Ký hiệu kho | VI24_726 |
Chuyên ngành | bảo vệ rừng, sâu hại bồ đề |
Địa phương | Yên Bái |
Lĩnh vực | Bảo vệ rừng |
Đề tài nghiên cứu khoa học | Nghiên cứu các giải pháp phòng trừ sâu hại chính cây Bồ đề (Styrax tonkinensis) tại tỉnh Yên Bái |
Cấp | Cấp Tỉnh |
Mục tiêu | Xác định được thành phần loài và đặc điểm sinh học, sinh thái của loài sâu hại chính cây Bồ đề; Xác định được giải pháp phòng trừ tổng hợp sâu hại chính cây Bồ đề; Xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ tổng hợp sâu hại chính cây Bồ đề. |
Ngày bắt đầu | 2020 |
Ngày kết thúc | 2022 |
Chi tiết | Tóm tắt nội dung nghiên cứu chính: Nội dung 1: Điều tra thành phần loài sâu hại và xác định loài sâu hại chính cây Bồ đề tại huyện Văn Chấn và Trấn Yên. Nội dung 2: Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài sâu hại chính cây Bồ đề làm cơ sở cho việc đề xuất các biện pháp phòng trừ. Nội dung 3: Nghiên cứu các biện pháp quản lý tổng hợp sâu hại chính cây Bồ đề. Nội dung 4: Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu hại chính cây Bồ đề phù hợp với điều kiện địa phương tại tỉnh Yên Bái. Nội dung 5: Tập huấn và chuyển giao kỹ thuật quản lý tổng hợp sâu hại chính cây Bồ đề tại huyện Văn Chấn và Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. |
Phương pháp | Phương pháp nghiên cứu: 7.1. Điều tra thành phần loài sâu hại và xác định loài sâu hại chính cây Bồ đề tại huyện Văn Chấn và Trấn Yên. 7.1.1. Điều tra, thu mẫu đánh giá tỷ lệ bị hại và mức độ bị hại của các loài sâuhại Bồ đề ở rừng trồng Điều tra sơ bộ: áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 8927:2013 Phòng trừ sâu hại cây rừng – hướng dẫn chung) (phụ lục 2). Lựa chọn rừng Bồ đề đang bị sâu hại tại 2 huyện thông qua việc thu thập thông tin từ cơ quan chức năng của 2 địa phương (huyện Văn Chấn và Trấn Yên) về tình hình sâu hại Bồ đề, sau đó tiến hành điều tra sơ bộ trên từng khu vực, quan sát trực tiếp và đánh giá tình hình sâu hại cây Bồ đề để làm cơ sở lập các ô tiêu chuẩn phục vụ cho điều tra tỉ mỉ. Điều tra theo ô tiêu chuẩn: Để đánh giá tỷ lệ bị hại và mức độ hại của sâu hại Bồ đề, từ đó xác định được thành phần loài sâu hại và loài sâu hại chính: Căn cứ theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 8927:2013 Phòng trừ sâu hại cây rừng – hướng dẫn chung) (phụ lục 2). Thiết lập các ô tiêu chuẩn ở rừng trồng Bồ đề ở 2 cấp tuổi (cấp tuổi 1: từ 1 đến 3 năm tuổi, cấp tuổi 2: trên 3 năm tuổi) tại 02 huyện, mỗi huyện điều tra trên 2 xã cụ thể: xã Hồng Ca và xã Hưng Khánh thuộc huyện Trấn Yên; xã Tân Thịnh và xã Cát Thịnh thuộc huyện Văn Chấn, tại mỗi xã lập 03 ô tiêu chuẩn/cấp tuổi x 02 cấp tuổi x 02 xã x 02 huyện; tổng số 24 ô tiêu chuẩn/2 huyện. Các ô tiêu chuẩn được thiết lập tại các vị trí chân, sườn và đỉnh. Diện tích mỗi ô tiêu chuẩn là 1000m2 (40m x 25m), tiến hành điều tra thu mẫu các loài sâu hại, các góc của ô được đánh dấu bằng các biển ký hiệu có ghi thứ tự, trong ô tiêu chuẩn cách 4 hàng điều tra 1 hàng và cách 1 cây điều tra 1 cây. Định kỳ 10 ngày điều tra một lần, trong thời gian 12 tháng liên tục với lý do: việc điều tra, thu thập thành phần loài sâu hại cần tiến hành thường xuyên để tăng cường tần suất bắt gặp các loài sâu hại, bởi côn trùng gây hại thường xuất hiện theo từng thời điểm, từng mùa và có những pha (pha trứng, sâu non, nhộng hoặc pha trưởng thành) của một số loài sâu hại có thời gian ngắn, chỉ kéo dài vài ngày nên việc điều tra 10 ngày 1 lần là để tăng cường khả năng bắt gặp các loài sâu hại. Hơn nữa, một số loài sâu hại có vòng đời kéo dài cả năm (như một số loài côn trùng cánh cứng) hoặc có loài suất hiện theo các mùa khác nhau nên việc tiến hành điều tra đủ 12 tháng để thu được các pha phát triển của chúng là rất cần thiết nhằm đánh giá được một cách toàn diện và đầy đủ. Tiến hành thu các mẫu sâu hại (lá, thân, cành và ngọn) mang về phòng thí nghiệm có thể tiến hành tiếp tục gây nuôi phục vụ nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh thái hoặc giám định loài, bảo quản hoặc làm tiêu bản: đối với trưởng thành bay được sử dụng vợt chuyên dụng; đối với côn trùng loại nhỏ như mọt sử dụng kẹp để lấy mẫu. Sử dụng các dụng cụ cơ bản khác kết hợp thu mẫu như: Panh thu sâu non, chổi lông, ống nghiệm, túi nilông, cưa, kéo và dao. Bảo quản mẫu sâu non, nhộng và bằng cồn 700, formol và đối với trưởng thành sử dụng phong bì được gập theo hình tam giác vuông. Tất cả các mẫu thu đều được phân theo bộ, họ, giống, loài và các mẫu này đề được ghi rõ các thông tin như: thời gian thu mẫu, cây chủ, người thu, địa điểm thu mẫu. Làm tiêu bản: trưởng thành được sử dụng kim côn trùng để cố định và ghi rõ các thông tin trên etekét (tên phổ thông, tên latinh, người giám định, người thu mẫu, thời gian thu, địa điểm thu). Đối với trưởng thành loại nhỏ không sử dụng kim cố định được dùng mảnh bì hoặc mica cắt theo hình chữ nhật hoặc tam giác kết hợp với keo để cố định côn trùng. Bảo quản tiêu bản: Trưởng thành sử dụng tủ sấy 350 - 400C; trứng, sâu non và nhộng sử dụng cồn 700, formol. Phân cấp mức độ sâu hại lá, thân, cành và ngọn cho từng cây trên ô tiêu chuẩn cụ thể : + Đối với sâu hại lá chia thành 05 cấp Cấp hại (i) Chỉ tiêu phân cấp 0 Tán lá không bị sâu hại 1 Tán lá bị sâu hại dưới 25% 2 Tán lá bị sâu hại từ 25 đến dưới 50% 3 Tán lá bị sâu hại từ 50 đến 75% 4 Tán lá bị sâu hại trên 75% + Đối với sâu hại thân chia làm 05 cấp Cấp hại Chỉ tiêu phân cấp 0 Thân không bị hại. 1 Thân bị hại chiều dài dưới 25cm. 2 Thân bị hại chiều dài từ 25 đến dưới 50cm. 3 Thân bị hại chiều dài từ 50 đến 75cm. 4 Thân bị hại trên 75cm. + Đối với sâu hại cành ngọn chia làm 05 cấp Cấp hại Chỉ tiêu phân cấp 0 Cành và ngọn không bị hại. 1 Cành và ngọn bị hại dưới 15%. 2 Cành và ngọn bị hại từ 15 đến dưới 30%. 3 Cành và ngọn bị hại từ 30 đến 50%. 4 Cành và ngọn bị hại trên 50%. Trên cơ sở kết quả phân cấp bị hại, tính toán các chỉ tiêu sau: Tỷ lệ cây bị sâu hại được xác định theo công thức: Trong đó: P% là tỷ lệ cây bị sâu hại n: là số cây bị sâu hại. N: là tổng số cây điều tra. Chỉ số bị hại bình quân trong ô tiêu chuẩn được tính theo công thức: Trong đó: R là chỉ số bị sâu hại bình quân. ni: là số cây bị hại với chỉ số bị sâu hại i. vi: là trị số của cấp bị sâu hại thứ i. N: là tổng số cây điều tra. Mức độ bị hại dựa trên chỉ số trung bình sâu hại ü Chỉ số bị sâu hại bình quân: R=0 không bị hại. ü Chỉ số bị sâu hại bình quân: R<1,0 mức độ hại nhẹ (+) ü Chỉ số bị sâu hại bình quân: 1,0<R<2,0 mức độ hại trung bình (++). ü Chỉ số bị sâu hại bình quân: 2,0<R< 3,0 mức độ hại nặng (+++) ü Chỉ số bị sâu hại bình quân: 3,0<R< 4,0 mức độ hại rất nặng (++++) Phân hạng mức độ hại: Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của chúng đối với rừng trồng (dựa trên các tiêu chuẩn: mức độ hại trên cây, quy mô và diện tích bị hại). Việc phân hạng các loài sâu hại thành 2 mức độ theo các tiêu chuẩn như sau: v Sâu hại chính (hại rất nặng là cấp 4 “++++” và hại nặng là cấp 3 “+++”), ảnh hưởng đến sinh trưởng hoặc làm chết cây, đã gây thành dịch với quy mô diện tích lớn. Cần ưu tiên nghiên cứu phòng trừ hoặc lên kế hoạch phòng trừ. v Sâu hại thường gặp (hại trung bình là cấp 2 “++” hại nhẹ là cấp 1 “+”), ít có khả năng làm chết cây và ít ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, có khả năng gây thành dịch, với diện tích vừa và với quy mô nhỏ. Cần chú ý điều tra diễn biến tình hình gây hại của chúng, đưa vào diện ưu tiên nghiên cứu phòng trừ, tuy nhiên cũng cần theo dõi diễn biến tình hình gây hại của chúng. 7.1.2. Giám định tên khoa học các loài sâu hại Bồ đề Giám định tên khoa học các loài sâu hại bằng phương pháp mô tả về hình thái và đối chiếu với các khóa phân loại (số lượng mẫu giám định dự kiến 30 mẫu): Đối với mẫu sâu hại là trưởng thành thu thập được ở ngoài hiện trường mang về phòng thí nghiệm sẽ tiến hành giám định và làm mẫu tiêu bản. Đối với mẫu sâu hại là trứng, sâu non hoặc nhộng sẽ tiến hành tiếp tục gây nuôi trong phòng thí nghiệm để thu bắt trưởng thành phục vụ cho công tác giám định. Giám định tên khoa học các loài sâu hại Bồ đề bằng cách dựa vào mô tả hình thái về côn trùng đến bộ theo khóa phân loại của Phạm Văn Lầm (1997); định danh và kiểm tra tên khoa học các loài sâu hại thuộc bộ cánh vẩy (Lepidotera) dựa theo Scoble M.J. (1995) và Carter David (2000). Giám định một số loài Rệp thuộc phân họ Cerataphidini (Hormaphidinae) dựa theo Aoki et al (1989), Aoki et al (1993), Aiki and Kuruso (2010), Kuruso et al (1994), Kuruso et al (2003). Giám định các loài thuộc họ Xén tóc (Cerambycidae) và các loài mọt thuộc thuộc họ Mọt đầu dài (Bostrychidae), họ Mọt cám (Lyctidae), họ Mọt gỗ ovan (Anbiidae), họ Mọt hại vỏ, gỗ (Scolytidae), họ Mọt gỗ chân dài (Platypodidae) dựa vào chuyên khảo "Côn trùng hại gỗ và biện pháp phòng trừ" của Lê Văn Nông (1999). 7.1.3. Xây dựng danh mục các loài sâu hại và xác định các loài sâu hại chính cây Bồ đề ở rừng trồng. Dựa vào số liệu điều tra ngoài hiện trường, tổng hợp, xử lý và giám định tên khoa học, từ đó lên danh mục thành phần loài sâu hại Bồ đề tại 2 huyện (tất cả các loài sâu thu thập được, trên cơ sở đó xác định các loài sâu hại chính). Danh mục được xếp theo như tên thông thường, tên khoa học (tên lớp, tên bộ, tên họ, tên loài), bộ phận bị hại, phân cấp hại, tuổi cây và địa điểm thu mẫu. 7.2. Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài sâu hại chính cây Bồ đề làm cơ sở cho việc đề xuất các biện pháp phòng trừ. 7.2.1. Nghiên cứu các đặc điểm sinh học của loài sâu hại chính 7.2.1.1. Nghiên cứu đặc điểm hình thái Được thực hiện thông qua nuôi sâu trong phòng thí nghiệm: Dự kiến nuôi 01 loài sâu hại chính (sâu hại lá): Thu nhộng ngoài hiện trường về để riêng từng cá thể trong hộp lồng cho vũ hóa, bổ sung nguồn thức ăn cho trưởng thành bằng dung dịch nước đường hoặc mật ong 5%. Bố trí các cặp đôi, mỗi cặp đôi (01 đực và 01 cái) trong một lồng lưới nuôi sâu có kích thước 0,6 x 0,6 x 1,2m (nuôi trong ít nhất 3 lồng). Bên trong lồng lưới đặt cành lá tươi cắm trong bình nước hoặc cây con có bầu để nuôi nuôi sâu hại lá. Hàng ngày, quan sát ghi chép, thời gian hoàn thành của từng pha của sâu, thời gian của các tuổi sâu, thay thức ăn trong quá trình nuôi. Thu mẫu, xử lý mẫu sâu ở cả 4 pha: Trứng, sâu non ở tất cả các giai đoạn phát triển (tuổi) và nhộng được ngâm trong cồn 70%; riêng trưởng thành được làm mẫu theo phương pháp làm mẫu của côn trùng học. Mô tả chi tiết các bộ phận của loài sâu biến thái hoàn toàn (Trưởng thành, trứng, nhộng và sâu non) cụ thể như thân chia làm 3 phần (đầu, ngực và bụng); các pha này được quan sát và mô tả chi tiết các bộ phận của sâu dưới kính lúp và kính soi nổi Leica M165C, các chỉ tiêu quan sát như: Hình thái, màu sắc và đo kích thước cá thể: chiều dài, chiều rộng, độ rộng mảnh đầu, chiều dài sải cánh của trưởng thành (mô tả theo phiếu nuôi sâu phục lục 4). 7.2.1.2. Nghiên cứu đặc điểm gây hại Tiến hành theo dõi, quan sát đặc điểm gây hại và vị trí trưởng thành cái đẻ trứng ở ngoài hiện trường và trong quá trình gây nuôi từng cá thể của sâu hại chính trong phòng thí nghiệm (mục 7.2.1.1) và xác định sức sinh sản của sâu hại chính bằng cách giải phẫu đếm số lượng trứng/ trưởng thành cái, kết hợp theo dõi đếm số lượng trứng khi trưởng thành cái đẻ trứng. 7.2.1.3. Nghiên cứu vòng đời Phương pháp nghiên cứu vòng đời sâu hại chính tiến hành tương tự như mục 7.2.1.1 (dự kiến 01 loài sâu hại chính),tiến hành nuôi ở 2 điều kiện nhiệt độ: nhiệt độ, ẩm độ trong phòng thí nghiệm và ở nhiệt độ 28oC ẩm độ (80%), hàng ngày kiểm tra và thay thức ăn, đồng thời tiến hành theo dõi từng pha trong một vòng đời của sâu hại chính cụ thể như: thời gian phát triển để hoàn thành của các giai đoạn (pha) gồm có: trưởng thành, trứng, sâu non và nhộng thông qua việc theo dõi hàng ngày sau đó cộng thời gian của từng pha bằng thời gian hoàn thành vòng đời của loài sâu hại. 7.2.1.4. Nghiên cứu tập tính sâu hại chính Phương pháp nghiên cứu tập tính sâu hại chính tiến hành tương tự như mục 7.2.1.1, kết hợp với điều tra theo dõi sâu ngoài hiện trường để theo dõi tập tính các pha phát triển của sâu cụ thể như pha trưởng thành, trứng, sâu non và nhộng; đồng thời mô tả sự thay đổi về màu sắc của từng pha và khả năng tự vệ của các pha phát triển của sâu hại chính cây Bồ đề. 7.2.1.5. Nghiên cứu lịch phát sinh Phương pháp nghiên cứu lịch phát sinh sâu hại chính (dự kiến 01 loài và thực hiện đồng thời cùng nội dung nghiên cứu đặc điểm sinh thái ở mục 7.2.2) tiến hành thông qua điều tra ở ngoài hiện trường theo dõi thời gian xuất hiện của các pha sâu hại chính, thời gian điều tra theo dõi 12 tháng liên tục, định kỳ 10 ngày một lần và kết hợp việc nuôi sâu trong phòng thí nghiệm, từ các số liệu theo dõi ở trên xây dựng được lịch phát sinh củaloài sâu hại chính cây Bồ đề. 7.2.2. Nghiên cứu đặc điểm sinh thái của loài sâu hại chính Địa điểm thực hiện: Ngoài hiện trường là rừng trồng Bồ đề tại huyện Văn Chấn. Các ô tiêu chuẩntiến hành để nghiên cứu đặc điểm sinh thái sẽ được thiết lập mới (độc lập với các ô tiêu chuẩn điều tra thành phần sâu hại) để phục vụ cho nghiên cứu. 7.2.2.1. Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố sinh vật - Ảnh hưởng của tuổi cây chủ đến mật độ sâu hại chính: Điều tra loài sâu hại chính ở rừng trồng theo mật độ cây chủ ở 2 cấp tuổi, cụ thể cấp tuổi 1: từ 1 đến 3 năm tuổi, cấp tuổi 2: trên 3 năm tuổi tại 01 địa điểm (huyện), mỗi cấp lập 3 ô tiêu chuẩn, tổng số 06 ô tiêu chuẩn, diện tích mỗi ô 1000m2 (40x25m), tiến hành thu thập đánh giá tỷ lệ bị hại theo (mục 6.1.1). - Ảnh hưởng của mật độ cây chủ đến mật độ sâu hại chính: Điều tra sâu hại chính theo mật độ cây chủ ở 2 mật độ, cụ thể mật độ 1: 2000-3000/ha, mật độ 2: từ 5000 cây/ha trở lên; mỗi mật độ 3 ô tiêu chuẩn x 2 mật độ x 01 huyện, tổng số 06 ô tiêu chuẩn, diện tích mỗi ô 1000m2 (40x25m), tiến hành thu thập đánh giá tỷ lệ bị hại ở (mục 6.1.1). - Ảnh hưởng của thiên địch (bắt mồi và ký sinh) đến mật độ sâu hại chính: Điều tra thu thập thiên địch (bắt mồi và ký sinh) của sâu hại chính ở rừng trồng Bồ đề, cụ thể: + Đối với loài thiên địch bắt mồi tiến hành theo dõi ngoài hiện trường và thu thập mẫu thiên địch mang về phòng thí nghiệm để tiến hành giám định. Đồng thời, thu mẫu loài sâu hại chính (ở pha bị thiên địch bắt mồi) thả vào lồng chứa loài thiên địch (thả 30 mẫu sâu hại chính/loài thiện địch bắt mồi), hàng ngày tiến hành đánh giá, theo dõi mức độ ăn của các loài thiên địch đối với loài sâu hại chính. + Đối với thiên địch ký sinh cũng được thu thập mang về phòng thí nghiệm để tiến hành giám định hoặc tiếp tục gây nuôi, đồng thời thu mẫu sâu hại chính (ở pha bị ký sinh) thả vào lồng chứa loài thiên địch ký sinh (thả 30 mẫu sâu hại chính/loài thiên địch ký sinh), hàng ngày tiến hành theo dõi tỷ lệ và mức độ bị ký sinh của sâu hại chính. + Mẫu sâu hại chính (ở pha bị ăn thịt hoặc ký sinh) sử dụng để tiến hành theo dõi mức độ bị ăn thịt hoặc ký sinh được thu thập trong quá trình điều tra ảnh hưởng của thiên địch đến sâu hại chính ngoài hiện trường để phục vụ cho thí nghiệm. + Giám định tên khoa học của loài thiên địch (bắt mồi và ký sinh) của các loài sâu hại chính (dự kiến giám định 20 mẫu) dựa vào mô tả đặc điểm hình thái đối chiếu với khóa phân loại và dựa vào tài liệu về phòng trừ sinh học đối với loài côn trùng tiềm năng ở vùng Đông Nam Á của Waterhouse (1998); các loài ký sinh và ăn thịt của loài hại rừng ở Trung Quốc (Chen Xue-Xin và He Jun-Hua, 2006) và sử dụng phòng trừ sinh học cổ điển để giữ gìn rừng ở Bắc Mỹ (Roy Van Driesche và Richard Reardon, 2014). Thời gian điều tra theo dõi một số ảnh hưởng của yếu tố sinh vật trong 12 tháng liên tục (trong 12 tháng điều tra có 09 tháng kết hợp đồng thời với nội dung điều tra thành phần sâu hại ở mục 6.1.1), định kỳ 10 ngày một lần. 7.2.2.2. Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố phi sinh vật - Nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ, ẩm độ và lượng mưa đến mật độ sâu hại chính: Trong quá trình điều tra theo dõi các yếu tố về mật độ, tuổi cây, thiên địch đồng thời tiến hành theo dõi nhiệt độ, ẩm độ và lượng mưa (thu thập từ trạm khí tượng thủy văn gần nhất) ảnh hưởng đến sâu hại chính; tiến hành thu thập đánh giá tỷ lệ bị hại ở (mục 7.1.1). - Nghiên cứu ảnh hưởng của độ cao so với mực nước biển, hướng phơi và độ dốc đến sâu hại chính: Trong quá trình điều tra theo dõi các yếu tố về mật độ, tuổi cây, thiên địch đồng thời tiến hành theo dõi độ cao so với mực nước biển, hướng phơi và độ dốc ảnh hưởng đến sâu hại chính; tiến hành thu thập đánh giá tỷ lệ bị hại ở (mục 6.1.1). Thời gian điều tra theo dõi một số ảnh hưởng của yếu tố sinh vật trong 12 tháng liên tục (trong 12 tháng điều tra có 09 tháng kết hợp đồng thời với nội dung điều tra thành phần sâu hại ở mục 6.1.1), định kỳ 10 ngày một lần. 7.3. Nghiên cứu các biện pháp quản lý tổng hợp sâu hại chính cây Bồ đề 7.3.1. Biện pháp vật lý * Biện pháp sử dụng bẫy dính + Biện pháp bẫy dính được sử dụng để bẫy loài sâu hại chính ở giai đoạn trưởng thành. Sử dụng bẫy dính với 3 loại màu sắc: màu vàng, màu xanh và màu trắng. + Phương pháp thực hiện ở rừng trồng Bồ đề thường xuyên bị loài sâu hại chính gây hại tại huyện Văn Chấn, thiết lập 4 ô tiêu chuẩn (3 ô tiêu chuẩn đặt bẫy và 1 ô tiêu chuẩn đối chứng không đặt bẫy), diện tích mỗi ô 1000m2 (25x40m). Tại mỗi ô tiêu chuẩn đặt 06 bẫy dính (mỗi loại màu sắc 02 bẫy), khoảng cách mỗi bẫy là 5m, tổng số 18 bẫy dính (06 bẫy dính màu xanh, 06 bẫy dính màu vàng và 06 bẫy dính màu trắng). Cách đặt bẫy dính được thực hiện như sau: sâu non của loài sâu hại chính nếu vào nhộng dưới đất thì sau khi vũ hóa sẽ bay lên phía trên. Vì vậy tiến hành đặt bẫy ở vị trí cao từ 1,0 - 1,5m so với mặt đất. Sử dụng dây thép buộc ngang ở 2 thân cây sau đó treo bẫy dính ở vị trí giữa. + Thời gian theo dõi: 3 tháng (10 ngày kiểm tra 1 lần, tổng 9 lần). + Thời gian đặt bẫy: vào thời gian trước khi trưởng thành bắt đầu xuất hiện + Chỉ tiêu theo dõi: thu mẫu, đếm số lượng trưởng thành vào bẫy và tỷ lệ đực cái. Đánh giá tỷ lệ và mức độ bị hại trước và sau khi áp dụng tại các ô tiêu chuẩn (mục 6.1.1) trong các lần kiểm tra. * Biện pháp sử dụng bẫy đèn Sử dụng bẫy đèn (loại tích điện) với 2 loại sánh sáng: ánh sáng trắng và ánh sáng tím + Phương pháp thực hiện ở rừng trồng Bồ đề thường xuyênbị loài sâu hại chính gây hại tại 01 huyện, thiết lập 3 ô tiêu chuẩn (2 ô tiêu chuẩn đặt bẫy và 1 ô tiêu chuẩn đối chứng không đặt bẫy), diện tích mỗi ô 1000m2. Tại mỗi ô tiêu chuẩn đặt 2 bẫy đèn (01 loại ánh sáng trắng, 1 loại sánh sáng tím), khoảng cách mỗi bẫy là 20m, tổng số 04 bẫy đèn. Cách đặt bẫy đèn được thực hiện như sau: Treo đèn điện hoặc dùng ắc quy ở độ cao 60 - 120 cm so với mặt nước phía dưới. Nước để bẫy trưởng thành ở phía dưới có thể dùng các dụng cụ chứa nước như chậu, xô loại to hoặc đào hố để chứa nước. Hố chứa nước có kích thước: dài 1,0 mét, rộng 1,0 mét và sâu 15 cm, sau đó trải tấm nilon xuống đáy hố để giữ nước, đổ nước với chiều cao ít nhất 10 cm. Sau đó đổ thêm một ít dầu hỏa hoặc dầu nhớt xe máy. Buổi tối khi thấy ánh sáng trưởng thành sẽ bay đến và rơi xuống nước ở phía dưới gặp lớp dầu phía trên chúng sẽ bị dính cánh và không bay lên được + Thời gian đặt bẫy: vào thời điểm trưởng thành xuất bắt đầu xuất hiện, đặt bẫy vào buổi tối khoảng từ 20 - 22 giờ và thực hiện theo dõi liên tục trong 7 ngày. + Chỉ tiêu theo dõi: thu mẫu, đếm số lượng trưởng thành vào bẫy và tỷ lệ đực cái. 7.3.2. Biện pháp lâm sinh + Phương pháp thực hiện: tại rừng trồng Bồ đề ở cấp tuổi là trên 3 năm tuổi thường xuyên bị sâu hại chính gây hại tiến hành một số biện pháp lâm sinh như phát dọn thực bì vệ sinh rừng, chặt tỉa cành, loại bỏ những cây còi cọc bị sâu hại nhiều hoặc xới xáo vun gốc đồng thời tiêu diệt nhộng của loài sâu hại chính (nếu sâu non của loài hại chính vào nhộng và cư trú dưới đất) hoặc bắt giết sâu non trên cây ở độ cao phù hợp. + Số lượng ô tiêu chuẩn: Thực hiện thí nghiệm ở rừng trồng trên 3 tuổi với 2 công thức (CT), cụ thể: F CT1: công thức tác động một số biện pháp lâm sinh (tại rừng trồng trên 3 năm tuổi); F CT2: Đối chứng (không tác động). Tại mỗi công thức (CT) lập 01 ô tiêu chuẩn x 2CT x 3 lần lặp, diện tích mỗi ô 1000m2 (40m x 25m) tại 01 địa điểm (huyện), tổng số 06 ô tiêu chuẩn. + Thời gian theo dõi 3 tháng (10 ngày kiểm tra 1 lần, tổng 9 lần). + Chỉ tiêu theo dõi: Đánh giá tỷ lệ bị hại và mức độ bị hại trước và sau khi áp dụng và được đánh giá theo phương pháp ở mục 6.1.1. 7.3.3. Biện pháp sinh học Sử dụng các chế phẩm sinh học nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại VN do Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành năm 2020 để phòng trừ loài sâu hại chính. Xác định hiệu lực các loại chế phẩm sinh học đối với giai đoạn sâu non của 1 loài sâu hại chính và được thực hiện qua 2 bước. (1) Xác định hiệu lực các loại chế phẩm sinh học trong phòng thí nghiệm Tiến hành thử hiệu lực của 4 loại chế phẩm sinh học (Bacillus thungriensis, Beauveria bassiana, Metarhizium anisopliae và Bitadin) và đối chứng (phun nước lã) đối với loài sâu hại chính: F CT1: Bacillus thungriensis; F CT2: Beauveria bassiana; F CT3: Metarhizium anisopliae; F CT4: Bitadin; F CT5: Đối chứng (phun nước lã). + Mỗi loại thuốc được thử trên ít nhất 30 mẫu sâu non. + Thí nghiệm được lặp lại 3 lần, có đối chứng (phun nước lã). + Thời gian theo dõi: Trước khi phun và sau khi phun 3, 5, 7, 9 và 11 ngày. + Hiệu lực của thuốc được tính bằng công thức ABBOTT: Trong đó: E: hiệu quả tính bằng %. Ca: số sâu sống ở công thức đối chứng. Ta: số sâu sống ở công thức xử lý. (2) Ngoài hiện trường + Dựa vào kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm lựa chọn 2 loại chế phẩm sinh học có hiệu quả phòng trừ tốt nhất để tiến hành thử thuốc ngoài hiện trường đối với 1 loài sâu hại chính tại rừng trồng Bồ đề tại khu vực thường xuyên bị nặng tại huyện Văn Chấn. + Sử dụng máy phun thuốc trừ sâu cao áp phun toàn bộ thân, cành và tán lá cây. + Tiến hành thí nghiệm trên các công thức thí nghiệm sau: FCT1: Chế phẩm sinh học 1; FCT2: Chế phẩm sinh học 2; FCT3: Đối chứng (phun nước lã). + Thiết lập 01 OTC/công thức x 3 công thức x 3 lần lặp, tổng số 09 ô tiêu chuẩn, diện tích ô tiêu chuẩn là 1000m2 (40x25m), các ô tiêu chuẩn được bố trí khoảng cách xa nhau tối thiểu 10m nhằm hạn chế ảnh hưởng của các công thức. + Thời gian theo dõi: Trước khi phun và sau khi phun 3, 5, 7, 9 và 11 ngày. + Chỉ tiêu theo dõi: Đánh giá tỷ lệ bị hại và mức độ bị hại trước và sau khi áp dụng và đánh giá tỷ lệ và mức độ bị hại theo phương pháp ở mục 7.1.1. + Hiệu lực của thuốc được tính bằng công thức HENDERSON – TILTON: Trong đó: E: Hiệu quả tính bằng %. Ca:số sâu sống ở ô đối chứng trước khi xử lý Ta: số sâu sống ở ô phun thuốc trước khi xử lý Cb: số sâu sống ở ô đối chứng sau khi xử lý Tb: số sâu sống ở ô phun thuốc sau khi xử lý + Phương pháp đếm số lượng sâu sống được thực hiện như sau: việc đếm số lượng sâu ở tất cả các cây trên diện tích ô tiêu chuẩn 1000m2 là không khả thi và khó thực hiện. Tuy nhiên, thay vào đó có thể tiến hành bằng việc đếm trên một số lượng cây nhất định tại các vị trí khác nhau (cả ô đối chứng và ô thí nghiệm). Cụ thể, trên ô tiêu chuẩn tiến hành đếm số lượng sâu sống trước và sau khi phun tại 5 vị trí (4 góc của ô và ở chính giữa). Mỗi vị trí tiến hành đếm số lượng sâu sống trước và sau khi phun cho 4 cây, tổng số 20 cây. Sau đó áp dụng công thức Henderson-tilton để đánh giá hiệu lực của thuốc. 6.3.4. Biện pháp hóa học Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp&PTNT ban hành năm 2020 để phòng trừ sâu hại trong trường hợp dịch sâu hại bùng phát tại huyện Văn Chấn. Xác định hiệu lực các loại thuốc bảo vệ thực vật hoá chất đối với giai đoạn sâu non của 1 loài sâu hại chính và được thực hiện qua 2 bước: (1) Xác định hiệu lực các loại thuốc bảo vệ thực vật trong phòng thí nghiệm + Tiến hành thử hiệu lực dự kiến 5 loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất: Alpha-cypermethrin, Acetamiprid, Azadirachtin, Cypermethrin và Thiosultap-sodium (Nereistoxin) và đối chứng (phun nước lã). F CT1: Alpha-cypermethrin, F CT2: Acetamiprid, F CT3: Azadirachtin, F CT4: Cypermethrin, F CT5: Thiosultap-sodium F CT6: đối chứng (phun nước lã) + Mỗi loại thuốc được thử trên ít nhất 30 mẫu sâu non. + Thí nghiệm được lặp lại 3 lần, có đối chứng (phun nước lã). + Thời gian theo dõi: Trước và sau khi phun 3, 5, 7, 9 và 11 ngày. + Hiệu lực của thuốc được tính bằng công thức ABBOTT (mục 6.3.3). (2) Ngoài hiện trường + Dựa vào kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm lựa chọn 2 loại thuốc có hiệu quả phòng trừ tốt nhất để tiến hành thử thuốc ngoài hiện trường 1 loài sâu hại chính tại địa điểm đã được xác định thường xuyên bị sâu hại nặng. + Sử dụng máy phun thuốc trừ sâu cao áp phun toàn bộ thân, cành và tán lá + Tiến hành thí nghiệm trên các công thức thí nghiệm sau: F CT1: Thuốc hóa học 1; F CT2: Thuốc hóa học 2; F CT3: Đối chứng (phun nước lã). + Thiết lập 01 OTC/công thức x 3 công thức x 3 lần lặp, tổng số 09 ô tiêu chuẩn, diện tích ô tiêu chuẩn là 1000m2 (40x25m), các ô tiêu chuẩn được bố trí khoảng cách xa nhau tối thiểu 10m nhằm hạn chế ảnh hưởng của các công thức. + Thời gian theo dõi: Trước khi phun và sau khi phun 3, 5, 7, 9 và 11 ngày. + Chỉ tiêu theo dõi: Đánh giá tỷ lệ bị hại và mức độ bị hại trước và sau khi áp dụng và đánh giá tỷ lệ và mức độ bị hại theo phương pháp ở mục 7.1.1. + Hiệu lực của thuốc được tính bằng công thức HENDERSON – TILTON (mục 7.3.3). + Phương pháp đếm số lượng sâu sống cũng được thực hiện tương tự như mục 7.3.3 (biện pháp sinh học). 7.4. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu hại chính cây Bồ đề phù hợp với điều kiện địa phương tại tỉnh Yên Bái. Dựa vào kết quả nghiên cứu đặc điểm nhận biết, tập tính, vòng đời, lịch phát sinh, đặc điểm sinh học, sinh thái và thử nghiệm các biện pháp phòng trừ để lựa chọn xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu hại chính cây Bồ đề phù hợp với điều kiện địa phương tại tỉnh Yên Bái. 7.5. Tập huấn và chuyển giao kỹ thuật quản lý tổng hợp sâu hại chính cây Bồ đề tại huyện Văn Chấn và Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. - Nội dung: Tập huấn và chuyển giao kỹ thuật nhận biết loài sâu hại chính cây Bồ đề; phương pháp điều tra ngoài hiện trường và biện pháp phòng trừ sâu hại chính. - Quy mô: Tổ chức 02 lớp tập huấn (01 lớp tại huyện Văn Chấn, 01 lớp tại huyện Trấn Yên) chuyển giao kỹ thuật phòng trừ sâu hại, tổng số 60 người (30 người/lớp). Thời gian 1 ngày/huyện (1/2 ngày trong hội trường và 1/2 ngày ngoài hiện trường), tổng 02 ngày. - Đối tượng tham gia: Cán bộ bảo vệ thực vật, cán bộ kiểm lâm và người dân trồng rừng. |
Chủ nhiệm đề tài | ThS. Nguyễn Văn Thành - Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng |
Đơn vị | |
Kết quả | Sản phẩm khoa học và công nghệ : - Báo cáo kết quả danh mục thành phần loài sâu hại, đánh giá tỷ lệ bị hại và mức độ bị hại của các loài sâu hại cây Bồ đề tại 2 huyện; - Báo cáo đặc điểm sinh học và sinh thái của loài sâu hại chính cây Bồ đề tại tỉnh Yên Bái; - Báo cáo kết quả nghiên cứu các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu hại chính cây Bồ đề; - Hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu hại hại chính trên cây Bồ đề; - 02 lớp tập huấn kỹ thuật nhận biết về sâu hại chính và biện pháp phòng trừ sâu hại chính trên cây Bồ đề; - Báo cáo khoa học tổng kết đề tài. |
Tiến bộ được công nhận | |
Phạm vi |
Nghiên cứu các giải pháp phòng trừ sâu hại chính cây Bồ đề (Styrax tonkinensis) tại tỉnh Yên Bái
05/07/2021 by