Phạm Quang Thu
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
1. Mở đầu:
Khác với loài nấm Cylindrocladium quinqueseptatum gây bệnh cháy lá, khô cành và nấm Cryptosporiopsis eucalypti gây bệnh đốm lá, khô cành, ngọn cây Bạch đàn đã giới thiệu trong các bài báo trước. Các loài Bạch đàn khi ở giai đoạn cây con ở vườn ươm và gây trồng ở nước ta còn bị bệnh đốm tím lá. Với cách gọi tên bệnh như thế xuất phát từ màu sắc của đốm bệnh. Xung quanh các tổ chức bị bệnh phần tiếp giáp với các mô lá chưa bị bệnh có các viền màu tím đỏ. Bệnh này xuất hiện và gây hại cho cả cây con ở vườn ươm và cả rừng trồng. Để giúp nhận biết và hiểu biết rõ về bệnh và sinh vật gây bệnh bài viết này tập trung trình bày và mô tả triệu chứng, đặc điểm của vật gây bệnh, đánh giá ảnh hưởng của bệnh và đưa ra biện pháp phòng trừ nhằm quản lý có hiệu quả bệnh để giúp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, góp phần quản lý và phát triển bền vững rừng trồng Bạch đàn.
2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu
Điều tra, thu thập mẫu bệnh được tiến hành ở các khu rừng trồng Bạch đàn trên phạm vi toàn quốc. Thời gian điều tra bắt đầu vào cuối mùa mưa, tập trung vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11 trong các năm từ năm 1999 đến năm 2004. Thu mẫu, mô tả, xử lý mẫu được tiến hành theo hướng dẫn của Ken Old và P.Q. Thu, 1999.
Phân lập nấm từ các tổ chức bị bệnh hoặc áp dụng phương pháp nuôi cấy đơn bào tử của Ken Old, 1999; nuôi cây nấm bệnh bằng môi trường dinh dưỡng PDA.
Giám định nấm bệnh dựa trên khoá định loại và mô tả của Crous, P.W., Ferreira, F.A. và Sutton B. 1997.
3. Kết quả nghiên cứu
Triệu chứng của bệnh: Những lá nhiễm bệnh thường có các đốm bệnh màu vàng nhạt; xung quanh đốm bệnh nơi tiếp giáp với phần mô của lá chưa bị nhiễm bệnh có hơi vàng rồi chuyển dần sang màu tím đỏ. Trong một số trường hợp, phiến lá bị biến dạng, trở nên cong queo và nhỏ lại (xem ảnh 1). Bào tử nấm được hình thành trên thể quả nhỏ màu đen ở giữa đốm bệnh. Nấm chỉ hình thành bào tử ở mặt dưới của lá có dạng giống như sợi tóc. Khi trời ẩm, bào tử vô tính của nấm được phun ra từ thể quả, hình thành nên các đám bột ướt màu đen. Nấm bệnh thường xâm nhiễm vào các lá già ở tầng dưới của tán lá, làm các lá già bị rụng sớm trong mùa sinh trưởng.
Đặc điểm của nấm bệnh:
Thể quả của nấm bệnh nằm trong mô của lá,có một phần nhô lên trên bề mặt lá. Bào tử vô tính có 2 — 3 vách ngăn ngang (xem ảnh 2); kích thước của bào tử: chiều rộng trung bình: 4.0 àm, chiều dài: 53.3 àm. Sau trời mưa hoặc trong điều kiện thời tiết ẩm kéo dài mặt sau của lá hình thành khối bào tử vô tính màu đen. Quan sát bào tử vô tính này trên kính hiển vi quang học bào tử có màu nâu nhạt. Bào tử dài, thẳng hoặc hơi cong ở phía gốc, thon gần nhọn ở một đầu. Đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt giữa các loài trong chi nấm Phaeophleospora. Trong chi nấm này còn có một loài nữa mới được phát hiện ở Việt Nam, gây bệnh đốm đen và rụng lá cây bạch đàn. Bào tử của loài nấm gây bệnh đốm đen dài và cong hình chữ C; trong khi đó bào tử vô tính của nấm gây bệnh đốm tím lại thẳng hoặc hơi cong ở phía gốc.
Hệ sợi nấm nuôi cấy trên môi trường PDA sinh trưởng rất chậm, khuẩn lạc gồ ghề, sau 20 ngày nuôi cấy, đường kính của khuẩn lạc mới đạt được 2,0 cm. Sau 20-25 ngày, khối bào tử vô tính màu đen cũng hình thành trên bề mặt khuẩn lạc.
Sinh vật gây bệnh: Nấm gây bệnh được xác định là Phaeophleosporaepicoccoides J. Walker, B. Sutton. Loài nấm này là giai đoạn vô tính của một loài thuộc chi Mycosphaerella.
Tên trước đây: Kirramyces epicocoidesJ. Walker, B. Sutton, năm 1997, Ferreira, F.A. và Sutton B. đã đổi thành tên Phaeophleosporaepicoccoides J. Walker, B. Sutton.
Cây chủ và phân bố: Loài nấm này rất phổ biến trên những khu vực trồng bạch đàn trên toàn thế giới.
Bệnh dịch học: Bệnh xuất hiện vào đầu mùa mưa, nấm xâm nhiễm vào các lá ở tầng dưới của tán cây. Bào tử nấm qua đông trên xác thực vật bị bệnh, mùa mưa năm sau nhiễm vào cây trồng qua nước mưa.
ảnh hưởng của bệnh: Chúng xâm nhiễm vào phần dưới của tán lá nơi bị che bóng, nhìn chung ảnh hưởng không lớn tới sinh trưởng của cây. Tuy nhiên, khi điều kiện thời tiết thuận lợi, mưa nhiều và nhiệt độ cao bệnh cũng phát triển nhanh và xâm nhiễm gần như toàn bộ lá của tầng dưới và gây nên hiện tượng rụng lá sớm. Trong những trường hợp này bệnh cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Bệnh xuất hiện ở vườn ươm các loài bạch đàn, bệnh xâm nhiễm cả lá bánh tẻ và lá già, ảnh hưởng đến sinh trưởng và chất lượng của cây con.
Biện pháp quản lý dịch bệnh:
Đối với cây con ở vườn ươm để quản lý tốt dịch bệnh nên tuân thủ các nguyên tắc sau: Vườn ươm nên đặt ở nơi thoát nước, tránh những nơi đã trồng cây nông nghiệp hoặc đã xảy ra dịch bệnh nhiều năm. Hạt giống phải được thu từ cây mẹ không bị bệnh và phải đựơc chế biến và bảo quản đúng kỹ thuật, tránh để ẩm mốc và tiếp xúc với nguồn bệnh. Cần xử lý hạt giống trước khi gieo ươm: ngâm hạt giống trong nước ấm 500C, dùng một trong các loại hoá chất sau để khử trùng: captan 0.5%, thiram 0.5%, thuốc 0.5% trong thời gian 15 phút hoặc DM-45 nồng độ 1% trong thời gian 30 phút. Có thể dùng tia tử ngoại có bước sóng 260 nm với 6 giờ /ngày. Các biện pháp này nhằm tiêu diệt bào tử nấm bệnh bám trên bề mặt hạt giống. Dùng đất có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, không sử dụng phân chuồng chưa hoai. Đất đóng bầu cần được khử trùng để tiêu diệt nguồn bệnh bằng các loại hoá chất xông hơi methyl bromide hay chloropicrin trước khi đóng bàu. Không sử dụng các bầu cũ cây đã bị chết do bệnh. Không được để cây con cớm nắng, thường xuyên làm cỏ, xáo váng mặt bầu cho đất tơi xốp. Các cây con bị nhiễm bệnh phải khẩn trương đưa ra khỏi vườm ươm và tiêu huỷ để tránh lây lan. Các dụng cụ dùng để di rời cây con bị nhiễm bệnh khi đưa trở lại về vườn ươm cần được khử trùng bằng hoá chất. Trong hai tháng đầu mỗi tháng phung phòng 1 lần dùng loại thuốc có phổ rộng như carbendazim 0,1% liều lượng 0,3 lit/m2. Nguồn nước tưới phải sạch, không dùng nước ao hồ gần vườn ươm đã bị bệnh. Phân bón phải được xử dụng hợp lý, không bón phân đạm quá mức vì xẽ làm tăng khả năng bị bệnh cho cây. Cây con không nên đặt quá dày, cần tạo sự thông thoáng, giảm sự tích tụ hơi nước giữa các hàng cây vì bào tử nấm bệnh chỉ nẩy mầm trong điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao.
Đối với rừng trồng khi cây bị bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:
– Chặt toàn bộ cành lá bị nhiễm bệnh vào đầu mùa mưa, mang ra khỏi rừng trồng và tiêu huỷ.
– Phun thuốc hoá học để tiêu diệt và tránh lây lan: thuốc hoá học được sử dụng là: score 0.1%, daconil 0.1%, carbendazim 1%.
– Biện pháp tối ưu hiện nay đang được áp dụng là tuyển chọn loài, xuất xứ, gia đình và dòng có khả năng kháng bệnh. Các loài bạch đàn uro E. urophylla và Bạch đàn pellita E. pellita có tỷ lệ bị và mức độ thấp hơn so với bạch đàn trắng camal E. camaldulensis.
Tin mới nhất
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam
- Hội đồng nghiệm thu Dự án Sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: “Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ nhân giống và trồng cây Tam thất hoang (Panax stipuleanatus) theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở vùng Tây Bắc“
Các tin khác
- Bệnh khô đầu lá cây re gừng
- Bệnh đốm lá, khô ngọn Bạch đàn do nấm Cryptosporiopsis eucalypti Sankaran & Sutton
- Bệnh chết ngọn cây sao đen ở Đông Nam Bộ
- Loài nấm Phaeophleospora destructans (M.J. Wingf. & Crous) Crous, F.A. Ferreira & B. Sutton gây bệnh đốm đen lá bạch đàn lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam
- Bệnh cây bạch đàn và quản lý dịch bệnh