Tên khác: Keo lá to, Keo mỡ
Tên khoa học: Acacia mangium Wild
Họ thực vật: Trinh nữ (Mimosaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ trung bình, chiều cao biến động từ 7 đến 30 m, đường kính từ 25-35cm, đôi khi trên 50 cm. Thân thẳng, vỏ có màu nâu xám đến nâu, xù xì, có vết nứt dọc. Tán lá xanh quanh năm, hình trứng hoặc hình tháp, thường phân cành cao. Cây mầm giai đoạn vài tháng tuổi có lá kép lông chim 2 lần, cuống lá thường dẹt gọi là lá thật, các lá ra sau là lá đơn, mọc cách, gọi là lá giả, phiến lá hình trứng hoặc trái xoan dài, đầu có mũi lồi tù. Lá giả có 4 gân dọc song song nổi rõ và cũng là loại lá trưởng thành tồn tại đến hết đời của cây.
Hoa tự hình bông dài gần bằng lá, mọc lẻ hoặc tập trung 2-4 hoa tự ở nách lá. Hoa đều lưỡng tính có màu trắng nhạt hoặc màu kem, cây 18-24 tháng tuổi đã có thể ra hoa nhưng ra hoa nhiều nhất vào tuổi 4-5, mùa hoa chính thường vào tháng 6-7.
Quả đậu, dẹt, mỏng, khi già khô vỏ quả cong xoắn lại. Hạt hình trái xoan hơi dẹt, màu đen và bóng, vỏ dày, cứng, có dính giải màu đỏ vàng, khi chín và khô vỏ nứt hạt rơi ra mang theo giải đó hấp dẫn kiến và chim giúp phát tán hạt đi xa hơn. Một kg hạt có từ 52000-95000 hạt.
Rễ phát triển mạnh cả rễ cọc và rễ bàng, đầu rễ cám có nhiều nốt sần chứa vi khuẩn cộng sinh có khả năng cố định đạm.
3. Đặc tính sinh thái
Keo tai tượng mọc tự nhiên ở Đông Bắc Ôxtrâylia tại các vùng Queensland, Jarđin – Claudie River, Ayton – Nam Ingham. Ngoài ra còn thấy xuất hiện ở phía Đông của Inđônêxia và phía Tây Papua Niu Ghinê. Toạ độ địa lý từ 1 đến 19o vĩ Nam và 125o22′-146o17‘ kinh Đông, ở độ cao dưới 800m so với mực nước biển.
Keo tai tượng thường mọc thành các quần thụ lớn không liên tục dọc theo bờ biển, gần những khu rừng ngập mặn, cũng gặp mọc xen lẫn đồng cỏ ở ven sông thuộc vùng nhiệt đới ẩm có 4 đén 6 tháng mùa khô. Lượng mưa trung bình 1446-2970 mm, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 13-21oC, tháng cao nhất từ 25-32oC. Là loài cây ưa sáng mạnh và cũng đã được nhập trồng thành công ở nhiều nước như Trung Quốc, Malaixia, Philippin, Thái Lan, Lào,…, sinh trưởng mạnh nhất ở nơi có độ cao dưới 300m so với mực nước biển.
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trứơc được sự tài trợ của một số tổ chức quốc tế, cùng với một số loài keo vùng thấp khác, keo tai tượng đã được đưa vào gây trồng khảo nghiệm ở một số vùng sinh thái chính của nước ta. Ngày nay, bên cạnh việc nguồn giống ngày càng được cải thiện về chất lượng một phần thì diện tích trồng keo tai tượng cũng được mở rộng ở hầu hết các tỉnh trong cả nước với khoảng 200000 ha tính đến năm 2006.
Đây là loài có biên độ sinh thái rộng, thích nghi được với nhiều vùng lập địa khác nhau, có thể trồng trên đất bị xói mòn, nghèo dinh dưỡng, đất chua, bồi tụ, đất phù sa, với độ pH từ 4-4,5. Cũng có thể sống được ở những vùng ngập úng, thoát nước kém. Tuy nhiên ở những nơi này chúng sinh trưởng kém và thường phân cành sớm, chiều cao không quá 10m. Sinh trưởng tốt nhất là trên đất sâu, ẩm và giầu dinh dưỡng, thoáng khí và thoát nước tốt, cùng với độ pH trung tính hoặc hơi chua.
4. Giống và tạo cây con
Hạt giống Keo tai tượng phải được thu hái từ các cây mẹ trong các rừng giống hoặc rừng giống chuyển hoá đã được công nhận. Ưu tiên lấy giống của các xuất xứ Pongaki, Cardwell, Iron range và một số xuất xứ tốt có nguồn gốc Papua Niu Ghinê đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật để trồng rừng.
Là nhóm loài cây có hệ số nhân giống cao, có thể tạo giống bằng gieo hạt nhưng dùng phương pháp nhân giống sinh dưỡng cho kết quả còn hạn chế.
Cây 2 tuổi có thể ra hoa kết quả, tuy nhiên để đảm bảo có được nguồn giống tốt cho trồng rừng chỉ thu hạt của những cây mẹ từ 6 tuổi trở lên ở rừng giống hoặc rừng giống chuyển hoá đã được công nhận. Chọn cây mẹ có hình dáng thân đẹp, sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh. Khi quả chuyển từ màu xanh sang màu nâu thì thu hái rồi phơi trên nền gạch cho vỏ quả khô đều. Sau đó cho vào bao tải và đập để tách hạt ra. Làm sạch hạt và phơi trong nắng nhẹ cho đến khi độ ẩm của hạt còn khoảng 6-8%. Trong điều kiện cất trữ thông thường sau 2 năm vẫn đảm bảo sức nảy mầm của hạt khoảng 60%. Nếu được xử lý tốt, tỷ lệ nảy mầm ban đầu của hạt có thể đạt trên 80% và 1kg hạt cho 30000-35000 cây con tiêu chuẩn.
Xử lý hạt trước khi gieo bằng cách cho hạt vào chậu rồi đổ nước sôi vào với tỷ lệ 1/10 và ngâm trong khoảng 30 phút, sau đó vớt ra đem ngâm vào nước lã khoảng 1 giờ và rửa sạch. Có thể đem gieo ngay hoặc ủ trong túi vải 2-3 ngày thì hạt nứt nanh và đem cấy vào bầu hoặc gieo trên luống. Cần lưu ý trong quá trình ủ hạt phải rửa chua và thay túi hàng ngày.
Kỹ thuật tạo bầu, gieo cây, chăm sóc cây con tương tự như đối với Keo lá tràm.
Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh, chiều cao tối thiểu 50cm, đường kính gốc tối thiểu 0,5cm.
5. Trồng và chăm sóc rừng
Ở nước ta Keo tai tượng thường được trồng thuần loài hoặc cũng có một số nơi được trồng hỗn giao với bạch đàn, phi lao, trám,… nhưng chưa mấy thành công.
Để tận dụng khả năng cải tạo đất của những loài cây có nốt sần cố định đạm tự nhiên, qua đó cung cấp dinh dưỡng cho cây, góp phần cải tạo đất, nên keo tai tượng thường được trồng ở những nơi đất trống đồi núi trọc.
Thích hợp gây trồng ở những nơi có lượng mưa bình quân năm 1500-2200mm, nhiệt độ bình quân năm 22-27oC, nhiệt độ bình quân tháng nóng nhất <30oC, nhiệt độ bình quân tháng lạnh nhất >22oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối <32oC, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối >15oC, có 0-3 tháng mưa ít hơn 50mm, độ cao 1-500m so với mực nước biển, địa hình dốc <15o; loại đất đỏ trên mắc ma bazơ và trung tính, đất đỏ vàng trên đá khác, đất phù sa, đất xám, độ dày tầng đất trên 100cm.
Có thể mở rộng gây trồng ở những nơi có lượng mưa bình quân năm 1300-1500mm, 2200-2400mm, nhiệt độ bình quân năm 19-22 hoặc 27-30oC, nhiệt độ bình quân tháng nóng nhất 30-32oC, nhiệt độ bình quân tháng lạnh nhất 15-22oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối 32-34oC, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối 10-15oC, có 3-5 tháng mưa ít hơn 50mm, độ cao trên 500-700m so với mực nước biển, địa hình dốc 15-25o; loại đất thung lũng dốc tụ, đất đỏ vàng và đất mùn trên núi, độ dày tầng đất trên 50-100cm.
Hạn chế gây trồng ở những nơi có lượng mưa bình quân năm <1300 hoặc >2400mm, nhiệt độ bình quân năm <19oC hoặc >30oC, nhiệt độ bình quân tháng nóng nhất >32oC, nhiệt độ bình quân tháng lạnh nhất <15oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối >34oC, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối 10<oC, có 5 tháng mưa <50mm, độ cao trên >750m so với mực nước biển, địa hình dốc >25o; loại đất xói mòn trơ sỏi đá; đất đen và đất than bùn; đất mặn mùa khô, đất mặn thường xuyên; đất phèn nặng, đất phèn trung bình và nhẹ; đất cát, đất có độ dày <50cm.
Diện tích đất tự nhiên toàn quốc thích hợp để trồng Keo tai tượng chiếm 23,3%, có thể mở rộng 27,2%, ít thích hợp 49,6%.
Xử lý thực bì toàn diện ở nơi có thực bì mọc tốt. Trồng với mật độ 2500-3300 cây/ha với mục tiêu phòng hộ, 1600-2000 cây/ha với mục tiêu sản suất.
Các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hoá trồng vụ Xuân Hè (tháng 3-5), có thể trồng vụ Thu (tháng 7-8). Các tỉnh ven biển miền Trung trồng vụ Thu Đông (tháng 9-11). Các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ trồng đầu mùa mưa (tháng 4-6).
Nếu trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho ngành giấy, chỉ cần tỉa thưa 1 lần vào tuổi 6-7 và có thể khai thác ở tuổi 9-10. Khi mục đích trồng rừng là để lấy gỗ xẻ phải tiến hành tỉa thưa lần 2 vào tuổi 9-10, cường độ tỉa thưa là 30% số cây hiện có trong lâm phần. Khi rừng đến tuổi 15-18 tiến hành khai thác chính theo phương thức chặt trắng. Keo tai tượng có khả năng tái sinh hạt rất tốt, có thể tận dụng khả năng đó sau khai thác luân kỳ 1 để phục hồi rừng mà không cần phải trồng lại.
6. Khai thác, sử dụng
Cũng giống như Keo lá tràm, Keo tai tượng là cây đa tác dụng, gỗ có giác lõi phân biệt, với tỷ trọng từ 0,5-0,6, sợi dài 1-1,2 mm; dùng làm gỗ giấy, gỗ dăm, gỗ xẻ, đóng đồ mộc cao cấp, làm ván ghép thanh, bao bì,…. Gỗ có nhiệt lượng khá cao 4800 kcal/kg do đó cũng có thể dùng để đốt than, làm củi đun rất tốt.
Là loài cây mọc nhanh, tán lá dày, thường xanh nên còn được trồng làm cây bóng mát ở công viên, đường phố. Hoa có thể dùng để nuôi ong, vỏ chứa ta nin dùng cho công nghệ thuộc da, lá cây có thể làm thức ăn cho gia súc.
Rễ có nhiều nốt sần có khả năng cố định đạm rất tốt, nên Keo tai tượng nói riêng và các loài keo nói chung, ngoài việc sử dụng để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ, còn được trồng ở những nơi có đất khô cằn, bị thoái hoá để tận dụng khả năng cải tạo đất của chúng.
Rừng keo tai tượng trồng 10 tuổi ở nơi đất trung bình có thể cho 12 đến 15 m3/ha/năm, nơi đất tốt với xuất xứ phù hợp và trồng thâm canh có thể cho 18 đến 20, thậm chí đạt 25 m3/ha/năm. Tăng trưởng bình quân ở giai đoạn 10-13 tuổi đạt tới 24m3/ha/năm, ở Nam Phi rừng trồng bằng cây con từ hạt đạt 21,9 m3/ha/năm và từ các dòng vô tính đạt 30 m3/ha/năm.
Nếu kết hợp kinh doanh gỗ xẻ sau 15-18 năm khai thác gỗ dùng để đóng đồ mộc cao cấp nhất là cho xuất khẩu thì càng có giá trị cao, cũng vì vậy mà những năm gần đây nhiều nơi đã rất chú trọng trồng Keo tai tượng nhất là ở các tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh,….
Ở một số lập địa hoặc một số xuất xứ thường gặp có cây bị rỗng ruột làm giảm giá trị sử dụng của gỗ nhưng chưa xác định được nguyên nhân một cách chắc chắn và cũng chưa tìm được biện pháp khắc phục có hiệu quả.
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu lai tạo giống một số loài bạch đàn, tràm, thông và keo, giai đoạn 2 (2006-2010)
- Kỹ thuật trồng Keo lá tràm
- Thông báo Bán đấu giá tài sản là rừng trồng thuộc trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Tân Phú – Bình Phước (lần 3)
- Nghiên cứu đặc điểm lâm học một số hệ sinh thái rừng chủ yếu ở việt nam
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu sử dụng hiệu quả gỗ Đước để sản xuất đồ mộc, than hoạt tính và dịch gỗ