Hoàn thiện quy trình kỹ thuật chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn các loài Keo lai và Keo tai tượng

Ký hiệu khoVI24_491
Chuyên ngànhtrồng rừng
Địa phươngToàn Quốc
Lĩnh vựcKỹ thuật lâm sinh
Đề tài nghiên cứu khoa họcHoàn thiện quy trình kỹ thuật chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn các loài Keo lai và Keo tai tượng
CấpDA SXTN Cấp Bộ
Mục tiêuHoàn thiện quy trình và ứng dụng vào sản xuất kỹ thuật chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn các loài Keo lai và Keo tai tượng, góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị rừng trồng. Mục tiêu cụ thể - Hoàn thiện quy trình kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn cho các loài Keo lai và Keo tai tượng. - Xây dựng được 120 ha rừng mô hình chuyển hóa thành rừng gỗ lớn, giá trị kinh tế của rừng tăng tối thiểu 30% (bao gồm 19,2 ha rừng thí nghiệm chuyển hóa). - Chuyển giao kết quả cho các đơn vị phối hợp và tập huấn cho 200 lượt người trồng rừng trong khu vực dự án.
Ngày bắt đầu2015
Ngày kết thúc2018
Chi tiết1) Hoàn thiện quy trình kỹ thuật và công nhận tiến bộ kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ Keo lai và Keo tai tượng sang sản xuất gỗ lớn. 2) Xây dựng 100,8 ha mô hình sản xuất thử nghiệm chuyển hóa rừng sản xuất gỗ nhỏ thành rừng sản xuất gỗ lớn Keo lai và Keo tai tượng. 3) Tập huấn chuyển giao kỹ thuật.
Phương pháp
Chủ nhiệm đề tàiTS. Trần Lâm Đồng
Đơn vị
Kết quảIV. KẾT QUẢ 4.1. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ Keo lai và Keo tai tượng sang sản xuất gỗ lớn a) Xác định tiêu chí rừng Keo lai và Keo tai tượng đủ tiêu chuẩn để chuyển hóa sang sản xuất gỗ lớn - Xác định vùng thích hợp áp dụng chuyển hóa Do điều kiện địa hình và khí hậu, vùng trồng rừng ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi gió bão khác nhau. Các tỉnh ven biển Việt Nam từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa chịu ảnh hưởng của bão nhiều nhất, với tần xuất xuất hiện trung bình từ 0,8-1,7 cơn/năm cho mỗi vùng, giảm dần từ Bắc vào Nam; đây cũng là những vùng trồng rừng Keo lai và Keo tai tượng chính trong cả nước. Các cơn bão có ảnh hưởng lớn tới rừng trồng, gây đổ gãy hàng loạt, thường có cấp gió từ cấp 10 trở lên, với chu kỳ xuất hiện ở những vùng này trong khoảng từ 2-6 năm một lần. Như vậy, với chu kỳ chuyển hóa rừng gỗ lớn ≥10 năm, mỗi vùng chịu ảnh hưởng bởi bão cấp 10 trở lên ít nhất 2 lần. Keo lai và Keo tai tượng là những loài có khả năng chống chịu gió bão kém. Chưa thấy sự khác nhau rõ rệt về sự ảnh hưởng của bão cấp 10 trở lên tới tỷ lệ cây bị thiệt hại giữa các loài này. Ảnh hưởng của mật độ trồng tới tỷ lệ cây bị thiệt hại do gió bão là chưa rõ ràng, nhưng tuổi rừng càng cao thì tỷ lệ cây bị thiệt hại do gió bão càng cao. Sự ảnh hưởng của vị trí trồng rừng (chân, sườn và đỉnh) tới tỷ lệ cây bị thiệt hại chưa rõ ràng, nhưng địa hình và hướng phơi có ảnh hưởng rõ rệt. Những địa hình thung lũng, ít chia cắt hay che chắn xung quanh có tỷ lệ cây bị ảnh hưởng cao. Rừng trồng ở các hướng phơi Đông và Nam tỷ lệ cây bị ảnh hưởng cao hơn ở các hướng Tây và Bắc. Do hầu hết vùng ven biển đều có rủi ro bị ảnh hưởng bởi bão cao, việc lựa chọn khu rừng thích hợp để chuyển hóa có thể dựa trên yếu tố địa hình và hướng phơi ít chịu ảnh hưởng bởi gió bão hơn. Những thông tin về lịch sử ảnh hưởng của gió bão tới rừng trồng ở những chu kỳ trước có thể là căn cứ tốt để xác định những diện tích rừng đó có thích hợp để áp dụng chuyển hóa gỗ lớn hay không. - Xác định lập địa thích hợp áp dụng chuyển hóa Điều kiện khí hậu thích hợp áp dụng chuyển hóa gỗ lớn rừng Keo lai và Keo tai tượng có nhiệt độ bình quân năm từ 22-27o, lượng mưa ≥ 1300 mm/năm với số tháng hạn < 6 tháng. Độ cao tuyệt đối thích hợp chuyển hóa Keo lai và Keo tai tượng lần lượt là <450 và < 500 m ở miền Bắc, <550 m và < 600 m ở vùng Bắc Trung bộ và < 650 m và < 700 m ở vùng Nam Trung bộ trở vào. Về thổ nhưỡng, đất thích hợp áp dụng chuyển hóa gỗ lớn Keo lai và Keo tai tượng là từ đất cát pha đến thịt nặng. Độ dày tầng đất >70 cm đối với đất có tỷ lệ đá lẫn (cấp hạt > 2mm) 30 - 50% và 50-70 cm đối với đất có tỷ lệ đá lẫn <30%. Độ dốc ≤35o. - Tiêu chuẩn rừng đủ điều kiện đưa vào chuyển hóa Rừng chưa bị thiệt hại nặng do gió bão ở các chu kỳ trước và có tỷ lệ cây bị đổ gãy do gió bão ở chu kỳ hiện tại ít. Mật độ hiện tại đối với Keo lai từ 1200-2000 cây/ha và Keo tai tượng từ 1300-2200 cây/ha và phải có tối thiểu 1.000 cây mục đích/ha đối với Keo lai và 1.100 cây/ha đối với Keo tai tượng, phân bố đều trên diện tích chuyển hóa. Rừng sinh trưởng tốt, có tăng trưởng chiều cao tầng trội trung bình ≥ 3,1 m/năm đối với Keo lai và ≥2,5 m/năm đối với Keo tai tượng; tăng trưởng đường kính ngang ngực 2,5 cm/năm đối Keo lai và 2,0 cm/năm đối với Keo tai tượng. b) Thí nghiệm xác định các chỉ tiêu và biện pháp kỹ thuật chuyển hóa rừng Rừng Keo lai và Keo tai tượng đưa vào tỉa thưa lần 1 ở tuổi 3-5 với mật độ để lại từ 750-1.000 cây/ha cho sinh trưởng đường kính cao hơn rõ rệt so với không tỉa thưa. Các công thức tỉa thưa cũng nâng cao chất lượng gỗ thông qua việc lựa chọn những cây sinh trưởng tốt và chất lượng thân để giữ lại làm gỗ lớn. Việc bón phân lân, kali và chế phẩm sinh học cho rừng sau tỉa thưa không có tác dụng rõ rệt về thúc đẩy sinh trưởng. 4.2. Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm chuyển hóa rừng gỗ nhỏ Keo lai và Keo tai tượng sang sản xuất gỗ lớn Dự án đã chuyển hóa 50 ha Keo lai và 50,8 ha Keo tai tượng tại 4 đơn vị phối hợp tại Yên Bái, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Bình Định. Sau 3 năm theo dõi sinh trưởng cho thấy, sinh trưởng đường kính và năng suất rừng tăng đáng kể. Năng suất hiện tại của rừng sau chuyển hóa của Keo tai tượng (5-7 tuổi) dao động từ 16,2-24,4 m3/ha/năm và Keo lai (6-7 tuổi) dao động từ 23-26 m3/ha/năm. Có 30 ha rừng sản xuất thử nghiệm (15 ha Keo lai và 15 ha Keo tai tượng) và 4,8 ha rừng thí nghiệm chuyển hóa Keo tại tượng tại Nghệ An đã bị đổ gãy do các cơn bão số 10 và số 12 năm 2017. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cho thanh lý toàn bộ diện tích đổ gãy này. 4.3. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật chuyển hóa Dự án đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 210 người là các cán bộ kỹ thuật của các đơn vị phối hợp, các công ty lâm nghiệp, phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, hội nông dân và chủ rừng tại các địa phương mà Dự án triển khai: Yên Bái, Nghệ An và Bình Định. Các mô hình thí nghiệm và chuyển hóa của Dự án đã được sử dụng cho nhiều chương trình thăm quan, học tập kinh nghiệm của địa phương, đặc biệt là mô hình ở Huế và Bình Định. Dự án đã xây dựng được 02 quy trình chuyển hóa rừng sản xuất gỗ nhỏ sang gỗ lớn cho hai loài Keo lai và Keo tai tượng. Biện pháp kỹ thuật tỉa thưa để chuyển hóa rừng gỗ sản xuất gỗ lớn cho hai loài cây này đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật (Quyết định số 592 và 595/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 28/12/2018). V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 5.1. Kết luận Nâng cao giá trị rừng trồng thông qua sản xuất gỗ lớn đã được xác định là giải pháp quan trọng trong Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp cũng như các kế hoạch hành động và các dự án triển khai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhiên, cho đến nay do nhiều lý do khác nhau mà diện tích rừng trồng và chuyển hóa gỗ lớn, nhất là đối với cây trồng chủ lực Keo lai và Keo tai tượng, còn rất hạn chế. Dự án đã xác định được các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa rừng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn cho Keo lai và Keo tai tượng. Dự án cũng phối hợp với các đơn vị sản xuất xây dựng được 85,2 ha rừng chuyển hóa có năng suất và giá trị rừng cao hơn rõ rệt so với rừng không chuyển hóa. Dự án cũng công nhận được 02 tiến bộ kỹ thuật về kỹ thuật tỉa thưa để chuyển hóa rừng gỗ lớn cho hai loài cây Keo lai và Keo tai tượng, tập huấn và chuyển giao vào sản xuất. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn tốt để áp dụng mở rộng cho sản xuất. 5.2. Kiến nghị - Nghiên cứu đầy đủ hơn về ảnh hưởng của gió bão tới rừng trồng keo để xác định các biện pháp kỹ thuật hạn chế rủi ro gió bão đối với rừng trồng chuyển hóa gỗ lớn. - Triển khai các dự án khuyến nông áp dụng chuyển hóa rừng gỗ lớn. - Điều chỉnh một số nội dung và chỉ tiêu kỹ thuật trong tiêu chuẩn quốc gia đã ban hành về chuyển hóa rừng gỗ lớn Keo lai (TCVN 11567-1: 2016) và Keo tai tượng (TCVN 11567-2: 2016).
Tiến bộ được công nhận
Phạm vi
[logo-slider]