Trồng và khai thác cây keo thiếu khoa học không chỉ có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy, mà còn rất lãng phí tài nguyên đất rừng cũng như dư địa phát triển.
Quy trình khai thác lạc hậu
Khoảng 20 năm trở lại đây, diện tích trồng keo bắt đầu phát triển mạnh. Ưu điểm của nó là dễ trồng, chu kỳ ngắn, nhanh cho thu hoạch, tuy giá trị thấp nhưng tiêu thụ rất dễ, không bao giờ lo ế.
Đặc biệt, cây keo thích nghi rất rộng với các lập địa và khí hậu khác nhau từ đai độ cao khoảng 600 – 700m so với mực nước biển trở xuống. Hiện cả nước có khoảng 3,69 triệu ha rừng trồng sản xuất, trong đó diện tích rừng trồng keo ước khoảng 2,2 triệu ha với hai giống được trồng phổ biến là keo tai tượng và keo lai, keo lá tràm có diện tích ít hơn.
Tuy nhiên, việc phát triển cây keo ồ ạt, mặc dù chủ yếu là quy mô hộ gia đình nhưng được trồng tập trung, liền vùng, liền thửa với quy mô lớn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sinh thái, môi trường và không đảm bảo hiệu quả bền vững.
Ở nhiều địa phương, chủ rừng chưa tuân thủ kỹ thuật trồng keo, nhất là vấn đề quản lý lập địa và năng suất rừng. Thông thường, bà con thường khai thác trắng cây keo. Trong các cấp độ tiên tiến của lâm sinh thì khai thác trắng là cấp độ lạc hậu nhất, sau đó đến khai thác theo băng và khai thác chọn theo cấp độ đường kính.
Thậm chí ở các quốc gia Châu Âu, họ không chỉ chọn khai thác theo cấp độ đường kính mà còn chọn theo yêu cầu sản phẩm (nghĩa là chọn tinh). Tuy nhiên, đối với rừng trồng keo thì các hình thức tiên tiến đó không phù hợp để áp dụng.
Sau khi khai thác trắng rừng keo, bà con đốt hết vật liệu hữu cơ trên đất sau khai thác (cành, lá…) để chuẩn bị mặt bằng, đào hố trồng và kiến thiết chu kỳ mới. Việc làm này không chỉ làm gia tăng lượng phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường mà còn dễ làm cho đất bị xói lở vào mùa mưa, đặc biệt là trên đất dốc.
Vấn đề đáng quan tâm nữa đó là hiện nay, bà con chưa áp dụng các biện pháp khai thác tác động thấp, mà khai thác rừng keo đến đâu là mở đường tự phát đến đấy, tạo nên những cung đường chằng chịt lên đồi. Việc mở đường như vậy tạo ra các vết cắt trên bề mặt đất dốc, nước mưa tích luỹ dần dần dẫn đến sạt lở.
Người dân chưa thực sự hiểu về cây keo
Khi trồng keo, tuỳ từng mục đích khác nhau mà bà con cần lựa chọn trồng mật độ cây cho phù hợp. Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Lâm sinh đã thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát tại miền Trung và thấy rằng, mật độ bình quân trồng keo dao động từ 1.500 – 3.000 cây/ha. Có những vùng bà con trồng keo chu kỳ ngắn để lấy gỗ dăm, mật độ có thể lên tới 6.000 – 7.000 cây/ha.
Xét về giá trị, trồng gỗ chu kỳ ngắn (từ 4 – 5 năm) cho hiệu quả kinh tế thấp hơn so với trồng rừng gỗ lớn, trồng thưa (mật độ khoảng 1.600 cây/ha) và để chu kỳ dài. Tuy nhiên, do những thuận lợi của thị trường gỗ dăm và nhanh cho thu hoạch nên bà con vẫn chủ yếu trồng rừng chu kỳ ngắn để sản xuất gỗ dăm nên đã tác động xấu tới môi trường sinh thái.
Cây keo có ưu điểm là cây cố định đạm nên có tác dụng cải tạo đất. Chúng tôi đã thực hiện khá nhiều nghiên cứu so sánh đất rừng trồng keo với các khu đất trống bỏ hoang cách đây 20 – 30 năm và thấy rằng, rừng trồng keo có khả năng cải tạo đất rất tốt (từ độ xốp, các dinh dưỡng khoáng, mùn và tính chất vật lý đều tốt hơn). Bởi vậy, nếu thực hiện các biện pháp quản lý lập địa tốt thì không quá lo lắng rằng trồng keo lâu năm thì đất sẽ bị thoái hoá.
Hiện nay, đối với một số rừng keo khai thác 3 – 4 chu kỳ, bà con có ý thức bón phân NPK bổ sung cho đất (thông qua bón lót hoặc bón thúc). Tuy nhiên, nhiều bà con chưa thực sự hiểu về đặc tính của cây keo. Vì keo là cây cố định đạm nên không cần bón đạm nữa, thay vào đó, bà con nên bổ sung lân, kali, không nên bón phân NPK, nhất là NPK có độ đạm cao, bởi đây là một sự lãng phí.
Một vấn đề nữa cũng cần cảnh báo, đó là chúng ta chưa có quy hoạch vùng trồng keo, nên có tình trạng lạm dụng trồng keo trong rừng phòng hộ. Điều này phản khoa học, bởi cây keo không có tác dụng phòng hộ, do keo hút nước rất mạnh.
Để 1kg gỗ = 1kg rau sạch
Một trong những việc cấp thiết lúc này, là nhà nước nên có định hướng thông qua việc phân vùng sản xuất dựa trên phân cấp lập địa từ đất tốt, đất trung bình, đất xấu để định hướng các đối tượng cây trồng phù hợp.
Bởi hiện nay, có nhiều lập địa đất rất tốt, có thể trồng các loại cây có giá trị cao hơn nhưng bà con chỉ biết đến cây keo. Do đó, với những lập địa tốt, tầng đất dày 70 – 80cm trở lên, chủ yếu là đất thịt, cần khuyến cáo bà con trồng các loại cây có giá trị cao (20 – 30 triệu đồng/m3), ví dụ như giổi, vù hương, xoan đào, chò chỉ và một số loài cây đa mục đích có thể vừa cho gỗ và lâ sản ngoài gỗ có giá trị.
Tuy chu kỳ khai thác của các loại gỗ này lên tới trên 20 năm (gấp 4 – 5 lần so với chu kỳ trồng keo lấy gỗ dăm) nhưng giá trị lại tăng gấp hàng chục lần, mỗi m3 gỗ có giá hàng chục triệu đồng so với gỗ dăm có giá chỉ 1 triệu đồng/m3.
Ở Thái Lan, Malaysia, các chủ rừng phát triển rất mạnh cây gỗ teak. Hiện nay, 1m3 gỗ teak có giá hơn 1.000 USD (tương đương hơn 20 – 25 triệu đồng). Như vậy, 1kg gỗ có giá khoảng 25.000 đồng, không kém gì 1kg rau sạch, trong khi rau sạch cần phải thâm canh rất mạnh.
Một trong những giải pháp nâng cao giá trị rừng keo trước mắt mà các địa phương đang thúc đẩy là chuyển hóa rừng gỗ keo gỗ dăm sang gỗ lớn, chu kỳ dài. Tuy nhiên, không phải lập địa nào cũng trồng keo chu kỳ dài được.
Vào năm 2014 và 2017, cả dải đất miền Trung cây keo bị chết hàng nghìn ha. Hai năm đó bị hạn, đi dọc những triền đồi thấy rừng keo như bị cháy, nhưng đó là hiện tượng cây keo chết tự nhiên do thiếu nước. Nơi đó tầng đất mỏng, nhiều đá lẫn và đá lộ đầu, không tích được nhiều nước. Những chỗ đó chỉ nên trồng keo chu kỳ ngắn, không nên trồng chu kỳ dài hoặc trồng rừng gỗ lớn.
Việc phân cấp lập địa để xác định những khu vực có lập địa phù hợp trồng keo hoặc chuyển hóa rừng keo sang chu kỳ dài là rất cần thiết. Hiện nay, một số địa phương đã nhận thấy lợi ích từ trồng rừng gỗ lớn và khuyến khích người dân làm theo. Nhưng ở nhiều nơi vẫn chưa chú trọng đến các vấn đề kỹ thuật đó nên phát triển ồ ạt, chỗ nào cũng khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn nhưng chưa quan tâm tới lập địa phù hợp, khi thiệt hại thì ai là người chịu trách nhiệm?
Cấp thiết lập bản đồ lập địa cho cây keo
Việt Nam là quốc gia phát triển cây keo nhất, năng suất sinh khối bình quân cả nước khoảng 20m3/ha/năm. Tuy nhiên, nhiều quốc gia có những loài cây lâm nghiệp năng suất cao hơn rất nhiều. Ví dụ, một số nước ở Nam Mỹ năng suất sinh khối bạch đàn có thể lên tới 50 – 60m3/ha/năm. Để đạt thành quả này, họ quản lý lập địa rất tốt và sử dụng giống tốt.
Còn ở Việt Nam, nếu bà con tuân thủ đúng kỹ thuật thì có thể đẩy năng suất sinh khối lên tới 25 – 30m3/ha/năm. Nhưng, phần lớn người dân vẫn trồng giống keo trôi nổi trên thị trường, nhiều giống mới chưa được sử dụng, biện pháp kỹ thuật canh tác cũng chưa phù hợp.
Những năm qua, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đang thúc đẩy phát triển một số giống keo lá tràm. Trước đây, do chọn giống chưa tốt nên cây không thẳng, không đẹp, bà con không thích. Nhưng cách đây khoảng hơn 10 năm, Viện đã chọn được các giống keo lá tràm rất thẳng và đẹp, và chất lượng gỗ tốt hơn rất nhiều so với keo tai tượng và keo lai, năng suất sinh trưởng thử nghiệm ở một số nơi cũng gần ngang ngửa so với keo tai tượng, keo lai. Chỉ có điều, giống keo lá tràm thường thích hợp với vùng nhiệt đới hơn, vì khi gặp các đợt lạnh cực đoan ở vùng cao miền Bắc, cây có thể bị chết.
Đối với vấn đề quy hoạch trồng rừng ở tầm vĩ mô, trước đây, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã đề xuất với và Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất Bộ NN-PNTT cho xây dựng các bản đồ lập địa cấp tỉnh trên cả nước để phân cấp sơ bộ, sau đó Viện sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương triển khai ở cấp vi mô. Tuy nhiên, kinh phí để triển khai thực hiện rất tốn kém.
Hiện nay, chúng ta đã có tiêu chuẩn Việt Nam về phân cấp lập địa. Các tỉnh có thể dựa trên cơ sở đó để triển khai thực hiện. Cần nhấn mạnh rằng, hai yếu tố quan trọng nhất giúp nâng cao giá trị rừng trồng, đó là xác định lập địa và loài cây phù hợp.
Nếu chọn được các loài cây có giá trị phù hợp với lập địa tốt, chúng ta sẽ không phát triển cây keo ồ ạt như hiện nay, và tạo ra mức độ đa dạng hơn về loài và mục đích kinh doanh trong rừng trồng; kết hợp sản xuất nhiều giống, loài khác nhau, vừa hạn chế dịch bệnh, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế.
MINH PHÚC (ghi)
Nguồn: https://nongnghiep.vn/he-luy-va-lang-phi-do-trong-keo-thieu-khoa-hoc-d319995.html
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Cần cách nhìn đúng về giá trị cây keo - Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Thăm và làm việc tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ
- Thăm và làm việc tại Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu kỹ thuật trồng Bần không cánh (Sonneratia apetala Buch-Ham) góp phần phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng cửa sông, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ”.
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ Tiến sĩ năm 2022