Quy trình kỹ thuật trồng rừng Luồng
(Dendroclamus Membranaceus Munro)
Chương I
Điều khoản chung
Điều 1: Quy trình quy định hệ thống các biện pháp kỹ thuật gây trồng rừng Luồng bằng cành triết từ khâu tạo giống, trồng rừng, chăm sóc nuôi dưỡng và bảo vệ rừng phục vụ chương trình 327 nhằm phát huy chức năng phòng hộ ổn định và lâu dài.
Điều 2:Quy trình này áp dụng cho các địa phương nằm trong vùng phân bố tự nhiên của cây Luồng. Những địa phương đã trồng Luồng có kết quả thuộc các vùng trung tâm, Tây bắc, Đông bắc và miền Trung. Song cũng có thể được vận dụng cho các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ có điều kiện thích hợp để trồng rừng sản xuất, trồng Luồng phân tán bằng những kinh nghiệm và kỹ thuật tạo giống khác nhau.
Chương II
Điều kiện gây trồng
Điều 3:Điều kiện khí hậu
- Những nơi thời tiết nóng và ẩm, đặc trưng khí hậu mưa mùa nhiệt đới.
- Nhiệt độ trunh bình hàng năm từ 22-260C.
- Độ ẩm không khí trung bình hàng năm >800C.
- Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1600-2000mm.
Điều 4:Điều kiện địa hình đất đai
- Dạng địa hình: Những nơi có độ dốc <300.
- Đất còn tính chất đất rừng.
- Độ sâu tầng đất ≥60cm.
Chương III
Tạo cây giống
Điều 5:Chọn cây mẹ và cành làm giống
- Tuổi rừng lấy giống phải trên 3 năm. Các búi Luồng sinh trưởng tốt, cây nhiều cành, không bị sâu bệnh.
- Cây mẹ lấy giống là những cây bằng hoặc dưới 1 năm tuổi, cây không có hiện tượng khuy.
- Cành làm giống: Chọn cành từ 3-10 tháng tuổi, có đủ lá. Những cành trên 10 tháng tuổi phải trẻ hoá bằng cách chặt bỏ phần cành già, chừa lại mấu cành, đến khi cành mới hình thành có đủ lá mới có thể chọn làm giống. Đường kính cành giống phần sát đùi gà từ 1cm trở lên. Cành có màu xanh, mắt cua to, chắc, màu hơi vàng.
- Đối với rừng sản xuất có thể chọn tận dụng 1/3 số lượng cành ở phần dưới thấp của mỗi cây mẹ để làm giống nhưng không được ngả cây.
Điều 6:Kỹ thuật tạo giống
- Ngả cây mẹ: Dùng dao hoặc cưa đơn (loại răng đứng) cắt 2/3 đường kính thân ở phía đối diện với hướng cây đổ tại độ cao 0,5-0,7m cách gốc, kéo cho cây đổ nằm ngang với mặt đất, để hai hàng cành ngả ra hai bên, nơi cắt chừa lại một phần nhỏ thân cây để nuôi cây mẹ.
- Cắt bớt cành chỉ chừa lại từ 0,35-0,40 kể từ mấu cành (khoảng 3-4 lóng), không cắt ngọn cây mẹ.
- Cưa bớt 4/5 diện tích tiếp xúc giưũa mấu cành với thân cây mẹ theo hướng từ trên ngọn xuống dưới gốc, sau đó cưa một vết nhẹ hướng góc vuống với thân cây mẹ ở phía đối diện với mạch cưa trước nơi sát mép của mấu cành với vành rễ khí sinh cây mẹ, độ sâu vừa hết lớp bì xanh của cây.
- Dùng 250-300 gam hỗn hợp bùn ao hoặc bùn ruộng với rơm băm nhỏ, tỷ lệ 2 bùn: 1 rơm theo thể tích rồi bó kín vào mấu cành, hỗn hợp phải vừa đủ ẩm, không ướt hoặc khô quá.
- Dùng mang nilon kích thước 12x60cm bọc kín bó hỗn hợp để giữu ẩm.
- Sau 20-30 ngày, những cành ra rễ màu vàng nhạt được đem giâm ở vườn ươm.
Điều 7:Thời vụ triết cành
- Vụ xuân tháng 1,2,3.
- Vụ thu tháng 7,8,9.
Điều 8:Giâm và nuôi dưỡng cành ở vườn ươm:
- Vườn ươm chọn nới bằng phẳng thuận tiện đi lại và vận chuyển, gần nguồn nước tưới.
- Đất giâm ươm nên chọn đất thịt nhẹ và phải cày bừa kỹ, đập nhỏ và làm tơi xốp trước khi đặt cành để giâm.
- Nơi nền đất vườn ươm thấp cần lên luống rộng 1-1,2m, cao từ 10-15cm, dài 10-20cm, tạo rạch nhỏ ngang luống, cự ly rạch cách nhau 40cm, sâu 15-20cm.
- Nơi nền đất cao có thể giâm ươm theo rạch không cần lên luống.
- Bón lót phân chuồng hoai 5kg/m2 hoặc NPK 0,5kg/m2.
- Cự ly đặt cành giâm: 25x40cm, sâu 15-20cm.
- Cành đặt nghiêng 1 góc 600 so với mặt luống, nén chặt gốc.
- Tưới nước: 10 ngày đầu mỗi ngày tưới 5 lít nước/m2. Sau 10 ngày cứ 4-5 ngày tưới 1 lần với 10 lít nước/m2.
- Che bóng với độ tàn che 0,7-0,8 ở độ cao cách ngọn cành giâm từ 20-25cm cho cành giâm bằng vật liệu địa phương, từ khi giâm đến 20 ngày sau đó bỏ giàn che.
- Làm cỏ, phá váng: cứ 20-30 ngày 1 lần, nếu có nhiều mưa thì sau mỗi đợt mưa làm cỏ phá váng 1 lần bằng nhổ cỏ kết hợp xới nhẹ đất trên mặt luống giâm.
- Bón thúc 3 lần phân chuồng hoai cho cành giâm, lượng bón 1 kg/m2 bằng cách tạo rạch nhỏ giữa 2 hàng cành giâm sâu 10-15cm, dải phân xuống rạch rồi lấp đất kín hoặc dùng phân đạm (N) lượng bón 1 kg/m2 bằng cách hoà tan phân đạm vào 400 lít nước rồi tưới đều trên luống giâm. Cách 2 tháng bón thúc 1 lần kết hợp xới cỏ cho cành giâm.
- Phòng trừ sâu bệnh cho cành giâm: Dùng Monito hoặc Bi58 nồng độ 0,05-0,1% để phòng trừu sâu ăn và cuốn lá. Với lượng phun 0,5 lít/m2 theo định kỳ 30 ngày 1 lần.
Điều 9:Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn:
- Cành giâm từ 6-8 tháng tuổi.
- Có ít nhất 1 thế hệ mới đã toả lá (mọc từ mắt ngủ của mấu cành)
- Bộ rễ nhiều, phát triển mạnh.
- Nhiều lá mới màu xanh.
Chương IV
Trồng rừng
Điều 10:Chuẩn bị đất trồng
- Xử lý tực bì: tuỳ theo phương thức trồng rừng đã xác định mà quyết định phương thức xử lý thực bì toàn diện hay cục bộ
- Nơi có độ dốc thấp <200 có thể phát đốt toàn diện, nơi có độ dốc cao hơn 200 phát dọn băng theo đường đồng mức.
- Trồng theo băng rạch: băng rạch phát dọn thực bì rộng 4m. Băng chừa rộng 6m.
- Làm đất: làm đất cục bộ theo hố có kích thước 60x60x50cm trước khi trồng 1 tháng. Lấp hố trước khi trồng 15-20 ngày bằng lớp đất mặt. Tuỳ điều kiện có thể bón lót phân chuồng hoai, phân vi sinh 1-2kg/hố trồng hoặc NPK từ 100-300g/hố trồng.
Điều 11:Phương thức trồng
Tuỳ theo điều kiện cụ thể mà áp dụng 1 trong các phương thức trồng rừng sau đây:
- Trồng Luồng hỗn giao với cây gỗ lá rộng bản địa theo hàng, có trồng xen cây nông nghiệp trong 1-2 năm đầu. Các loài cây gỗ lá rộng bản địa có thể trồng hỗn giao với Luồng như: Chò nâu, Lát hoa, Sấu, Lim xẹt, Lim xanh, Ràng ràng mít, Giẻ cau, Sồi phảng,…. thời điểm trồng cùng nhau ngay từ đầu.
- Trồng theo băng rạch để hỗn giao với các loài cây gỗ dưới rừng thứ sinh nghèo kiệt.
Điều 12:Thời vụ trồng
- Vụ xuân từ tháng 1-3.
- Vự hè thu từ tháng 7-9.
- Bắc Trung Bộ: 11-12.
Chọn những cành dâm mát, có mưa nhỏ, đất đủ ẩm để trồng. Không trồng vào những lúc trời mưa to vì lấp đất vào gốc trồng không chặt và dễ bị nước đọng vào hố làm mắt giống bị thối.
Điều 13:Mật độ trồng
- Trồng hỗn giao với cây gỗ lá rộng bản địa theo hàng: Cây Luồng từ 200-250 cây/ha (cây cách cây 4-5m, hàng cách hàng 10m). Cây gỗ lá rộng từ 200-250 cây/ha (cây cách cây 4-5m, hàng cách hàng 10m).
- Trồng theo băng rạch dưới rừng thứ sinh nghèo kiệt: Mật độ lưồng từ 200 – 250 cây/ha. Rạch mở 4m, trông một hàng luống ở giữa (cây cách cây 4;5cm)băng chừa rộng 6m.
Điều 14:Kỹ thuật trồng
- Cành giâm đạt tiêu chuẩn xuất vườn, bứng cây bằng bằng bầu đất đem trồng đường kính bầu đất từ 15–18cm nặng khoảng từ 1,8– 2,0kg, cắt bớt thân lá của thế hệ mới, chứa lại 50–60cm kể từ mặt đất.
- Cành giống bứng đến đâu phải trồng ngay đến đó, vếu vì lý do nào đó chưa trồng được thì phải bảo quản giống ở nơi dâm mát, tưới nước giữ ẩm cho cây giống. Nhưng không để quá 7 ngày sau khi đã bứng cây giống khỏi vườn ươm.
- Dùng cuốc moi lỗ nhỏ sâu 20cm giữa hố, đặt cành giống thẳng đứng rồi lấp đất. Thực hiện hai lấp một lèn.
* Lấp lần 1: Lấp đất kín bầu đất cành giống, lèn chặt đất xung quanh bầu bằng chân.
* Lấp lần 2: Lấp tiếp 1 lớp đất dày 10–15cm để xốp không lèn, trên cùng phủ 1 lớp rác, cỏ khô hoặc lá cây. Khi trồng xong miệng hố hơi lõm lòng chảo.
Chương V
Chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ rừng trồng
Điều15:Chăm sóc rừng trồng
Rừng Luồng sau khi trồng phải được chăm sóc 3 năm liền.
Năm thứ 1: Chăm sóc 3 lần nếu trồng vào vụ xuân, chăm sóc 2 lần nếu trồng vào vụ thu
- Thời gian chăm sóc vào các tháng 5,9,11 cho rừng trồng vụ xuân và tháng 9,11 cho rừng trồng vụ thu.
- Nội dung chăm sóc gồm: phát sạch dây leo cây bụi, thảm tươi, cỏ dại, cuốc xới xung quanh gốc đường kính 1m, phủ rác vào gốc.
Năm thứ hai: chăm sóc 2 lần
- Thời gian chăm sóc vào tháng 3,9.
- Nội dung chăm sóc gồm: phát sạch dây leo cây bụi, thảm tươi, cỏ dại, cuốc xới xung quanh gốc theo hình vành khuyên cách gốc Luồng 30cm bề rộng 1m sâu 20-25cm.
Năm thứ 3: chăm sóc 1-2 lần
- Thời gian và nội dung chăm sóc như năm thứ 2.
– Rừng trống theo băng rạch dưới rừng thứ sinh, trong quá trình trăm sóc cần điều chỉnh mức độ che bóng, sự ảnh hưởng của băng chừa đối với Luồng, điều chỉnh tổ thành, mật độ cây gỗ tái sinh để giữ lại từ 100-120 cây/ha hỗn giao với Luồng.
– Rừng Luồng hỗn giao với cây gỗ lá rộng bản địa cần chặt điều chỉnh mật độ cây gỗ trên hàng để chừa lại mật độ cuối cùng từ 100-120 cây/ha vào năm thứ năm.
– Trong các lần chăm sóc nếu có điều kiện có thể kết hợp bón thúc phân chuồng hoại 10kg/búi trồng hoặc phân NPK lượng bón 1kg/búi bằng cách tạo rạch sâu 20-25cm xung quanh cách gốc 50cm, dải phân vào rạch rồi lấp đất kín.
– Không được vun gốc cho Luồng trồng để tránh bị búi nâng gốc, gió bão để làm đổ búi Luồng.
Điều 16:Chặt vệ sinh rừng Luồng
+ Tuổi rừng chặt vệ sinh từ 4-5 năm sau khi trồng
+ Đối tượng chặt: những cây nhỏ, già 4-5 tuổi, cây sâu bệnh, cụt ngọn.
+ Kỹ thuật chặt: chặt thấp sát mặt đất, sau chặt vệ sinh phải dọn sạch cành nhánh thành từng đống giữa 2 hàng Luồng. Cuốc lật đất xung quanh búi theo hình vành khuyên có bề rộng 1m, sâu 20-25cm, phủ rác vào gốc.
Điều 17:Bảo vệ rừng
- Phòng trừ sâu bệnh:
+ Nếu Luồng bị bệnh chôi xể phải chặt bỏ cả búi đem xa và đốt sạch. Phun thuốc Boocđô 1% vào gốc 2-3 lít/búi.
+ Phòng và trừ sâu vòi voi hại măng:
+ Cuốc sới xung quanh búi Luồng hình vành khuyên rộng 1m sâu 20-25cm để diệt nhộng trong đất.
+ Bơm thuốc Bi58 nồng độ 1/120 liều lượng 10ml/măng đã bị sâu đục lỗ. Vị trí bơm thuốc cách đỉnh sinh trưởng của ngọn măng 40cm. Ngoài ra còn dùng tay để bắt giết sâu trưởng thành.
- Phòng chống lửa rừng
+ Dọn sạch cành nhánh sau khi chặt vệ sinh hoặc khai thác rừng Luồng.
+ Tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, ngăn chặn mọi hành động do người hoặc trâu bò phá hoại rừng, lấy măng.
CHương VI
Khai thác rừng Luồng
Điều 18:Rừng Luồng phải áp dụng phương thức khai thác chọn từng cây. Chỉ được phép khai thác trắng khi rừng Luồng cần sử dụng vào mục đích khác đã được qui định trong phương án điều chế rừng hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 19:Luân kỳ khai thác 1 năm đối với cường độ chặt nhẹ (30-35%), 2 năm đối với cường độ chặt vừa (35-40%) trữ lượng rừng tính theo số cây trên 1 ha.
Điều 20:Đối tượng khai thác: những cây Luồng có ít nhất từ 3 năm tuổi trở lên, luôn phải chừa lại những cây 1-2 tuổi.
Điều 21:Tuổi rừng khai thác từ năm thứ 5 trở đi, mùa khai thác vào mùa khô, bắt đầu sau khi số măng đã định hình và kết thúc trước vụ sinh măng từ 1-2 tháng năm sau.
Điều 22:Kỹ thuật khai thác: chiều cao gốc chặt không cao quá 20cm. Phải dọn vệ sinh sau khai thác, thu gom cành nhánh xếp thành đống kết hợp cuốc lật đất theo hình vành khuyên có bề rộng 1m, sâu 20-25cm quanh búi Luồng.
Chương VII
Điều khoản thi hành.
Điều 23:Các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh gồm các doanh nghiệp, các chủ rừng có hoạt động liên quan đến rừng Luồng đều phải tuân thủ quy trình này.
Điều 24:Các quy phạm, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đã ban hành trước đây, trái với các điều khoản quy định trong quy trình này, nay không còn giá trị.
Điều 25:Những đơn vị cá nhân vi phạm những điều khoản quy định trong quy trình này, tuỳ theo mức độ thiệt hại mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm và xử lý theo Pháp luật hiện hành.
Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam
Tin mới nhất
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam
- Hội đồng nghiệm thu Dự án Sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: “Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ nhân giống và trồng cây Tam thất hoang (Panax stipuleanatus) theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở vùng Tây Bắc“