Kết quả điều tra sinh thái – Di truyền bốn loài cây họ dầu trên vùng cát ven biển

Nguyễn Hoàng Nghĩa

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

 

Họ Dầu ( Diptercarpaceae ) là một họ thực vật điển hình của rừng nhiệt đới Đông Namá có phân bố rộng rãi trải suốt khu vực ấn Độ đến Philipin, gồm có 13 chi và 470 loài. Trung tâm phân bố của các loại cây họ Dầu vươn lên đến Campuchia, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma, ấn Độ và Trung Quốc ( Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Đảo Hải Nam ) ( Thái Văn Trừng, 1983 ). Họ Dầu ở Việt Nam có các loài thân cây gỗ cao tới 30-40m, với trên 40 loài của 6 chi đặc trưng là Dipterocarpus (dầu), Anisoptera ( vên vên), Hopea (sao), Vatica (táu), Shorea (chai, bao gồm cả Pentacme – Cẩm liên), Parashorea (chò chỉ).

Do chiến tranh phá hoại và do khai thác không hợp lý mà tài nguyên rừng có cây họ Dầu giảm đi đáng kể cả về diện tích và trữ lượng rừng. Theo Nguyễn Duy Chuyên và Ngô An, Viện điều tra quy hoạch rừng (1995), ở thời điểm năm 1959, diện tích các loài rừng có cây họ Dầu ở Đông Nam Bộ là 1.146.257ha ( chiếm 49% diện tích toàn vùng ), đến năm 1968 đã giảm xuống còn 834.050ha ( chiếm 36% diện tích khu vực, năm 1982 giảm còn 416.900ha (bằng 18% diện tích) và năm 1992 chỉ còn lại 183.081ha (8%). Rõ ràng là việc bảo tồn các loài cây họ dầu ở nước ta đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

I.Đối tượng nghiên cứu.

Hai nhóm cây họ Dầu quan trọng nhất cần được bảo tồn và phát triển mạnh hiện nay là các cây họ Dầu của các hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh và hệ sinh thái vùng cát ven biển. Đây là hai hệ sinh thái rất dễ bị tác động, phá hoại và khó bảo vệ.

Vùng đất cát dọc bờ biển có vai trò phòng hộ và cảnh quan rất có ý nghĩa đối với cuộc sống của người dân. Trước đây trong hệ sinh thái vùng cát ven biển, có một số loài cây họ Dầu đã từng là cấu thành chủ yếu song bị khai thác đến suy kiệt hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bốn loài cây họ Dầu đặc biệt có ý nghĩa của hệ sinh thái này là dầu cát (D. chartaceus), sến cát (Shorea roxburghii), chai lá cong (shorea falcata), và sao lá hình tim (Hopea cordata). Đây là bốn đối tượng nghiên cứu chính vì rừng trên đất cát đã bị phá rất khó phục hồi và bốn loaì cây này đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.

II. Kết quả điều tra khảo sát và thu thập giống:

2.1. Dầu cát:

Dầu cát còn có tên khác là dầu giấy, tên khoa học là Dipterocarpus chartaceus Sym. Dầu cát là cây gỗ lớn, thân tròn và thẳng như dầu rái, cao tới 25 – 30 m, đường kính đạt tới 50 – 60cm. Tán cây thưa, phân cành muộn. Vỏ cây xám. Nhìn chung cây dầu cát có tầm vóc nhỏ hơn so với cây dầu rái. Lá hình thuôn dài, dài 8 – 16cm, rộng 5 – 8cm, hoặc hình bầu dục, rộng 6 -10cm. Các đường gân gần như song song.Quả gần như hình cầu, đường kính khoảng 2cm, khác với dầu rái là quả dầu cát nhẵn, không có cạnh, trong khi quả dầu rái có 5 cạnh. Hai cánh lớn dài 9 – 11cm, rộng 2,5 – 3cm. Quả chín vào tháng 3 – 5 hàng năm.

Dầu cát được phát hiện thấy ở Việt Namtrên các vùng cát ven biển chạy suốt từ Phan Thiết đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Cây mọc thành từng đám khoảng vài chục cây đến hàng trăm cây, dọc suối nước ven biển và dọc bờ biển. Hiện tìm thấy dọc theo bờ biển như tại Hàm Minh, Hàm Thuận Nam tới thị trấn Lagi, Hàm Tân ( Bình Thuận ), hoặc phân bố như những cây cá thể hoặc từng đám rừng nhỏ kéo theo dọc đường từ Hàm Tân đi về phía Nam và có khá nhiều ở Rừng cấm Bình Châu – Phước Bửu ( Bà Rịa – Vũng Tàu ).

Rừng bảo tồn sinh thái núi Takou (Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận ) có tổng diện tích trên 15.000ha, trong đó có những quần thụ tự nhiên cuả dầu cát. Vỏ cây dày hơn vỏ dầu rái, nứt sâu. Cây mọc thành đám, mỗi đám khoảng vài trăm cây. Quả nhỏ, vỏ quả nhẵn bóng, tròn chứ không như quả dầu rái. Cây mọc trên cát trắng và ven khe. Gần đó còn có một số cây tràm (Melaleuca sp. ) mọc trên sình nay đã biến thành ruộng. Cây tạo thành ưu hợp rừng cát – sến cát (sến mủ – Shorea roxburghii ) tại khu vực này.

Cách thị trấn Lagi, huyện Hàm Tân khoảng 4 – 5km về phía bãi biển Đồi Dương (phi lao) hiện có một quần thụ nhỏ dầu cát nằm rải rác trong vườn rừng của nhân dân địa phương. Quần thụ ban đầu gần như thuần loại, song do chặt hạ nhiều năm mà nay chỉ còn các đám cây đơn lẻ, giống như các cây che bóng cho các cây trồng khác như thanh long, cây nông nghiệp ngắn ngày.

Rừng cấm Bình Châu – Phước bửu hiện là nơi còn nhiều dầu cát và đang được bảo vệ khá là nghiêm ngặt. Nơi đây dầu cát có mặt với nhiều loài cây họ dầu khác, đáng được quan tâm đầu tư bảo tồn lâu dài.

Những biện pháp được đề xuất để bảo tồn loài dầu cát là thực hiện các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt tại các khu bảo tồn và các quần thụ lớn hiện có, đó là: (1) rừng bảo tồn sinh thái Takou, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận; (2) Rừng khoanh nuôi tại Lagi, Hàm Tân, Bình Thuận và (3) Rừng cấm Bình Châu- Phước Bửu, Bà Rịa, Vũng Tàu.

Ngoài ra cần sớm thu hái hạt, gieo ươm và trồng thành một số khu bảo tồn trong các rừng cấm và cả ở các nơi có điều kiện tương tự. Triển khai các nghiên cứu có liên quan đến kỹ thuật trồng cây dầu cát trên các dạng đất cát của địa phương để mau chóng phát triển loài cây này vào trồng rừng phòng hộ ven biển.

2.2. Sến cát.

Sến cát có tên là sến mủ, tên khoa học là Shorea roxburghii G. Don., là loài cây gỗ có kích thước trung bình cao tới 20-30m và đường kính đạt 30-40cm. Vỏ thân màu xám đen, có nhiều vết nứt sâu. Lá đơn mọc cách, phiến lá hình bầu dục hay thuôn, đỉnh lá lúc nhọn lúc lõm. Trên cành non, lá dài 15 – 18 cm, rộng 6 – 7cm. Trên cành trưởng thành, lá nhỏ hơn và ngắn hơn, hai mặt lá phẳng hơn. Quả hình trứng có ba cánh lớn dài 8cm và hai cánh nhỏ dài 4cm. Quả chín vào tháng 3 – 5 hàng năm. Mỗi kg có 900 quả.

Cây phân bố ở nhiều tỉnh phía Nam như Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Sến cát mọc cả trong rừng rậm và rừng thưa, ưa thích đất sâu nhiều mùn song chịu được cả đất thoái hoá và đất cát khô cằn ven biển. Giống như nhiều loài cây họ dầu khác, sến cát cũng ở trong tình trạng bị khai thác tràn lan, môi trường sống bị phá huỷ và thu hẹp, nguồn gen của loài bị suy thoái nghiêm trọng. Hiện chỉ gặp sến cát rải rác trong các khu rừng được giữu lại thành khu bảo tồn và rừng cấm. Khó tìm thấy khu có sến cát sống tập chung nên quy hoạch bảo tồn loài cây này là rất khó khăn.

Rừng bảo tồn sinh thái núi Takou ( Hàm Minh, hàm Thuận Nam, Bình Thuận ) có diện tích tổng số trên 15.000ha trong đó có 100ha được khoanh nuôi làm rừng giống cho sến cát. Sến cát mọc tập trung trên đất cát đỏ khắc nghiệt mà khó có thể gặp một quần thụ tương tự ở bất cứ nơi nào. Vỏ cây dày, nứt sâu và đen. Tái sinh tự nhiên tốt, hiện đã có một trạm bảo vệ nhằm ngăn chặn việc chặt phá của dân. Bên cạnh là các đám rừng tự nhiên dầu cát mà sự có mặt của chúng tạo nên ưu hợp dầu cát – sến cát đặc trưng vùng này.

Rừng cấm Bình Châu – Phước Bình (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng là nơi lý tưởng để bảo vệ sến cát, bởi vì ở đây sến cát cũng tạo thành ưu hợp dầu cát – sến cát rất đặc trưng cho rừng tự nhiên cây họ Dầu của khu vực.

Tại lâm trường Tánh Linh hiện có rừng sến mủ trồng vào năm 1988 dọc đường đi trên độ cao khoảng 300 – 350m. Cự ly trồng là 4 x 8m, giữa xen một hàng điều. Tỷ lệ sống khá cao nhưng cây vẫn bị trâu bò phá. Hiện nay cây 10 tuổi cao bình quân 7 – 9m (cá biệt có cây cao 12m) và đường kính ngang ngực biến động từ 10 đến 18cm.

Do có phân bố rải rác nên việc bảo tồn loài sến cát cần được thực hiện đồng bộ với các loài cây họ dầu khác mà chưa đòi hỏi có những biện pháp khác biệt. Riêng nguồn gen sến cát trên vùng đất cát ven biển lại đặc biệt có giá trị nên cần thực hiện bảo tồn riêng biệt và nghiêm ngặt tại khu rừng bảo sinh thái núi Takou ( Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) và rừng cấm Bình Châu – Phước Bửu (Bà Rịa – Vũng Tàu). Kết hợp các biện pháp xúc tiến tái sinh tự nhiên và bảo vệ để duy trì nguồn gen phong phú của loài tại khu vực được quy hoạch. Nhu cầu trồng rừng trên đất cát là rất lớn nên cần thử nghiệm ngay các nghiên cứu về thu hái hạt, gieo ươm và trồng tại các dạng lập địa ven biển.

2.3 Chai lá cong:

Chai lá cong có tên khác là sưng, sưng cát, sưng dầu, tên khoa học là Shorea falcata Vid., là loài cây gỗ nhỡ, thường xanh, phát triển mạnh về đường kính. Cây có chiều cao đạt tới 10 – 12m và đường kính đạt tới trên dưới 100cm. Vỏ màu xám. Lá dài có khi hình trứng, có khi thuôn nhọn về phía đầu, rộng từ 4 – 6cm, dài 10 – 14cm. Một nửa dưới của phiến lá bị lệch, không đối xứng với nửa trên, vì vậy mới có tên là chai lá cong. Quả màu nâu, có 5 cánh; 3 cánh to dài 3 – 5cm và 2 cánh nhỏ. Quả chín vào tháng 9 – 10 hàng năm ở Cam Ranh và vào tháng 7 ở Phú Yên. Mỗi kg có 1200 – 1500 hạt.

Chai lá cong mọc thành rừng thuần loại trên đất cát, bãi cát, đụi cát ven biển, có khả năng chịu được hạn và các điều kiện khí hậu khắc nghiệt và dinh dưỡng đất kém. Có thể coi đây là cây điển hình cần được mau chóng bảo vệ và phát triển của hệ sinh thái vùng cát ven biển với một số loài cây họ dầu khác như dầu cát, sến cát và sao lá hình tim.

Gỗ sưng cát dùng để làm nhà, đóng đồ, đóng thuyền, làm củi, đặc biệt là than củi và rừng bị huỷ diệt chủ yếu cho mục dích này. Những gốc cây còn lại hàng chục năm vẫn rất cứng và rất bền, không hề bị thời gian và mưa gió làm cho hư hại gì. Cả cưa và búa đều không thể sử dụng để khai thác các gốc cây này. Ngoài ra gỗ còn được làm cột trụ trồng thanh long. Dầu từ cây sưng cát cũng được khai thác và sử dụng như dầu khai thác từ các loài sao dầu khác. Gỗ chịu được nước mặn, không bị hà bám.

Theo sách đỏ Việt Nam (1996), chai lá cong mới chỉ tìm thấy tại một điểm ở Mỹ Ca (Cam Ranh, Khánh Hoà) cùng với một loài cây quý hiếm khác là sao lá hình tim (Hopea cordata). Các cuộc khảo sát loài sao lá cong đã được triển khai tại khu lân cận là xóm 3, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Ranh, nơi có một số cây chai lá cong tập trung xung quanh miếu Thuỷ triều, với các số liệu vĩ độ có liên quan là: 12004′ 34 vĩ độ Bắc và 109010′ 58 kinh độ Đông.

Nơi đây hiện còn thấy 6 cây to và khá nhiều cây tái sinh chồi. Cây to nhất có đường kính đạt 85cm và cao 7 – 8m. Cách nơi đây khoảng 100m còn có một cây có kích thước lớn tương tự được một gia đình giữ lại không chặt cùng với nhiều cây tái sinh chồi. Cũng theo người địa phương cho biết thì trước năm 1965, đây vẫn là những cánh rừng chai lá cong mọc hầu như thuần loại trên cát trắng mà bà con gọi là rừng sưng cát. Cây chịu được điều kiện nóng và khô cằn của đất cát ven biển.

Từ sau 1965, rừng sưng cát bị chặt phá không thương tiếc, nay số lượng cây cá thể đã giảm xuống mức độ rất nguy cấp (CR – Critically Endangered). Như vậy ngoài số cây không rõ số phận tại Mỹ Ca, thì loài này chỉ còn tìm thấy 6 cây nguyên vẹn tại xóm 3 xã Cam Hải Đông, Cam Ranh và 7 cây ở Xuân Hoà, Sông Cầu, Phú Yên mà thôi.

Điều đáng mừng là tại Phú Yên, cây chai lá cong cho nhiều hạt và các cán bộ của Trung tâm kỹ thuật lâm nghiệp Phú Yên đã gieo 8000 cây con phục vụ công tác bảo tồn, đã đem trồng tại Sông Cầu và một số điểm khác trong tỉnh. Cây ra hoa vào giữa tháng 4 và hạt chín vào tháng 7. Cây có đường kính trung bình 60 – 65cm, song cây to nhất có đường kính đạt trên 100cm, cao trên 20m.

Tại điểm khảo sát Cam Ranh, nhiều năm nay cây không thấy ra quả. Năm 1998 không thấy có quả và năm 1999 cũng không có, riêng năm 2000 có một cây ra hoa. Đồng bào địa phương cho biểt rừng sưng cát mấy năm mới sai quả một lần.

Để bảo tồn, cần có kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt những cây chai lá cong cuối cùng tại hai điểm trong cả nước (kể cả những cây tái sinh cuối cùng còn lại), đó là: (1) Cam Hải Đông và Mỹ Ca (Cam Ranh, Khánh Hoà) và (2) Hoà Phú, xã Xuân Hoà (Sông Cầu, Phú Yên). Thường xuyên theo dõi ra hoa kết quả, thu hái quả, gieo ươm và gây trồng thành các khu bảo tồn cho loài tại Phú Yên, Khánh Hoà và những nơi khác có khả năng bảo vệ lâu dài. Xây dựng ngay kế hoạch gây trồng khu bảo tồn cho loài tại nơi có điều kiện bảo vệ lâu dài.

2.4. Sao lá hình tim:

Sao lá hình kim còn có tên là sưng đắng, tên khoa học là Hopea cordata J.E.Vidal, là cây gỗ nhỏ, thường xanh, cao trên dưới 10m và đường kính thân thường chỉ đạt trên dưới 20cm. Lá hình trứng, dài 10cm, rộng 4cm, gốc hình tim nên loài được đặt tên theo đặc điểm rất dễ nhận biết này. Đầu lá thót lại và hơi nhọn, có 6 đến 8 đôi gân lá, thưa gân hơn nhiều so với chai lá cong. Lá cây non thường có bề rộng lá lớn hơn, đôi khi trông giống như quả tim nhỏ, màu lục nhạt.

Cụm hoa chùm thưa mọc từ nách lá, cánh hoa màu trắng. Quả có 5 lá đài bao bọc trong đó 3 lá đài ngoài nhỏ hơn 3 lá đài trong. Quả có đường kính 1,5cm và cao 1,5cm. Đế quả dẹt còn đỉnh quả thon, nhọn. Mùa quả chín là vào các tháng 8 – 9. Mỗi kg quả có khoảng trên dưới 400 quả tươi.Tái sinh chủ yếu bằng hạt song tái sinh chồi cũng rất mạnh.

Cây sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của vùng cát trắng ven biển: cây sống trên các đụn cát, bãi cát. Cây thể hiện khả năng chịu nhiệt cao, sống cùng với chai lá cong (Shorea falcata), làu táu (Vatica sp.), các loài cây họ Đậu như gụ (Sindora sp.).

Gỗ được sử dụng trong xây dựng và đóng đồ dùng gia đình không phải là loại gỗ lớn và bền như chai lá cong. Quả có công dụng tương tự như quả chai lá cong nghĩa là lấy dầu thực vật và bột để ăn.

Sách đỏ Việt Nam(1996) chỉ thông báo có một điểm duy nhất có sao lá hình tim đó là Mỹ Ca, nay thuộc phạm vi quân sự không thể tiếp cận. Trong chuyến khảo sát chai lá cong tại xã Cam Hải Đông, Cam Ranh, Khánh Hoà, lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy sưng đắng – chính là loài sao lá hình tim (khác với sưng dầu là chai lá hình cong) tại khu vực này.

Trước năm 1965, đây là vùng rừng của hai loài cây họ Dấu sống trên đất cát khắc nghiệt là chai lá cong và sao lá hình tim. Sau này rừng đã bị tàn phá mạnh, hầu hết các cây sao lá hình tim đều đã bị chặt chỉ còn từng đoạn thân và các chồi tái sinh rất khoẻ trên các gốc cây mẹ có đường kính 12 – 15cm. Phần lớn các bụi cây hiện nay là cây chồi có chiều cao 5m. Khảo sát vào tháng 7 cho thấy cây đang ra cả hoa và quả, rải rác chứ không tập chung. Quả cũng chín rải rác và kéo dài.

Số lượng cây chưa được tính đếm đầy đủ song điều đáng được quan tâm ở đây là chúng vẫn bị nhân dân địa phương chặt để làm củi. Vào cuối những năm 1970, người ta đã từng chặt phá rừng để trồng điều (Anacardium occidentale) lấy hạt, song các cây điều hiện nay đều không thể sinh trưởng trên đất cát trắng. Trong khi đó cây sao lá hình tim tái sinh vẫn có bộ lá xanh thẫm, thể hiện sức sinh trưởng mạnh.

So với chai lá cong thì lá của cây sao lá hình tim to hơn, phiến lá nhẵn hơn, số lượng gân lá ít hơn và nổi bật hình tim ở gốc cuống lá. Loài đang bị đe doạ nghiêm trọng vì không ai biết khu phân bố này, không ai biết đây là loài hiếm cần được bảo vệ, chưa hề có các biện pháp bảo vệ tối thiểu. Chưa có các nghiên cứu về thu hái hạt, gieo ươm và thử nghiệm gây trồng, trong khi đây là loài cây có tiềm năng đặc biệt lớn cho gây trồng trên các đụn cát, bãi cát trắng ven biển.

Do vậy cần quy hoạch ngay một diện tích đủ lớn để bảo vệ cả hai loài cây họ Dầu quý hiếm của địa phương là chai lá cong và sao lá hình tim tại xóm 3, thôn Thuỷ triều, xã Cam Hải Đông, Cam Ranh, Khánh Hoà. Tiếp tục xem xét điều tra hiện trạng loài ở khu vực Mỹ Ca (Cam Ranh) và có biện pháp bảo vệ hợp lý. Tiến hành các nghiên cứu về thu hái hạt, thử nghiệm gieo ươm và gây trồng, làm cơ sở cho trồng rừng bảo tồn và mau chóng phát triển loài cây vào các chương trình trồng rừng ven biển. Quy hoạch một số vùng có điều kiện khí hậu, đất đai tương tự và có khả năng bảo vệ tốt để trồng thành các khu bảo tồn loài trong tương lai.

III. Kết luận

Vùng đất cát, bãi cát và cồn cát ven biển là một môi trường sống khắc nghiệt, khó tìm thấy một loài cây nào ngoài phi lao có khả năng thích nghi tốt như bốn loài cây trên. Đây có thể được coi là một nguồn gen vô cùng quý giá mà không phải lúc nào, nơi nào và ở chi thực vật nào cũng có thể tìm thấy. Việc bảo vệ và phát triển bốn loài cây họ Dầu trên các lập địa cát ven biển là rất có ý nghĩa và đáng được đầu tư, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay khi chúng vẫn đang tiếp tục bị khai thác, nhu cầu trồng rừng trên đất cát rất lớn và nhu cầu đa dạng hoá loài cây trên đất cát đang trở nên cấp bách.

Đề án “Bảo tồn nguồn gen cây rừng” đã cùng các cơ sở của Phú Yên, Bình Thuận, Cam Ranh và các Trung tâm của Viện thu hái hạt giống, gieo ươm và trồng bảo tồn ở Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Dương làm cơ sở cho phát triển trồng rừng các loài cây họ Dầu quý vùng cát ven biển.

Tài liệu tham khảo

– Nguyễn Hoàng Nghĩa, 1999. Một số loài cây bị đe doạ ở Việt Nam, Nhà XB NN, Hà Nội, 148 trang.

– Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, 1996. Sách đỏ Việt Nam, phần thực vật, 1996.

Summary

Results of genecological survey on four rare dipterocarp species in coastal sandy areas.

According surveys, among 40 dipterocarp species, there are four species that play important role in rehabilitation of forest ecosystems on sandy soil. There are Dipterocarpaceae chartaceus, Shorea roxburghii, Shorea falcata and Hopea cordata. Shorea falcata was found only in two areas: 7 individuals in Xuan Hoa (Phu Yen) and 6 ones with some coppice trees found the first time in Cam Hai Dong (Khanh Hoa). Hopea cordata trees were discovered the first time in Cam Hai Dong. In situ and ex situ conservation areas have been planned for the four species.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]