Một số nét khái quát về chính sách giao đất, giao rừng và việc tổ chức thực hiện ở Việt Nam

Hoàng Liên Sơn

Việt Nam có 3/4 đất đai là rừng và đất rừng, độ che phủ của rừng năm 1943 chiếm 40% tổng diện tích cả nước, ngày nay độ che phủ của rừng chỉ còn khoảng 28-30%. Mục tiêu của các chính sách lâm nghiệp là bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện còn và đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Chính sách quản lý rừng và đất lâm nghiệp là một chính sách kinh tế cụ thể nhưng phụ thuộc vào cơ chế quản lý chung của nền kinh tế đất nước. Chính sách quản lý rừng và đất lâm nghiệp được xem xét trong bối cảnh chung của sự thay đổi cơ chế quản lý nền kinh tế trong mỗi thời kỳ và được chia thành 2 giai đoạn như sau:

QĐ 184/HĐBT
Đổi mới
Luật đất đai
QĐ 179/CP
NĐ 02

 

1968 1982 1989 1993 1994
– Lâm trường QD

– Hợp tác xã nông – lâm nghiệp

– Lâm trường QD

– HTX, Hộ gia đình

– Cơ quan, xí nghiệp, quân đội, trường học …

– Nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung

– Phát triển kinh tế quốc doanh, Hợp tác xã.

– Lâm trường QD

– HTX

– Hộ gia đình

– DN ngoài quốc doanh

– Cơ quan, xí nghiệp, quân đội, trường học …

– Phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước

– Kinh tế hộ gia đình được coi là một thành phần kinh tế quan trọng

 

Hình 1: Mô tả quá trình hình thành và phát triển của các chính sách giao đất giao rừng

Giai đoạn 1968 – 1989:

Trong giai đoạn này nền kinh tế của ta vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể. Các lâm trường quốc doanh (LTQD) và hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh nghề rừng quản lý gần như toàn bộ diện tích rừng và đất rừng. Văn bản đầu tiên, mốc xác định chính sách giao đất giao rừng cho các HTX kinh doanh nghề rừng là Quyết định 179/CP ngày 12 tháng 11 năm 1968. Về một số chính sách đối với HTX kinh doanh nghề rừng.

Văn bản này đề ra 2 phương hướng sản xuất kinh doanh chính:

· Diện tích rừng và đất rừng Nhà nước giao cho HTX quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh toàn diện thì các sản phẩm do HTX sản xuất ra phải được bán cho nhà nước theo chỉ tiêu kế hoạch và giá thu mua được định sẵn.

· Diện tích rừng và đất rừng Nhà Nước giao cho HTX để trồng rừng, tu bổ, khai thác … theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà Nước. Sau khi kết thúc công việc HTX giao lại cho Nhà nước theo chỉ tiêu kế hoạch đặt ra ban đầu. Nhà nước kiểm tra, kiểm kê và trả công khoán cho HTX căn cứ theo hao phí lao động của từng khâu.

Tổng diện tích rừng và đất rừng được giao trong khoảng thời gian từ 1968 – 1982 là: 2 500 000 ha cho 3 998 HTX và tập đoàn sản xuất nông lâm nghiệp.

Trong giai doạn này các hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp của các HTX chủ yếu là khai thác, lợi dụng tài nguyên rừng như: Gỗ, củi và các loại lâm sản ngoài gỗ. ở những nơi thiếu lương thực thì phá rừng trồng lương thực (canh tác nương rẫy) gây thiệt hại lớn cho tài nguyên rừng.

Để khắc phục tình trạng trên, năm 1982 Chính phủ ra quyết định số 184/HĐBT, tháng 11 năm 1982 về đẩy mạnh giao đất giao rừng cho tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng. Thực hiện khẩu hiệu ” Gắn dân với rừng” ngăn chặn việc phá rừng bừa bãi, nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế xã hội miền núi.

Loại đất và loại rừng được giao là đất trống đồi trọc, rừng nghèo và diện tích rừng chưa giao cho LTQD quản lý. Đối tượng được giao đất giao rừng mở rộng hơn, bao gồm:

· HTX, Tập đoàn sản xuất, Hộ gia đình (HGĐ).

· Cơ quan, xí nghiệp, trường học, quân đội …

Đối với hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, cơ quan xí nghiệp … có thể nhận đất, nhận rừng sản xuất kinh doanh không hạn chế về diện tích, có khả năng nhận đến đâu thì được giao đến đó. Còn đối với hộ gia đình vùng trung du, miền núi mỗi hộ được cấp từ 2000 – 2500 m2 (tuy theo quỹ đất của từng địa phương) cho mỗi lao động xây dựng vườn rừng, trung bình mỗi hộ có từ 5 – 6 nhân khẩu nhận được khoảng 1 – 1,5 ha.

Tổng diện tích rừng và đất rừng được giao trong khoảng thời gian từ 1982 – 1989 là: 1934000 ha, giao cho 1724 HTX, 349750 HGĐ, 610 cơ quan, xí nghiệp, trường học … So với thời kỳ 1968 – 1982 thì tốc độ giao đất giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình với tốc độ nhanh hơn và đối tượng được giao đất giao rừng cũng mở rộng hơn, tạo thêm động lực thúc đẩy các HTX, HGĐ, cá nhân hoạt động trồng cây gây rừng. Đặc biệt là các HGĐ vùng trung du miền núi đã được cấp đất để phát triển vườn rừng HGĐ.

Giai đoạn 1989 – đến nay:

Chủ trương “đổi mới” được bắt đầu năm 1986, nhưng tiến trình đổi mới diễn ra toàn diện và rõ nét từ năm 1989. Trong giai đoạn này, một số chính sách quan trọng đã được công bố để quản lý rừng và đất rừng nhằm mục tiêu bảo vệ phát triển rừng và quản lý rừng bền vững.

· Luật bảo vệ và phát triển rừng (1991).

· Luật đất đai (1993).

· Nghị định 02/CP, ngày 15/1/1994 của Chính phủ về giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

Các chính sách này đã quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất như sau:

· Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

· Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất được giao.

· Được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

· Được hưởng các lợi ích do công trình công cộng về bảo vệ, cải tạo đất mang lại.

· Được Nhà nước bảo vệ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình, được bồi thường thiệt hại về đất khi bị thu hồi.

· Được quyền góp đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật phù hợp với mục đích khi giao đất.

· Được quyền khiếu nại, tố cáo về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi vi phạm luật đất đai.

Điều quan trọng nhất của chính sách trên là đã khẳng định vai trò của hộ gia đình, cá nhân. Họ là đối tượng chính để giao đất lâm nghiệp, là những người chủ cụ thể của từng mảnh đất và khu rừng. Quyền và nghĩa vụ của họ đã được thể chế hoá trong Luật bảo vệ và phát triển rừng; Luật đất đai.

Ngoài ra, Chính phủ còn có những chương trình và chính sách khác để hỗ trợ, thúc đẩy và tạo điều kiện cho hộ gia đình sử dụng đất được giao như:

· Chương trình 327 đã nâng cao cơ sở hạ tầng cho nông thôn miền núi, tạo công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc;

· Quyết định 264/CT tháng 7 năm 1992 về chính sách tín dụng vay vốn ưu đãi để trồng rừng sản xuất;

· Một loạt các văn bản pháp quy về miễn giảm thuế đất trồng rừng.

· Dự án trồng 5 triệu ha rừng (tháng 11 năm 1997) hướng tới ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng và chuyển hướng chế biến gỗ rừng trồng.

Kết quả giao đất giao rừng từ 1994 – 1996

Năm Tổng số Đối tượng nhận đất nhận rừng
(Đơn vị: ha) Tổ chức LNNN* Tập thể (HTX) Hộ gia đình
1994 – 1996 6.060.033 4.462.332 536.435 1.060.176
Tỷ lệ % 100 73,6 8,8 17,6

Ghi chú:

– Tổ chức lâm nghiệp Nhà nước: Lâm trường Quốc doanh; Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ; Các tổ chức nhà nước khác.

– (Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài ” Đánh giá hiệu quả của việc giao đất lâm nghiệp và khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình cá nhân”, tháng 3/1997).

Kết quả giao đất đến hết năm 1996 cũng là kết quả thực hiện giao đất giao rừng từ trước tới nay. Vì khi thực hiện Nghị Định 02 thì tất cả diện tích được giao trước đó đều được công nhận để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ). Như vây, việc giao đất lâm nghiệp đã tiến hành giao đi giao lại nhiều lần trên cùng một diện tích. Phần lớn đất lâm nghiệp được giao cho các tổ chức lâm nghiệp Nhà nước chiếm 73,6% tổng diện tích được giao, còn lại là các hộ gia đình chiếm 17,6% và tập thể (HTX, Tập đoàn sản xuất) chiếm 8,8%.

Nhìn chung, việc giao đất giao rừng trong mỗi giao đoạn đã đạt được những kết quả khác nhau, nhưng đã góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện còn và đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao dần độ che phủ của rừng.

Chính sách giao đất giao rừng đã tạo ra được động lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp. Phần lớn các hộ gia đình đã chủ động tổ chức sản xuất trên đất được giao, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho các hộ gia đình nông thôn miền núi. Tuy nhiên, diện tích đất lâm nghiệp được giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực sự đưa vào sử dụng sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 30% so với tổng diện tích đất được giao. Đặc biệt là các tỉnh miền núi, nơi có điều kiện sản xuất khó khăn, giao thông không thuận tiện và khả năng tiếp cận thị trường kém nên việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng gặp rất nhiều khó khăn, người dân không thiết tha với việc nhận đất nhận rừng.

Để chính sách giao đất giao rừng thực sự đi vào cuộc sống đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất sau khi được giao, chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa các việc sau:

· Khi tiến hành giao đất giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình phải gắn liền với phương án quy hoạch sử dụng đất.

· Giao đất lâm nghiệp đúng đối tượng và phải có sự tham gia của người dân trong quá trình giao đất cũng như trong lập kế hoạch sử dụng đất.

· ở những vùng có thế mạnh phát triển cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu như: cà phê, cao su, điều … Sau khi tiến hành giao đất lâm nghiệp cần có sự kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng đất được giao theo đúng phương án đã được phê duyệt bảo đảm tính bền vững và có hiệu quả.

· Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp được giao.

· Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức trong và ngoài nước để học hỏi và giải quyết những tồn tại nhằm hoàn thiện chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng đất được giao của các đối tượng nhận đất nhận rừng để đẩy nhanh tốc độ giao đất giao rừng, sử dụng rừng và đất rừng theo hướng có hiệu quả và bền vững.

Some general features of the forest and forest land allocation policy and the organization of its simplementation in Viet Nam

Summary

The paper generalizes the process of forest land allocation to organizations, individuals, households for use and management; examines the changing of this policy in the context of the changing of the economy from centralized, subsidized one to market economy; evaluates the preliminary results obtained and recommends approaches for forest land allocation policy to enhance its actual role in real life, raising the land use effectiveness in sustainable direction after allocation.

*************************************************

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]