Kết quả bước đầu trong nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống Bạch đàn trắng kháng bệnh đốm lá

Trần Thanh Trăng, Nguyễn Minh Chí, Bùi Quang Tiếp

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Sáu mươi chủng nấm Cryptosporiopsis eucalypti thu thập trên các cây chủ bạch đàn từ miền bắc, miền trung và miền nam đã được phân lập và định loại bằng phương pháp hình thái học. Mười năm chủng nấm đại diện cho ba vùng được phân tích mối quan hệ di truyền giữa các chủng bằng phương pháp sinh học phân tử (phân tích vùng trình tự ITS). Sự khác biệt trong vùng ITS giữa các chủng là không lớn, song đã có sự sắp xếp của các chủng nấm theo vùng địa lý thu thập mẫu. Các chủng nấm thu thập trong một vùng có độ tương đồng cao, lên đến 100%. Khoảng cách di truyền của các chủng thuộc nhóm I và nhóm III lớn hơn so với các chủng thuộc nhóm II và nhóm III.

Mười hai tổ hợp lai (thụ phấn có kiểm soát) được lai từ sáu dòng Bạch đàn trắng (E. camaldulensis) kháng bệnh đốm lá và bốn dòng Bạch đàn trắng mẫn cảm với bệnh đốm lá. Tỷ lệ thu quả lai trung bình so với số hoa được thụ phấn là 29,96% và số hạt bình quân trên mỗi quả lai là 8,3 hạt.

Từ khóa: vùng ITS, Cryptosporiopsis eucalypti, tổ hợp lai Bạch đàn trắng

GIỚI THIỆU

Bạch đàn là một trong số các loài cây trồng rừng chính ở Việt Nam, nó được trồng ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước với các quy mô khác nhau, từ trồng rừng tập trung với diện tích lớn cho đến trồng rừng hỗn giao, hỗn loài, trồng cây phân tán (Nguyễn Hoàng Nghĩa 2000).

Từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 đến nay dịch bệnh đốm lá do nấm Cryptosporiopsis eucalypti gây ra thường xuyên xảy ra đối với các rừng trồng bạch đàn ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng Đông Nam Bộ (các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước) và miền Trung (các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế). Theo kết quả điều tra đánh giá của các tác giả Nguyễn Hoàng Nghĩa (2000), Old và Yuan (1994) diện tích rừng trồng bạch đàn ở Việt Nam bị bệnh lên tới 50% tổng diện tích với các mức độ khác nhau. Các tác giả đều cảnh báo nguy cơ gây hại lớn của các loại dịch bệnh này đối với rừng trồng tập trung, đặc biệt là rừng trồng Bạch đàn trắng Eucalyptus camaldulensis có xuất xứ Petford. Khi gây bệnh trên cây bạch đàn, nấm bệnh gây bệnh đốm lá gây ra triệu chứng điển hình trên lá cây là đốm lá, đôi khi các lá bị bệnh hình thành các u nhỏ, trên bề mặt lá sần sùi, làm cho lá bị rụng, khi tấn công lên cành hoặc ngọn bạch đàn nó làm cho cành ngọn bị khô héo, sau đó mọc lên các chồi và lá non với kích thước rất nhỏ vào cuối mùa mưa, đôi khi còn làm cho ngọn và cành ngọn bị chết. Nấm C. eucalypti có những thể quả nấm tồn tại lâu dài trên đỉnh ngọn và cành nhỏ, thường gây lên triệu chứng tái xâm nhiễm kéo dài. Triệu chứng điển hình này xuất hiện ở hầu hết các loài bạch đàn ở khắp các vùng trong cả nước với tỷ lệ và mức độ bị bệnh rất khác nhau. Ở Việt Nam các loài bạch đàn bị bệnh nặng nhất do loài nấm này gây ra là Bạch đàn trắng E. camaldulensis và một số dòng bạch đàn lai U6, W5 trồng ở những nơi có lượng mưa cao (Phạm Quang Thu 2005; Nguyễn Hoàng Nghĩa 2006).

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010, trang 74-82)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]