TS. Phan Minh Sáng
I ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm qua, rừng tự nhiên nước ta đã bị suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, do đó rừng ngày càng không đảm bảo đầy đủ các chức năng chủ yếu là bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp lâm sản và đáp ứng các yêu cầu về cảnh quan văn hoá, xã hội. Cùng với các biện pháp khoanh nuôi và làm giàu rừng, trồng rừng mới là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lâm nghiệp. Việc xác định cơ cấu cây trồng và xác định kỹ thuật gây trồng cho từng vùng là một việc làm quan trọng và cấp bách.
Ngoài các loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao được đưa vào, thì những loài cây nhập nội sinh trưởng nhanh, có giá trị kinh tế cao cũng chiếm vai trò rất quan trọng. Cây Lát Mexico và cây Giổi Bắc là 2 loài cây gỗ lớn nhập nội có giá trị kinh tế cao, trữ lượng lớn, sinh trưởng nhanh, có thể đáp ứng nhu cầu trồng rừng… Tuy nhiên, việc mở rộng trồng 2 loài cây này trên quy mô lớn còn nhiều hạn chế do những tồn tại như: Chưa xác định được các điều kiện gây trồng và các biện pháp kỹ thuật gây trồng phù hợp và việc cung cấp nguồn giống còn nhiều khó khăn, đặc biệt là bảo quản hạt và các kỹ thuật liên quan đến việc gieo tạo giống.
Để giải quyết một phần những tồn tại trên, Viện Khoa học Lâm Nghiệp đã thực hiện đề tài:“ Nghiên cứu kỹ thuật gây trồng cây gỗ lớn nhập nội Giổi Bắc và Lát Mexico”.
II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Nội dung nghiên cứu
– Tổng hợp các kết quả nghiên cứu đã có, điều tra đánh giá rừng trồng Giổi Bắc và Lát Mexico đã có ở Việt Nam.
– Xác định lập địa phù hợp cho trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ lớn Giổi Bắc và Lát Mexico.
– Khảo nghiệm xuất xứ: Lựa chọn 3- 5 xuất xứ nhập nội và khảo nghiệm trên các dạng lập địa khác nhau cho 2 phương pháp thuần loài và hỗn giao, từ đó chọn 1 – 2 xuất xứ tốt nhất của mỗi loài để gây trồng rừng.
– Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh nhằm cung cấp gỗ lớn Giổi Bắc và Lát Mexico.
– Điều tra phân bố tự nhiên của Giổi Bắc tại miền Bắc và Tây Nguyên Việt Nam.
– Nghiên cứu sâu bệnh hại rừng Lát Mexico.
– Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ lớn Giổi Bắc và Lát Mexico.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.1.1. Phương pháp điều tra đánh giá rừng trồng Giổi Bắc và Lát Mexico
Tại mỗi điểm nghiên cứu đề tài tiến hành thu thập đề cương nghiên cứu và các kết quả nghiên cứu của 2 loài đã đạt được. Đối với rừng trồng lập 03 ô tiêu chuẩn diện tích 500m2 (20mx25m) cho mỗi thí nghiệm để ghi chép, đo đếm và thu thập số liệu: phương thức trồng, mật độ trồng, lịch sử rừng trồng, kỹ thuật trồng, tỷ lệ sống, tỷ lệ hỗn giao, đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng D, H.
Đồng thời tại mỗi điểm nghiên cứu tiến hành lấy mẫu đất, phân tích các chỉ tiêu dinh dưỡng trong đất: Đạm, lân dễ tiêu, kali dễ tiêu, thành phần cơ giới, mùn, PHkcl, tỷ lệ C/N, độ chua trao đổi, độ chua thủy phân, các chất trao đổi (Ca2+, Mg2+) sau đó tiến hành xử lý và phân tích theo phương pháp thống kê toán học trong lâm nghiệp.
2.1.2. Phương pháp chọn và khảo nghiệm xuất xứ cho 02 loài Giổi Bắc và Lát Mexico
a. Chọn xuất xứ để khảo nghiệm
– Giổi Bắc
– Lát Mêxico
b. Lựa chọn địa điểm khảo nghiệm
– Với Giổi Bắc đề tài tiến hành chọn địa điểm nghiên cứu tại ba vùng: Đông Bắc (Quảng Ninh), Vùng Trung tâm Bắc Bộ (Yên Bái), Vùng Bắc Trung Bộ (Nghệ An).
– Với Lát Mexico đề tài tiến hành chọn địa điểm nghiên cứu tại bốn vùng: Đông Bắc (Quảng Ninh), Trung tâm Bắc Bộ (Yên Bái), Vùng Bắc Trung Bộ (Nghệ An), Vùng Tây Nguyên (ĐăK Nông).
c. Thí nghiệm khảo nghiệm
Đề tài tiến hành bố trí khảo nghiệm giữa các xuất xứ của hai loài với hai phương thức trồng: Trồng thuần loài và trồng hỗn giao với Keo tại mỗi điểm nghiên cứu với cách bố trí như sau:
– Giổi Bắc: Trồng thuần loài mật độ 1660 cây/ha (3x2m), diện tích tại mỗi điểm 0,5ha; trồng hỗn giao với Keo tỷ lệ 1: 1, mật độ trồng 1660 cây /ha (3x2m).
– Lát Mexico: Trồng thuần loài và hỗn giao với Keo (tỷ lệ 1:1) với các mật độ 1660 cây/ha (3x2m), 1100 cây/ha (3x3m), 1250 cây/ha (4x2m).
2.1.3. Phương pháp nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng thâm canh Giổi Bắc và Lát Mexico
Như đã nêu ở trên đề tài đã chọn vùng nghiên cứu ở Việt Nam cho hai loài Giổi Bắc và Lát Mexico là tại Quảng Ninh, Yên Bái, Nghệ An và Tây Nguyên (chỉ duy nhất Lát Mexico).
Cách bố trí thí nghiệm:
– Công thức mật độ : Đề tài thí nghiệm với ba mật độ (1660 cây/ha, 1250 cây/ha, 1100 cây/ha).
– Công thức bón phân: Đề tài thí nghiệm với bốn công thức (bón nhiều phân, bón vừa phân, bón ít phân và công thức đối chứng không bón phân).
– Công thức bón vôi (chỉ thí nghiệm với Lát Mexico). Đề tài cũng tiến hành thí nghiệm với bốn công thức (bón nhiều vôi, bón vừa vôi, bón ít vôi và công thức đối chứng không bón vôi).
– Công thức hỗn giao với Keo: Đề tài tiến hành ba công thức hỗn giao với Keo (hỗn giao với Keo ở các mật độ : 1660 cây/ha, 1250 cây/ha, 1100 cây/ha).
2.1.4. Phương pháp thí nghiệm gieo ươm Giổi Bắc và Lát Mexico
Có rất nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây con ở giai đoạn vườn ươm, trong đó có mức độ che sáng, thành phần dinh dưỡng ruột bầu và khoảng cách cấy cây là những yếu tố chính. Như vậy các nội dung nghiên cứu gồm: 1) thí nghiệm che sáng; 2) Thí nghiệm thành phần ruột bầu; 3) Thí nghiệm tạo cây con bằng rễ trần.
– Phương pháp bố trí thí nghiệm: Đề tài đã tiến hành bố trí thí nghiệm ở bốn cấp độ khác nhau, mỗi công thức 36 cây và lặp lại ba lần.
+ Công thức 1 : che sáng 75%
+ Công thức 2: che sáng 50%
+ Công thức 3: che sáng 25%
+ Công thức 4: đối chứng không che sáng
– Đo đếm sinh trưởng: Định kỳ hai tháng đo một lần. Đường kính gốc được đo bằng thước điện tử với độ chính xác 0.01mm. Chiều cao được đo bằng thức đo cao với độ chính xác 0,1 cm.
2.1.5. Phương pháp điều tra phân bố tự nhiên của Giổi Bắc
Do thời gian và kinh phí có hạn vì vậy phương pháp khảo sát phân bố tự nhiên của Giổi Bắc được áp dụng theo các bước sau:
– Thu thập tài liệu có sẵn và kiến thức chuyên gia về phân bố của loài cây này ở Việt Nam.
– Thu thập các thông tin thứ cấp khác của đề tài.
– Khảo sát theo tuyến đã có thông tin về phân bố loài Giổi Bắc để tìm cây mọc trong tự nhiên.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1 Kết quả nghiên cứu và thảo luận về loài cây Giổi Bắc
3.1.1 Kết quả điều tra đánh giá rừng trồng Giổi Bắc đã có
Qua kết quả điều tra cho thấy, Giổi Bắc sinh trưởng khá mạnh ở các tỉnh phía bắc Việt Nam, cụ thể như sau:
– Phương thức trồng: Giổi Bắc có thể trồng thuần loài, là cây có khả năng chịu bóng ở thời gian đầu nhưng ưa sáng hoàn toàn sau 5- 6 tuổi, rất thích hợp để trồng hỗn giao với các loài cây có sinh trưởng ngang bằng với Giổi Bắc như: Mỡ, Thông mã vĩ, nhưng chú ý cần điều tiết mật độ để tránh chèn ép về sinh trưởng khi rừng đã khép tán.
– Mật độ trồng: Mật độ trồng hợp lý cho trồng thuần loài và trồng với Thông mã vĩ là 1660 cây/ha.
– Giổi Bắc có thể trồng được ở vùng Đông Bắc và Trung tâm Bắc Bộ Việt Nam với độ cao lên đến 700m so với mặt nước biển.
– Giổi Bắc chịu được đất chua, thành phần cơ giới đến sét, đất tương đối nghèo dinh dưỡng.
3.1.2 Kết quả khảo nghiệm xuất xứ Giổi Bắc
– Đề tài đã tiến hành kết hợp giữa khảo nghiệm hai xuất xứ và hai phương thức trồng: Thuần loài và hỗn giao với Keo. Tổng diện tích khảo nghiệm là 4ha.
– Qua kết quả đo sinh trưởng và phân tích ANOVA cho thấy không có sự khác biệt về mặt thống kê giữa hai xuất xứ khảo nghiệm do cây còn khá nhỏ. Từ kết quả đo đếm cho thấy cả hai xuất xứ đều có tiềm năng cho trồng rừng cung cấp gỗ lớn ở Việt Nam
– Sinh trưởng của Giổi Bắc ở Yên Bái cao hơn hẳn so với sinh trưởng của Giổi Bắc ở Quảng Ninh
3.1.3 Kết quả thí nghiệm gieo ươm Giổi Bắc
Các biện pháp kỹ thuật gieo ươm có ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây con Giổi Bắc ở giai đoạn vườn ươm.
Cường độ ánh sáng là yếu tố ảnh hưởng rõ rệt nhất đến sinh trưởng của cây con Giổi Bắc, nó cũng đảm bảo cho tỷ lệ sống 100% so với thời điểm cây con đạt 9 tháng tuổi. Cường độ che sáng thích hợp nhất từ 50%.
Hỗn hợp ruột bầu có ảnh hưởng lớn đến cả tỷ lệ sống và sinh trưởng cây con Giổi Bắc, chỉ dùng đất rừng tầng mặt kết hợp với 1% lân thành phần hỗn hợp ruột bầu cho sản xuất cây con Giổi Bắc.
Nếu sản xuất cây con đem trồng rừng có độ tuổi dưới 9 tháng thì việc bố trí giãn cách giữa các cây con là không cần thiết vì không có tác dụng nhiều tới sinh trưởng và tỷ lệ sống cây con mà ngược lại làm tăng diện tích gieo ươm.
3.1.4 Kết quả nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng thâm canh nhằm cung cấp gỗ lớn
a)Thí nghiệm phương thức và mật độ trồng
- Về mật độ trồng
Qua kết quả thí nghiệm, đo đếm sinh trưởng nhận thấy rằng: Ở Quảng Ninh sau 36 tháng tuổi đạt D00 = 2,4 – 2,6cm , Hvn = 2,7 – 2,8m; tỷ lệ sống đạt 93 – 95 %. Ở Yên Bái sau 36 tháng tuổi đạt D00 = 2,6 – 2,9 cm, Hvn = 2,9 – 3,2 m; tỷ lệ sống đạt 88 – 93 %.
Về sinh trưởng giữa các mật độ, theo kết quả điều tra, phân tích thống kê cho thấy rừng trồng Giổi Bắc giữa các công thức mật độ khác nhau không có sự khác biệt lớn về sinh trưởng đường kính và chiều cao do tuổi cây còn nhỏ.
- Về phương thức trồng
Giổi Bắc trồng hỗn giao với Keo và Thông ở Quảng Ninh sau 18 tháng đạt D00 = 2,4 – 2.6 cm; Hvn = 2,7 – 2,8m, tỷ lệ sống đạt 85%. Ở Yên Bái sau 36 tháng đạt 2,4 – 2,8 m, tỷ lệ sống đạt 90 – 95 %.
Số liệu sinh trưởng về đường kính và chiều cao giữa các công thức thí nghiệm có sự khác nhau nhưng chưa rõ rệt, do ở giai đoạn tuổi nhỏ các biện pháp tác động chưa có tác động rõ đến sinh trưởng của cây.
b)Thí nghiệm bón phân
Qua kết quả ta thấy về sinh trưởng đường kính và chiều cao giữa các công thức thí nghiệm bón phân có sự khác nhau, tuy nhiên sự khác nhau này chưa nhiều, có thể là do tác động của các yếu tố khác, do vậy chưa kết luận được ảnh hưởng của phân bón đến sinh trưởng của cây và cần phải theo dõi thêm. Tuy nhiên có thể thấy ảnh hưởng lớn của phân bón tới tỷ lệ sống của cây. Ví dụ ở công thức 1: Bón nhiều phân (1,5kg vi sinh + 0,15kg NPK) cho thấy tỷ lệ sống thấp nhất chỉ đạt 81% ở Quảng Ninh và 83% ở Yên Bái.
3.2 Kết quả nghiên cứu Lát Mexico
3.2.1 Kết quả đánh giá rừng trồng Lát Mexico đã có
Qua kết quả điều tra rừng trồng Lát Mexico đã có ta thấy:
– Phương thức trồng:
Đối với rừng trồng Lát Mexico tập trung, phương thức trồng thuần loài có xen cây nông nghiệp trong những năm đầu khi rừng chưa khép tán có sinh trưởng nhanh nhất.
Đối với trồng hỗn giao cần lựa chọn loài cây trồng, xác định mật độ trồng và tỷ lệ hỗn giao hợp lý để không làm che bóng ảnh hưởng đến sinh trưởng của Lát Mexico.
Lát Mexico trồng phân tán có sinh trưởng nhanh, ít bị sâu bệnh, có thể trồng phân tán theo đường đi, vườn hộ, che bóng cho cây nông nghiệp.
– Mật độ trồng:
Trồng thuần loài mật độ từ 1.100 cây/ha đến 1600 cây/ha; trồng hỗn giao tùy thuộc vào loài cây trồng hỗn giao tuy nhiên mật độ không quá 1660 cây /ha.
– Sâu bệnh hại Lát :
Qua kết quả điều tra cho thấy rừng Lát Mexico trồng tập trung trong những năm đầu thường bị sâu đục gốc và ngọn vào năm thứ hai và năm thứ ba. Cần có biện pháp phòng trừ ngay sau khi trồng, nếu không sẽ dẫn đến rừng bị phá hoại hoàn toàn.
3.2.2 Thí nghiệm khảo nghiệm xuất xứ Lát Mexico
Đề tài đã tiến hành kết hợp khảo nghiệm bốn xuất xứ và hai phương thức trồng: trồng thuần loài và hỗn giao với Keo. Ngoài ra tại mỗi điểm trồng khảo nghiệm đề tài có trồng thêm 1- 2 xuất xứ đã được nhập về Việt Nam trước. Tại mỗi điểm nghiên cứu bố trí như sau:
– Trồng thuần loài mật độ 1660 cây/ha (3x2m), diện tích mỗi điểm 0,6ha
– Trồng hỗn giao với Keo tai tượng, tỷ lệ 1:1 (hỗn giao theo hàng), với mật độ 1660 cây/ha, diện tích tại mỗi điểm 0,6ha.
Tổng diện tích khảo nghiệm là 5 vùng x 1,2 ha/ vùng = 6ha.
Qua kết quả điều tra đo điểm ta thấy sau 36 tháng tuổi sinh trưởng của các xuất xứ như sau:
Tại Quảng Ninh sinh trưởng của các xuất xứ biến động từ: D1.3 = 1,8 – 2,3m; Hvn = 0,41 – 0.48m. Tại Yên Bái sinh trưởng biến động từ D1.3 = 5,6 – 6,2cm, Hvn = 5,8 – 6,4m. Tại Nghệ An sinh trưởng biến động từ : D1.3 = 2,8 – 4.5 cm; Hvn = 3,0 – 4,4m.
Nhìn vào kết quả trên ta thấy Lát Mexico tại Yên Bái có tốc độ sinh trưởng mạnh nhất, trong các xuất xứ thì xuất xứ Perez Zeledon sinh trưởng và phát triển mạnh nhất trong các tỉnh. Tuy nhiên cây trồng mới được 36 tháng cần phải tiếp tục theo dõi thêm.
3.2.3 Nghiên cứu kỹ thuật gieo ươm tạo cây con Lát Mexico
Qua kết quả nghiên cứu ta thấy:
Các biện pháp kỹ thuật gieo ươm có ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng cây con Lát Mexico trong giai đoạn vườn ươm.
Trong điều kiện thường không được bảo quản hạt Lát Mexico mất sức nảy mầm nhanh. Nếu sau thu hoạch không gieo ươm ngay cần phải bảo quản lạnh trong tủ bảo quản với nhiệt độ 5 độ C.
Giá thể gieo hạt Lát Mexico tốt nhất là gieo trên đất, nhiệt độ nước ấm xử lý hạt trong khoảng nhiệt độ thường tới 40oC.
Che sáng không có tác dụng hỗ trợ sinh trưởng cho cây Lát trong giai đoạn vườn ươm. Do đó việc che sáng cho cây Lát ở giai đoạn vườn ươm là không cần thiết.
Việc bổ sung phân vi sinh vào thành phần ruột bầu có tác dụng hỗ trợ sinh trưởng của cây Lát Mexico ở giai đoạn vườn ươm. Lượng phân bón từ 1 – 5% phân vi sinh (theo thể tích) có tác dụng đáng kể đến sinh trưởng của cây con so với không bón phân.
Cây con rễ trần có sinh trưởng nhanh hơn cây con có bầu, khoảng cách cấy cây lớn hơn giúp cây sinh trưởng nhanh hơn.
Lát Mexico có khả năng ra rễ bằng phương pháp giâm hom cao, thuốc NAA, IBA và IAA có tác dụng kích thích ra rễ khi giâm hom.
3.2.4 Nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng Lát Mexico
Qua kết quả điều tra và phân tích ANOVA về mặt thống kê sau 36 tháng ta thấy:
– Phương thức trồng và mật độ trồng chưa có sự khác nhau giữa các công thức thí nghiệm.
– Vôi bột và phân bón có tác dụng tích cực đến sinh trưởng của Lát Mexico ở giai đoạn đầu, tuy nhiên khi cây đến ba tuổi thì ảnh hưởng này không quá rõ ràng, trừ Lát Mexico ở Quảng Ninh có sinh trưởng tương đối khác biệt (tốt nhất) ở công thức bón vôi cao nhất.
3.2.5 Kết quả nghiên cứu sâu hạt Lát Mexico
Qua kết quả điều tra ở một số khu vực trồng khảo nghiệm Lát Mexio ta thấy Lát Mexico chủ yếu bị các loài sâu hại là :Vòi voi (Dyscerus sp); Sâu đục nõm Hypsipyla robusta.
Cây Lát thường bị sâu hại ở giai đoạn còn non từ 1 – 2 tuổi, sâu thường phá hoại ngọn cây và gốc cây. Sâu ngọn dẫn đến cây bị mất ngọn chính và phân cành sớm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và chất lượng gỗ sau này, nhưng nguy hiểm hơn là sâu đục gốc dẫn đến cây trồng bị đổ và chết.
IV. KẾT LUẬN
4.1 Kết luận
- Giổi Bắc và Lát Mexico là hai loài cây gỗ lớn sinh trưởng tốt ở nước ta, có thể trồng thuần loài hoặc hỗn giao với các loài cây có tốc độ sinh trưởng ngang bằng với hai loài cây này. Mặc dù vậy cả hai loài đều đòi hỏi lập địa còn tốt, đất còn tính chất đất rừng. Ngoài ra Lát Mexico sinh trưởng không tốt trên đất chua.
- Kỹ thuật gieo ươm có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sống, sinh trưởng và phát triển của cây Giổi Bắc và Lát Mexico ở giai đoạn vườm ươm.
- Đến hết năm 2010, các biện pháp kỹ thuật trồng rừng Lát Mexico và Giổi bắc đã thử nghiệm như mật độ, bón phân, công thức hỗn giao vẫn chưa có ảnh hưởng rõ ràng đến cây trồng thí nghiệm giữa các công thức khác nhau.
- Các xuất xứ Giổi Bắc và Lát Mexico đã thử nghiệm bởi đề tài đều sinh trưởng và phát triển tốt ở các khu vực thử nghiệm.
- Lát Mexico ở rừng trồng thường bị sâu hại mạnh, vì vậy để đảm bảo thành công cho rừng trồng loài cây này, cần thiết phải nghiên cứu sâu hại bài bản hơn và xây dựng qui trình quản lý sâu hại chuẩn cho loài.
4.2 Tồn tại và đề nghị
Để có những kết luận chính xác hơn về khả năng trồng rừng gỗ lớn của hai loài cây này ở Việt Nam, cần phải có thời gian chăm sóc, bảo vệ và theo dõi rừng thí nghiệm dài hơn (ít nhất 5 – 7 năm).
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Các tin khác
- Thông tin buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Viện của NCS Phạm Xuân Đỉnh
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng ngập mặn trên các điều kiện lập địa khó khăn góp phần chắn sóng vùng ven biển các tỉnh miền Bắc Việt Nam
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu hiệu quả rừng trồng một số loài cây làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển cây trồng chủ yếu phục vụ sản xuất hàng hóa lâm sản ở Việt Nam
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật gây trồng một số loài cây bản địa Trai Lý (Garcinia fagraeoides A.Chev), Vù Hương (Cinnamomum balansae Lec) và Sưa (Dalbergia tonkinensis Prain) nhằm phục hồi các trạng thái rừng nghèo kiệt tại Tây Bắc
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu cải thiện giống nhằm tăng năng suất, chất lượng cho một số loài cây trồng rừng chủ lực