Quy trình kỹ thuật ươm giống luồng bằng cành
I. Điều khoản chung
Điều 1:Qui trình này quy định những yêu cầu kỹ thuật ươm giống luồng bằng cành nhằm nâng cao tỷ lệ sống và tạo được giống có chất lượng tốt để trồng rừng trên quy mô lớn.
Điều 2:Giống cành ươm theo những qui định kỹ thuật của quy trình này phải đạt được tỷ lệ xuất vườn từ 65-70% thì mới coi là đạt yêu cầu.
Điều 3:Qui trình kỹ thuật này chính thức được áp dụng cho các đơn vị có trồng luồng ở Thanh Hoá, khuyến khích áp dụng cho các địa phương như: Nghệ Tỉnh, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Sơn La. Có thể vận dụng quy trình này để ươm một số loài tre có cành (diễn chứng, tre gai….)
Điều 4: Khi áp dụng qui trình kỹ thuật này cần chú ý những điểm sau đây:
– Cán bộ kỹ thuật, công nhân làm công tác ươm giống theo qui trình này phải là người đã có kinh nghiệm hoặc đã được theo học lớp tập huấn kỹ thuật ươm giống cành.
– Cần có các chất kích thích sinh trưởng2,45T và 2,4D hoặc muối Natri, Kali, của 2,4D.
– Phải có bể ngâm giống cao 15-20cm.
– Phải có lán (không thưng xung quanh) để ngâm và ủ giống.
II. Thời vụ ươm, chọn và chuẩn bị giống
Điều 5: Chỉ ươm giống luồng bằng cành trong những tháng có nhiệt độ trung bình lớn hơn hoặc bằng 200C. ở Thanh Hoá chỉ ươm giống luồng bằng cành từ tháng 4 đến tháng 8. Không được lấy giống để ươm trong những ngày nhiệt độ không khí dưới 180C và trên 350C.
Điều 6: Chọn cây luồng để lấy cành giống:
– Chọn cây có tuổi từ 10 đến 13 tháng (kể cả cây cụt ngọn).
– Cây sinh trưởng bình thường không bị khuy.
Điều 7:Tiêu chuẩn chọn cành luồng làm giống:
– Cành có đường kính phần sát đùi gà lớn hơn hoặc bằng 1cm.
– Thân cành màu xanh thẫm;
– Bẹ mo ở phía trên đùi gà đã rụng nhưng còn vết hơi trắng;
– Đùi gà to, có nhiều vành rễ khí sinh: rễ khí sinh hơi héo, màu vàng nhạt.
– Mắt cua to, chắc, màu hơi vàng.
– Không lấy những cành mà đùi gà nhẵn, không có rễ khí sinh.
Điều 8: Chuẩn bị cành giống:
– Chặt cành giống: Dùng dao thật sắc chặt sát phần thân và các gốc cành, tránh làm dập đùi gà.
– Chuẩn bị cành giống: chặt bỏ phần ngọn (tránh làm dập thân cành), cành để dài từ 35 đến 40cm (có 2-3 lóng) kể từ gốc cành; gọt bỏ rễ khí sinh trên đùi gà, tránh gọt vào đùi gà và làm xước mắt cua.
Điều 9: Thời gian bảo quản giống:
– Giống cành lấy về không được để quá hai ngày mới ngâm chất kích thích sinh trưởng.
– Trong thời gian chuẩn bị để ngâm, phải để giống ở những nơi mát, phải tưới nước để giống không bị héo.
III. Ngâm chất kích thích sinh trưởng và ủ giống cành:
a. Ngâm chất kích thích sinh trưởng
Điều 10:
· Chất kích thích sinh trưởng phải được hoà tan vào trong cồn (1 gam thuốc cần 8-10cm3 cồn 960), hoặc rượu trắng 400 (1 gam thuốc cần 20-25cm3 rượu 400).
· Sau khi đã hoà tan chất kích thích sinh trưởng vào trong cồn hoặc rượu thì đổ dung dịch này vào bể ngâm với lượng nước lã đã chuẩn bị trước, rồi khuấy đều.
– Đối với 2,4D: 1 gam thuốc hoà tan trong 50 lít nước lã.
– Đối với 2,45T: 1 gam thuốc hoà tan trong 55 lít nước lã.
– Với muối Natri, Kali của 2,4D: 1 gam thuốc hoà tan trong 40 lít nước lã.
Điều 11: Cách ngâm cành:
Ngâm phần gốc cành ngập trong dung dịch kích thích sinh trưởng với độ sâu từ 10-13cm.
Điều 12:Thời gian ngâm:
– Khi nhiệt không khí từ 20 đến 280C thì ngâm trong 12 đến 15 giờ.
– Khi nhiệt độ không khí từ 29 đến 350C thì ngâm trong 9 đến 11 giờ
b. ủ giống cành:
Điều 13: Cách ủ giống:
Cành sau khi đã ngâm đủ thời gian theo như qui định ở điều 12 thì vớt ra vùi trong mùn cưa ẩm (1kg mùn cưa trộn với 1 lít nước) hoặc cát ẩm (1kg cát khô trộn với 0,5 lít nước) để có độ ẩm 85-90%.
Xếp cành nghiêng 600trên nền đất trong lán (lán không thưng xung quanh để cho thoáng và mát) cứ một lớp cành thì vùi một lớp mùn cưa hoặc cát dày khoảng 20cm.
Điều 14: Độ ẩm trong thời gian ủ:
– 15 ngày đầu giữ cho độ ẩm của mùn cưa hoặc cát trong khoảng 85-90%.
– Sau 15 ngày độ ẩm của mùn cưa hoặc cát có thể giảm đi chút ít.
Điều 15: Thời gian ủ và tiêu chuẩn cành giống đem uơm:
Sau khi ủ từ 20 đến 23 ngày, chọn những cành đã có rễ cám để ươm ở vườn hoặc trong bầu, còn những cành khác lại tiếp tục ủ cho đến khi ra rễ cám.
IV. Ươm giống ở vườn và trong bầu
A. Ươm giống ở vườn
Điều 16: Vị trí và đất vườn ươm:
– Nền đất vườn ươm phải bằng phẳng, dộ dốc không quá 50, gần nguồn nước, tiện đường vận chuyển;
– Đất vườn ươm phải là đất thịt hoặc đất thịt nhẹ.
Điều 17:Làm đất vườn ươm:
– Phải cày tối thiểu 2 lần, bừa 4 lần, đập nhỏ đất trước khi ươm 15-20 ngày.
– Nếu nền đất vườn ươm thấp, dễ bị úng, thì phải lên luống. Luống rộng 1m, cao 10cm, rãnh rộng 30cm.
– Nếu nền đất cao và bằng phẳng thì không lên luống mà ươm theo rạch.
Điều 18: Bón phân lót:
Mỗi mét vuông bón 3kg phân chuồng hoai.
Cách bón: cho phân vào rạch rồi trộn đều vào đất.
Điều 19: Ươm giống
– Cành ươm theo rạch, mỗi luống 2 rạch (nếu lên luống), rạch sâu 10cm rạch cách rạch 50cm, cành cách cành 20cm. Đặt cành nghiêng 600 so với mặt đất, 2 mặt cua nằm 2 phía thành của rạch.
– Dùng đất nhỏ lèn chặt lấp phần đùi gà rồi tưới nước theo rạch, cứ 10 lít nước tưới cho 2m chiều dài, sau đó lấp đất vào rạch cho bằng mặt luống.
– Dùng rơm, rạ hoặc cỏ khô phủ kín mặt luống.
Điều 20:Giàn che:
Phải làm giàn che khi ươm, giàn cao 1,2 đến 1,3m, che khoảng 40-50% ánh sáng mặt trời. Sau 1 tháng rưỡi đến 2 tháng dần dần dỡ giàn che.
Điều 21:Chăm sóc và bón thúc:
a. Chăm sóc:
– Tưới nước: 1 tháng đầu, nếu trời nắng thì 4-5 ngày tưới 1 lần, lượng nước tưới là 5 lít cho 1m rạch. Nếu trời râm thì 7-10 ngày tưới một lần, lượng nước tưới như trên. Sau 1 tháng, khoảng 10-12 ngày tưới một lần, lượng nước là 10 lít cho 1m rạch.
– Làm cỏ: thường xuyên nhổ cỏ trên luống và rạch.
b. Bón thúc: Giống ươm trong vườn cho tới khi xuất vườn được bón thúc 2 lần:
Mỗi lần bón 15gam N + 5gam P2O5 + 5 gam K20 (tương đương khoảng 30 gam Urê + 25 gam super lân + 10 gam suphát Kali). Lượng phân này được hoà tan vào 10 lít nước, tưới cho 2m chiều dài rạch. Lần thứ nhất bón vào lúc 20 ngày sau khi ươm. Lần thứ 2 bón vào lúc 50 ngày sau khi ươm.
B. Ươm giống trong bầu
Điều 22: Kích thước bầu:
Bầu bằng polyêtylen hoặc bằng đất, bầu phải thủng đáy.
Điều 23: thành phần ruột bầu và cách cho cành vào bầu:
– Ruột bầu gồm đất thịt nhẹ + 15% phân chuồng hoai trộn đều;
– Cho hỗn hợp đất và phân vào bầu đến 1/3 chiều cao của bầu, lèn chặt rồi cẩn thận cho cành vào bầu, tiếp tục cho đất và phân đến 3/4 của bầu rồi lèn chặt, sau đó tưới nước. Mỗi bầu tưới 100cm3 nước, rồi tiếp tục cho đất và phân đến đầy miệng bầu, không lèn chặt phần ruột bầu phía trên.
Điều 24:Cách đặt bầu:
Bầu đặt cách nhau 15cm, phủ đất kín đến 3/4 chiều cao của bầu, cứ 4 hàng bầu thì để một lối đi lại. Vườm ươm phải có giàn che 40-50% ánh sáng mặt trời.
Điều 25:Chăm sóc:
– Tưới nước: Trong một tháng đầu cứ 5-7 ngày tưới một lần bằng thùng tưới có hương sen, lượng nước tưới là 10 lít trên 1m2.
– Nhổ cỏ phá váng: 10-15 ngày nhổ cỏ phá váng một lần.
– Bón thúc: Như mục b trong điều 21 qui định
Điều 26: Tiêu chuẩn giống đem trồng, giống đem trồng tốt thiểu phải có một thế hệ cây con (măng mắt cua).
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam