Quyết định thành lập, chức năng nhiệm vụ
– Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp (KHLN) Đông Bắc Bộ được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Khoa học Sản xuất Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ theo Quyết định 677/QĐ-BNN-TCCB, ngày 01/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
– Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ là tổ chức sự nghiệp khoa học công lập trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc và Ngân hàng, có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, tư vấn và tham gia đào tạo về lĩnh vực lâm nghiệp vùng Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng theo quy định của pháp luật.
– Nhiệm vụ: Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hàng năm, các chương trình, dự án về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp của vùng Đông Bắc Bộ. Nghiên cứu cơ bản có định hướng và nghiên cứu ứng dụng tổng hợp về lâm nghiệp vùng, gồm: kỹ thuật và công nghệ trồng, phục hồi rừng; làm giàu, xúc tiến tái sinh tự nhiên, cải tạo và quản lý bền vững rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển; sinh lý, sinh thái cá thể, quần thể thực vật rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; ứng dụng công nghệ sinh học; khai thác, chế biến và bảo quản lâm sản; quản lý, cơ chế và chính sách lâm nghiệp; kinh tế tài nguyên và môi trường rừng; thị trường lâm sản và lâm nghiệp cộng đồng. Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và công nghệ lâm nghiệp. Dịch vụ KH&CN: Chuyển giao công nghệ; Tư vấn (lập dự án; giám sát, thẩm tra; điều tra lập địa, quy hoạch lâm nghiệp; thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán các chương trình, dự án đầu tư, công trình xây dựng lâm nghiệp của vùng); Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn thuộc lĩnh vực lâm nghiệp. Hợp tác với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm.
- Cơ cấu tổ chức và nhân sự
Cơ cấu tổ chức của đơn vị gồm: Ban Lãnh đạo Trung tâm, 05 đơn vị trực thuộc (Văn phòng, 02 Bộ môn, 01 Phòng và 01 Xưởng thực nghiệm chế biến lâm sản).
Tổng số viên chức, lao động hợp đồng: 26 người, trong đó có 03 Tiến sĩ, 10 Thạc sỹ, 05 Đại học.
Giám đốc: TS. Lê Minh Cường
Phó Giám đốc: TS. Bùi Trọng Thủy
TT | Các đơn vị trực thuộc | Trưởng đơn vị |
1 | Văn Phòng Trung tâm | ThS. Ngô Đức Nhạc |
2 | Bộ môn Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học | ThS. Đặng Thị Tuyết |
3 | Bộ môn Kỹ thuật Lâm sinh | ThS. Hoàng Xuân Diệu |
4 | Phòng Nghiên cứu ứng dụng, Chuyển giao công nghệ và Quản lý bảo vệ rừng | ThS. Đặng Văn Man |
5 | Xưởng thực nghiệm chế biến lâm sản | KS. Nguyễn Văn Hải |
Lĩnh vực hoạt động chính
– Về cây lá rộng bản địa: Nghiên cứu kỹ thuật trồng cây bản địa dưới tán rừng thông nhằm thay thế rừng thuần loài thành rừng hỗn loài đa tầng tán, xây dựng vườn sưu tập thực vật với hơn 300 loài cây, nhân giống, gây trồng các loài cây bản địa như Lim xanh, Giổi xanh, Sưa, Long não.
– Về giống lâm nghiệp: Xây dựng được 2 ha vườn giống Thông caribê, 2 ha vườn giống Thông nhựa có sản lượng nhựa cao, chuyển hóa được 115ha rừng giống các loài Thông caribê và Thông nhựa, sản xuất và cung ứng các loài cây trồng rừng cho khu vực.
– Về cây nhập nội mọc manh: Phối hợp nghiên cứu khảo nghiệm Keo tai tượng, khảo Bạch đàn uro, camal; chuyển giao giống và kỹ thuật trồng thâm canh Thông caribê, Keo lai, Keo tai tượng, cung cấp gỗ lớn.
– Về bảo tồn nguồn gen: Xây dựng và phát triển 15 ha vườn sưu tập thực vật, đã sưu tập được gần 300 loài gồm các loài cây gỗ, loài tre, loài cau dừa được phân khu theo họ và cụm sinh thái..
– Về rừng tự nhiên: Nghiên cứu các kỹ thuật phục hồi rừng tự nhiên bằng khoanh nuôi, làm giàu và cải tạo rừng bằng các loài: Lim xanh, Lát hoa, Re gừng, Sao đen, Lim ba, Giổi xanh.
Cơ sở vật chất
Trung tâm được giao 921 ha đất lâm nghiệp tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc trong đó gồm: nhà làm việc, nhà thí nghiệm hội thảo, vườn ươm, xưởng thực nghiệm chế biến lâm sản, một số thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu, đường bê tông và đường cấp phối đi vào khu rừng thực nghiệm, rừng giống và rừng giống chuyển hóa.
Những thành tích đã đạt được
Trung tâm đã thực hiện 3 đề tài cấp Nhà nước, 10 đề tài, dự án cấp bộ, 8 đề tài cấp tỉnh và 2 dự án, hợp đồng hợp tác quốc tế.
Định hướng phát triển
– Chọn giống, kỹ thuật trồng thâm canh các loài mọc nhanh (bản địa, keo) cung cấp gỗ lớn;
– Lĩnh vực lâm sản ngoài gỗ: Nghiên cứu cơ sở khoa học về các loài Ích mẫu, Kim Ngân hoa, Xạ đen,…
– Nghiên cứu kỹ thuật khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, nghiên cứu xây dựng rừng trồng cây lá rộng bản địa thay thế dần rừng thuần loài, rừng cây nhập nội tại vùng Đông Bắc Bộ;
– Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây rừng; Xây dựng rừng giống, vườn giống cho một số loài cây gỗ mọc nhanh, các loài cây bản địa.
– Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh, cung cấp cây bóng mát cho thị trường chuyển giao các kết quả khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp cây giống chất lượng cao (đặc biệt là Thông caribê), kỹ thuật trồng rừng thâm canh, trồng rừng và cung cấp gỗ nguyên liệu.
Địa chỉ liên hệ:
Tên đơn vị: Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ
Trụ sở chính: xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Điện thoại/Fax: 02113 856 022