TS. Phạm Quang Thu
Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam
1. Mở đầu:
Re gừng (Cinnamomum obtusifolium A. Chev.) là loài cây gỗ lớn, chiều cao có thể đạt tới 30 mét, đường kính ngang ngực đạt tới hàng mét khi mọc trong rừng kín, ẩm, thường xanh. Re gừng phân bố rộng trên nhiều vùng sinh thái, nhưng phân bố phổ biến ở độ cao từ 200 mét trở lên với khí hậu nhiệt đới ẩm mưa mùa, có lượng mưa bình quân từ 800 đến 2500 mm/năm, nhiệt độ bình quân năm 20-220C. Hiện nay, cây re gừng đang được gây trồng để lấy gỗ trong các vườn rừng ở nhiều địa phương trong cả nước hoặc trồng rừng phòng hộ. Loài cây này cũng được trồng trong các mô hình làm giàu rừng theo đám, theo rạch như các mô hình ở Kon Hà Nừng (Gia Lai) và Cầu Hai (Phú Thọ). Re gừng cũng có thể trồng được trên đất sau nương rẫy họăc luân kỳ hai sau khai thác rừng trồng các loài keo, mỡ, bạch đàn và bồ đề. Khi cây còn nhỏ, chịu bóng nhẹ, tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, bình quân đạt 1cm/năm về đường kính và 0,8-1,0 m/năm về chiều cao (Nguyễn Bá Chất, 2002). Hiện nay, re gừng là một trong những loài cây được chọn để trồng ở nhiều địa phương.
Qua việc điều tra bệnh hại của cây re gừng trên các mô hình rừng trồng và ở vườn ươm, bước đầu đã phát hiện được bệnh khô đầu lá do nấm gây hại. Tỷ lệ bị bệnh ở rừng trồng tương đối cao, hầu như tất cả các cây đều có lá bị bệnh nhưng xét về mức độ bị bệnh thì còn rất nhẹ, lá bị nhiễm bệnh chủ yếu là các lá ở tầng dưới của tán cây.
Qua nghiên cứu triệu chứng và đặc điểm của quá trình phát sinh phát triển của bệnh, bệnh khô đầu lá cây re gừng được xác định do một loài nấm thuộc chi nấm Colletotrichum gây nên. Chi nấm này theo Brian C. Sutton, 1980 có 22 loài gây hại cho nhiều loài thực vật và mỗi một loài có phạm vi cây chủ rất rộng. Để có cơ sở quản lý bệnh dịch có hiệu quả cần xác định chính xác loài nấm gây bệnh, quá trình xâm nhiễm trên cơ sở đó xây dựng các biện pháp phòng trừ góp phần bảo vệ, phát triển và gây trồng thành công loài cây gỗ bản địa có giá trị này.
2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu
Nội dung:
-Nghiên cứu giám định loài nấm gây bệnh
-Điều tra xác định tỷ lệ và mức độ bị bệnh, bệnh dịch học
-Nghiên cứu nảy mầm của bào tử vô tính và sự hình thành thể bám (appressorium)
-Đề xuất các biện pháp quản lý dịch hại
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu giám định loài nấm gây bệnh trên cơ sở hình dạng, kích thước bào tử vô tính, hình dạng, kích thước của thể bám, đặc điểm của khuẩn lạc trên môi trường dinh dưỡng. Các đặc điểm cơ bản trên đối chiếu với khoá phân loại về các loài nấm thuộc chi Colletotrichum của Brian C. Sutton, 1980. Tỷ lệ cây bị bệnh được xác định bằng tỷ số giữa cây bị bệnh trên tổng số cây điều tra. Mức độ bị bệnh được xác định bằng phương pháp lấy mẫu điển hình. Trên cây tiêu chuẩn chọn cành lá điển hình đếm số lá bị bệnh, mức độ bị bệnh là tỷ số giữa số lá bị bệnh với tổng số lá điều tra. Nghiên cứu bào tử nảy mầm và sự hình thành thể bám bằng phương pháp nhỏ giọt nước chứa bào tử vô tính trên lam kính, đặt lam kính trong hộp lồng ẩm, sau 24 giờ tính tỷ lệ nảy mầm và sự hình thành thể bám của sợi nấm trên kính hiển vi.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Kết quả giám định
Mô tả một số đặc điểm của nấm như sau:
– Đặc điểm của bào tử vô tính: bào tử có dạng thẳng, hình trụ, kích thước dài từ 12,5 đến 19,0 mm, chiều rộng trung bình khoảng 4,0 mm.
– Đặc điểm của thể bám: khi bào tử nảy mầm, sợi nấm hình thành thể bám. Thể bám có màu nâu nhạt, hình tròn hoặc gần tròn. Đây là một trong những đặc điểm cơ bản để giám định các loài thuộc chi Colletotrichum. Kích thước trung bình 8,0-9,5 mm X 5,5-6,5 mm.
– Đặc điểm của khuẩn lạc: khuẩn lạc khi già có màu xám, không có hạch nấm.
Trên cơ sở những đặc điểm trên đối chiếu với khoá phân loại của Brian C. Sutton, 1980, loài nấm gây bệnh được xác định như sau:
-Loài nấm: Colletotrichum coffeanum Noack
-Chi nấm than: Colletotrichum Corda
-Họ nấm đĩa bào tử: Melanconiaceae
-Bộ nấm đĩa bào tử: Melanconiales
-Lớp nấm bào tử xoang: Coelomycetes
-Ngành phụ nấm bất toàn: Deuteromycotina
Triệu chứng và quá trình xâm nhiễm
Đối với các loài nấm thuộc chi Colletotrichum thường gây ra rất nhiều dạng triệu chứng khác nhau cho cây chủ bao gồm khô chồi non, đốm lá và khô đầu lá… Đối với cây re gừng triệu chứng điển hình là khô đầu lá. Bệnh thường xuất hiện ở các lá già và tầng dưới của tán lá. Khi nấm mới xâm nhiễm trên đầu lá thường xuất hiện các đốm nhỏ màu nâu hơi đỏ hình tròn hoặc hình ô val. Các đốm bệnh này phát triển nhanh làm cho đầu và các mép lá bị khô, trường hợp nặng toàn bộ phiến lá bị khô và rụng. Mức độ bị bệnh đối với cây ở rừng trồng còn nhẹ, trung bình 5-10% số lá bị nhiễm bệnh. Đặc điểm sinh học của các loài nấm này là khi bào tử vô tính nảy mầm, chúng hình thành thể bám bám vào bề mặt cây chủ sau đó sợi nấm mới xâm nhiễm vào tế bào, làm tổ chức tế bào bị tổn thương và hình thành đốm bệnh.
Bệnh dịch học và ảnh hưởng của bệnh
Đối với rừng trồng bệnh thường xuất hiện ở tầng dưới của tán, bệnh thường xuất hiện khi cây trồng sống trong điều kiện không thuận lợi của thời tiết. Khi gieo ươm, trên các luống cây con đặt quá dày, sự thông thoáng kém, cây mắc bệnh phổ biến. Đây là loài nấm phân bố rất rộng, chúng gây hại cho nhiều loài thực vật ở các nước nhiệt đới. Do bệnh chỉ xuất hiện ở phần dưới của tán lá, chưa có một ghi nhận nào loài nấm này làm chết cây, trường hợp bệnh nặng, nhiều lá rụng cũng có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Nhưng khi bệnh hại cây con ở vườn ươm đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng của cây con, cây thường còi cọc và ít lá.
Tỷ lệ nảy mầm của bào tử và sự hình thành thể bám
Sau 24 giờ, tỷ lệ nẩy mầm của bào tử nấm Colletotrichum coffeanum đạt 68,5%, trong đó có 12,8% số bào tử có sợi nấm hình thành thể bám. Tỷ lệ nảy mầm của bào tử tăng lên sau 48 giờ và đạt 88,4%, trong đó có 65,2% số bào tử có sợi nấm hình thành thể bám. Như vậy, nấm Colletotrichum coffeanum cần thời gian cho bào tử nẩy nầm và hình thành thể bám rất ngắn và diễn ra với tốc độ nhanh.
Biện pháp quản lý dịch hại
Việc phòng trừ bệnh cho rừng trồng ở thời điểm mức độ bị bệnh còn rất nhẹ thì hiệu quả kinh tế mang lại chưa rõ rệt. Vì vậy, cần áp dụng biện pháp lâm sinh như chăm sóc, bón phân cân đối, tỉa cành ở tầng dưới của tán lá khi quá rậm cần được tiến hành thường xuyên, đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt, hạn chế được sự xâm nhiễm của nấm bệnh.
Trong quá trình sản xuất cây con ở vườn ươm để phòng trừ bệnh có hiệu quả cần chọn vươn ươm đúng tiêu chuẩn, thực hiện việc vệ sinh, phòng dịch bệnh thường xuyên. Không xếp cây quá dày, tạo điều kiện thông thoáng cho luống cây. Khi bệnh xuất hiện cần thiết phải tiến hành các biện pháp phòng trừ nhằm tạo cây con có chất lượng cao. Hoá chất được sử dụng có hiệu quả đối với bệnh khô đầu lá là chlorothalonil.
—————————————
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam
Các tin khác
- Bệnh đốm lá, khô ngọn Bạch đàn do nấm Cryptosporiopsis eucalypti Sankaran & Sutton
- Bệnh chết ngọn cây sao đen ở Đông Nam Bộ
- Loài nấm Phaeophleospora destructans (M.J. Wingf. & Crous) Crous, F.A. Ferreira & B. Sutton gây bệnh đốm đen lá bạch đàn lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam
- Bệnh cây bạch đàn và quản lý dịch bệnh
- Lâm sản ngoài ngỗ Việt nam: Vấn đề nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật