Nguyễn Tử Ưởng
Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Nước ta có khoảng 150 loài tre (cây tre là tên gọi chung cho các loài thuộc họ phụ tre- Bambusoidac), phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam, từ ven biển đến đồng bằng và trên núi cao.
Theo “Kết quả kiểm kê rừng tự nhiên” 1993, trong tổng số 5.168.952 ha rừng tự nhiên giành cho sản xuất kinh doanh có 896.391 ha rừng tre- chiếm 17% (tre thuần loại là 580.120 ha, tre hỗn giao với gỗ là 316.271 ha) với trữ lượng 3.908.066.000 cây
Theo “Số liệu tài nguyên rừng năm 1990”, trong tổng số 744.900 ha rừng trồng đã có 43.700 ha là tre chiếm 5,9% với trữ lượng 47.100.000 cây.
Tre là loài cây có nhiều tác dụng; ở đâu người dân cũng tiếp xúc với cây tre và sử dụng các sản phẩm từ tre trong cuộc sống hàng ngày. Thân tre làm nhà và các vật dụng hàng ngày cho con người, làm nguyên liệu trong công nghiệp giấy , công nghiệp chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ và xuất khẩu. Măng tre được chế biến làm thực phẩm hàng ngày và xuất khẩu- măng tre ăn ngon lại có tác dụng làm thuốc.
Quần thể tre có tác dụng bảo vệ môi trường; trồng ven đê chắn sóng, trồng bao đồi, bao làng, làm hàng rào chống sói mòn, bảo vệ đất, chống thú rừng và gia súc để bảo vệ hoa màu. Tre thích hợp với nhiều điều kiện khí hậu và đất đai, dễ trồng và dễ dàng phát triển trong rừng thứ sinh, nhanh chóng cho sản phẩm và khai thác trong nhiều năm. Khi khai thác bất kỳ loài tre nào đều áp dụng phương thức chặt chọn nên đảm bảo được môi trường sinh thái. Tre là cây cứu đói cho người nghèo, các gia đình có trồng tre cần tiền lúc nào cũng có thể khai thác tre đem bán.
Để thực hiện nhiệm vụ của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, một số loài tre có thể thích hợp và đã có một số kết quả nghiên cứu phục vụ thiết thực cho sản xuất được kể đến là:
1. Tre trong rừng tự nhiên có thể khoanh nuôi tái sinh
Những loài tre này thường có sẵn trong rừng tự nhiên mà từ trước tới nay thường bị lạm dụng khai thác, ít được bảo vệ, chăm sóc. Nếu trong “1 triệu ha cho khoanh nuôi tái sinh, kết hợp trồng bổ sung thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, phục hồi sinh thái rừng đặc dụng” có các loài Nứa, Vầu đắng, Mạy sang, Lồ ô thì cần được bảo vệ chăm sóc chúng. Sau thời gian 5 năm chúng sẽ phát huy vai trò giữ đất, giữ nước và cho thu hoạch sản phẩm.
Nứa – Neohouzeaua dullooa (Gamble) A.Cams
Trong rừng tự nhiên có hai dạng là Nứa lá nhỏ (còn gọi là Nứa tép) và Nứa lá to (còn gọi là Nứa ngộ). Nứa phân bố rộng khắp nhưng có nhiều ở vùng Trung tâm Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Vào thập kỷ 70 rừng Nứa ra hoa kết quả rồi chết hàng loạt, tái sinh bằng hạt ít được chăm sóc nên diện tích rừng Nứa sau đó bị thu hẹp.
Nứa là loài tre không gai, thân ngầm dạng củ, thân tre mọc quần tụ thành từng cụm có khi tới hàng mấy trăm cây. Tuỳ mức độ rừng bị tác động mà rừng Nứa pha lẫn ít nhiều cây gỗ hoặc thuần loại.
Kích thước cây trung bình: Thân cao 10m, đường kính 4 cm, ngọn cong rủ xuống dài 2m, lóng dài 35 cm, vách thân dầy 0,35 cm, thân cây tươi nặng 3 kg.
Biện pháp kỹ thuật: Bảo vệ, phát dọn cây khô, cây sâu bệnh trong khóm; khi khai thác thì chặt cây già từ tuổi 3 trở lên, số cây để lại gấp 2 lần số cây đẻ măng trong cụm, chu kỳ chặt không quá 3 năm.
Vầu đắng – Indosasa augustata McClure
Vầu đắng có nhiều ở vùng Trung tâm Bắc bộ và Đông Bắc bộ. Rừng Vầu đắng là loại rừng thứ sinh hình thành sau khi rừng gỗ nguyên sinh bị phá hoại. Vầu đắng là loài tre không gai, thân ngầm dạng roi, thân tre mọc phân tán từng cây, phát triển rất tốt dưới tán thưa của rừng cây gỗ nhất là ở các khe hẻm , thung lũng. Vầu đắng là loài điển hình cho nhóm mọc tản, có kích thước thân lớn của nước ta.
Kích thước cây trung bình: Thân cao 17m, đường kính 10cm, lóng dài 35cm, vách thân dầy 1 cm, thân tươi nặng 30kg.
Biện pháp kỹ thuật: Bảo vệ, chặt cây già từ tuổi 4 trở lên, chu kỳ chặt không quá 4 năm.
Mạy sang –Dendrocalamus sericeus Munro
Mạy sang mọc tự nhiên ở vùng Tây bắc. Trong thập kỷ 60 Mạy sang ở Tây bắc đã ra hoa, kết hạt rồi chết hàng loạt; sau đó, Mạy sang tái sinh tự nhiên từ hạt và hạt cũng được đem trồng ở đây và ở vùng Trung tâm Bắc Bộ. Mạy sang là loài tre không gai, thân ngầm dạng củ, mọc quần tụ thành cụm dưới 100 cây, Mạy sang có thể hỗn giao với cây gỗ hoặc thuần loài.
Kích thước cây trung bình: Thân cao 14m, đường kính 7cm, lóng dài 22 cm, vách thân dầy 1,3cm, thân tươi nặng 19kg.
Biện pháp kỹ thuật: Bảo vệ, phát dọn cây khô, cây sâu bệnh trong khóm; khi khai thác thì chặt cây già từ tuổi 4 trở lên, chu kỳ chặt không quá 4 năm.
Lồ ô – Bambusa procera A.Chev. et A.Cams
Lồ ô mọc tự nhiên ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, tập trung nhiều ở vùng Đông Nam Bộ.
Lồ ô là loài tre không gai, thân ngầm dạng củ, mọc quần tụ thành cụm dưới 100 cây, mọc thuần loại hoặc hỗn giao với cây gỗ.
Kích thước cây trung bình: Thân cao 16m, đường kính 7,6 cm, ngọn cong 1,5 cm, lóng dài 42cm, vách thân dày 1 cm, thân tươi nặng 15 kg.
Biện pháp kỹ thuật: Bảo vệ, phát dọn cây khô, cây sâu bệnh trong khóm, khi khai thác thì chặt cây già từ 4 tuổi trở lên, chu kỳ chặt không quá 4 năm.
2.- Tre trong trồng rừng
Trong kế hoạch trồng “1 triệu ha rừng trồng mới thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chống cát bay, chắn sóng bảo vệ đê sông, đê biển và vùng dân cư vùng đồi núi đồng bằng“, “2 triệu ha trồng rừng tập trung để lấy gỗ làm nguyên liệu giấy, gỗ trụ mỏ, gỗ lớn, đặc sản, tre trúc” và “50 triệu cây phân tán/năm ở quanh nhà. . .” chúng ta có thể trồng các loài sau đây:
Tre gai – Bambusa stenostachya Hack
Tre gai được trồng rộng rãi nhất ở Việt Nam-Từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng đến miền núi, nhưng ở miền Bắc trồng nhiều hơn.
Tre gai là loại tre có nhiều cành và nhiều gai cứng nhọn. Thân ngầm dạng củ, thân tre mọc quần tụ chen khít thành từng cụm dưới 100 cây.
Kích thước cây trung bình: Thân cao 14m đường kính 7 cm, ngọn cong 1m, lóng dài 28cm, vách thân dầy 1,8cm, thân tươi nặng 30kg
Biện pháp kỹ thuật: Trồng bằng gốc, chét hoặc thân trên nhiều loại đất. Người dân có tập quán trồng thành từng hàng ở chân đê để chắn sóng bảo vệ đê; trồng ở chân đồi, bờ ao, xung quanh vườn rìa làng để chống sói lở, ngăn thú rừng, gia súc phá hoại hoa mầu.
Người dân có thói quen khi khai thác là chặt hết số cây trong cụm và gốc chặt khá cao vì thân tre mọc chen khít. Gốc chặt không nên cao quá 30 cm và sau khi chặt nên đổ thêm đất bùn vào gốc. Có thể chặt luân phiên cách hàng hoặc cách khóm để luôn phát huy khả năng phòng hộ nhất là ngăn sóng cho đê.
Luồng – Dendrocalamus membranaceus Munro
Luồng được trồng nhiều ở Bắc Trung Bộ. Dẫn giống trồng ở vùng Trung Tâm Bắc Bộ và vùng Đông Nam Bộ đều sinh trưởng khá.
Luồng là loài tre không gai, thân ngầm dạng củ, thân tre mọc quần tụ thành cụm dưới 100 cây.
Kích thước cây trung bình: Thân cao 14m, đường kính 10cm; lóng dài 33cm, vách thân dày 1cm hoặc hơn, thân tươi nặng 37kg.
Biện pháp kỹ thuật: Có thể trồng Luồng bằng gốc, chét, thân hoặc cành. Hiện nay, giống trồng được dùng nhiều là giống cành bó bầu trên thân có qua thời gian ươm ở vườn ươm. Đất trồng thường là đất rừng thứ sinh chỉ còn cây nhỡ, cây bụi. Luồng được trồng tập trung thành rừng trên diện tích lớn và cũng được trồng rải rác một số cụm xung quanh nhà. Cây gỗ hỗn giao tồn tại lâu dài với Luồng có Lim xanh (Erythrophloeum fordii Oliv.). Những năm mới trồng, khi rừng chưa khép tán có thể trồng xen cây nông nghiệp như đỗ, lạc. . . Từ năm thứ 5 có thể chặt tỉa những cây xấu, chặt những cây tuổi 4 trở lên, chu kỳ chặt không quá 4 năm.
Trúc sào – Phyllostachys pubescens Mazel ex H.de Lehaie
Trúc sào được trồng ở vùng Đông Bắc Bộ và Trung tâm Bắc Bộ. Trúc sào là loài tre không gai, thân ngầm dạng roi, mọc phân tán. Mật độ trung bình 10.000cây/ha.
Kích thước cây trung bình: Thân cao 10m, đường kính 5cm, lóng dài 25cm, vách thân dầy 0,6cm, thân cây tươi nặng 6kg.
Biện pháp kỹ thuật: Giống Trúc sào hiện nay thường dùng là một đoạn thân ngầm dài 40-50cm có mang một đoạn thân 1-2 tuổi dài 50-70cm. Thông thường Trúc sào được trồng thuần loại từng đám 1-2ha ở sườn đồi. Trong quá trình phát triển chúng xâm lấn vào rừng gỗ nghèo kiệt ở xung quanh tạo nên rừng hỗn giao với cây gỗ rải rác ở tầng trên. Chặt cây từ tuổi 4 trở lên, chu kỳ chặt không quá 4 năm.
Diễn trứnghoặc Tre tầu – Sinocalamus latiflorus (Munro) McClure
Diễn trứng là loài tre không gai, thân ngầm dạng củ, mọc quần tụ thành cụm dưới 100 cây. Được trồng nhiều ở vùng Trung tâm Bắc Bộ và Đông Nam Bộ.
Kích thước cây trung bình: Thân cao 15m; đường kính 8cm, ngọn cong dài 1m, lóng dài 38 cm, vách thân dày 1,1cm thân tươi nặng 22 kg.
Biện pháp kỹ thuật: Giống trồng có thể là gốc, chét, thân hoặc cành. Người dân thường trồng ở chân đồi, quanh nhà nên ít khi có 1-2 ha. Hiện nay ở vùng Đông Nam Bộ đã và đang nghiên cứu trồng chuyên canh lấy măng. Người dân có tập quán khi chặt chỉ để lại cây 1 tuổi. Tốt nhất là chặt cây 4 tuổi trở lên, chu kỳ chặt không quá 4 năm.
Mạnh tông– Dendrocalamus asper (Schult.f.) Back ex Heyne.
Mạnh tông được trồng nhiều ở vùng Đông Nam Bộ. Mạnh tông là loài tre không gai, thân ngầm dạng củ, mọc quần tụ thành cụm dưới 100 cây.
Kích thước cây trung bình: Thân cao 19 m, đường kính 11cm, lóng dài 28 cm, vách thân dày 2cm, thân cây tươi nặng 57kg.
Biện pháp kỹ thuật: Giống trồng thường dùng là gốc hoặc chét. Người dân thường trồng ở quanh nhà để lấy măng vì cho nhiều măng to, ăn ngon.
Hiện nay ở vùng Đông Nam Bộ đã và đang nghiên cứu trồng chuyên canh lấy măngvà dùng giống cành được bó bầu trên thân tre.
Một số loài tre trồng lấy măng mới nhập nội
Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cho nhập một số tre trồng lấy măng, nguồn giống từ Trung Quốc và Đài Loan.
Loài Lục trúc (Bambusa oldhamii Munro), giống được nhập từ Đài Loan, trồng năm 1997 tại Bắc Giang. Rừng trồng có triển vọng tốt nhưng chưa được tổng kết. Hiện nay loài Lục trúc đã được nhân giống đem trồng ở một số nơi như Hà Tây, Hoà Bình, Phú Thọ, Lạng Sơn. . .
Các loài Bát độ, Tạp giao nhập giống từ Trung Quốc đã được giới thiệu tại bản “Tin dự án 5 triệu hecta rừng” (số 1 tháng 9 năm 1999).
Trong bài viết ngắn này, vấn đề nêu lên chỉ là gợi ý và biện pháp kỹ thuật chỉ là tóm lược. Chúng tôi hy vọng cây tre sẽ góp phần nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ trồng mới 5 triệu ha rừng.
Tài liệu tham khảo chính
1.- Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tin dự án 5 triệu hecta rừng (số 1 tháng 9 năm 1999)
2.- Nguyễn Đình Hưng, Nguyễn Tử Ưởng, Nguyễn Hoàng Nghĩa, Nguyễn Tử Kim, Đỗ Đình Sâm (chủ biên): Tài nguyên tre Việt nam (Báo cáo quốc gia-2000)
3.- Nguyễn Tử Ưởng và các cộng sự: Tài nguyên tre và song mây (Báo cáo đề mục của đề tài nhà nước KN03-12).
Summary
Bamboos in the project of planning new 5 million hectares of forest.
Bamboos are useful for many purposes. They occur in natural forests and are planted as forest plantation. Neohouzeaua dulloa (Gamble) A.CAm., Indosasa augustata McClure, Dendrocalamus sericeus Munro, Bambusa procera A.Chev.et A.Cam., should be protected and tended if they are found in restored forests.
According to the purpose of the plantation, suitable species can be selected among the following, ones: : Bambusa stenostachya Hack, Dendrocalamus membranaceus Munro, Phyllostachys pubescens Mazel ex H.de Lehaie, Sinocalamus latiflorus (Munro) McClure, Dendrocalamus asper (Schet.f.) Back.ex Heyne and some other exotic bamboo species can also be selected for shoot production.
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Bước đầu nghiên cứu về bệnh héo thông ba lá do tuyến trùng ở tỉnh Lâm Đồng
- Kết quả điều tra sinh thái - Di truyền bốn loài cây họ dầu trên vùng cát ven biển
- Thành tựu nghiên cứu chủ yếu về rừng tự nhiên và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới
- Đất nước Camơrun và việc xuất khẩu gỗ tròn
- Nghề trồng cây teck (Tectona grandis L.F) trên thế giới