GS.TS Lê Đình Khả, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam lưu ý, cây phượng tím và phượng vỹ (phượng đỏ) là hai loài hoàn toàn khác nhau.
Đã trồng thử phượng tím
Trước sự quan tâm của nhiều người dân Hà Nội, chúng tôi có cuộc trao đổi với một số nhà khoa học. GS.TS Lê Đình Khả (ảnh), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam lưu ý, cây phượng tím và phượng vỹ (phượng đỏ) là hai loài hoàn toàn khác nhau.
Cây phượng vỹ là loài thuộc họ Đậu (Fabales) có tên khoa học là Delonix Regia, là cây gỗ lớn, cao 10 – 15m, thân mập, màu xám trắng, nhẵn, phân cành lớn, cong queo, dài, mọc chếch, tán lá rộng, thưa, lá kép lông chim 2 lần.
Phượng vỹ có nguồn gốc từ châu Phi nhiệt đới (Madagasca) được gây trồng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, cây phượng vỹ được trồng từ Bắc vào Nam, từ trung du tới ven biển, trong đó nổi tiếng trồng nhiều phượng vỹ nhất là thành phố Hải Phòng. Cây phượng vỹ thường ra hoa vào tháng 4 – 7, quả tháng 10 – 12, thường gắn với mùa hè, tuổi học trò trong thơ ca Việt Nam.
Cây phượng tím thuộc họ Đinh/Chùm ớt (Bignoniaceae), tên khoa học Jacaranda Mimosifolia. Đây là loài cây gỗ lớn (cao 10 – 15m), tán lá tỏa rộng (7 – 10m) nhưng cành lá thưa, lá phức bao gồm hai lần lá kép. Khi không có hoa thì cây như phượng vĩ. Vào mùa nở hoa trổ nhiều hoa màu tím nên gần như không thấy lá. Hoa hình ống dài 4 – 5cm, từng chùm màu tím, hình chuông, cánh hoa mềm mại, dễ bị dập nát, không hề giống hoa phượng vỹ. Mùa hoa nở kéo dài khá lâu, có thể từ 4 – 6 tháng.
Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ, từ lâu đã được du nhập vào Ấn Độ, Úc…, do thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, tại Úc còn có hẳn ngày lễ hoa phượng tím. Tại Việt Nam, phượng tím được du nhập vào Đà Lạt (Lâm Đồng) từ những năm đầu thập kỷ 1970 và hiện thích nghi, phát triển, ra hoa khá tốt tại vùng cao nguyên này. Phượng tím trồng tại Đà Lạt thường ra hoa từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Cây phượng tím tại Đà Lạt
Còn TS Phí Hồng Hải, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, hiện tại ở Viện có trồng mấy cây phượng tím sinh trưởng, phát triển tốt. Có hai cây ra hoa, đậu quả rất đẹp, song năm ngoái do mưa bão nên đổ mất một cây.
Theo GS.TS Lê Đình Khả, có thể trồng phượng tím tại Hà Nội để tăng tính đa dạng về mùa. Phượng tím có thể ra hoa quanh năm là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, Hà Nội chỉ nên trồng phượng tím trên vài tuyến phố đặc trưng hoặc trồng xen, điểm trong công viên, vườn hoa tạo điểm nhấn, cảnh quan sẽ đẹp, không nên trồng tràn lan.
+ PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ, từ năm 1998 – 1999, một số đồng nghiệp ở bên Úc có tặng Viện một ít hạt giống cây phượng tím. Đến nay, một số cây phượng tím trồng tại Viện vẫn ra hoa, kết quả. Cây phượng tím trồng được trên đường phố vì ưa nắng, thường ra hoa từ tháng 2 – 5 hàng năm. Không nên trồng phượng tím dưới bóng râm, cớm nắng vì cây khó ra hoa.
+ “Lâu nay thấy Hà Nội loay hoay việc nên chọn trồng loại cây gì. Thực ra, việc chọn cây gì không quá khó. Với cây đô thị, khi chọn cây xác định tiêu chí nào là quan trọng nhất. Thứ nhất, cây có lá xanh quanh năm. Thứ hai, hình dạng đẹp, hoa đẹp. Thứ ba, ít bị đỗ gãy. Thứ tư, không thải ra khí độc hại. Nhiều khi tôi thấy Hà Nội hay chọn cây gỗ quý để trồng làm cây bóng mát không cần thiết, bởi mục đích trồng không phải để lấy gỗ. Ví dụ như việc trồng gỗ lát hoa trên Đại lộ Thăng Long chẳng hạn, bởi mùa đông sẽ bị rụng lá” GS.TS Lê Đình Khả.
NGUYÊN HUÂN.
Nguồn: http://nongnghiep.vn/gsts-le-dinh-kha-phuong-tim-co-the-ra-hoa-quanh-nam-la-hoan-toan-kha-thi-post170422.html
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Tối ưu hóa sản xuất gỗ ván từ rừng trồng - Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Chò nâu phục vụ thâm canh rừng gỗ lớn – Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn, bình xét thi đua khen thưởng năm 2016 và ký kết Giao ước thi đua năm 2017
- Thông Caribê cho miền núi phía Bắc – Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Phát triển rừng trồng gỗ lớn - Báo Nông nghiệp Việt Nam