Kỹ thuật trồng Thông đuôi ngựa

Tên khác: Thông mã vĩ, Thông tàu, Thông hai lá.

Tên khoa học: Pinus massoniana Lamb.

Họ: Thông [Pinaceae (Abietaceae)]

Đặc điểm hình thái

Cây gỗ lớn cao 25-35m, đường kính ngang ngực tới 50cm, xanh quanh năm.

Vỏ màu nâu bong thành mảng, ở phần ngọn màu nâu nhạt, phần gốc màu nâu thẫm, đầu nhọn.

Lá màu xanh thẫm tập trung ở đầu cành và hơi rủ xuống. Lá kim gồm hai lá (có khi 3-4 lá) dài 15-20cm có phần gốc bao chung trong một bẹ dài 1cm.

Hoa ra tháng 3-4. Quả chín tháng 10-11 năm sau. Chukỳ sai quả là 2-3 năm. Quả hình trứng dài 4-7cm, đường kính 2,5-4,0cm. Đầu vảy quả hình thoi có gờ ngang, núm lồi. Hạt màu xám nâu rộng 1,5mm dài 3,0mm, có cánh dài 1,0-1,3cm.

Đặc điểm sinh thái

Cây ưa sáng, lúc nhỏ (dưới 3 tuổi) có thể chịu bóng râm nhẹ, tán thưa thường xanh. Hệ rễ ăn sâu, rễ cám có nấm cộng sinh. Sinh trưởng tốt ở nơi đất sâu và thoát nước, độ pH = 4,5-5,5, có thể mọc được ở đất đồi núi có thực bì sim mua, tế guột. ở đất kiềm, mỏng lớp ở độ cao dưới 300-400m và vĩ độ thấp dưới 19-200 vĩ Bắc cây mọc chậm, cong queo và dễ bị sâu róm ăn lá. Đất tốt, có mùn sinh trưởng nhanh hơn. Sống được trên đất đồi núi trọc feralit nghèo xấu, khô hạn tầng mặt mỏng, có đá lẫn, chua nhiều, nhưng cây thấp, mọc chậm và yếu hơn. Không chịu được đất úng, bí, kiềm, mặn, vôi. Giai đoạn đầu sinh trưởng nhanh về sau chậm lại, không có khả năng tái sinh chồi, có khả năng tái sinh hạt nhưng kém. Thích hợp khí hậu á nhiệt đới. Hệ rễ phát triển, rễ cọc có thể ăn sâu 4-5m, rễ ngang ăn rộng, có hiện tượng liền sinh giữa các nhánh. Trong khoảng 3 năm đầu mọc chậm, sau 4-5 năm dần dần nhanh hơn, đến 20 năm tốc độ giảm bớt.

ở nơi có điều kiện khí hậu đất đai tương đối thuận lợi và ít bị sâu ăn lá hàng năm phá hoại, thì giữ được tốc độ sinh trưởng tương đối bình thường trong 5-10 năm đầu sinh trưởng trung bình về chiều cao có thể đạt 0,5-1m/năm.

Có khả năng tái sinh tự nhiên bằng hạt. Trong vườn ươm, cây con dễ bị một số bệnh hại. Rừng thông đuôi ngựa rất dễ bị cháy.

Phân bố

Mọc tự nhiên ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc, ở độ cao từ 600-800m, nhiệt độ bình quân từ 13-200C. Có thể chịu được sương giá.

Được nhập vào trồng ở Việt Nam từ trước năm 1945 và phát triển rộng ở một số tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Thái, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang. Cần chú ý hiện tượng sâu ăn lá trong điều kiện khí hậu nóng ẩm rõ rệt, với nhiệt độ và lượng mưa trung bình năm kể từ 230C và 1500m trở lên.

Giá trị kinh tế

Gỗ nhẹ (tỷ trọng 0,390-0,490) tương đối chắc, ít nứt nẻ, dễ cưa xẻ, thường dùng làm đồ đạc thông thường. Sau khi ngâm tẩm có thể dùng làm tà vẹt, trụ mỏ, cột điện,….Trên cạn có thể bị mọt, nhưng được ngâm trong nước lại bền, vì vậy thường dùng trong các công trình dưới nước. Trong gỗ có trên 62% xenlulô là nguyên liệu tốt để dùng làm nguyên liệu giấy bao bì và giấy báo, có thể dùng trong công nghiệp sợi dệt. Cành nhánh làm củi đun tốt. Lá có thể cất dầu hoặc dùng làm ván sợi ép để cách nhiệt, cách âm. Nhựa chế côlôphan và dầu thông dùng trong nhiều ngành công nghiệp sơn, dược liệu.

Kỹ thuật gieo trồng

Hạt giống:

Thu hái quả trên những cây trội hoặc các lâm phần lấy giống, tốt nhất là cây 15-40 tuổi khi quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng, vảy quả có những đốm nâu phồng lên và hơi nứt tách ra.

Phơi nắng hoặc rải quả nơi thoáng gió để hạt tách ra, thu hạt làm sạch cánh và tạp chất rồi tiếp tục phơi chỗ thoáng 2-3 ngày.

Khoảng 35-40 kg quả lấy được 1kg hạt có từ 80000-85000 hạt.

Hạt được bảo quản trong điều kiện khô, kín và mát. Độ ẩm hạt trong quá trình cất trữ tốt nhất là 6-8%. Dụng cụ bảo quản hạt là lọ thuỷ tinh, chum, hũ sành hoặc túi nilông đậy kín trong có chứa 4-6% vôi cục theo trọng lượng hạt đựng trong túi vải để hạt luôn được khô.

Tạo cây con:

Vỏ bầu bằng P.E rộng 6-7cm, cao 11-12cm, thủng đáy.

Ruột bầu tốt nhất là 75% đất tế guột + 5-10% đất mùn thông + 5-10% phân chuồng ủ hoai +1% supe lân hoặc phốt phát nội địa (% theo trọng lượng). Nếu không có đất tế guột có thể dùng đất mặt dưới thực bì cây bụi, cỏ, lau lách hay đất mặt vườn ươm có thành phần cơ giới trung bình, pH 4,5-5,0.

Xử lý hạt bằng cách ngâm trong nước ấm 35-400C có hoà suphát đồng với nồng độ 0,5% hoặc thuốc tím nồng độ 1/1000 trong 5-6 giờ để trừ nấm.

ủ hạt trong bao tải rửa chua hàng ngày, khi nứt nanh đem gieo trên khay, hòm đựng cát hoặc luống gieo.

Hạt nảy mầm dài 0,5-1cm đem cấy vào bầu đã xếp sít trên luống rộng 1m tưới đủ ẩm. Nơi nắng gắt có thể cắm ràng đến khi cây bỏ mũ thì gỡ ràng ra. Thời gian đầu phải phòng trừ chim, gà, chuột, kiến ăn hoặc tha hạt.

Thông đuôi ngựa dễ bị nhiễm bệnh rơm lá do nấm Cecospora pini densifarae và một số nấm gây hại nên cần phun phòng kịp thời theo quy trình đã được ban hành.

Làm cỏ phá váng và tưới nước đầy đủ, không để đất quá ẩm hoặc quá khô.

Tiêu chuẩn cây con đem trồng.

Tuổi từ 4-6 tháng tuổi, chiều cao: 10-15cm, đường kính cổ rễ: 2,0-3,0mm, có lá thật, có nấm cộng sinh ở rễ.

Thời vụ gieo ươm phụ thuộc vào thời vụ trồng. ở Lạng Sơn, Quảng Ninh thường gieo vào tháng 11 và 12 chậm nhất là tháng 1-2.

Trồng rừng:Vùng trồng tốt nhất là các tỉnh dọc biên giới Việt Trung ở độ cao 500-700m trở lên, có thể trồng ở vùng đồi núi thấp phía Bắc từ Hà Nội, đất tương đối sâu, dưới thực bì sim mua, cây bụi. Không trồng trên đồi trọc mỏng lớp, xương xẩu hoặc bị đá ong hoá.

Xử lý thực bì toàn diện hoặc theo băng rộng 1-2m. Nơi đất tốt, dốc nhẹ có thể san ủi bậc thang, cầy cuốc toàn diện để làm nông lâm kết hợp. Kích thước hố rộng 30x30x30cm.

Mật độ trồng 2500-3300 cây/ha.

Khi trồng phải xé bỏ bầu, đặt cây đứng thẳng, lấp đất đầy hố và nện chặt gốc cây. Có thể trồng hỗn loài với sau sau hoặc giẻ theo hàng hoặc theo băng.

Gieo hạt, chăm sóc cây ươm tương tự thông nhựa. Cây con thường gieo nuôi thẳng cho đến tuổi đánh trồng do đó phải gieo với mật độ thích hợp sao cho lúc mới mọc cây ít bị cỏ dại lấn át. Sau đó tỉa thưa dần cho cây luôn có đủ khoảng sống để sinh trưởng phát triển bình thường. Đặc biệt chú ý phòng chống các loại bệnh như thối hạt, chết rụi mạ, lở cổ rễ, đen rễ,… do nấm Fusarium, Pythium, Rhizoctonia gây nên, nhất là trong 90 ngày đầu nếu mưa nhiều bệnh thối cổ rễ phát triển mạnh. Cũng trong thời gian này, nếu gặp rét kéo dài cây có thể bị bệnh tím lá, như đã thấy ở Quảng Ninh. Ngoài ảnh hưởng của thời tiết, bệnh tím lá còn có thể do cây bị thiếu lân, cho nên bón lót và thúc với phân lân có tác dụng làm cho cây xanh trở lại rõ rệt và sinh trưởng tốt hơn. Để hạn chế bớt nấm bệnh, dùng đất vàng lấy ở tầng B, hoặc đất hun làm đất phủ hạt lúc gieo.

Thời vụ trồng thích hợp là vụ xuân (tháng 3-4), là thời kỳ nhiệt độ trung bình tháng còn dưới 15-200C, lượng mưa tháng đã được trên 30-50mm với độ 10 ngày có mưa, chủ yếu mưa phùn, và hè (tháng 5-6), có thể mở rộng đến vụ thu (tháng 8). Tranh thủ trồng vào giai đoạn cây chưa ra lộc non mới. Các tỉnh biên giới phía Bắc có thể trồng rễ trần vào vụ xuân. Trồng rễ trần, trước khi trồng có thể hồ rễ.

Phải chú ý phòng trị sâu ăn lá. Có thể dùng các loại thuốc DDT và 666 bột hoặc nước để phun giết sâu róm, đồng thời tìm diệt kén, nhộng, trứng.

Ngoài ra có thể dùng cách gieo thẳng hạt lên đồi để gây rừng.

Chăm sóc, bảo vệ

Phải có hệ thống băng trắng, băng xanh để phòng chống cháy rừng ở nơi trồng tập trung có diện tích lớn. Phải tổ chức canh phòng chữa cháy có hiệu quả trong mùa khô. Đặc biệt có biện pháp phòng trừ, dập tắt các ổ dịch sâu róm thông ăn lá.

Rừng non được chăm sóc ít nhất trong 3 năm đầu.

Năm thứ nhất: 2-3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa.

Năm thứ hai: như trên.

Năm thứ ba: 1 lần vào đầu mùa mưa.

Trong khoảng 3-5 năm đầu cây mới mọc, chưa cần phải tỉa mà chỉ cần tiếp tục chăm sóc đều, sau đó sẽ dần dần tỉa bớt một số cây trong từng hố nếu mọc quá dày.

Khai thác, sử dụng

Sau 15 năm có thể chặt làm trụ mỏ, bột giấy. Sau 25-30 năm có thể khai thác nhựa hoặc làm gỗ xây dựng.

Nguồn: Phòng KHKHTH

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]