KHÁO VÀNG
Tên khoa học: Machilus bonii Lecomte.
Họ thực vât: Long não (Lauraceae)
(Nguồn chính: Nguyễn Thị Nhung, 2009)
1. Đặc điểm hình thái
Cây cao 25-30cm, thân thẳng, thuôn đều, đường kính ngang ngực đạt 60-70cm, phân cành cao trên 5m. Vỏ mỏng có mùi thơm, khi già vỏ bong vảy từng mảng.
Lá đơn, mọc cách, hình trứng ngược, đuôi hình nêm, lá có chiều rộng 4- 6cm, dài 14-15cm, mặt trên lá nhẵn màu xanh lục, mặt dưới lá phớt trắng, lá cũng có mùi thơm.
Hoa tự viên chuỳ ở nách lá. Hoa lưỡng tính, bao hoa có 6 thuỳ bằng nhau hình thuôn, ngoài có phủ lông ngắn. Nhị 9, xếp thành 3 vòng, 6 nhị ngoài không tuyến, bao phấn 4 ô, ba nhị ở trong có hai tuyến ở gốc. Quả hình cầu, đường kính 1-1,5cm, cánh đài tồn tại và xoè ra ở gốc quả. Quả chín có mầu tím đen, ngoài phủ một lớp phấn trắng, cuống quả có mầu nhạt. Bao hoa tồn tại khi quả rụng.
2. Đặc tính sinh thái
Phân bố tự nhiên ở Lào, Campuchia, Việt Nam. Là loài cây có biên độ sinh thái rộng. Ở Việt Nam phân bố rải rác trong rừng nguyên sinh và thứ sinh thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Gia Lai. Kháo vàng thường sống trong các quần xã thực vật gồm Dẻ, Trám, Re gừng, Lim xanh, Ràng ràng.
Thích hợp ở nơi có khí hậu ẩm nhiệt đới mưa mùa, lượng mưa bình quân 800-2500mm/ năm, nhiệt độ bình quân 20-270C. Trong vùng phân bố, cây Kháo vàng sinh trưởng tốt trên đất Feralit đỏ vàng hoặc vàng đỏ phát triển trên đá mácma axit hoặc sa thạch, phiến thạch.
Cây ưa sáng, thường mọc ở nơi đất có tầng dầy, nhiều mùn, thoát nước. Cây chịu bóng nhẹ khi còn nhỏ, lớn lên ưa sáng, tốc độ sinh trưởng khá nhanh, mỗi năm tăng trưởng khoảng 1m về chiều cao và 1cm về đường kính. Tái sinh hạt và chồi tốt. Thích hợp trồng hỗn giao với một số loài cây lá rộng khác nên phương thức làm giầu rừng bằng Kháo vàng triển vọng tốt.
3. Giống và tạo cây con
Cây lấy giống phải là cây đạt 15 tuổi trở lên, sinh trưởng tốt, thân thẳng, tán rộng và đều, không bị sâu bệnh và đã có từ hai vụ quả trở lên. Phải lấy hạt từ cây giống, từ vườn giống hoặc rừng giống. Hạt làm giống phải có đường kính 1,2-1,4 cm, 1 kg hạt có 500-600 hạt, tỷ lệ nảy mầm trên 65%.
Kháo vàng ra hoa tháng 3-4, quả chín vào tháng 10-11, lúc chín vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng nâu, hạt có màu nâu vàng. Thời vụ thu hái tốt nhất vào cuối tháng 10 đầu tháng 11. Dùng sào có buộc ngoắc ở đầu để ngoắc từng chùm khi quả chuyển màu hoặc nhặt hạt khi quả chín rụng xuống. Nghiêm cấm chặt cành ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.
Khi thu hái về cần loại bỏ tạp chất và quả nhỏ rồi ủ vào cát ẩm 3-4 ngày, sau đó đãi sạch vỏ, đem gieo ươm ngay hoặc bảo quản. Do hạt Kháo vàng nhanh mất sức nảy mầm nên khi thu hái và chế biến xong nên gieo ươm ngay, nếu chưa gieo ngay thì bảo quản trong cát vừa đủ ẩm hoặc bảo quản lạnh ở nhiệt độ dưới 50C nhưng thời gian bảo quản không quá 1 tháng vì hạt Kháo vàng nhanh mất sức nảy mầm.
Cách bảo quản trong cát ẩm: Trộn đều hạt trong cát ẩm 5-6% với tỷ lệ 1 hạt với 2 cát sau đó vun thành luống cao 15-20cm, trên mặt cần rải thêm 1 lớp cát mỏng khoảng 1-2cm để phủ kín hạt. Khoảng 5-7 ngày đảo một lượt và phun thêm nước cho đủ ẩm (đánh giá độ ẩm của cát bằng cách nắm chặt cát trong tay nếu có cảm giác mát và khi buông tay cát tơi ra từ từ là độ ẩm đạt khoảng 8-10%).
Bảo quản lạnh: hạt sau khi thu hái chế biến sạch đem bảo quản trong tủ lạnh với nhiệt độ 5-7oC, có thể bảo quản được 30 ngày.
Dùng bầu Polyetylen để ươm cây, nếu nuôi cây khoảng 6 tháng chọn cỡ bầu 9 x13cm, nếu nuôi cây trên 9 tháng trở lên thì cỡ bầu 12 x15cm.
Thành phần ruột bầu gồm đất thịt nhẹ tầng mặt + 10% phân chuồng hoai và 1% phân NPK(5:10:3). Bầu đóng xong được xếp thành luống rộng 0,8 đến 1m, mặt bầu phẳng, lấp đất xung quanh 2/3 bầu và các kẽ hở của bầu để cho chặt luống bầu. Các luống bầu cách nhau 50-60 cm để chăm sóc cây con được thuận tiện.
Nếu hạt được bảo quản lạnh phải thay đổi nhiệt độ từ từ cho thích hợp nhiệt độ ngoài trời khoảng 4-6 ngày mới đem hạt để gieo. Gieo hạt trên luống cát ẩm hoặc luống đất đến khi hạt nảy mầm được 2 lá thì nhổ cấy vào bầu, hoặc ủ hạt trong cát ẩm đến khi hạt nứt nanh thì mang gieo trực tiếp vào bầu. Lưu ý khi cấy hạt để hạt nằm ngang hoặc phần mầm rễ nhú ra xuống dưới và lấp đất dày 1-2 cm. Cần tưới ẩm bầu trước khi cấy hạt.
Trong thời gian gieo hạt hoặc cấy cây mầm cần làm dàn che bằng phên nứa đan hay cắm ràng ràng che bóng 100% trong khoảng 15-20 ngày, sau đó giảm dần dàn che xuống 75%, khi cây ra được 2-3 lá thật cần giảm độ che nắng xuống 50%, bỏ che hoàn toàn khi cây chuẩn bị xuất vườn trước 1 tháng nhưng phải chọn ngày râm mát và phải bỏ từ từ tránh cây bị nắng đột ngột.
Trong thời gian đầu cần tưới nước thường xuyên, đủ ẩm. Sau khi cây được 2 tháng tuổi lượng nước tưới giảm dần tuỳ theo thời tiết và độ ẩm của bầu.
Sau 1 tháng tiến hành nhổ cỏ phá váng mặt bầu lần 1, thời gian nhổ cỏ phá váng lần 2 tuỳ theo lượng cỏ và độ cứng của mặt bầu.
Khi cây cao được 10 cm có thể bón thêm phân NPK(5:10:3) bằng cách pha 0,2 kg vào 10 lít nước, tưới đều trên mặt luống khoảng 4m2; cứ 10-15 ngày tước 1 lần tuỳ theo mức độ sinh trưởng tốt, xấu của cây để quyết định số lần tưới phân. Dừng tưới phân trước khi cây xuất vườn 1-2 tháng.
Khi phát hiện thấy có kiến, sâu quấn lá thì dùng thuốc sâu Pastac hoặc Baxa phun trên mặt luống. Nếu bị nấm thì dùng Benlát nồng độ 1% để phun đều trên mặt luống, cách 7-10 ngày phun 1lần đến khi hết thì ngừng phun.
Sau khoảng 1 tháng, cây mầm mọc được 2-3 lá thì cần dồn lại bầu, loại bỏ bầu không có cây để dặm và tập trung chăm sóc cây con. Trước khi trồng từ 1- 1,5 tháng cần tiến hành đảo bầu, cắt lá, hãm cây để khi trồng không bị chột cây. Nếu thời gian nuôi cây trong vườn ươm lâu thì khoảng 4 tháng phải đảo 1 lần. Khi đảo bầu phải chọn thời tiết râm mát và tưới nhiều nước cho ẩm bầu tránh làm vỡ bầu.
Cây con đủ tiêu chuẩn xuất vườn là cây 4 tháng tuổi trở lên, cao trên 30cm, đường kính cổ rễ trên 0,3cm, sinh trưởng tốt, phát triển cân đối, không sâu bệnh hoặc cụt ngọn.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Kháo vàng có biên độ sinh thái rộng nên có thể gây trồng ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, có thể trồng ở miền Nam nơi có lượng mưa bình quân 1500-2500mm/ năm, nhiệt độ bình quân 20-27oC.
Kháo vàng ít kén đất, có thể trồng ở các loại đất còn tính chất đất rừng, thích hợp với các loại đất Feralit đỏ vàng hoặc vàng đỏ phát triển trên đá mác ma axit hoặc sa thạch, phiến thạch,… đất có hàm lượng chất dinh dưỡng nghèo đến trung bình.
Trồng thuần loài:
Thực bì được phát dọn sạch trước thời vụ trồng 2 tháng, thực bì có thể đốt hoặc băm nhỏ.
Cuốc hố với kích thước 40x40x40cm, sau 15-20 ngày lấp hố kết hợp bón lót phân chuồng hoai 3-5 kg/hố hoặc phân NPK(5:10:3) với lượng 0,1-0,15kg/hố, đảo đều phân và đất.
Khi thời tiết thuận lợi thì trồng cây, chú ý khi lấp đất vào hố phải lấy lớp đất mặt đập nhỏ, lượng đất lấp phải đầy hố, giữa tâm hố cao hơn miệng hố từ 3- 4cm.
Mật độ thích hợp là 1100cây/ha, cự ly 3m x3m, có thể trồng mật độ 1330 cây/ha, cự ly 3mx2,5m hoặc 1660 cây/ha, cự ly 3mx2m.
Trồng thuần loài có thể tận dụng trồng xen cây nông nghiệp 2 năm đầu bằng các biện pháp nông lâm kết hợp hoặc trồng cây cốt khí phù trợ nhằm cải tạo đất. Trồng bằng cây con có bầu, khi trồng cần rạch bỏ vỏ bầu, lấp đất đến cổ rễ và lèn chặt đất, chú ý cây phải đặt thẳng đứng ở giữa hố.
Trồng vụ Xuân tháng 2-4, vụ Thu tháng 8-9 vào những ngày có thời tiết râm mát.
Rừng trồng cần chăm sóc trong 3-4 năm đầu.
+ Năm thứ nhất: Nếu trồng vụ Xuân thì chăm sóc 2 lần, lần 1 vào tháng 5-6, gồm luỗng phát cỏ dại, cây bụi, dây leo; lần 2 vào tháng 9-10, gồm luỗng phát cỏ dại dây leo, xới đất quanh gốc cây rộng 1m. Nếu trồng vụ Thu thì chăm sóc 1 lần vào tháng 10-11, gồm luỗng phát cỏ dại, không xới gốc.
+ Năm thứ hai mỗi năm chăm sóc 3 lần, gồm 2 lần phát luỗng và xới xung quanh gốc vào tháng 2-3 và 7-8 và 1 lần phát luỗng vào tháng 11. Kỹ thuật chăm sóc như năm thứ nhất.
+ Năm thứ ba, thứ tư, chăm sóc mỗi năm 2 lần, gồm 1 lần phát luỗng và xới xung quanh gốc vào tháng 2-4 và 1 lần phát luỗng vào tháng 8-9. Kỹ thuật chăm sóc áp dụng như năm thứ nhất.
Trồng rừng hỗn giao:
Cây Kháo vàng có thể trồng hỗn giao với nhiều loài cây bản địa như Re gừng, Dẻ đỏ, Giẻ cau, Lim xanh, Xoan đào, Sồi phảng và có thể trồng hỗn giao theo hàng, dải với keo.
Mật độ trồng thích hợp là 1100cây/ha, cự ly 3mx3m hoặc có thể trồng 1660cây/ha, cự ly 3mx2m tuỳ phương thức hỗn giao theo mật độ trồng.
Trồng Kháo vàng hỗn giao với 1 hoặc nhiều loài cây bản địa khác theo 3 phương thức: Hỗn giao theo cây (cây nọ cây kia hoặc 3 cây nọ 3 cây kia), hỗn giao theo hàng (hàng nọ hàng kia), hỗn giao theo dải (trồng mỗi loài từ 3-5 hàng).
Kỹ thuật trồng chăm sóc rừng thực hiện như trồng thuần loài.
Trồng theo rạch:
Thường dùng cho biện pháp kỹ thuật làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt hoặc cải tạo rừng phòng hộ kém hiệu quả.
Phát băng rạch 6-8 m, băng chừa 4m, trong băng phát dọn sạch hết thực bì thiết kế hố giữa rạch đã xử lý thực bì rộng 2,5-3m, cuốc hố 40×40 x40cm (có thể trồng theo đám tuỳ theo khoảng trống lớn nhỏ để thiết kế trồng).
Kỹ thuật cuốc hố, trồng chăm sóc áp dụng như trồng thuần loài nhưng khi chăm sóc cần phát luỗng cả băng chừa những cành nhánh của cây rừng cũ, mở độ chiếu sáng cho cây trồng và luỗng phát băng chừa tạo điều kiện xúc tiến tái sinh tự nhiên.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ Kháo vàng giác lõi phân biệt, giác trắng, lõi có mầu vàng nhạt, mịn thớ, khá cứng và nặng, tỷ trọng 0,7, xếp nhóm IV. Gỗ có mùi thơm và khá bền với mối mọt nên thường dùng để đóng đồ gia dụng như bàn, ghế, giường, tủ, dùng trong xây dựng, gaio thông vận tải, nguyên liệu gỗ bóc dán lạng. Vỏ cây Kháo vàng dùng để làm thuốc chữa bỏng và chữa đau răng rất tốt.
Khi rừng đạt tuổi 5, bắt đầu khép tán thì tiến hành tỉa thưa lần đầu giữ lại 900-1000 cây/ha để nuôi dưỡng. Lần tỉa thưa thứ hai vào năm thứ 10, 11, tỉa cây xấu, giữ lại cây tốt với mật độ để lại 650-750 cây/ha, đến năm thứ 15-16, tỉa thưa lần 3 giữ lại mật độ cuối cùng là 400-500 cây/ha.
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Các tin khác
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu cơ sở khoa học phân loại gỗ Việt Nam
- Thông báo Bán đấu giá tài sản là rừng trồng thuộc trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Tân Phú – Bình Phước (lần 2)
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu công nghệ bảo quản gỗ đóng tàu thuyền đi biển
- Đề cử ứng viên tham gia Giải thưởng Khoa học ASEAN-US dành cho phụ nữ
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viền thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc đánh giá và quản lý hiện trạng tài nguyên rừng thuộc vùng phòng hộ sông Đà