Vũ Tấn Phương và cs
1. Đặt vấn đề
Rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phòng hộ và đời sống nhân dân vùng ven biển – nơi được coi là vùng dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của thiên nhiên, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chúng không chỉ cung cấp một lượng lớn gỗ, củi, than, hoá chất, dược liệu, v.v mà còn đem lại giá trị phòng hộ vô cùng to lớn như cố định phù sa; lấn biển; chống xói lở bờ biển; hạn chế tác hại của sóng, gió, bão; giảm thiểu các thiệt hại do triều cường và sóng thần. Ngoài ra, rừng phòng hộ ven biển còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển ngành thuỷ sản, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vai trò và giá trị của rừng phòng hộ ven biển chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng mức ở cả góc độ quản lý và nhận thức của xã hội.
Trên thế giới, các nghiên cứu về lượng giá giá trị của rừng đã được thực hiện khá phổ biến trong đó cách tiếp cận chủ yếu là trên quan điểm “Tổng giá trị kinh tế”. Ở Việt Nam, một số nghiên cứu về lượng giá đã được tiến hành cho một số loại rừng vùng đồi núi và đã đưa ra nguyên tắc, phương pháp lượng giá. Tuy nhiên các nghiên cứu trong nước về giá trị kinh tế môi trường của rừng phòng hộ ven biển rất ít, không có tính hệ thống, không có tính đại diện điển hình cho các vùng sinh thái. Đặc biệt, chưa có bất cứ nghiên cứu nào đề cập đến nguyên tắc và phương pháp để tính các giá trị môi trường của rừng phòng hộ ven biển. Các phương pháp được quốc tế áp dụng cũng chỉ được giới thiệu một cách chung chung chứ chưa có hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ và đơn giản để các địa phương trong cả nước có thể áp dụng được.
Do vậy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu xác định giá trị rừng phòng hộ ven biển tại vùng duyên hải Nam Trung bộ và Nam bộ” là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tạo ra các cơ sở khoa học về giá trị kinh tế môi trường của rừng phòng hộ, phục vụ cho việc xây dựng các chính sách quản lý rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt là việc lựa chọn phương án phù hợp cho việc quản lý rừng phòng hộ ven biển. Một ý nghĩa quan trọng khác của đề tài là nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý và xã hội về vai trò và giá trị của rừng phòng hộ ven biển, góp phần quản lý và sử dụng bền vững rừng phòng hộ ven biển Việt Nam.
2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu
2.1. Nội dung nghiên cứu
Các nội dung nghiên cứu của đề tài gồm:
- Xác định giá trị kinh tế môi trường của rừng phòng hộ chắn sóng (rừng ngập mặn ven biển) vùng Nam bộ
- Xác định giá trị kinh tế môi trường của rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay vùng duyên hải Nam Trung bộ
- Xây dựng nguyên tắc, phương pháp, hướng dẫn kỹ thuật và khung giá trị của rừng phòng hộ ven biển
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp tiếp cận của đề tài là dựa trên quan điểm về tổng giá trị kinh tế (TEV) và đa mang tính liên ngành. Các phương pháp sử dụng bao gốm:
- Phương pháp kế thừa để thu thập, tổng hợp, phân tích các tài liệu thứ cấp liên quan đến hiện trạng rừng, số liệu kinh tế xã hội, khai thác và sử dụng nguồn lợi thủy sản, chi phí đầu tư cho bảo vệ đê biển
- Phương pháp phỏng vấn dựa trên các bảng câu hỏi soạn sẵn để thu thập các thông tin liên quan đến việc quản lý sử dụng rừng ngập mặn, khai thác nguồn lợi thủy sản trong rừng ngập mặn, các sự kiện thiên tai và chi phí khắc phục thiệt hại.
- Phương pháp điều tra theo ô tiêu chuẩn điển hình để xác định sinh khối cxủa rừng;
- Phương pháp chi phí thay thế (chi phí phòng ngừa) để xác định giá trị phòng hộ của rừng: Sự suy giảm về chức năng môi trường của rừng thường gây ra các chi phí dưới dạng làm thiệt hại hay làm giảm lợi ích của các hoạt động kinh tế khác. Các chi phí phí dùng để phòng ngừa sự suy giảm lợi ích môi trường tại một vùng nào đó sẽ phản ánh giá trị của các sản phẩm và dịch vụ của rừng.
- Phương pháp định giá bằng giá trị thị trường để xác định giá trị hấp thụ các bon. Giá trị lưu giữ các bon và hấp thụ CO2 của rừng tính qua giá bán CER (tính bằng tấn CO2e) được xác định tại các thị trường thế giới về các bon (thị trường các bon tự nguyện, thị trường các bon theo cơ chế phát triển sạch).
- Phương pháp chuyển giao lợi ích được sử dụng để chuyển giao giá trị của loại rừng ở một địa điểm xác định tới một loại rừng ở địa điểm khác mà không thể lượng giá do không có thông tin cần thiết trên cơ sở so sánh sự tương đồng về chất lượng, vị trí, giá trị, yêu cầu phòng hộ để đưa ra hệ số điều chỉnh.
- Phương pháp chuyên gia để tổng hợp, phân tích các giá trị kinh tế môi trường, xây dựng nguyên tắc, phương pháp, hướng dẫn kỹ thuật lượng giá và khung giá trị kinh tế môi trường của rừng phòng hộ ven biển.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Trong năm 2010, đề tài tập trung nghiên cứu: i) thực trạng rừng ngập mặn và quản lý sử dụng RNM; ii) giá trị sử dụng trực tiếp của RNM và iii) giá trị hấp thụ các bon. Dưới đây trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu nêu trên.
3.1. Thực trạng quản lý và sử dụng rừng phòng hộ chắn sóng tại Cà Mau
Diện tích rừng và đất ngập mặn của tỉnh Cà Mau là khoảng 66.656 ha, trong đó 60.605 ha có rừng, đất chưa có rừng 6.051 ha, phân bố trên 6 huyện: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Phú Tân, Năm Căn, Trần Văn Thời, U Minh (Sở NN&PTNT Cà Mau 2010). Trong diện tích RNM thì có khoảng 7.264 ha là rừng tự nhiên và 53.341 ha là rừng trồng. Xét về cấp độ phòng hộ thì toàn tỉnh có 10.251,9 ha là rừng phòng hộ rất xung yếu và 16.061,7 ha là rừng phòng hộ xung yếu.
Bảng 1. Hiện trạng đất ngập mặn và RNM Cà Mau năm 2009
TT |
Nội dung |
Diện tích (ha) |
A | ĐẤT LÂM NGHIỆP |
66.656,6 |
I | Đất có rừng |
60.605,6 |
1 | Phân theo loại rừng | |
1.1 | Rừng đặc dụng |
8.812,3 |
1.2 | Rừng phòng hộ xung yếu ven biển |
15.437,1 |
1.3 | Rừng phòng hộ xung yếu |
10.251,9 |
1.4 | Rừng sản xuất |
26.104,3 |
2 | Phân theo nguồn gốc rừng | |
2.1 | Diện tích rừng tự nhiên |
7.264,6 |
2.2 | Diện tích rừng trồng |
53.341,0 |
II | Đất chưa có rừng |
6.051,0 |
1 | Đất rừng đặc dụng |
112,2 |
2 | Đất rừng phòng hộ xung yếu ven biển |
624,6 |
3 | Đất rừng phòng hộ xung yếu |
4,00 |
4 | Đất rừng sản xuất kết hợp PHMT |
5.310,2 |
B | ĐẤT NUÔI TRỒNG THỦY SẢN |
30.752,8 |
Tổng cộng |
97.409,4 |
Rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau hiện được giao cho 25 tổ chức, đơn vị quản lý bao gồm: 8 ban quản lý rừng phòng hộ (Đầm Dơi, Tam Giang I, Kiến Vàng, Nhưng Miên, Năm Căn, Đất Mũi, Sào Lưới, Biển Tây); 2 đơn vị quản lý rừng đặc dụng (Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật rừng ngập Minh Hải); 5 đơn vị tự túc (Nông trường 414, LNT Trảng Sáo, Sư đoàn 8, Nông trường công an, Trại giam Cái Tàu), 9 UBND xã – thị trấn (Tam Giang Tây, Tam Giang Đông, Tân Thuận, Tân Tiến, Lâm Hải, Cái Đôi Vàm, Tân Hải, Phú Tân và Tân Ân Tây) và Công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển.
Việc quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ rất xung yếu ven biển đều do các đơn vị nhà nước trực tiếp quản lý, không thực hiện giao khoán cho các hộ dân và khai thác rừng. Đối với diện tích rừng và đất rừng phòng hộ xung yếu (18.013 ha) và sản xuất (33.869 ha) có sự tham gia của người dân thì người dân thông qua Nghị định số 135/2005/NĐ-CP.
Việc sử dụng RNM phòng hộ ven biển chủ yếu tập trung vào việc khai thác nguồn lợi thủy sản trong rừng ngập mặn và kết hợp nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên đối với rừng RNM là rừng sản xuất, việc khai thác lâm sản vẫn được thực hiện nhưng rất hạn chế.
3.2. Giá trị sử dụng trực tiếp của rừng phòng hộ chắn sóng tại Cà Mau
Việc sử dụng RNM phòng hộ ven biển Cà Mau gồm 2 loại là khai thác củi và khia thác nguồn lợi thủy sản trong rừng ngập mặn. Tại khu vực nghiên cứu có khoảng 2.000 hộ gia đình sinh sống liên quan đến RNM. Kết quả điều tra xác định giá trị sử dụng trực tiếp cho thấy:
1. Giá trị sử dụng gỗ, củi
RNM ở bán đảo Cà Mau được xác định có 3 loại cá thể chủ yếu: cây mắm, cây đước và cây vẹt. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, hiệu quả kinh tế từ những cánh rừng không cao. Cây đước dùng để làm nhà ở, làm củi, hầm than. Không như những cánh rừng già của miền Trung, miền Đông hay vùng miền núi phía Bắc, gỗ là “tài sản” quý giá nhất của rừng. Tại đây cây gỗ thuộc hàng thứ yếu mà chính mặt nước mới là “tài sản” sinh lợi cho những người nhận khoán đất rừng. Vì vậy những hộ dân nhận khoán đất rừng đã làm mọi cách để mặt nước được rộng thêm ra, con tôm được rộng đường bơi trong phạm vi mà họ nhận khoán.
Ngoài các gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng kết hợp với nuôi trồng thủy sản, 65% hộ gia đình đang sinh sống trong địa phận rừng ngập mặn tại Cà Mau không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Thu nhập chủ yếu của họ là khai thác trái phép lâm sản trong rừng, chủ yếu là chặt cây trưởng thành để bán hoặc làm hầm than. Theo kết quả phỏng vấn nhanh lực lượng kiểm lâm tại Cà Mau thì không những người lớn mà trẻ em 14-15 tuổi cũng tham gia phá rừng. Đối tượng này chặt cây cao khoảng 4-5m cắt ra từng khúc đưa vào lò hầm than hoặc bán cho người có nhu cầu tiêu dùng với giá từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/cây, tùy kích cỡ. Than đước có giá trên dưới 5.000 đồng/kg, với lò than nhỏ sau 2 ngày đốt lò thu được hơn 40kg, kiếm được khoảng 200.000 đồng.
Do lực lượng kiểm lâm mỏng, phương tiện thiếu, kinh phí hạn chế như hiện nay, việc tuần tra ban đêm là một trở ngại lớn đối với lực lượng kiểm lâm. Lực lượng kiểm lâm khó giữ được cây đứng mà chỉ giữ cây đã bị đốn hạ, nhưng lúc được, lúc mất. Khi phát hiện đối tượng vi phạm, lượng lượng kiểm lâm thường thu giữ cây, xử phạt đối tượng nhưng biện pháp phạt tiền xem ra không còn hữu hiệu, không còn tính răn đe. Vì hầu hết các đối tượng đều nghèo khó nên khi bị bắt, xử phạt tiền, họ phải chạy vay lãi suất cao đóng phạt và sau đó, không còn con đường nào khác hơn là tiếp tục chặt cây làm hầm than để trả nợ và chi tiêu cho cuộc sống”.
Hiện nay rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn Năm Căn, Ngọc Hiển, khu vực cồn Ông Trang… tình trạng lâm tặc phá rừng đáng báo động. Trong gần 6 tháng đầu năm nay, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau phối hợp với các ngành hữu quan và địa phương có rừng phát hiện, xử lý 343 vụ vi phạm lâm luật, phá hủy hàng trăm lò hầm than trái phép trên lâm phần. Tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, từ đầu năm đến nay đã phát hiện, xử lý 70 vụ vi phạm lâm luật, nhưng trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều. Điểm nóng phá rừng hiện nay là khu vực cồn cát Trảng Sáo, cồn Ông Trang xã Viên An.
Như vậy mặc dù không được phép khai thác các gỗ, củi trong rừng ngập mặn, nhưng các hộ gia đình ở đây vẫn hàng ngày được hưởng lợi trực tiếp từ việc mua bán, sử dụng các sản phẩm này. Theo ước tính mỗi hộ gia đình khai thác khoảng 15 ste gỗ, củi mỗi tháng với thu nhập trung bình khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng/hộ gia đình/tháng. Với 65% số hộ gia đình (khoảng 800 hộ) thì thu nhập hàng tháng từ rừng ngập mặn là 14,4 tỷ đồng/ha/năm (trung bình mỗi ha rừng cho lợi khoảng 216 nghìn đồng/ha/năm).
2. Giá trị sử dụng nguồn lợi thủy sản
Chúng ta đều biết rằng rừng ngập mặn là sinh cảnh đồng thời là nơi cung cấp nguồn thức ăn đối với các loài thủy sản đang sinh sống trong đó. Sản phẩm thủy sản có thể đem lại giá trị kinh tế cho rừng ngập mặn Cà Mau là lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt, chủ yếu là tôm, cua, ốc len.
Kết quả phỏng vấn 90 hộ gia đình cho thấy thu nhập từ việc nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn mang lại thu nhập trực tiếp cho mỗi hộ trung bình là 2,4 triệu đồng/hộ gia đình/tháng trong đó chi phí đầu tư chiếm khoảng 50% so với doanh thu. Như vậy, giá trị thực trong việc hỗ trợ nuôi trồng thủy sản của rừng ngập mặn là 6,048 tỷ đồng/năm (tương đương với 90,7 nghìn đồng/ha/năm). Như vậy tổng giá trị trực tiếp từ rừng ngập mặn là 20.448.000.000 đồng/năm (tương đương với 306.769 đồng/ha/năm).
3.3. Giá trị hấp thụ cacbon của RNM phòng hộ chắn sóng tại Cà Mau
Nghiên cứu tiến hành xác định giá trị hấp thụ các bon của 2 loại rừng chủ yếu là rừng Đước thuần loài và rừng mắm trắng tự nhiên. Kết quả nghiên cứu giá trị hấp thụ các bon của rừng Đước trồng thuần loài theo các tuổi khác nhau như sau:
Bảng 2. Giá trị hấp thụ các bon rừng trồng Đước thuần loài tại Cà Mau
Tuổi rừng |
Địa điểm |
D1.3 (cm) |
Hvn (m) |
Mật độ (cây/ha) |
Giá trị hấp thụ các bon (đồng/ha) |
|
Giá thấp |
Giá cao |
|||||
3 |
Ngọc Hiển, Cà Mau |
3,50 |
1,08 |
3.300 |
1.118.000 |
2.460.000 |
7 |
Ngọc Hiển, Cà Mau |
3,51 |
6,26 |
4.150 |
4.751.000 |
10.452.000 |
13 |
Ngọc Hiển, Cà Mau |
7,35 |
11,23 |
4.016 |
18.731.000 |
41.210.000 |
16 |
Ngọc Hiển, Cà Mau |
8,94 |
12,40 |
3.766 |
31.286.000 |
68.830.000 |
Số liệu nghiên cứu cho thấy giá trị hấp thụ các bon của loài Đước xanh tăng dần theo tuổi. Ở tuổi 16 giá trị hấp thụ Carbon trung bình trên 1 ha là 31.286.000 đ/ha – 68.830.000 đ/ha (giá thấp và giá cao), ở tuổi 13 với mật độ tương đối lớn (4016 cây/ha) giá trị hấp thụ Carbon ở kịch bản giá thấp và giá cao lần lượt là 18.731.000 đ/ha và 41.210.000 đ/ha. Đước xanh tuổi 7 có giá trị hấp thụ Carbon là 4.751.000 – 10.452.000 đ/ha, thấp nhất là tuổi 3 với giá trị là 1.118.000 đ/ha – 2.460.000 đ/ha.
Đối với rừng mắm tự nhiên, giá trị hấp thụ các bon của rừng phụ thuộc vào chất lượng rừng. Đối với rừng mắm có đường kính ngang ngực bình quân 7 cm thì gia strị hấp thụ các bon làg từ 10,9 – 24 triệu đồng/ha; rừng mắm có đường kính cây bình quân là 16 cm thì giá trị hấp thụ các bon là từ 33,5 – 78,9 triệu đồng (chi tiết xem bảng 3).
Bảng 3. Giá trị hấp thụ các bon của rừng Mắm trắng tự nhiên tại Cà Mau
Địa điểm |
D1.3 (cm) |
Hvn (m) |
Mật độ (cây/ha) |
Giá trị hấp thụ các bon (đồng/ha) |
|
Giá thấp |
Giá cao |
||||
Ngọc Hiển, Cà Mau |
7,0 |
9,44 |
2.790 |
10.954.000 |
24.098.000 |
Ngọc Hiển, Cà Mau |
10,0 |
11,00 |
2.770 |
15.501.000 |
34.103.000 |
Ngọc Hiển, Cà Mau |
13,0 |
12,16 |
2.660 |
15.763.000 |
34.679.000 |
Ngọc Hiển, Cà Mau |
16,0 |
13,24 |
2.540 |
33.586.000 |
73.890.000 |
4. Kết luận
Từ các kết quả nghiên cứu đưa ra một số kết luận bước đàu như sau:
- Tổng diện tích RNM ở tỉnh Cà Mau đến 2009 là khoảng 60.605 ha, trong đó diện tích RNM phòng hộ ven biển là khoảng 26.000 ha. RNM phòng hộ do các Ban quản lý rừng trực tiếp quản lý. Việc sử dụng RNM phòng hộ chủ yếu là khai thác nguồn lợi thủy sản và chất đốt.
- Giá trị sử dụng trực tiếp của RNM Cà Mau ước tính là khoảng 216.000 đồng/ha/năm đối với gỗ và củi và khoảng 306.769 đồng/ha/năm cho khai thác nguồn lợi thủy sản liên quan đến RNM;
- Giá trị hấp thụ các bon của rừng cũng rất lớn và phụ thuộc vào chất lượng rừng. Rừng Đước trồng thuần loài tuổi 3 đến 16 có giá trị hấp thụ các bon từ 1,1 – 69 triệu đồng/ha.
Tài liệu tham khảo
Centre for Social and Economic Research on the Global Environment (CSERGE). 1993. Mexico forestry and conservation sector review: Sub-study of economic valuation of forests. Report to the World Bank: Latin America and the Caribean. Country Department II (LA2), London.
Faeth, P., Cort, C. and Livernash, R. 1994. Evaluating the carbon sequestration benefits of forestry projects in developing countries. Washington, D.C.: World Resources Institute (WRI).
Pearce, D. and Moran, D. 1994. The economic value of biodiversity. London: Earthscan Publications.
Trần Thị Thu Hà và Vũ Tấn Phương, 2007. Giá trị bảo vệ đê biển của rừng ngập mặn-Nghiên cứu điểm tại huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số 27/2007, trang 68-72, Hà Nội, 2007.
Vũ Tấn Phương và CS, 2006. Báo cáo tổng kết “Nghiên cứu lượng giá giá trị môi trường và dịch vụ môi trường một số loại rừng chủ yếu ở Việt Nam”. Trung tâm nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng, Hà Nội.
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Các tin khác
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu tuyển chọn và nhân giống thông nhựa (Pinus merkusii jungh et de vriese) kháng sâu róm thông (Dendrolimus Punctatus Walker).
- Báo cáo kết quả đề tài: Hoàn thiện phương pháp kiểm kê khí nhà kính trong lâm nghiệp
- Báo cáo kết quả đề tài: Khảo nghiệm và xây dựng mô hình trồng rừng keo lai, bạch đàn, thông caribeae, xoan cung cấp gỗ lớn tại Tây Nguyên
- Báo cáo tóm tắt kết quả đề tài: Nghiên cứu chọn giống và biện pháp kỹ thuật trồng rừng Sở thâm canh cho vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc trung bộ
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu lựa chọn thiết bị và hoàn thiện công nghệ sử dụng cơ giới hoá để phục vụ trồng rừng thâm canh trên một số vùng kinh tế lâm nghiệp trọng điểm