Nghiên cứu lai giống một số loài tràm (Melaleuca sp.)

Nguyễn Việt Cường

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Nghiên cứu trồng thử nghiệm các loài tràm (Melaleuca sp.) trong những năm gần đây cho thấy cây tràm có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu, đất đai, đồng thời cho sinh trưởng nhanh không thua kém bạch đàn. Khả năng thích nghi của chúng vừa thể hiện khi trồng ở lập địa có pH axít (3 – 4) (đồng bằng sông Cửu Long), vừa ở lập địa có pH kiềm (7,5) (núi đá vôi Ninh Bình), cũng như từ đất ngập phèn theo mùa vùng Tứ Giác Long Xuyên đến vùng đất đồi trọc Ba Vì (Hà Tây) hay vùng bán ngập lòng hồ Thuỷ điện Hoà Bình. Và hiện nay cây tràm đang là đối tượng trồng rừng cho vùng ngập nước cỏ lăn cỏ lác hoặc đất bán ngập ở các lòng hồ thuộc một số tỉnh miền Bắc.

Trong những thập kỷ gần đây nghiên cứu lai giống và sử dụng giống lai đang được nhiều nhà chọn giống nông lâm nghiệp quan tâm. Ưu điểm nổi bật của giống lai trong lâm nghiệp là có ưu thế lai về sinh trưởng làm cho cây lai vượt trội hơn bố mẹ (Shull, 1911; Gyorfey, 1960; Snyder, 1972). Nhờ sử dụng giống bạch đàn lai kết hợp trồng rừng thâm canh mà một số nước như Brazil, Congođã tạo ra được năng suất 40 – 80m3/ha/năm ( Davidson, 1998).

Do đó, việc tạo ra các giống lai cho một số loài tràm hiện có ở Việt Nam, nhằm đưa ra các giống lai mới có ưu thế lai về sinh trưởng, có khả năng chống chịu và thích nghi với một số điều kiện bất lợi của môi trường là một vấn đề được nhiều nhà chọn giống quan tâm nghiên cứu.

I. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

1. Vật liệu nghiên cứu

Vật liệu dùng trong lai giống là Melaleuca lencadendra thuộc các xuất xứ Weipa (L19, L21,L20, L9), proserpine Mackay (L2, L16, L17, L6, L7), Rifle Creek (L26, L12, L18), St. Lawrence (L4, L11, L15, L24, L25), Bensbach PNG (L39) M. viridilflora xuất xứ Weipa (V43), M. quinquenervia xuất xứ Mt. Molloy (Q40, Q41), M. cajuputi xuất xứ U Minh Thượng Kiên Giang (Ca31, Ca33), Sông Trẹm Cà Mau (Ca38), Vĩnh Hưng- Long An (Ca44).

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu về cất trữ hạt phấn được tiến hành trong 2 điều kiện nhiệt độ là nhiệt độ phòng (20 – 30OC) và -30OC. Sức sống hạt phấn được xác định bằng tỉ lệ phần trăm (%) hạt phấn nảy mầm sau 24 giờ trong môi trường do Pryor đề xuất (Van Wyk, 1981). Tỉ lệ nảy mầm của hạt phấn được xác định theo phương pháp của Stanleyvà Linskens (1974).

Lai giống (thụ phấn có kiểm soát) theo phương pháp của Moncur (1995), gồm có các tổ hợp lai cùng loài khác xuất xứ (intraspecific hybrid) và lai khác loài (interspecific hybrid).

Bố trí khảo nghiệm theo William và Matheson (1994). Mật độ 6660cây/ha, khoảng cách trồng (1,5 x 1)m, phân bón 1kg phân chuồng + 0,2kg phân lân nung chảy cho mỗi hố, kích thước hố đào (30 x 30 x 30)cm. Các số liệu thu thập được xử lý bằng chương trình DATAPLUS, GENSTAT (Williams & Matheson, 1994).

II. Kết quả nghiên cứu lai giống và khảo nghiệm tràm lai

1. Thời kỳ nở hoa của các loài tràm được dùng trong lai giống

Nghiên cứu thời kỳ nở hoa của các loài Tràm lencadendra (Melaleuca leucadendra) Tràm cajuputi ( Melaleuca cajuputi), Tràm viridiflora (Melaleuca viridiflora) tràmquinquenervia (Melaleuca quinquenervia) ở 2 dạng lập địa đồi núi và ngập nước theo mùa cho thấy các loài này có thời gian nở hoa và quả chín khác nhau khá rõ rệt. Các loài tràm sống trong điều kiện ngập nước theo mùa ở đồng bằng sông Cửu Long kể cả kiểu bán ngập ở vùng núi đá vôi Ninh Bình, thì chúng ra hoa và kết quả quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm hoa nở rộ của Tràm cajuputi, Tràm leucadendra và Tràm quinquenervia tập trung 2 đợt là tháng 3- 4 và tháng 8 — 9 còn Tràm viridiflora là tháng 1-2 và 5 — 6, trong khi đó trên đất đồi trọc ở Ba Vì – Hà Tây, Tràm Leucadendra chỉ ra hoa một lần vào tháng 11-12. Như vậy, cùng một loài khi thay đổi điều kiện sống tập tính nở hoa cũng thay đổi.

2. Xác định sức sống hạt phấn và điều kiện cất trữ

Hạt phấn của các loài tràm (Melaleuca sp.) sau khi làm khô bằng silicagel ở nhiệt độ 25 – 30oC đã được cất trữ trong 2 điều kiện nhiệt độ khác nhau: 20- 30OC và -30OC.

Từ những số liệu nghiên cứu ở bảng 1 đã thấy khi cất ở nhiệt độ trong phòng 20 – 30OC thì chỉ sau 1 tuần hạt phấn của Tràm leucadendra và Tràm cajuputi đã giảm tỷ lệ nảy mầm rất nhiều (còn 8,8% — 6,2%), đến tuần thứ hai đã hoàn toàn mất sức nảy mầm. ởnhiệt độ -30OC hạt phấn của Tràm leucadendra sau 1 năm cất trữ tỉ lệ nảy mầm giảm 14,2% (từ 83,8% xuống 69,4%), sau 3 năm cất trữ vẫn giữ được tỉ lệ nảy mầm tương đối cao 54,6% (Bảng 1). Còn Tràm cajuputi sau 1 năm cất trữ tỉ lệ nảy mầm giảm 8,4% (từ 76,2% xuống 67,8%), sau 3 năm tỉ lệ nẩy mầm vẫn còn 50,4% chỉ giảm đi một phần ba so với ban đầu (Bảng 1). Như vậy, điều kiện cất trữ thích hợp cho hạt phấn tràm là -30OC .

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]