Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để phát triển trồng rừng cung cấp gỗ lớn các loài Keo tai tượng, Keo lá tràm và Bạch đàn trên lập địa sau khai thác ít nhất hai chu kỳ tại một số vùng trồng rừng tập trung

Ký hiệu khoVI24_492
Chuyên ngànhtrồng rừng
Địa phươngToàn Quốc
Lĩnh vựcKỹ thuật Lâm sinh
Đề tài nghiên cứu khoa họcNghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để phát triển trồng rừng cung cấp gỗ lớn các loài Keo tai tượng, Keo lá tràm và Bạch đàn trên lập địa sau khai thác ít nhất hai chu kỳ tại một số vùng trồng rừng tập trung
CấpCấp Bộ
Mục tiêuMục tiêu tổng quát: Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng gỗ lớn Keo tai tượng, Keo lá tràm và Bạch đàn trên lập địa sau khai thác ít nhất hai chu kỳ tại một số vùng trồng rừng tập trung. Mục tiêu cụ thể - Xác định được một số giống Keo tai tượng, Keo lá tràm và Bạch đàn đã được công nhận phù hợp với lập địa và kỹ thuật lâm sinh để trồng rừng gỗ lớn trên lập địa sau khai thác ít nhất hai chu kỳ tại các vùng trồng rừng chính ở nước ta. - Xây dựng được các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trồng lại rừng cung cấp gỗ lớn trên lập địa sau khai thác ít nhất hai chu kỳ cho các loài Keo tai tượng, Keo lá tràm và Bạch đàn lai UP có hiệu quả kinh tế và chất lượng lập địa cao hơn các chu kỳ trước.
Ngày bắt đầu2014
Ngày kết thúc2018
Chi tiết1) Đánh giá thực trạng kỹ thuật và lập địa trồng rừng keo và bạch đàn. 2) Khảo nghiệm mở rộng các giống tiến bộ kỹ thuật của Keo tai tượng, Keo lá tràm, Bạch đàn lai UP và Bạch đàn Urô đã được công nhận. 3) Nghiên cứu kỹ thuật quản lý lập địa nhằm duy trì, nâng cao độ phì đất và năng suất rừng trồng. 4) Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng lại rừng keo và bạch đàn cho chu kỳ tiếp theo. 5) Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tạo gỗ lớn. 6) Xây dựng quy trình kỹ thuật và đề nghị công nhận mở rộng giống và tiến bộ kỹ thuật.
Phương pháp
Chủ nhiệm đề tàiGS.TS. Võ Đại Hải
Đơn vị
Kết quảIV. KẾT QUẢ 4.1. Đánh giá thực trạng kỹ thuật và lập địa trồng rừng keo và bạch đàn Diện tích đất phù hợp cho rừng trồng Keo và Bạch đàn trên cả nước là rất lớn, tuy nhiên cần có đánh giá diện tích có lập địa phù hợp cho kinh doanh gỗ lớn. Khoảng trên 85% diện tích rừng trồng Keo và Bạch đàn tại Việt Nam đã trải qua ít nhất hai chu kỳ kinh doanh. Năng suất rừng, tùy thuộc vào khu vực, dao động từ 9,9 - 22,3 m3/ha/năm (đối với Bạch đàn) và 12 - 23 m3/ha/năm (đối với Keo tai tượng) và 14,5 - 25,5 m3/ha/năm (đối với Keo lai). Diện tích rừng trồng Keo và Bạch đàn hiện tại chủ yếu phù hợp với mục tiêu kinh doanh gỗ nhỏ, mật độ trồng rừng rất dày (trên 3000 cây/ha) chiếm trên 70% diện tích rừng trồng Keo và Bạch đàn. Việc chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn đối với những diện tích này ít khả thi hoặc khó thực hiện và hiệu quả thấp. Rất ít diện tích được trồng với mục tiêu sản xuất gỗ lớn, cũng như chuyển hóa rừng cung cấp gỗ lớn. Trải qua nhiều chu kỳ, lập địa rừng trồng Keo và Bạch đàn đang có nguy cơ bị suy thoái với các chỉ tiêu lý, hóa tính đất ở mức trung bình đến nghèo. Các biện pháp kỹ thuật trồng lại rừng sau khai thác trong sản xuất chưa chú trọng đến quản lý lập địa nhằm duy trì độ phì đất và năng suất rừng trồng. Việc bổ sung dinh dưỡng cho đất thông qua bón phân chưa hợp lý. 4.2. Khảo nghiệm mở rộng các giống tiến bộ kỹ thuật của Keo tai tượng, Keo lá tràm, Bạch đàn lai UP và Bạch đàn Urô Các giống tiến bộ kỹ thuật Bạch đàn urô và Bạch đàn lai có sinh trưởng nhanh và năng suất cao. Đề tài đã đã công nhận mở rộng xuất xứ Keo tai tượng Balimo tại Cam Lộ - Quảng Trị và có triển vọng cho vùng Đông Bắc; giống Bạch đàn lai UP54 tại Yên Bình - Yên Bái; UP72 tại Yên Bình - Yên Bái và Cam Lộ - Quảng Trị; UP95 tại Yên Bình - Yên Bái; UP99 tại Yên Bình - Yên Bái. Các giống tiến bộ kỹ thuật Keo lá tràm dòng Clt7 giai đoạn 30 tháng tuổi có sinh trưởng tốt nhất tại Đông Hà, Quảng Trị. Đề tài sẽ tiếp tục theo dõi và làm thủ tục công nhận giống ở giai đoạn tiếp theo. 4.3. Nghiên cứu kỹ thuật quản lý lập địa nhằm duy trì, nâng cao độ phì đất và năng suất rừng trồng Các biện pháp quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác (VLHCSKT) kết hợp bón phân có ảnh hưởng lớn tới độ phì đất. Kết quả nghiên cứu cho thấy, biện pháp quản lý VLHCSKT ảnh hưởng chưa rõ rệt đến sinh trưởng rừng cũng như tính chất đất rừng trong thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu giữ lại VLHCSKT thay vì đốt như sản xuất đang áp dung có thê hoàn trả các dinh dưỡng cho đất sau 18 tháng (quy đổi ra ha) là 137,1 kg N, 4,7 kg P, 20,8 kg K, 94,5kg Ca và 2,2 kg Mg. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã nhận định, năng suất và độ phì đất sẽ được cải thiện rõ rệt ở các chu kỳ tiếp theo nếu tiếp tục áp dụng các biện pháp quản lý VLHCSKT. Kết quả thí nghiệm cho thấy, cùng với giữ lại VLHCSKT, bón phân theo đặc tính loài cây trồng cho sinh trưởng rừng tốt nhất, trong đó bón cho Keo 200g lân nung chảy (15-17% P2O5) + 20g Kali (61% K2O) + 80g chế phẩm sinh học/cây; Bón lót cho Bạch đàn 30g urê (46% N) + 250g phân lân nung chảy (15-17% P2O5) + 20g Kali (61% K2O) + 100g chế phẩm sinh học/cây và bón thúc 75g urê/cây vào đầu mùa mưa năm 2 và 75g urê/cây vào đầu mùa mưa năm thứ 3 cho sinh trưởng cây trồng tốt nhất. Biện pháp xử lý cỏ dại toàn diện cho sinh trưởng và năng suất rừng đạt cao hơn rõ rệt so với xử lý cỏ dại theo băng, trong đó xử lý cỏ dại toàn diện bằng thủ công cho tỷ lệ sống của cây trồng đạt cao hơn so với xử lý toàn diện bằng thuốc diệt cỏ. 4.4. Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng lại rừng keo và bạch đàn cho chu kỳ tiếp theo Sau 4 năm trồng, biện pháp cuốc hố thủ công cho tỷ lệ sống và năng suất rừng Keo tai tượng và Bạch đàn lai UP không sai khác so với cuốc hố bằng máy. Rừng trồng lại trên đất sau khai thác rừng Keo cho sinh trưởng tốt hơn rõ rệt so với rừng trồng lại trên đất sau khai thác rừng Bạch đàn. Việc bổ sung phân bón cho rừng trồng lại trên đất Bạch đàn là cần thiết để duy trì năng suất của rừng. Bên cạnh đó, việc để lại VLHCSKT cũng rất quan trọng để duy trì và nâng cao độ phì của đất, cải thiện tính chất đất. Đối với kinh doanh rừng chồi bạch đàn, sau 40 tháng tuổi để lại một chồi/gốc cho sinh trưởng đường kính cao hơn so với để lại 2 chồi, nhưng để lại 2 chồi/gốc cho năng suất tương đương với để lại 1 chồi/gốc. Bón phân 180g Urê + 300g super lân + 20g Kali/cây giúp rừng Bạch đàn chồi sinh trưởng tốt hơn. 4.5. Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tạo gỗ lớn. Kết quả nghiên cứu tỉa thân và tỉa cành Keo tai tượng ở Bình Định, Keo lá tràm ở Quảng Trị cho thấy sinh trưởng và năng suất rừng cao hơn rõ rệt so với công thức không tỉa; sự sai khác này không rõ rệt ở Yên Bái. Chất lượng thân cây được tỉa cành có tỷ lệ khuyết tật thấp hơn rõ rệt so với cây không được tỉa. Keo tai tượng tỉa thưa ở tuổi 3 tại Yên Bái và Quảng Nam để lại 900 cây/ha đã ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng đường kính và làm tăng đáng kể tỷ lệ gỗ lớn sau 3 năm theo dõi, nhưng năng suất rừng sau tỉa thưa vẫn chưa khác biệt so với rừng không tỉa. Bón phân cho rừng Keo tai tượng sau tỉa thưa không có tác dụng rõ rệt tới sinh trưởng của cây trồng. 4.6. Xây dựng quy trình kỹ thuật và đề nghị công nhận mở rộng giống và tiến bộ kỹ thuật. Đề tài đã công nhận mở rộng xuất xứ Keo tai tượng Balimo cho Bắc Trung Bộ; giống Bạch đàn lai UP54, UP72, UP95 và UP99 cho vùng Đông Bắc và UP72 cho Bắc Trung Bộ (QĐ số 761/QĐ-BNN-TCLN, ngày 06/3/2019). Đề tài đã xây dựng được 03 quy trình kỹ thuật tổng hợp trồng rừng gỗ lớn trên đất sau khai thác rừng trồng cho 03 loài Keo tai tượng, Keo lá tràm và Bạch đàn lai UP. Đề tài đã công nhận được 02 tiến bộ kỹ thuật về Kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác kết hợp bón phân ở các chu kỳ sau tại vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cho hai loài Bạch đàn lai UP và Keo tai tượng (QĐ số 593 và 594/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 28/12/2018). Đề tài đã công bố được 01 sách chuyên khảo, 03 bài báo khoa học quốc tế và 04 bài báo khoa học trong nước, tham gia đào tạo 02 nghiên cứu sinh và 03 thạc sĩ. V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 5.1. Kết luận Đề tài đã công nhận mở rộng 01 xuất xứ Keo tai tượng cho vùng Bắc Trung Bộ, 04 giống Bạch đàn lai UP cho vùng Đông Bắc và 01 giống Bạch đàn lai UP cho Bắc Trung Bộ. Đề tài đã chọn được 01 xuất xứ giống Keo tai tượng có triển vọng cho vùng Đông Bắc và một số giống Keo lá tràm có triển vọng cho vùng Bắc Trung Bộ. Đề tài đã xây dựng được 03 quy trình kỹ thuật tổng hợp trồng rừng gỗ lớn trên đất sau khai thác rừng trồng cho 03 loài Keo tai tượng, Keo lá tràm và Bạch đàn lai UP; 02 tiến bộ kỹ thuật về Kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác kết hợp bón phân ở các chu kỳ sau tại vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cho hai loài Bạch đàn lai UP và Keo tai tượng. 5.2. Kiến nghị Bộ NN&PTNT cho ứng dụng các kết quả khảo nghiệm mở rộng giống và tiến bộ kỹ thuật lâm sinh vào sản xuất gỗ lớn các loài keo và bạch đàn trên đất rừng sau khai thác tại các vùng nghiên cứu của đề tài tại Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Tiến bộ được công nhậnề tài đã công nhận mở rộng xuất xứ Keo tai tượng Balimo cho Bắc Trung Bộ; giống Bạch đàn lai UP54, UP72, UP95 và UP99 cho vùng Đông Bắc và UP72 cho Bắc Trung Bộ (QĐ số 761/QĐ-BNN-TCLN, ngày 06/3/2019). Đề tài đã xây dựng được 03 quy trình kỹ thuật tổng hợp trồng rừng gỗ lớn trên đất sau khai thác rừng trồng cho 03 loài Keo tai tượng, Keo lá tràm và Bạch đàn lai UP. Đề tài đã công nhận được 02 tiến bộ kỹ thuật về Kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác kết hợp bón phân ở các chu kỳ sau tại vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cho hai loài Bạch đàn lai UP và Keo tai tượng (QĐ số 593 và 594/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 28/12/2018).
Phạm vi
[logo-slider]