
Theo chỉ số này thì hộ nào có nhiều ngành sản xuất, có doanh thu của các ngành ấy cao sẽ có chỉ số đa dạng hoá cao
Pradumna B. Rana (Indonesia) – khi tổng kết kinh nghiệm về phát triển kinh tế nông thôn ở một số nước Đông á và Đông Namá đã cho rằng để đa dạng hoá kinh tế nông thôn thành công ở một vùng hoặc một nước thì nhất thiết phải :
Giảm nhanh tỷ trọng sản phẩm và lao động trong khu vực nông nghiệp so với tổng sản phẩm lao động và xã hội.
Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá sản xuất các loại sản phẩm nông lâm thuỷ sản.
Phát triển mạnh công nghiệp nông thôn với nhiều hình thức đa dạng.
Mở rộng hệ thống dịch vụ ở nông thôn.
Gắn phương thức sản xuất truyền thống với phương thức sản xuất hiện đại, đa dạng hoá theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đa dạng hoá kinh tế nông thôn gắn liền với bảo vệ môi trường.
ở nước ta trong nhiều năm gần đây, kinh tế nông thôn đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng: tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp giảm dần, tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng lên. Gắn liền với sự chuyển dịch cơ cấu đó là việc phát triển mạnh sản xuất hàng hóa, các sản phẩm ngày càng đa dạng và phong phú về chất lượng và chủng loại.
Theo Nguyễn Trung Quế – Viện Kinh tế nông nghiệp, thì “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn là việc thay đổi tỷ lệ các ngành sản xuất vật chất và dịch vụ trong kinh tế nông thôn bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ sản xuất và dịch vụ đời sống dựa trên thế mạnh của từng vùng để khai thác triệt để các nguồn tài nguyên sẵn có”.
Từ đây có thể kết luận, ở nước ta đa dạng hoá kinh tế nông thôn thường gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Khi nghiên cứu về đa dạng hoá, dựa trên quan điểm của các tác giả trên, chúng tôi cho rằng đa dạng hoá kinh tế nông thôn ngoài việc sản xuất ra nhiều loại sản phẩm hàng hoá với tỷ suất hàng hoá lớn, tận dụng triệt để lợi thế so sánh… nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, đa dạng hoá kinh tế nông thôn còn làm phân tán các rủi ro trong sản xuất có thể xảy ra. Không giống như các ngành sản xuất khác, sản xuất nông nghiệp-nông thôn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhất là điều kiện tự nhiên nên có tính rủi ro cao.
Để hiểu rõ thêm về bản chất của đa dạng hoá kinh tế nông thôn chúng tôi tiến hành làm rõ mối quan hệ giữa đa dạng hoá với một số hình thức sản xuất khác như: tập trung hoá, chuyên môn hoá, phân tán hoá.
2. Mối quan hệ giữa đa dạng hoá, tập trung hoá, chuyên môn hoá và phân tán hoá
Đến đây, một câu hỏi đặt ra là tại sao trong vài năm gần đây, nhất là từ sau Nghị quyết 5 Đại hội VII (6-1993), chúng ta lại nhắc nhiều đến đa dạng hoá kinh tế nông thôn, trong khi đó ở một số nước tiên tiến trên thế giới khi nông nghiệp, nông thôn đi vào thâm canh thì việc chuyên môn hoá sản xuất lại được đẩy mạnh. Để trả lời câu hỏi này, trước hết phải nhìn nhận nó trong điều kiện lịch sử nhất định. Đối với Việt Nam, nông nghiệp – nông thôn nước ta thực chất mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển kinh tế hàng hoá, khi mà khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến chưa cao thì việc đa dạng hoá vẫn là một xu thế cần cho sản xuất .
Vậy thì đa dạng hoá kinh tế nông thôn có quan hệ gì với chuyên môn hoá, tập trung hoá? Đa dạng hoá kinh tế nông thôn có phải là phân tán hoá sản xuất ? Giữa chúng, liệu có sự thống nhất hay mâu thuẫn?
1. “Tập trung hoá” là quá trình đầu tư thêm tư liệu sản xuất và lao động nhằm mục tiêu mở rộng quy mô tăng năng lực sản xuất và đạt hiệu quả cao hơn.
Từ khái niệm trên ta có thể thấy: tái sản xuất càng được thực hiện mạnh mẽ bao nhiêu thì quá trình tập trung hoá sản xuất càng diễn ra nhanh chóng bấy nhiêu. Trong nông nghiệp nông thôn, tập trung hoá cũng là một xu thế tất yếu, nó ra đời là do đòi hỏi của phân công và hợp tác lao động xã hội.
Nhờ tập trung hoá mà quy mô, năng lực sản xuất của mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh được lớn lên nhanh chóng, làm sản xuất phát triển mạnh hơn, hiệu quả đạt được cao hơn. Tuy nhiên, do đặc điểm riêng của sản xuất nông nghiệp nông thôn mà có khi quy mô tập trung hoá lớn nhưng kết quả sản xuất chưa chắc đã cao. Vì vậy khi tập trung hoá, để lựa chọn quy mô hợp lý có hiệu quả cần phải căn cứ vào các yếu tố:
– Trình độ phát triển của cơ sở vật chất kỹ thuật. Nếu cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, các tổ chức kinh tế nông nghiệp-nông thôn có thể đưa quy mô diện tích lớn mà vẫn có hiệu quả.
– Loại cây, con lựa chọn để sản xuất. Nếu là cây con không đòi hỏi trình độ thâm canh cao, thì quy mô lớn có thể có hiệu quả. Song những loại cây, con đòi hỏi trình độ thâm canh cao, chăm sóc tỷ mỉ… thì quy mô diện tích lớn chưa hẳn đã có lợi.
– Điều kiện tự nhiên cụ thể của từng xí nghiệp, nhất là điều kiện địa hình, đất đai thời tiết khí hậu
– Trình độ và năng lực tổ chức, quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo đơn vị sản xuất.
2. “Chuyên môn hoá” là quá trình tập trung các điều kiện sản xuất của mỗi vùng, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh để sản xuất ra một loại hay vài loại sản phẩm hàng hoá chủ yếu phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của mỗi vùng, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh.
Chuyên môn hoá tạo điều kiện sử dụng đầy đủ, hợp lý nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nông nghiệp để phát triển sản xuất, trên cơ sở đó từng bước thoả mãn nhu cầu của xã hội về các sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp.
Bố trí chuyên môn hoá trong nông thôn đúng đắn, một mặt cho phép thực hiện phân công lao động giữa các vùng trong nước, cũng như giữa các ngành trong nông thôn, tạo điều kiện sử dụng hợp lý nguồn lao động sẵn có, khai thác tốt những kinh nghiệm quý báu của từng vùng để phục vụ cho sản xuất, mặt khác cũng giúp từng bước đào tạo cho nông nghiệp một đội ngũ lao động lành nghề trên từng lĩnh vực sản xuất. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để nâng cao dần năng suất lao động trong nông nghiệp.
Bố trí chuyên môn hoá sản xuất còn giúp các vùng, các đơn vị sản xuất sử dụng đầy đủ hơn, có hiệu quả hơn vốn liếng cũng như các loại tư liệu sản xuất khác để phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho các cơ sở và cho người lao động ở nông thôn.
Chuyên môn hoá góp phần đẩy nhanh qúa trình sản xuất hàng hoá trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, nhờ đó tăng được khả năng phân công và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ các loại sản phẩm này.
3. “Phân tán hoá” được quan niệm là việc chia nhỏ các tư liệu sản xuất, nguồn vốn và lao động nhằm mục tiêu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của đơn vị sản xuất, sản phẩm không mang tính hàng hoá, hiệu quả mang lại không cao
Trong nền kinh tế quan liêu bao cấp trước đây, sản xuất mang tính tự cung tự cấp cao, các sản phẩm sản xuất ra chỉ phục vụ cho nhu cầu tại chỗ, “thị trường” đối với người dân là một cụm từ hoàn toàn xa lạ. Tư tưởng tự cấp tự túc theo người nông dân cho đến tận ngày nay. Sản xuất mang tính chất “manh mún” với nhiều loại sản phẩm nhưng không mang tính hàng hoá. Đây chính là bản chất cố hữu của tiểu nông vì vậy việc thay đổi tư tưởng của họ là rất khó đòi hỏi phải dần dần.
*Từ đây ta đi đến một số kết luận sau:
– Chuyên môn hoá và tập trung hoá sản xuất trong nông nghiệp nông thôn là một tất yếu khách quan do yêu cầu của sự phân công lao động xã hội. Tuy nhiên, tập trung hoá, chuyên môn hoá trong nông nghiệp-nông thôn không thể tiến hành cao độ như trong công nghiệp được mà phải có sự kết hợp hài hoà với đa dạng hoá. Sở dĩ như vậy vì:
+ Trong nông nghiệp đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế. Giữa các vùng do điều kiện tự nhiên khác nhau nên các loại đất, cơ cấu của đất và chất lượng của nó cũng khác nhau. Dẫn đến các loại cây trồng và vật nuôi ở các vùng khác nhau là khác nhau. Thậm chí ngay trong một vùng, một cơ sở sản xuất kinh doanh cũng có nhiều loại đất khác nhau, chất lượng của cùng một loại đất cũng khác nhau, do vậy mà không thể chuyên trồng 1 loại cây nào đó mà phải có sự đa dạng sao cho phù hợp với chất lượng đất và điều kiện của vùng.
+ Sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ cao, do đó chỉ có thực hiện chuyên môn hoá, tập trung hoá kết hợp với phát triển đa dạng mới giảm được tính thời vụ trong việc sử dụng lao động, vật tư tiền vốn và làm cho sản xuất đạt hiệu quả cao.
+ Nông nghiệp là ngành sản xuất ra lương thực và thực phẩm. Nên nhu cầu tiêu thụ nội bộ của các cơ sở sản xuất đối với các sản phẩm do bản thân mình sản xuất ra bao giờ cũng lớn. Do đó việc tận dụng đất đai, lao động, vật tư, tiền vốn để sản xuất và tự trang trải một phần các nhu cầu này sẽ góp phần tiết kiệm rất lớn chi phí vận chuyển cho toàn xã hội.
+ Các ngành sản xuất trong nông thôn có mối quan hệ hết sức hữu cơ với nhau. Trồng trọt cung cấp thức ăn cho chăn nuôi, chăn nuôi cung cấp sức kéo, phân bón cho trồng trọt. Các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi cung cấp cho công nghiệp chế biến, hoặc được tiêu thụ thông qua hệ thống dịch vụ, đồng thời cũng thông qua hệ thống dịch vụ này mà các sản phẩm vật tư, phân bón lại được cung cấp cho các ngành tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp, tạo nên một chu kỳ khép kín… Bởi vậy, chỉ có kết hợp với đa dạng hoá sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
+ Trong kinh tế nông thôn, các ngành sản xuất chịu rủi ro rất cao. Việc tập trung hoá, chuyên môn hoá nếu gặp rủi ro sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập cho một cơ sở sản xuất hay một vùng. Chính đa dạng hoá làm phân tán rủi ro, từ đó hạn chế những mất mát trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn.
Từ đó ta thấy, đa dạng hoá kinh tế nông thôn không những không có gì mâu thuẫn mà còn thể hiện sự thống nhất ngay cả trong lý luận với chuyên môn hoá và tập trung hoá. Cả 3 loại hình này cùng tồn tại và phát triển song song và có thể bổ trợ cho nhau dựa trên sự bố trí sản xuất hợp lý.
– Sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa đa dạng hoá và phân tán hoá nếu không hiểu rõ được bản chất của chúng. Đa dạng hoá là sản xuất ra nhiều loại sản phẩm với tỷ suất hàng hoá cao, tận dụng triệt để lợi thế so sánh cũng như các nguồn lực của đơn vị sản xuất nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Còn phân tán hoá là sản xuất mang tính chất “manh mún”, sản phẩm có thể sản xuất ra nhiều nhưng không mang tính chất hàng hoá, chỉ mang tính tự cấp tự túc, do đó mà hiệu quả mang lại không cao.
ở đây sự khác nhau cơ bản giữa đa dạng hoá và phân tán hoá là mục đích cuối cùng:
+ Sản phẩm của đa dạng hoá mang tính chất hàng hoá nên đòi hỏi số lượng lớn, chất lượng tốt, chủng loại phong phú.
+ Sản phẩm của phân tán hoá đơn thuần chỉ phục vụ nhu cầu cho đơn vị sản xuất nên chắc chắn sản phẩm sẽ không có chất lượng như đa dạng hóa
Như vậy ta thấy, giữa đa dạng hoá và phân tán hoá tuy có sự giống nhau về hình thức nhưng lại hoàn toàn khác nhau về kết quả và hiệu quả mang lại.
Từ thực tiễn nước ta, có thể khẳng định rằng nền kinh tế nông thôn trước mắt cũng như lâu dài vẫn chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế của quốc gia. Việc phát triển mạnh mẽ đa dạng kinh tế nông thôn vừa là biện pháp có tính quy luật vừa xuất phát từ điều kiện tự nhiên cụ thể của từng địa phương, từng vùng sinh thái khác nhau để thúc đẩy quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Tài liệu tham khảo
1. Đào Thế Tuấn – Kinh tế hộ nông dân – NXB Nông nghiệp-1994.
2. Đỗ Kim Chung- Vấn đề đa dạng hoá kinh tế nông thôn-Bài trình bày tại khoa kinh tế-Trường ĐHNNI -Tháng 5-1996).
3. Nguyễn Trung Quế – Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vùng Đồng bằng Sông Hồng- NXBNN 1994.
4. Econometrics – Fulbrigh program – Ho Chi Minh National Ecomomic University-1999.
5. Kế hoạch tổng thể nghiên cứu nông nghiệp (Phần lâm nghiệp) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – 2000.
Summary
Diversified production in development of the rural economy in Vietnam
In our country, the concept ” Diversified production” is still relatively new. To have an accurate and concrete concept, much discussion is still needed. In a subjective view some researches have advanced their own concept and point of view on ” Diversified production”.
In recent years, especially after the dissemination of the Resolution 5 of the III Party’s Congress we frequently mention the diversification of the rural economy. Then is there any contradiction between “diversification” and “centralization”, ” Specialization” and does diversification mean ” diffusion” ?
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Một số giải pháp LNXH nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ củi
- một số Giải pháp về cơ chế chính sách ván nhân tạo và đặc sản rừng
- Các loài tre với dự án trồng mới 5 triệu ha rừng
- Bước đầu nghiên cứu về bệnh héo thông ba lá do tuyến trùng ở tỉnh Lâm Đồng
- Kết quả điều tra sinh thái - Di truyền bốn loài cây họ dầu trên vùng cát ven biển