Phạm Quang Thu
Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam
1. Mở đầu
Cùng với bệnh cháy lá, khô cành nhỏ và ngọn cây Bạch đàn do nấm Cylindrocladium quinqueseptatum gây hại, có bệnh hại lá khác với triệu chứng điển hình là đốm lá, đôi khi những lá bị bệnh hình thành các u nhỏ, trên bề mặt lá sần sùi và cành nhỏ, ngọn cây bị khô héo sau đó mọc lên các chồi và lá non có kích thước rất nhỏ vào cuối mùa mưa. Triệu chứng điển hình này xuất hiện trên hầu hết các loài Bạch đàn ở khắp các vùng trong cả nước với tỷ lệ và mức độ bị bệnh rất khác nhau. Sinh vật gây nên bệnh có triệu chứng như vừa mô tả ở trên được xác định là nấm Cryptosporiopsis eucalyptiSankaran & Sutton. Loài nấm Cylindrocladium quinqueseptatum, gây bệnh cháy lá, khô cành và ngọn Bạch đàn, chỉ phát sinh phát triển và gây bệnh cho các loài Bạch đàn ở những nơi có lượng mưa bình quân năm cao thường trên 1.800 mm, nhưng có kèm thêm điều kiện là những vùng này phải có ít nhất 2 tháng liên tiếp có lượng mưa bình quân của mỗi tháng lớn hơn 350 mm và nhiệt độ tối thấp của tháng lạnh nhất không xuống dưới 100C (Ken Old, 1999). Trong khi đó điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển và gây bệnh của nấm bệnh Cryptosporiopsis eucalypti lại có biên độ rộng hơn rất nhiều. Nấm có thể phát sinh phát triển trên các vùng có lượng mưa bình quân năm rất thấp đến những vùng có lượng mưa cao, thường trong giới hạn 700 mm – 2500 mm. chính vì thế bệnh đốm lá do Bạch đàn do nấm Cryptosporiopsis eucalypti cần được quan tâm và quản lý dịch bệnh có hiệu quả. Bài viết này nhằm mô tả triệu chứng, cách nhận biết, quá trình phát sinh, phát triển của bệnh đốm lá do nấm Cryptosporiopsis eucalypti và đưa ra những biện pháp quản lý dịch bệnh giúp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tránh được những thiệt hại do bệnh gây ra.
2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu
Nội dung:
– Mô tả triệu chứng nhận biết bệnh, giám định loài nấm gây bệnh
– Bệnh dịch học và ảnh hưởng của bệnh đối với các loài Bạch đàn
– Đề xuất các biện pháp quản lý dịch hại.
Phương pháp nghiên cứu
Điều tra, thu thập mẫu bệnh được tiến hành trên các khu rừng trồng Bạch đàn trên phạm vi toàn quốc. Thời gian điều tra bắt đầu vào cuối mùa mưa, tập trung vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11 trong các năm từ năm 1998 đến năm 2004.
Phân lập nấm từ các tổ chức bị bệnh hoặc áp dụng phương pháp nuôi cây đơn bào tử của Ken Old, 1999; nuôi cây nấm bệnh bằng môi trường dinh dưỡng PDA.
Giám định nấm bệnh dựa trên khoá định loại và mô tả đến loài của Sukaran, K.V., Brian C. Sutton và Balasundaran, M. 1995.
3. Kết quả nghiên cứu
Triệu chứng của bệnh: Nấm Cryptosporiopsis eucalypti gây ra các triệu chứng khác nhau như: Đốm lá, khô cành nhỏ và ngọn cây. Loài nấm này thường gây hại cho các loài Bạch đàn ở các nước Đông Nam á, đặc biệt là Bạch đàn trắng Eucalyptus camaldulensis và Bạch đàn uro E. urophylla. Những đốm bệnh rải rác trên lá và có hình dạng bất định, thường là màu nâu tối. Trong một số trường hợp, đặc biệt ở những lá già, vùng bị bệnh lớn có màu hơi đỏ, các mô bị nứt làm cho mặt lá gồ ghề. Đỉnh ngọn bị nhiễm bệnh và biến dạng và chết sau đó sẽ hình thành nhiều đỉnh sinh trưởng từ đó mọc các lá có kích thước nhỏ hơn lá bình thường rất nhiều vào cuối mùa mưa. Những đỉnh sinh trưởng này cũng sẽ bị bệnh và làm tán lá bẹt lại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng về chiều cao của cây. Khi bị bệnh nặng, rừng bạch đàn bị rụng lá, chỉ còn một số ít tập trung trên phía ngọn, số lá còn lại bị sần sùi và biến dạng (xem ảnh 1).
ảnh 1: Rừng trồng Bạch đàn dòng U6 bị bệnh trồng tại Bình Dương
Đặc điểm của nấm bệnh :
Quả thể hình chén màu nâu đen nằm trên các tổ chức bị bệnh. Quả thể của nấm chủ yếu nằm sâu trong phần mô của lá, nhưng có trường hợp thể quả nổi ngay trên bề mặt của lá, rất dễ dàng quan sát được bằng kính lúp cầm tay ngay tại hiện trường. Trên những lá và chồi ướt, từ những thể quả hình thành đám bào tử vô tính màu kem. Quan sát bào tử vô tính trên kính hiển vi quang học có vật kính phản pha, bào tử vô tính hình trứng không màu màu hoặc màu vàng nhạt (xem ảnh 2). Khi quan sát bào tử vô tính trên các vật kính lớn hơn, bào tử vô tính hình trứng có một đầu tròn và một đầu hơi bằng. Đây là một đặc điểm quan trọng có tính chất đặc trương của chi nấm Cryptosporiopsis. Bào tử vô tính có kích thước chiều dài từ 11 đến 26 àm, chiều rộng từ 4,5 đến 10 àm.
ảnh 2: bào tử vô tính của nấm Cryptosporiopsis eucalypti
Trong nuôi cấy, nấm này phát triển chậm, khuẩn lạc có màu nâu nhạt đến màu xám hình thành khối bào tử nhày trên bề mặt của hệ sợi sau khoảng 1 tuần.
Từ những đặc điểm mô tả ở trên, nấm gây bệnh đốm lá, khô ngọn bạch đàn được xác định là loài Cryptosporiopsis eucalyptiSankaran & Sutton, thuộc họ: Melanconiaceae, bộ Melanconiales, lớp nấm: Coelomycetes, ngành phụ nấm bất toàn: Deuteromycotina.
Cây chủ và phân bố: Loài nấm này phân bố rộng, có tính chất toàn cầu, gây bệnh cho nhiều loài bạch đàn ở các vùng Đông Nam Châu á, úc, ấn độ và Nam mỹ.
Bệnh dịch học: Bệnh xuất hiện vào đầu mùa mưa, nấm bệnh xâm nhiễm vào các lá già ở phía dưới của tán lá, dần dần lan lên phía trên, cuối mùa mưa những cây bị bệnh nặng ngọn cây bị chết, trên đỉnh ngọn nhiều chồi mới với lá có kích thước nhỏ xuất hiện. Bệnh lây lan theo đường nước mưa và gió. Nấm qua đông bằng bào tử vách dày hoặc sợi nấm trên các bộ phận bị bệnh ở dưới đất. Loài nấm này có phổ phân bố rất rộng, ở nước ta loài nấm này gặp khắp các vùng trong cả nước và gây hại cho nhiều loài Bạch đàn.
ảnh hưởng của bệnh: Mức độ thiệt hại do hai loài nấm Cryptosporiopsis eucalypti và Cylindrocladium quinqueseptatum gây ra đôi khi ngang bằng nhau. Nấm Cylindrocladium quinqueseptatum gây thiệt hại nghiêm trọng đối với rừng trồng sau đó những dấu vết bị hại không còn thấy nữa; ngược lại nấm Cryptosporiopsis eucalypti có những thể quả nấm tồn tại lâu dài trên đỉnh và ngọn và cành nhỏ đã gây nên sự tái xâm nhiễm kéo dài. Do đặc điểm phân bố rộng, các rừng trồng trên cả nước đều thấy xuất hiện loại nấm này và mức độ gây hại của nó cũng khác nhau. Các loài Bạch đàn bị bệnh nặng nhất là Bạch đàn trắng E. camaldulensis và một số dòng bạch đàn lai U6, W5 trồng ở những vùng có lượng mưa cao. Đây cũng là một trong những loài nấm nguy hiểm nhất đối với rừng trồng Bạch đàn ở nước ta ở cả vườn ươm và rừng trồng.
Biện pháp quản lý dịch bệnh: Bệnh thường xuất hiện ở rừng trồng trên mọi cấp tuổi. Khi bệnh xuất hiện có thể áp dụng một số biện pháp sau:
– Chặt toàn bộ cành lá bị nhiễm bệnh vào đầu mùa mưa, mang ra khỏi rừng trồng và tiêu huỷ.
– Những nơi là ổ dịch, đã canh tác Bạch đàn qua nhiều chu kỳ, cây trồng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Biện pháp tối ưu hiện nay đang được áp dụng là tuyển chọn loài, xuất xứ, gia đình và dòng có khả năng kháng bệnh. Theo Nguyễn Hoàng Nghĩa (2000), các loài và các xuất xứ bạch đàn sau có triển vọng trong việc kháng bệnh đốm lá do nấm Cryptosporiopsis eucalypti là: Bạch đàn brassiana E. brassiana xuất xứ Jackey Jackey 13874, xuất xứ NE Bamaga 13415; Bạch đàn pellita E. pellita; Bạch đàn tere E. tereticornis xuất xứ Oro Bay 13399 và xuất xứ Sirinumu 13418.
– Khi cây bị bệnh trên diện tích nhỏ có thể phun thuốc hoá học để tiêu diệt và tránh lây lan: thuốc hoá học được sử dụng là: zineb 1%, daconil 0.1%, carbendazim 1%.; với liều lượng 200 – 400 lít/ha.
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Bệnh chết ngọn cây sao đen ở Đông Nam Bộ
- Loài nấm Phaeophleospora destructans (M.J. Wingf. & Crous) Crous, F.A. Ferreira & B. Sutton gây bệnh đốm đen lá bạch đàn lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam
- Bệnh cây bạch đàn và quản lý dịch bệnh
- Lâm sản ngoài ngỗ Việt nam: Vấn đề nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật
- Kết quả trồng thử nghiệm bạch đàn Brazil tại Tân lạc – Hoà bình