Thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp – Đõ Đình Sâm

GS.TSKH. Đỗ Đình Sâm

Viện trưởng Viện KHLNVN

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định vào tháng 7 năm 1998 . Năm 1999 là năm đầu thực hiện dự án trên cơ sở nối tiếp chương trình 327 và đặt nền móng tốt cho các năm tiếp theo. Để thực hiện dự án, hàng loạt vấn đề cần được đồng bộ giải quyết đặc biệt là các chính sách về đất đai, chính sách đầu tư và tín dụng, chính sách hưởng lợi và tiêu thụ sản phẩm, chính sách về khoa học công nghệ. Đối với vấn đề khoa học công nghệ đặt ra trong dự án đã có nhiều cuộc hội thảo, bài viết trên các tạp chí đề cập về nhiều khía cạnh khác nhau. Trong bài viết này nội dung chủ yếu là nhấn mạnh thêm việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ đã có trong quá trình thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

1. Qui hoạch sử dụng đất đai và đánh giá đất đai:

Hiện nay Viện Điều tra quy hoạch rừng đang tiến hành rà soát lại quỹ đất cho dự án, tức là xác định diện tích đất đai dành cho mục tiêu phát triển lâm nghiệp. Ngoài xác định quỹ đất cần thiết phải nắm vững đặc điểm đất đai, độ phì đất làm cơ sở cho việc xác định cây trồng phù hợp và các biện pháp kỹ thuật cần tác động. Những cơ sở khoa học và phương pháp luận về đánh giá đất đai đã được thực hiện và đề xuất ở nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước trong giai đoạn 1985-1990 ở Viện Khoa học Lâm nghiệp , Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp. Đó là việc xác định yêu cầu của các loại hình sử dụng đất, các đòi hỏi về điều kiện sinh trưởng của cây trồng, so sánh với đặc điểm đất đai để xác định quỹ đất lâm nghiệp và mức độ thích hợp đất đai trên cơ sở áp dụng hệ thông tin địa lý GIS và phúc tra ngoài thực địa. Nhiều tài liệu nghiên cứu cơ bản về đất đai đã được hoàn thiện cần phải được tham khảo, sử dụng trong thực tiễn.

Liên quan việc quy hoạch sử dụng và đánh giá đất đai còn cần phải xác định và đánh giá các lập điạ làm cơ sở xác định các biện pháp kỹ thuật thích hợp và dự đoán năng suất rừng trồng. Các phương pháp phân chia lập địa được chuyên gia Đức thực hiện nhiều năm ở Quảng Ninh cùng sự phối hợp của Viện Điều tra qui hoạch rừng là cơ sở quan trọng để xác định lập địa lâm nghiệp. Gần đây, những nghiên cứu về lập địa được hoàn thiện ở Viện Khoa học Lâm nghiệp và Viện Điều tra quy hoạch rừng, đặc biệt đối với vùng đất dốc có thể đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Từ những năm 1996 tới nay Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tham gia xác định và đánh giá lập địa (đặc biệt hướng dẫn phương pháp) cho các dự án trồng rừng của GTZ (Cộng hoà liên bang Đức) và ngân hàng Châu á -ADP và được đánh giá tốt. Phương pháp luận và vấn đề đánh giá đất đai trên đất ngập mặn sú vẹt và đất chua phèn cũng được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu, đề xuất đang bước đầu được áp dụng tại dự án hợp tác kỹ thuật Việt Nam-Nhật Bản về phục hồi rừng trên đất chua phèn ở Thạnh Hoá (Long An) và trước kia ở tỉnh Cà Mau . Nghiên cứu về đánh giá, phân loại đất cát ven biển theo mục tiêu sử dụng của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng cần được xem xét đưa vào áp dụng trong thực tiễn.

Mộtvấn đề khác rất quan trọng trong quy hoạch sử dụng đất đai của dự án là phải xác định ranh giới giữa 3 loại rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng sản xuất. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã có nhiều năm nghiên cứu về xói mòn , rửa trôi đất và nước dưới các kiểu rừng tự nhiên và rừng trồng khác nhau làm cơ sở bước đầu xây dựng qui phạm xác định rừng phòng hộ đầu nguồn của ngành. Trong những năm 1990-1995 một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về xác định các cơ sở khoa học xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn đã đạt kết quả khả quan và bước đầu được áp dụng trong thực tiễn. Một dự án quốc tế về đầu nguồn được thực hiện với sự tham gia của Viện Điều tra qui hoạch rừng đã áp dụng phương pháp phân chia đầu nguồn ở hạ lưu sông Mê Kông, có 3 nước tham gia: Việt Nam, Lào và Thái Lan. Gần đây trong năm 1997-1998 một đề tài nghiên cứu trong chương trình 327 về xác định phương pháp và phân chia rừng đầu nguồn trong toàn quốc cũng được Viện Điều tra qui hoạch rừng thực hiện. Tất cả các nghiên cứu nêu trên đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là về phương pháp phân chia rừng đầu nguồn cần phải được khai thác triệt để và thống nhất để áp dụng trong qui hoạch sử dụng đất lâm nghiệp ở qui mô tỉnh và huyện.

2. Lựa chọn tập đoàn và cơ cấu cây trồng lâm nghiệp:

Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất. Do nguồn thông tin bị hạn chế nên về vấn đề này nhiều người dường như chưa hiểu biết được đầy đủ và cảm thấy cho tới nay chưa xác định được rõ ràng các loài cây trồng chủ yếu cho dự án. Điều đó hoàn toàn không chính xác. Dựa trên các kết quả nghiên cứu, thực nghiệm chúng ta đã khẳng định được các loài cây trồng chủ yếu của dự án. Trong tháng 10 vừa qua Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn , Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước của dự án đã viết một bài trên báo Nhân dân với nhan đề “Bảo vệ vốn rừng và việc lựa chọn cơ cấu cây lâm nghiệp trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng ở nưóc ta”, đã hoàn toàn khẳng định các loài cây trồng chủ yếu cho dự án.

Để xác định tập đoàn và cơ cấu cây trồng lâm nghiệp cần thiết phải nhấn mạnh thêm một số quan điểm chủ yếu về vấn đề này:

-Không nên phân biệt loài cây bản địa và nhập nội, phê phán loài cây nhập nội. Một số loài cây nhập nội vào Việt Nam sinh trưởng tốt đương nhiên được coi như loài cây bản địa như phi lao, thông mã vĩ, xà cừ, tếch. Trong điều kiện đất đai bị thoái hoá mạnh sau khi mất rừng thì chỉ có một số loài cây nhập nội có khả năng sinh trưởng, tồn tại được, đặc biệt là các loài keo và bạch đàn, loài cây bản địa chủ yếu là thông nhựa.

-Khác với rừng tự nhiên, được hình thành lâu đời, tổ thành nhiều loài nên đã hình thành qui luật tự bón cho đất, còn rừng trồng công nghiệp đa số là các loài cây mọc nhanh lại phát triển trên đất đã thoái hoá thì cần có đầu tư thích đáng, áp dụng các biện pháp bảo vệ và nâng cao độ phì đất. Cây trồng được lựa chọn không thể đòi hỏi nhanh chóng phục hồi độ phì đất.

-Nói tới cây lâm nghiệp dù để trồng rừng phòng hộ hay rừng kinh tế là phải thừa nhận đó là những cây lâu năm, đòi hỏi chu kỳ kinh doanh dài, nhanh nhất cũng phải 6-10 năm, còn trung bình 20-30 năm hoặc lâu hơn. Với vai trò to lớn của rừng đối với môi trường trên nhiều lĩnh vực chúng ta phải nhận thức rằng đầu tư lâu dài cho lâm nghiệp là đòi hỏi tất yếu và vì nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới các lợi ích kinh tế khác và sự sống còn của con người sau này.

Đương nhiên việc lựa chọn cây trồng lâm nghiệp cũng phải chú ý tới mục tiêu kinh tế là nhanh chóng mang lợi ích càng sớm càng tốt cho người dân tham gia trồng rừng. Vì vậy nhiều loài cây đa tác dụng, các loài cây đặc sản rừng phải được lưu ý trong chọn lựa cây trồng như Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã đề cập là các cây nông -lâm kết hợp hay lâm-nông kết hợp.

-Khi đề cập tới tập đoàn cây trồng lâm nghiệp phải xét tới điều kiện tiên quyết là về cơ bản các kỹ thuật gây trồng đã được xác định và trên thực tế đã hình thành các mô hình nhất định.

Với những quan điểm trên ta cũng phải thấy rằng việc lựa chọn các loài keo, bạch đàn trong tập đoàn cây lâm nghiệp là hoàn toàn phù hợp. Nói tới bạch đàn và keo không nên hiểu đơn giản chỉ là 2 loài mà có tới hàng trăm, hàng ngàn loài và xuất xứ khác nhau với những đặc điểm, tính chất rất khác nhau. Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng đã viết “Bạch đàn cũng là một cây trồng lâm nghiệp có giá trị, cùng với bạch dương và thông đã trở thành 3 cây lâm nghiệp mọc nhanh chủ lực của thế giới.

Với kết quả nghiên cứu lâu dài của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, của một số cơ quan nghiên cứu khác như Trung tâm lâm nghiệp Phù Ninh chúng ta đã xác định được tập đoàn các loài cây trồng chủ yếu như sau:

-Nhóm loài cây gỗ lớn phục vụ trồng rừng kinh tế, phòng hộ đầu nguồn hoặc kết hợp kinh tế với phòng hộ. ở miền Bắc đặc trưng là các loài: lim, táu, gội, giổi, lát hoa, mỡ, bồ đề, trám, sấu, huỷnh; ở miền Nam đặc trưng là các loài cây họ dầu như: sao đen, dầu rái, vên vên, tếch.

-Nhóm loài cây bạch đàn là những loài cây mọc nhanh phục vụ nguyên liệu giấy, ván dăm, đồ gia dụng … như bạch đàn trắng E.camaldulensis và E.tereticornis, bạch đàn Urophylla, bạch đàn liễu (E. exerta). Kết quả nghiên cứu ở Trung tâm lâm nghiệp Phù Ninh và Công ty giống cây trồng lâm nghiệp đã xác định một số dòng Urophylla có năng suất cao được công nhận là giống quốc gia. Nghiên cứu bạch đàn lai đã và đang được tiến hành sẽ có triển vọng áp dụng trong sản xuất .

Bạch đàn vùng cao đã được thử nghiệm từ lâu và tiếp tục trong thời gian qua ở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng đạt được kết quả khả quan và đã xác định được một số loài phù hợp ở vùng cao như bạch đàn saligna, bạch đàn microcornis, bạch đàn trắng (E. grandis) hoặc bạch đàn chanh.

-Nhóm các loài keo cũng là những cây mọc nhanh, đa tác dụng lại có tác dụng cải tạo đất vì là những cây cố định đạm. Các loài keo được xác định gây trồng phổ biến là keo lá to (A. mangium), keo lá tràm (A. auriculiformis) và đặc biệt gần đây là loài keo lai tự nhiên A. mangium x A. auriculiformis cho năng suất cao đã được sản xuất gây trồng rộng rãi do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu, khảo nghiệm và tuyển chọn.

ở một số vùng khô hạn, vùng đất cát ven biển ngoài phi lao, các nghiên cứu, thử nghiệm đã xác định 3 loài keo chịu hạn có thể mở rộng áp dụng trong sản xuất: A. difficilis, A. tumida, A. torulosa. Ngoài ra loài keo lưỡi liềm (A. crassicarpa) cũng phù hợp trên vùng cát khô hạn, vùng cát nội đồng.

-Nhóm các loài thông cho gỗ lớn và đặc biệt cung cấp nhựa có giá trị kinh tế cao. Các loài thông được xác định từ lâu là thông nhựa, thông mã vĩ, thông 3 lá. Quá trình nghiên cứu khảo nghiệm của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Công ty giống cây trồng lâm nghiệp, Trung tâm lâm nghiệp Phù Ninh đã khẳng định thông caribae cho gỗ lớn có thể phát triển trên nhiều vùng đất trống đồi núi trọc ở nước ta đặc biệt ở miền Trung, Tây Nguyên và một phần ở miền Bắc.

-Nhóm các loài cây tre trúc: Nhân dân ta và nhiều nước trong khu vực đã có kinh nghiệm gây trồng các loài tre trúc. Đó là các loài dễ trồng, đa tác dụng, sử dụng rộng rãi trong dân và trong công nghiệp, có tác dụng phòng hộ. ở nước ta, các loài luồng Thanh Hoá đã được nghiên cứu di thực rộng rãi ra miền Bắc, đã xác định các kỹ thuật nhân giống bằng hom dễ dàng và phổ cập rộng rãi . Sau luồng Thanh Hoá là các loài tre diễn, trúc cần câu, tre lồ ô ở miền Nam cũng được chú ý gây trồng. Gần đây một số tre nhập nội có triển vọng phát triển, đặc biệt để cung cấp măng như tre Dendrocalamus asper, lục trúc (Bambusa oldhanie Munro). Kết quả gây trồng và nhân giống hom tre Dendrocalamus asper vừa qua do Phân viện nghiên cứu Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ mở ra triển vọng phát triển gây trồng loài cây này ở miền Nam.

-Nhóm loài cây đặc sản: đặc biệt là quế, hồi, sở, cây chủ cánh kiến, điều … cũng đã được nghiên cứu từ lâu và đã hình thành qui trình, qui phạm gây trồng. Gần đây Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu các biện pháp nhân tạo để tạo trầm trên các cây dó trầm, gây trồng đạt kết quả khả quan.

-Nhóm loài cây trên đất cát ven biển: trước hết được xác định là phi lao; gần đây đã khảo nghiệm nhiều xuất xứ mới, sinh trưởng nhanh có nhiều triển vọng phát triển . Kỹ thuật nhân giống bằng hom đã được phổ cập. Ngoài ra các loài keo lá to, keo chịu hạn có thể gây trồng trên đất cát khô hạn.

-Nhóm các loài cây ngập mặn: được xác định một số, đã có qui trình gây trồng như mắm, sú, vẹt, bần, trên đất chua phèn chủ yếu là tràm, bạch đàn, so đũa…

Các khảo nghiệm trong mấy năm gần đây của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã xác định được một số xuất xứ tràm úc sinh trưởng nhanh có thể gây trồng trên nhiều vùng đất chua phèn mạnh.

Như vậy rõ ràng là tập đoàn cây trồng lâm nghiệp chủ yếu đã hoàn toàn được khẳng định để phục vụ cho việc triển khai dự án trồng mới 5 triệu ha rừng dựa trên các căn cứ khoa học và đã có quy trình, quy phạm hướng dẫn gây trồng.

3. Mô hình rừng trồng, khoanh nuôi và cơ cấu cây trồng lâm nghiệp:

Các loài cây xác định ở trên đều đã có mô hình gây trồng trên thực tiễn. Các mô hình rừng trồng, đặc biệt rừng phòng hộ đang hướng tới cấu trúc hỗn giao, có nhiều tầng và áp dụng phương thức nông lâm kết hợp. Đối với rừng trồng kinh tế hầu hết được gây trồng thuần loại nên một số loài đã xuất hiện sâu bệnh mạnh như ở rừng trồng thông nhựa, bạch đàn, keo nên trong thực tế khi áp dụng nên gây trồng theo hướng hỗn giao theo cụm, theo đám và có thể luân canh rừng trồng.

Các mô hình khoanh nuôi, đặc biệt trong chương trình 327 được áp dụng ở nhiều nơi thu được những kết quả rất khả quan. Khoanh nuôi là một phương thức phục hồi rừng nhanh và kinh tế nhất.

Một thành công đáng chú ý là trong các mô hình rừng trồng cây bản địa trên đất đã thoái hoá, nhiều nơi đã áp dụng kết quả thực nghiệm, đưa các loài cây keo, đậu tràm làm tiên phong, che bóng, cải tạo đất hoặc lợi dụng lớp cây bụi che phủ ban đầu.

4. Cung cấp giống cây trồng:

Nguồn cung cấp giống cây trồng đạt tiêu chuẩn, phẩm chất tốt hiện vẫn là khâu yếu nhất trong kỹ thuật và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu chọn loài, xuất xứ, cải thiện giống cây rừng, đã tuyển chọn được nhiều loài, xuất xứ tốt, đã xây dựng được các qui phạm hướng dẫn xây dựng rừng giống, vườn giống: Các kỹ thuật nhân giống sinh dưỡng, đặc biệt bằng hom và một phần qua nuôi cấy mô đã có kết quả và đựơc áp dụng trong thực tiễn, nhất là đối với bạch đàn, keo, phi lao, hông…

5. Xác định suất đầu tư trồng rừng:

Trong chương trình 327, suất đầu tư các rừng phòng hộ đã giao cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam xây dựng vẫn còn bị khống chế ở một số chỉ tiêu nhất định nên có thể là còn thấp. Do vậy đối với rừng sản xuất, suất đầu tư cần được xem xét, bổ sung thêm.

6. Các nghiên cứu về chính sách:

Các nghiên cứu chủ yếu được tiến hành ở Vụ Chính sách Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Mục tiêu nghiên cứu chủ yếu là đề xuất các chính sách tạo động lực cho người dân, mọi thành phần kinh tế tích cực tham gia dự án. Vai trò các lâm trường quốc doanh cũng được nghiên cứu, đề xuất trong việc thực hiện dự án. Kết quả nghiên cứu, đề xuất đã được thể hiện qua các chính sách cụ thể và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đó là những cơ sở, tiền đề quan trọng tạo điều kiện thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng thành công.

Tóm lại có thể thấy rằng, các thành tựu khoa học công nghệ đạt được trong quá trình nghiên cứu, thực nghiệm , tổng kết kinh nghiệm … của các cơ quan nghiên cứu, đặc biệt của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giữ vai trò chủ đạo, là những cơ sở quan trọng, là các biện pháp chủ yếu góp phần thực hiện tốt dự án trồng mới 5 triệu ha rừng mà Thủ tướng Chính phủ đã thông qua.

Scientific and technological achievements in forestry serving the project for establishing new 5 million hectares of forests

Summary

Mention is made by the author of the application of the scientific and technological achievements obtained in recent years in the implementation of the project for establishing new 5 million hectares of forests in Vietnam. Results have been obtained in basic research on : Land use planning and evaluation of forest land potential; selecting a collection and determining the structure of planted tree species in group of large timber species eucalypts, acacias, pines, bamboos, special product yielding trees and plants, tree species to be planted on coastal sandy land and in mangrove areas. The author also makes known research results on forest tree improvement, reforestation models, determination on investment rates and policy research.

***************************************************

Tin mới nhất

[logo-slider]