Tên khác: Tràm bông vàng
Tên khoa học: Acacia auriculiformis A. Cunn. ex Benth.
Họ thực vật: Trinh nữ (Mimosaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Là cây gỗ nhỡ, chiều cao có thể hơn 25m, đường kính có thể tới 60cm. Thân tròn thẳng, tán rộng và phân cành thấp, cành thường phân nhánh đôi, vỏ dầy màu nâu đen.
Cây con ở giai đoạn 2-3 tuần kể từ khi nẩy mầm có 1-2 lá kép lông chim 2 lần chẵn được gọi là lá thật. Tiếp theo sau đó xuất hiện lá biến dạng trung gian phần đầu vẫn là lá kép, phần cuống phình ra tạo thành hình mũi mác thẳng, dài và rộng bản. Sau đó, lá kép bị mất hoàn toàn được thay thế bằng lá đơn trưởng thành, mọc cách, mép lá không có răng cưa, phiến hơi cong như hình lưỡi liềm, gọi là lá giả. Loại lá này được tồn tại trong suốt thời gian sống của cây, lá dày, màu xanh thẫm, cuống ngắn có 3 gân gốc chạy song song dọc theo phiến lá.
Hoa tự hình bông dài 8-15cm, mọc ở nách lá gần đầu cành, tràng màu vàng nhiều nhị vươn dài ra ngoài hoa.
Quả đậu xoắn, hạt nằm ngang, tròn và dẹt khi khô màu nâu bóng, dây rốn dài, quấn quanh hạt. Khi còn non quả hình dẹt, mỏng, thẳng, màu vàng khi già chuyển sang mầu nâu nhạt, vỏ quả khô hình xoắn, mỗi quả có từ 5-7 hạt.
Khi chín vỏ quả khô và nứt ra, hạt vẫn được dính với vỏ bằng một sợi dây màu vàng ở rốn hạt. Hạt màu nâu đen và bóng, mỗi kg có 45.000-50.000 hạt.
2. Đặc tính sinh thái
Keo lá tràm phân bố tự nhiên chủ yếu ở phía Bắc bang Queensland và Northern Territory của Ôxtralia và nhiều vùng của Papua Niu Ghi Nê, kéo dài tới Irian Jaya và quần đảo Kai của Inđônêxia. Phạm vi phân bố nằm giữa vĩ độ 50 và 170 Nam, nhưng tập trung chủ yếu ở các vĩ độ từ 8-160Nam, độ cao tuyệt đối dưới 600m, phân bố nhiều nhất ở dưới 100m. Hiện nay Keo lá tràm đã được nhân rộng và gây trồng ở nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Malaixia, Philippin, Việt Nam, Ấn Độ,….
Ở nước ta Keo lá tràm được nhập nội và trồng thử nghiệm vào những năm 1960 tại miền Nam, đến đầu những năm 70 đã được mở rộng diện tích trồng ra một số tỉnh miền Trung, tại Huế Keo lá tràm được sử dụng làm cây xanh đô thị dọc hai bên bờ sông Hương. Cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX Keo lá tràm đã được gây trồng ở hầu hết các tỉnh miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra điển hình là tại Ba Vì – Hà Nội, Hữu Lũng – Lạng Sơn, Đại Lải – Vĩnh Phúc, Đồng Hỷ – Thái Nguyên. Được sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như SAREC, SIDA, FAO, PAM,… vào đầu những năm 80 nhiều nguồn giống có giá trị đã được đưa vào nước ta trồng sản xuất và phục vụ cho công tác nghiên cứu.
Keo lá tràm là loài cây ưa sáng mạnh, khả năng thích ứng rộng, chúng có thể sống được ở những vùng có mùa khô kéo dài từ 4-6 tháng, lượng mưa hàng năm chỉ khoảng 600-700mm, hoặc những vùng lạnh nhiệt độ xuống dưới 100C nhưng phát triển kém. Tuy nhiên, chúng sinh trưởng tốt ở những nơi có khí hậu nóng ẩm và cận ẩm, nhiệt độ trung bình năm trên 240C, nhiệt độ tháng nóng nhất từ 32-340C, tháng lạnh nhất từ 17-220C. Lượng mưa trung bình năm trong khoảng 2000-2500mm, và chỉ có từ 1-2 tháng mùa khô, độ cao từ 0-600m, tốt nhất ở độ cao dưới 100m so với mực nước biển.
Keo lá tràm là loài cây dễ gây trồng, thích nghi được với nhiều loại đất đai khác nhau như đất cát ven biển, đất đồi núi phát triển trên phiến thạch sét, phiến thạch mica, nai, granit, phù sa cổ…, với độ pH từ 3-9. Chúng thích nghi tốt với những nơi có tầng đất sâu ẩm, giàu dinh dưỡng và nơi có pH trung tính hoặc hơi chua. Tuy nhiên các cây họ Đậu nói chung và Keo lá tràm nói riêng nhờ có nốt sần có khả năng cố định đạm nên chúng không những có khả năng thích ứng tốt trên những loại đất xấu, thoái hoá, nghèo kiệt dinh dưỡng, nhất là nghèo đạm mà còn có tác dụng cải tạo đất rất tốt.
4. Giống và tạo cây con
Áp dụng tiêu chuẩn ngành QPN19-96 – quy phạm kỹ thuật tạm thời trồng rừng Keo lá tràm ban hành kèm theo quyết định số 1410 NN/QĐ ngày 20-8/1996 của Bộ NN& PTNT.
Cây 3-4 năm tuổi đã cho quả nhưng để đảm bảo thu được hạt có chất lượng tốt, chỉ thu quả ở những cây mẹ từ 5 tuổi trở đi trong các rừng giống, vườn giống đã được công nhận. Ưu tiên lấy giống của các xuất xứ Coen river, Mibini, Morehead river đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật để phục vụ trồng rừng.
Đặc biệt quan tâm sử dụng các giống mới được công nhận gồm các dòng AA1, AA5, AA9 cho các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và những nơi có điều kiện tương tự; các dòng BVlt25, Bvlt83, Bvlt84, Bvlt85 cho Đông Hà – Quảng Trị, Ba Vì – Hà Nội; dòng Clt7 cho vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ và những nơi có điều kiện tương tự; các dòng Clt19, Clt57, Clt64, Clt98, Clt133 cho Đồng Hới – Quảng Bình và những nơi có điều kiện tương tự; các Clt1F, Clt18, Clt26, Clt43, Clt171 cho Bầu Bàng – Bình Dương và những nơi tương tự.
Thời gian thu hái quả đối với các tỉnh miền Nam là tháng 2-3, còn với các tỉnh miền Bắc thu hái muộn hơn vào tháng 4-6. Quả thu về đem hong phơi khoảng 3 ngày cho vỏ quả khô đều, sau đó tách hạt bằng cách cho quả vào bao tải đập cho hạt tách ra, tiếp đến loại bỏ vỏ, tạp vật đem phơi hạt trong bóng râm 2-3 ngày, hạt khô (khi độ ẩm trong hạt còn khoảng 7-8%) được cất trữ trong túi ni lông, để nơi khô ráo thoáng mát, có thể giữ được sức nảy mầm 18 tháng.
Tỷ lệ chế biến khoảng 3-4kg quả cho 1kg hạt, tỷ lệ nảy mầm ban đầu có thể đạt 90%.
Hạt Keo lá tràm có lớp vỏ dày, cứng khó thấm nước và thấm khí do đó trước khi gieo phải được xử lý bằng nước nóng 1000C. Ngâm hạt trong nước sôi 1-2 phút, sau đó vớt ra ngâm vào nước lạnh qua đêm, vớt ra rửa chua xong ủ hạt trong túi vải sau 2-3 ngày hạt bắt đầu nứt nanh đem ra cấy vào bầu (trong thời gian ủ hạt phải tiến hành rửa chua hàng ngày). Có thể gieo hạt thẳng bầu hoặc gieo vãi trên luống mà không cần ủ hạt trong túi vải, cần lưu ý khâu phòng bệnh, nấm cho hạt trước khi gieo.
Ngoài tạo cây con từ hạt, có thể dùng phương pháp nhân giống sinh dưỡng để tạo cây con (giâm hom và nuôi cấy mô) do Keo lá tràm là cây có hệ số nhân giống bằng giâm hom cao. Hom phải được trẻ hoá, do đó cần phải xây dựng vườn vật liệu lấy hom. Vật liệu giâm hom sau khi thu về được xử lý để tạo hom, chọn những hom bánh tẻ, cắt bớt chiều dài chỉ để lại 10-15cm, lá được cắt bớt để hạn chế thoát hơi nước, để lại 2-3 lá/hom, cắt bỏ 2/3 phiến lá, gốc hom cắt vát chéo. Tiếp đó hom được khử nấm bằng dung dịch benlat 1-2% trong khoảng 5-10 phút thì vớt ra chấm thuốc kích thích ra rễ và cắm vào bầu đất hoặc cát đã được xử lý bằng Benlat. Hom được để trong lồng chụp có ni lông che kín để giữ ẩm, phía trên lồng chụp được che bằng lưới đen để tránh ánh sáng trực tiếp. Phải luôn đảm bảo giữ ẩm cho hom, liều lượng phun cần phải căn cứ vào thời tiết. Sau khoảng 2-3 tuần hom bắt đầu ra rễ, nếu được chăm sóc tốt tỷ lệ hom ra rễ có thể trên 90%.
Tuỳ theo mục đích mà tiêu chuẩn cây con đem trồng rừng có khác nhau, nếu trồng rừng phòng hộ cây cao 1-1,2m đường kính cổ rễ 1-1,5cm, còn trồng sản xuất thì cây cao 20-25cm, đường kính cổ rễ 0,3-0,4cm là đạt tiêu chuẩn.
5. Trồng và chăm sóc rừng
Thích hợp gây trồng ở những nơi có lượng mưa bình quân năm 1600-2100mm, nhiệt độ bình quân năm 24-28oC, nhiệt độ bình quân tháng nóng nhất <32oC, nhiệt độ bình quân tháng lạnh nhất >22oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối <34oC, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối >14oC, có 0-3 tháng mưa ít hơn 50mm, độ cao trên 250m so với mực nước biển, địa hình dốc <25o; loại đất xám, đất đỏ vàng trên đá khác, đất đỏ trên mắc ma bazơ và trung tính, đất phù sa, độ dày tầng đất trên 100cm.
Có thể mở rộng gây trồng ở những nơi có lượng mưa bình quân năm 1200-1600mm, 2100-2500mm, nhiệt độ bình quân năm 22-24oC hoặc 28-30oC, nhiệt độ bình quân tháng nóng nhất 32-34oC, nhiệt độ bình quân tháng lạnh nhất 17-22oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối 34-40oC, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối 12-14oC, có 3-5 tháng mưa ít hơn 50mm, độ cao 250-500m so với mực nước biển, địa hình dốc 15-25o; loại đất phèn trung bình và nhẹ, đất cát, đất đỏ vàng và đất mùn trên núi, đất xói mòn trơ sỏi đá, đất thung lũng dốc tụ, đất có độ dày 50-100cm.
Hạn chế gây trồng ở những nơi có lượng mưa bình quân năm <1200 hoặc >2500 mm, nhiệt độ bình quân năm 22<oC hoặc >30oC, nhiệt độ bình quân tháng nóng nhất >34oC, nhiệt độ bình quân tháng lạnh nhất 17<oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối >40oC, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối <12oC, có trên 5 tháng mưa ít hơn 50mm, độ cao trên >500m so với mực nước biển, địa hình dốc >25o; loại đất mặn mùa khô, đất mặn thường xuyên, đất phèn nặng, đất đen, đất than bùn, đất có độ dày <50cm.
Diện tích đất tự nhiên toàn quốc thích hợp để trồng Keo lá tràm chiếm 24,5%, có thể mở rộng 45,5%, ít thích hợp 30,0%.
Ở nước ta Keo lá tràm thường trồng thuần loài, một số nơi cũng được trồng hỗn loài với một số cây như bạch đàn, Phi lao, trám, thông,…
Các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hoá trồng vụ Xuân Hè (tháng 3-5), có thể trồng vụ Thu (tháng 7-8). Các tỉnh ven biển miền Trung trồng vụ Thu Đông (tháng 9-11). Các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ trồng đầu mùa mưa (tháng 4-6).
Ở những nơi đất bị ngập úng, đất cát bán ngập, đất phèn phải lên líp, trồng sau khi mùa mưa bắt đầu được 1 tháng là tốt nhất.
Nơi có thực bì cao và dày rậm phải phát dọn thực bì toàn diện hoặc theo băng, nơi thực bì thưa thớt thì chỉ cần phát dọn quanh hố trồng, làm đất cục bộ, cuốc hố với kích thước 40x40x40cm.
Mật độ trồng thường 2500-3000 cây/ha cho rừng thuần loài để phòng hộ, còn với rừng hỗn giao tuỳ theo mục đích mà bố trí cho phù hợp. Đối với rừng trồng sản xuất, mật độ trồng thích hợp là 1300-1600 cây/ha.
Là loài cây ưa sáng mạnh do đó sau khi trồng phải chú ý chăm sóc phát luỗng giây leo bụi rậm lấn át đảm bảo đủ ánh sáng cho cây trồng nhất là trong 3 năm đầu khi rừng chưa khép tán.
6. Khai thác, sử dụng
Keo lá tràm là cây thường xanh với tán lá khá dày, hệ rễ phát triển và có nấm cộng sinh cố định đạm nên có tác dụng chống xói mòn, phòng hộ và cải tạo đất rất tốt.
Là cây đa tác dụng, mọi sản phẩm thu từ cây đều có giá trị kinh tế. Gỗ có tỷ trọng khá cao (0,6-0,75), màu nâu đỏ hoặc xám nâu, nặng và rắn, có vân thớ đẹp giống như gỗ cẩm lai nên có nhiều nơi gọi là gỗ cẩm lai giả. Gỗ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như làm trụ mỏ, ván dăm, nguyên liệu giấy, xây dựng nhà cửa, làm đồ gia dụng và đồ mộc xuất khẩu,…. Cây cũng có thể dùng làm cây chủ để nuôi thả cánh kiến đỏ, làm giá thể để nuôi mộc nhĩ hoặc làm củi. Vỏ chứa tanin (hàm lượng 13%) có thể dùng cho nghề thuộc da.
Ngoài giá trị từ gỗ và vỏ, hoa Keo lá tràm còn có thể dùng để sản xuất nước hoa và phục vụ cho nghề nuôi ong vừa cung cấp mật ong cho thị trường vừa góp phần gián tiếp thúc đẩy quá trình thụ phấn cho cây trồng. Keo lá tràm có hoa màu vàng tươi và có thể ra hoa nhiều lần trong năm, có bộ tán khá đẹp, cây dễ trồng, ít sâu bọ nên có thể trồng làm cây xanh, cây trang trí trong các công viên và ven các đường phố.
Chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ để làm gỗ giấy, gỗ dăm thường 9-10 năm tỉa thưa 1 lần vào tuổi 5-6, chặt bỏ những cây mọc kém, bị chèn ép, chỉ để lại 800-1000 cây tốt phân bố đều trên 1 ha.
Để kinh doanh gỗ lớn có thể tỉa thưa 2 lần, lần đầu vào tuổi 6-8, cường độ tỉa từ 1/3 đến 2/5 số cây ban đầu, lần 2 tỉa vào tuổi 10-15, chỉ để lại 400-500 cây tốt nhất trên 1 ha sau 20-25 năm sẽ khai thác chính là phù hợp.
Năng suất thu được với kinh doanh gỗ nhỏ sau 9-10 năm có đạt được 12-15 m3/ha/năm, nơi đất tốt và trồng thâm canh có thể đạt 20 thậm chí 30 m3/ha/năm.
Sau khi khai trắng luân kỳ 1 Keo lá tràm tái sinh hạt rất mạnh với hàng vạn cây trên một ha, nếu cành nhánh để lại được rải đều và đốt thì tỷ lệ cây tái sinh còn cao hơn nhiều. Do vậy, nếu có biện pháp tỉa thưa nuôi dưỡng, xúc tiến tái sinh tự nhiên thích hợp có thể tạo thành rừng mới cho luân kỳ 2 mà không phải trồng lại.
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Thông báo Bán đấu giá tài sản là rừng trồng thuộc trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Tân Phú – Bình Phước (lần 3)
- Nghiên cứu đặc điểm lâm học một số hệ sinh thái rừng chủ yếu ở việt nam
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu sử dụng hiệu quả gỗ Đước để sản xuất đồ mộc, than hoạt tính và dịch gỗ
- Thực trạng rừng trồng sản xuất ở Việt Nam
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu đề xuất các biện pháp phòng trừ sâu ăn lá keo tại Quảng Trị