Hội thảo Giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Ngày 08/12/2016, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội thảo Giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

16-12-08 HoithaoCanTho1

Tới dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn, đồng chí Đào Anh Dũng – Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Các đại biểu tham dự Hội nghị là lãnh đạo các Viện Nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, lãnh đạo các Doanh nghiệp ở khu vực phía Nam.

Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cùng Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ đã tham dự Hội thảo và chỉ đạo tổ chức gian trưng bày, giới thiệu các thành tựu nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Viện tại khu vực phía Nam.

Trong giai đoạn từ 2013 đến năm 2015 Viện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 33 giống cây trồng lâm nghiệp mới cho bạch đàn, keo và mắc ca, các giống keo, bạch đàn được Viện chọn tạo đều có năng suất, chất lượng cao (năng suất đạt từ 20-40m3/ha/năm), có khả năng thích ứng tốt và phù hợp trong trồng rừng cung cấp gỗ lớn trong đó có 9 giống phù hợp cho trồng rừng tại khu vực phía Nam như các dòng Keo lai AH1, AH7, AH9, AH15; Keo lá tràm AA42, AA53, AA56; gia đình Keo lá tràm AF12, AF13. Các chế phẩm vi sinh MF1, MF2 và AM bón cho keo, bạch đàn và thông giúp cây trồng tăng về sinh trưởng đến 30%, giảm tỷ lệ bị sâu bệnh đến 80% và giảm chi phí bón phân đến 30%.

Lĩnh vực nghiên cứu lâm sinh của Viện đã lựa chọn được lập địa, tập đoàn cây và các biện pháp kỹ thuật gây trồng cho các loài cây trồng rừng chủ lực, cây trồng chủ yếu ở một số vùng sinh thái. Đặc biệt trong thời gian gần đây các nghiên cứu bước đầu đã xác định được các giải pháp kỹ thuật trong kinh doanh rừng trồng gỗ lớn, kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ thành rừng trồng cung cấp gỗ lớn, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp, tăng lượng gỗ xẻ rõ rệt so với áp dụng các biện pháp lâm sinh truyền thống.

Các quy trình trồng rừng gỗ lớn và quản lý lập địa bền vững trong kinh doanh rừng trồng keo và bạch đàn đã tăng năng suất rừng thêm từ 4-8 m3/ha/năm nâng cao hiệu quả kinh tế trong kinh doanh rừng trồng tăng 25 – 52,5%.

Về lĩnh vực công nghiệp rừng, kết quả nghiên cứu đã thiết kế, chế tạo được các thiết bị phục vụ công tác trồng rừng như nhà giâm hom cây lâm nghiệp cải tiến; máy cày ngầm làm đất trồng rừng; máy cày chảo, cày không lật chăm sóc rừng trồng; máy phun thuốc trừ sâu cho rừng trồng với giá thành phù hợp với điều kiện sản xuất lâm nghiệp hiện nay tại Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ…;

Đã chế tạo các thiết bị và công nghệ chế biến, bảo quản gỗ rừng trồng cho sản phẩm gỗ của một số loài cây chủ lực.

Các kết quả nghiên cứu nổi bật về giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cũng như công nghệ chế biến, bảo quản cho các loài cây trồng rừng chủ lực, chủ yếu của Viện trong thời gian qua đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành.

16-12-08 HoithaoCanTho2

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]