Chủ nhiệm: PGS.TS Võ Đại Hải; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ở Việt Nam, ngày 28/3/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2007/NĐ-CP về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng, hiện nay đang bước vào thực hiện Nghị định 99 về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc định lượng khả năng hấp thụ carbon và giá trị thương mại carbon của rừng là một phần quan trọng trong định lượng giá trị môi trường của rừng, đã và đang trở thành một đòi hỏi khách quan không thể chậm trễ nhằm đưa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vào thực tiễn sản xuất lâm nghiệp.
Các loài Keo lai, Keo tai tượng, Keo lá tràm, Thông mã vĩ, Thông nhựa, Thông ba lá, Mỡ và Bạch đàn Urophylla với những ưu điểm vượt trội như sinh trưởng nhanh, năng suất cao,… đã nhanh chóng trở thành loài cây trồng rừng chính trên khắp các vùng sinh thái lâm nghiệp nước ta. Trong thời gian gần đây, nghiên cứu về khả năng hấp thụ carbon của rừng trên thế giới cũng như ở nước ta đã được quan tâm chú ý nhiều hơn và bước đầu cũng đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu còn nhỏ lẻ, tản mạn, chưa có hệ thống, thiếu các dữ liệu cơ bản, đặc biệt là chưa gắn khả năng hấp thụ carbon của rừng với các cấp đất cụ thể nên khả năng ứng dụng chưa cao.
Xuất phát từ thực tiễn đó, đề tài: “Nghiên cứu khả năng hấp thụ và giá trị thương mại carbon của một số dạng rừng trồng chủ yếu ở Việt Nam” đặt ra là rất cần thiết nhằm góp phần cung cấp thêm những thông tin, số liệu về khả năng hấp thụ carbon của một số dạng rừng trồng, làm cơ sở cho việc định giá rừng và luận cứ cho việc chi trả dịch vụ môi trường rừng ở nước ta.
II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Nội dung nghiên cứu
– Nghiên cứu sinh khối và mối liên hệ của sinh khối với các nhân tố điều tra chủ yếu.
– Xác định lượng carbon hấp thụ của 8 dạng rừng trồng.
– Xác định giá trị thương mại carbon của 8 dạng rừng trồng.
– Xây dựng phần mềm dự báo lượng carbon hấp thụ và giá trị thương mại carbon của 8 dạng rừng trồng theo tuổi, cấp đất và mật độ hoặc dựa vào các nhân tố điều tra lâm phần.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
* Kế thừa tài liệu: Kế thừa các tài liệu, kết quả nghiên cứu đã có về 8 loại rừng trồng, đặc biệt là biểu điều tra kinh doanh rừng của 14 loài cây chủ yếu,…; các tài liệu liên quan đến phương pháp xác định sinh khối, lượng carbon hấp thụ của rừng, các kết quả nghiên cứu về khả năng hấp thụ carbon của rừng,…
* Phương pháp điều tra thực địa
– Mỗi dạng rừng trồng bố trí 12 ÔTC diện tích 1000 m2 (40mx25m) (còn gọi là ô sơ cấp) trên 1 cấp đất, tổng số ÔTC cho một loài là 48 ÔTC. Các ÔTC được bố trí rải đều ở các cấp tuổi khác nhau, trong đó có 2 ÔTC không tham gia vào tính toán được dùng để kiểm tra các mô hình dự báo. Trên mỗi ÔTC sơ cấp lập 5 ô thứ cấp (4 ô ở 4 góc và 1 ô ở giữa ÔTC) diện tích 25 m2 (5m x 5 m) để điều tra cây bụi, thảm tươi. Ở trung tâm mỗi ô thứ cấp lập 1 ô dạng bản diện tích 1 m2 để điều tra vật rơi rụng.
– Tiến hành điều tra các chỉ tiêu: D1,3, Hvn, Dt, Hdc của toàn bộ các cây trong OTC.
– Xác định cấp đất: Cấp đất các loài cây được xác định dựa vào biểu cấp đất thông qua tuổi và chiều cao bình quân tầng trội (Hdom) của các cây trong lâm phần.
– Mỗi OTC chọn 2 cây tiêu chuẩn để chặt hạ, sinh khối cây được phân thành các bộ phận: lá, cành, thân; đào và lấy toàn bộ rễ có đường kính lớn hơn 2 mm. Cân các bộ phận ngay tại chỗ được sinh khối tươi của các bộ phận cây. Lấy mẫu tất cả các bộ phận, đem về sấy khô để xác định sinh khối khô và phân tích trong phòng thí nghiệm.
– Trong các ô thứ cấp, tiến hành chặt và thu thập cây bụi thảm tươi rồi chia thành 3 phần: thảm tươi; thân, cành, lá và rễ cây bụi. Các phần này được cân tươi ngay tại rừng để xác định sinh khối tươi. Lấy mẫu các bộ phận đem về phân tích trong phòng.
– Trong mỗi ô dạng bản, tiến hành thu thập sinh khối vật rơi rụng. Cân ngay các bộ phận tại rừng và lấy mẫu đem về phân tích trong phòng thí nghiệm.
– Lấy mẫu phân tích đất: Với mỗi ÔTC lấy 3 mẫu đất tổng hợp từ 9 điểm ngẫu nhiên bằng khoan ở các độ sâu 0 – 10 cm, 10 – 20 cm, 20 – 30 cm để xác định hàm lượng carbon tích lũy trong đất dưới tán rừng; mỗi tầng lấy 1 mẫu đất.
* Phân tích và xử lý số liệu
– Các số liệu thu thập được xử lý bằng các hàm thống kê toán học trên phầm mềm excel 5.0 và SPSS 13.0. Các mẫu sinh khối tầng cây cao, sinh khối cây bụi thảm tươi, sinh khối vật rơi rụng, mẫu đất được sấy và phân tích hàm lượng carbon bằng các phương pháp chuyên dụng trong phòng thí nghiệm.
– Mối quan hệ giữa sinh khối, khả năng hấp thụ carbon với các nhân tố điều tra được xây dựng bằng phần mềm thống kê thông dụng SPSS 13.0. Lựa chọn phương trình có hệ số tương quan cao nhất và sai số bé nhất, dễ áp dụng nhất. Mỗi loài dùng 2 ÔTC không tham gia tính toán để kiểm tra và hiệu chỉnh các mô hình. Sai số chấp nhận <10%.
– Dựa vào các phương trình tương quan giữa lượng carbon hấp thụ với các nhân tố điều tra D1,3, Hvn, tuổi,… lập được để xây dựng tra lượng carbon hấp thụ của rừng trên cơ sở gán cho các biến số độc lập những giá trị cụ thể.
– Phương pháp xác định giá trị thương mại carbon:
Giá trị thương mại C = Lượng CO2 tương đương (tấn/ha) x giá (USD/tấn C02).
Giá bán carbon tại Việt Nam được xác định tại thời điểm nghiên cứu theo thị trường thế giới, đề tài áp dụng là 5 USD/tấn CO2 tương đương.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Kết quả nghiên cứu sinh khối và mối liên hệ của sinh khối với các nhân tố điều tra chủ yếu
3.1.1. Kết quả nghiên cứu sinh khối 8 dạng rừng trồng
a. Sinh khối rừng Thông mã vĩ: Cấu trúc sinh khối rừng trồng thông mã vĩ chủ yếu tập trung ở tầng cây gỗ, chiếm 85,77%; cây bụi, thảm tươi chiếm 9,64% và sinh khối vật rơi rụng chiếm 4,59%. Tổng sinh khối lâm phần trung bình ở cấp đất I là 159,23 tấn/ha; ở cấp đất II là 120,89 tấn/ha và ở cấp đất III là 103,16 tấn/ha.
b. Sinh khối rừng Thông nhựa: Tổng sinh khối tầng cây gỗ chiếm 84,45%; sinh khối cây bụi thảm tươi là 8,69%; sinh khối vật rơi rụng chiếm 6,86%. Ở giai đoạn tuổi 5 – 30, tổng sinh khối lâm phần dao động từ 34,98 – 193,52 tấn/ha ở cấp đất I; 29,28 – 166,09 tấn/ha ở cấp đất II và 20,79 – 144,41 tấn/ha ở cấp đất III. Riêng ở cấp đất III có một số lâm phần ở các tuổi 35, 40, 45 nhưng ở các tuổi này mật độ còn lại khá thấp, chỉ từ 364 – 480 cây/ha với tổng sinh khối lâm phần dao động từ 131,33 – 146,67 tấn/ha.
c. Sinh khối rừng Keo lai: Sinh khối tập trung chủ yếu ở tầng cây gỗ, chiếm 76,5%, vật rơi rụng chiếm 14,5% và thấp nhất là cây bụi thảm tươi chiếm 9,0%. Tổng sinh khối khô lâm phần cụ thể trên từng cấp đất như sau: Cấp đất I dao động từ 8,85 – 138,13 tấn//ha; cấp đất II từ 9,64 – 93,29 tấn/ha; cấp đất III từ 4,09 – 76,52 tấn/ha và ở cấp đất IV từ 7,67 – 50,09 tấn/ha.
d. Sinh khối rừng Bạch đàn urophylla: Sinh khối lâm phần tập trung chủ yếu ở tầng cây gỗ, chiếm 76,35%, vật rơi rụng chiếm 16,92% và thấp nhất là cây bụi thảm tươi chiếm 6,74%. Cấp đất I, tổng sinh khối lâm phần từ 10,01 – 117,92 tấn/ha; cấp đất II : từ 6,44 – 78,21 tấn/ha; cấp đất III: từ 5,67 – 64,66 tấn/ha và ở cấp đất IV: từ 6,42 – 49,52 tấn/ha.
e. Sinh khối rừng Mỡ: Tổng sinh khối rừng trồng Mỡ thuần loài chủ yếu tập trung vào tầng cây gỗ, chiếm 87,64%; cây bụi, thảm tươi 3,50% và vật rơi rụng 8,86%. Cấp đất I có tổng sinh khối lớn nhất, sau đó đến cấp đất II và cấp đất III.
f. Sinh khối rừng Keo lá tràm: Sinh khối rừng trồng Keo lá tràm tập trung vào tầng cây gỗ, chiếm trung bình 76,35%, vật rơi rụng 16,92% và thấp nhất là cây bụi thảm tươi 6,74%. Trong cùng một tuổi, tổng sinh khối toàn lâm phần có xu hướng giảm dần theo cấp đất, từ cấp đất tốt đến cấp đất xấu (I>II>III>IV).
g. Sinh khối rừng Thông ba lá: Tổng sinh khối lâm phần tập trung vào tầng cây gỗ chiếm chiếm 85,97%; cây bụi, thảm tươi chiếm 3,98% và vật rơi rụng chiếm 10,05%. Tính chung cho các cấp tuổi từ tuổi 5 đến 25, tổng sinh khối của lâm phần ở đất cấp II bằng 77% tổng sinh khối lâm phần ở đất cấp I; tổng sinh khối lâm phần của đất cấp III bằng 50%, sinh khối ở cấp đất IV bằng 31% và sinh khối ở cấp đất V chỉ bằng 22% sinh khối ở cấp đất I.
h. Sinh khối rừng Keo tai tượng: Sinh khối tầng cây gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất, trung bình 79,91%, vật rơi rụng chiếm 12,14%, thấp nhất là cây bụi thảm tươi chiếm 7,95%. Tổng sinh khối toàn lâm phần Keo tai tượng biến động mạnh theo các cấp đất.
3.1.2. Mối quan hệ giữa sinh khối 8 dạng rừng trồng với các nhân tố điều tra
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với cả 8 dạng rừng trồng thuần loài thì giữa tổng sinh khối lâm phần với các nhân tố điều tra D1.3; Hvn; N; A có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Các phương trình tương quan lập được đều có hệ số tương quan ở mức chặt đến rất chặt, sai tiêu chuẩn của các phương trình thấp. Sử dụng các ÔTC không tham gia tính toán để kiểm tra cho sai số <10%. Do đó có thể sử dụng các phương trình này để xác định nhanh sinh khối của từng loại rừng trồng theo từng cấp đất hoặc chung cho các cấp đất dựa vào các nhân tố điều tra dễ đo đếm.
3.2. Kết quả xác định lượng carbon hấp thụ của 8 dạng rừng trồng
3.2.1. Kết quả xác định tổng lượng carbon hấp thụ của 8 dạng rừng trồng
a. Rừng trồng Thông mã vĩ
– Cấu trúc lượng carbon hấp thụ trong rừng trồng Thông mã vĩ chủ yếu tập trung trong tầng cây gỗ chiếm trung bình 58,54% và trong đất rừng 32,83%, tiếp đến là trong vật rơi rụng trung bình 5,20% và trong cây bụi thảm tươi 2,43%.
– Tổng lượng carbon hấp thụ trên một ha rừng trồng Thông mã vĩ dao động từ 33,32 – 179,41 tấn/ha. Tổng lượng carbon hấp thụ ở cấp đất I từ 42,30 – 179,41 tấn/ha ứng với tuổi từ 5 đến 30; ở cấp đất II: dao động từ 37,04 – 168,50 tấn/ha; cấp đất III: dao động từ 33,32 – 149,13 tấn/ha. Tổng lượng carbon hấp thụ trong cây bụi thảm tươi dao động từ 0,7 – 3,71 tấn/ha (trung bình 1,83 tấn/ha). Tính trung bình lượng carbon trong vật rơi rụng ở cấp đất I là 3,79 tấn/ha; ở cấp đất II là 3,57 tấn/ha và ở cấp đất III là 3,27 tấn/ha. Lượng carbon trong đất rừng dao động trong khoảng 20-30 tấn/ha.
b. Rừng trồng Thông nhựa:
– Lượng carbon hấp thụ chủ yếu tập trung trong tầng cây gỗ chiếm 48,17% và trong đất rừng chiếm 45,64%, cây bụi thảm tươi 3,23% và vật rơi rụng chiếm 3,01%.
– Tổng lượng carbon hấp thụ trên một ha rừng trồng Thông nhựa dao động trong khoảng từ 51,37 – 158,38 tấn/ha và có xu hướng tăng dần theo tuổi trên cùng một cấp đất. Trong cùng một cấp tuổi, tổng lượng carbon hấp thụ trong toàn lâm phần ở các cấp đất khác nhau cũng rất khác nhau. Ví dụ cùng một tuổi 20, ở cấp đất I: tổng lượng carbon hấp thụ là 157,21 tấn/ha, ở cấp đất II là 122,71 tấn/ha và giá trị này còn thấp hơn ở cấp đất III là 95,29 tấn/ha. Lượng carbon hấp thụ trong tầng cây gỗ dao động từ 4,37 – 109,25 tấn/ha; cây bụi thảm tươi từ 0,55 – 5,99 tấn/ha, trung bình là 2,32 tấn/ha; vật rơi rụng 1,49 – 4,63 tấn/ha; trong đất rừng chiếm 39,53 – 47,39 tấn/ha, trung bình là 42,71 tấn/ha.
c. Rừng trồng Keo lai
– Cấu trúc lượng carbon hấp thụ trong rừng trồng Keo lai chủ yếu tập trung trong đất: trung bình chiếm 67,74% và trong tầng cây gỗ 27,51%, tiếp theo là vật rơi rụng 3,18% và cây bụi thảm tươi 1,54%.
– Tổng lượng carbon hấp thụ trên một ha rừng trồng Keo lai dao động trong khoảng từ 43,85 – 108,82 tấn/ha. Cấp đất I: Tổng lượng carbon trong lâm phần dao động từ 50,76 – 108,82 tấn/ha ứng với tuổi từ 1 đến 7; Cấp đất II lượng carbon dao động từ 48,97 – 91,04 tấn/ha; Cấp đất III lượng carbon dao động từ 45,94 – 82,85 tấn/ha; Cấp đất IV lượng carbon dao động từ 43,85 – 68,35 tấn/ha. Lượng carbon trong tầng cây gỗ dao động từ 0,5 – 64,7 tấn/ha; cây bụi thảm tươi 0,21 – 2,31 tấn/ha; trong đất rừng dao động trong khoảng 39,78 – 47,60 tấn/ha.
d. Rừng trồng Bạch đàn Urophylla
Cấu trúc lượng carbon hấp thụ trong rừng trồng Bạch đàn urophylla chủ yếu tập trung trong đất rừng: chiếm trung bình là 63,66 %; tầng cây gỗ 31,03%; vật rơi rụng 3,56%; cây bụi thảm tươi chỉ chiếm 1,75%. Tổng lượng carbon hấp thụ trên một ha rừng trồng Bạch đàn urophylla dao động trong khoảng từ 35,50 – 95,64 tấn/ha (trung bình là 58,72 tấn/ha). Lượng carbon trong tầng cây gỗ dao động 0,58 – 58,13 tấn/ha; cây bụi thảm tươi 0,34 – 1,99 tấn/ha; vật rơi rụng dao động từ 1,07 – 5,66 tấn/ha; trong đất rừng dao động trong khoảng 31,37 – 38,52 tấn/ha.
e. Rừng trồng Mỡ
Cấu trúc lượng carbon hấp thụ trong rừng Mỡ chủ yếu tập trung trong đất rừng trung bình 45,95% và trong tầng cây gỗ là 45,09%, tiếp đến là vật rơi rụng 3,58% và cây bụi thảm tươi 1,38%. Tổng lượng carbon hấp thụ trên một ha rừng trồng Mỡ dao động trong khoảng từ 55,93 – 112,40 tấn/ha. Tổng lượng carbon hấp thụ thay đổi theo cấp đất, ở cấp đất I tổng lượng carbon hấp thụ dao động từ 58,44 – 112,40 tấn/ha ứng với tuổi từ 6 đến 16; ở cấp đất II từ 57,38 – 83,39 tấn/ha ứng với tuổi từ 8 đến 14; ở cấp đất III từ 55,93 – 77,92 tấn/ha ứng với tuổi từ 8 đến 14; cấp đất IV dao động từ 56,26 – 61,03 tấn/ha ứng với tuổi từ 10 đến 18.
f. Rừng trồng Keo lá tràm
Cấu trúc lượng carbon hấp thụ trong rừng trồng Keo lá tràm chủ yếu tập trung trong đất rừng: chiếm 55,99%; tầng cây gỗ là 35,16 %; cây bụi thảm tươi 6,41%; thấp nhất là vật rơi rụng chỉ chiếm 2,44%. Lượng carbon hấp thụ trong tầng cây gỗ dao động khá mạnh theo các cấp đất, tuổi và mật độ khác nhau, từ 1,03 – 59,36 tấn/ha; cây bụi thảm tươi dao động từ 1,58 – 5,96 tấn/ha; vật rơi rụng dao động từ 0,46 – 2,55 tấn/ha; trong đất rừng dao động từ 23,17 – 30,77 tấn/ha. Tổng lượng carbon hấp thụ trong 1ha rừng trồng Keo lá tràm dao động trong khoảng từ 27,05 – 87,68 tấn/ha (trung bình là 51,91 tấn/ha).
g. Rừng trồng Thông ba lá: Lượng carbon hấp thụ lâm phần Thông ba lá tập trung chủ yếu vào tầng cây gỗ, chiếm tới 62,67%; tiếp đến là trong đất rừng chiếm 29,75%; vật rơi rụng chiếm 5,87%; thấp nhất là lượng carbon trong cây bụi thảm tươi, chỉ chiếm 2,11%.
h. Rừng trồng Keo tai tượng: Lượng carbon hấp thụ trong lâm phần Keo tai tượng biến động khá mạnh (68,19 tấn/ha – 120,94 tấn/ha) và phụ thuộc nhiều vào cấp đất. Lượng carbon nhiều nhất là ở trong đất rừng trung bình chiếm 44,47%, tiếp đến là tầng cây gỗ chiếm 41,41%, vật rơi rụng chiếm 5,98%; thấp nhất là cây bụi thảm tươi chiếm 3,74%.
3.2.2. Kết quả xây dựng mối quan hệ giữa lượng carbon hấp thụ của lâm phần với các nhân tố điều tra
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với cả 8 dạng rừng trồng, lượng carbon hấp thụ toàn lâm phần có mối quan hệ khá chặt chẽ với các nhân tố điều tra dễ xác định trong lâm phần như D1,3, Hvn, N và A. Các phương trình có hệ số tương quan cao và sai tiêu chuẩn thấp. Kiểm tra sai số của các phương trình bằng số liệu các ÔTC không tham gia tính toán cho thấy sai số <10%. Như vậy, có thể dựa vào các phương trình này để xác định nhanh khả năng hấp thụ carbon của từng dạng rừng trồng theo từng cấp đất hoặc chung cho các cấp đất dựa vào các nhân tố điều tra dễ xác định trong lâm phần.
3.3. Xác định giá trị thương mại carbon của 8 dạng rừng trồng
Giá trị thương mại carbon của cả 8 dạng rừng trên đều rất lớn và có sự giao động tương đối mạnh giữa các cấp tuổi và cấp đất khác nhau. Nhìn chung, trong cùng một cấp đất, giá trị thương mại carbon tăng dần khi tuổi rừng tăng lên; còn nếu xét trong cùng một cấp tuổi, cấp đất càng cao (đất càng xấu) thì giá trị này càng giảm. Tính trung bình giá trị thương mại CO2 chiếm từ 18,6 – 42,6% so với tổng giá trị mà rừng mang lại, trong đó loài Keo lai chiếm lớn nhất đạt 42,6%.
3.4. Xây dựng phần mềm dự báo lượng carbon hấp thụ và giá trị thương mại carbon của 8 dạng rừng trồng theo tuổi, cấp đất và mật độ hoặc dựa vào các nhân tố điều tra lâm phần
Đề tài đã xây dựng được phần mềm dự báo lượng carbon hấp thụ và giá trị carbon cho 8 loại rừng trồng thuần loài: Keo lai, Keo tai tượng, Keo lá tràm, Thông nhựa, Thông 3 lá, Thông mã vĩ, Mỡ, Bạch đàn urophylla theo tuổi, cấp đất và mật độ hoặc dựa vào các nhân tố điều tra lâm phần.
IV. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
4.1. Kết luận
– Cấu trúc tổng sinh khối lâm phần của cả 8 dạng rừng trồng đều tập trung chủ yếu ở tầng cây gỗ dao động từ 76,35% (Bạch đàn Urophylla, Keo lá tràm) đến 87,64% (Mỡ), tiếp đến là vật rơi rụng (trừ Thông mã vĩ và Thông nhựa, 2 loài này có sinh khối vật rơi rụng đạt tương ứng là 4,59% và 6,86% là thấp hơn so với sinh khối cây bụi thảm tươi đạt tương ứng là 9,64% và 8,69%) dao động từ 8,86% (Mỡ) đến 16,92% (Keo lá tràm) và thấp nhất là sinh khối tầng cây bụi thảm tươi dao động từ 3,5% (Mỡ) đến 9,64% (Thông mã vĩ). Tổng sinh khối của lâm phần phụ thuộc rất lớn vào cấp đất, tuổi, mật độ lâm phần,… Trong cùng một cấp đất, khi tuổi rừng tăng lên thì tổng sinh khối cũng có xu hướng tăng theo và trong cùng một tuổi thì tổng sinh khối của lâm phần có xu hướng giảm dần theo cấp đất. Ví dụ, đối với loài Thông nhựa, giai đoạn tuổi 5 – 30, tổng sinh khối lâm phần dao động từ 34,98 – 193,52 tấn/ha ở cấp đất I; 29,28 – 166,09 tấn/ha ở cấp đất II và 20,79 – 144,41 tấn/ha; loài Thông ba lá tính chung cho các cấp tuổi từ tuổi 5 đến 25, tổng sinh khối của lâm phần ở đất cấp II bằng 77% tổng sinh khối lâm phần ở đất cấp I; tổng sinh khối lâm phần của đất cấp III bằng 50%, sinh khối ở cấp đất IV bằng 31% và sinh khối ở cấp đất V chỉ bằng 22% sinh khối ở cấp đất I,…
– Cấu trúc lượng carbon hấp thụ của 8 dạng rừng trồng hình thành 2 nhóm loài rõ rệt: Nhóm loài cây có cấu trúc tổng lượng carbon hấp thụ tập trung chủ yếu trong tầng cây gỗ (gồm 3 loài Thông nhựa, Thông mã vĩ và Thông ba lá) có tỷ lệ lượng carbon trong lâm phần tập trung ở tầng cây gỗ dao động từ 48,17% (Thông nhựa) đến 62,67% (Thông ba lá), tiếp đến là lượng carbon tập trung trong đất rừng dao động từ 29,75% (Thông ba lá) đến 45,64% (Thông nhựa), lượng carbon trong tầng cây bụi thảm tươi và tầng vật rơi rụng chiếm tỷ lệ thấp dao động từ 2,11 – 5,87%. Nhóm loài thứ 2 bao gồm 5 loài còn lại là: Keo lai, Keo tai tượng, Bạch đàn Urophylla, Keo lá tràm và Mỡ thì cấu trúc lượng carbon trong lâm phần tập trung chủ yếu ở trong đất rừng dao động từ 44,47% (Keo tai tượng) đến 67,74% (Keo lai), tiếp đến là tầng cây gỗ 27,51% (Keo lai) đến 45,09% (Mỡ) và thấp nhất vẫn là cây bụi thảm tươi và vật rơi rụng chỉ chiếm 1,38 – 6,41% tổng lượng carbon của lâm phần. Tương tự như đối với sinh khối, tổng lượng carbon hấp thụ của lâm phần có xu hướng tăng dần theo tuổi và giảm dần theo cấp đất. Ví dụ, đối với loài Thông nhựa cùng một tuổi 20, ở cấp đất I: tổng lượng carbon hấp thụ là 157,21 tấn/ha, ở cấp đất II là 122,71 tấn/ha và giá trị này còn thấp hơn ở cấp đất III là 95,29 tấn/ha; ở cùng cấp đất I, lượng carbon hấp thụ của rừng Keo lai dao động từ 50,76 – 108,82 tấn/ha tương ứng với từ tuổi 1 đến tuổi 7,…
– Các phương trình quan hệ giữa tổng sinh khối, tổng lượng carbon hấp thụ đối với các nhân tố điều tra dễ đo đếm như: A, N, Hvn, D1,3 đều tồn tại với hệ số tương quan rất cao, sai tiêu chuẩn bé. Do vậy, có thể ứng dụng trong xác định nhanh sinh khối và khả năng hấp thụ carbon của từng dạng rừng trồng theo cấp đất hoặc chung cho các cấp đất dựa vào các nhân tố điều tra cơ bản trong lâm phần.
– Giá trị thương mại carbon của 8 loại rừng trồng đều rất lớn, chiếm từ 18,6 – 42,6% so với tổng giá trị mà rừng mang lại, trong đó loài Keo lai chiếm lớn nhất đạt 42,6%.
– Đề tài đã xây dựng được bảng tra, phần mềm dự báo lượng carbon hấp thụ và giá trị thương mại carbon của 8 dạng rừng trồng theo tuổi, cấp đất và mật độ hoặc dựa vào các nhân tố điều tra lâm phần.
4.2. Khuyến nghị
– Có thể ứng dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài và phần mềm dự báo sinh khối và lượng carbon hấp thụ vào công tác định giá một số loại rừng ở Việt Nam.
– Cần có những nghiên cứu cơ bản về đường carbon cơ sở cho các dạng rừng trồng ở nước ta.
– Cần có những nghiên cứu tiếp theo về xác định khả năng hấp thụ carbon của các dạng rừng trồng, đặc biệt là rừng ngập mặn ven biển, rừng tràm; các trạng thái rừng tự nhiên: rừng khộp, rừng tre nứa, rừng IIA, IIB,…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phạm Văn Điển (2004), Phương pháp xác định sinh khối và carbon tích luỹ của hệ sinh thái rừng, tài liệu giảng dạy chuyên môn hoá kỹ thuật lâm sinh, Đại học Lâm nghiệp.
- Phạm Xuân Hoàn (2005), Cơ chế phát triển sạch và cơ hội thương mại carbon trong Lâm nghiệp, NXB Nông nghiệp.
- Nguyễn Ngọc Lung, Nguyễn Tường Vân (2004), Thử nghiệm tính toán giá trị bằng tiền của rừng trồng trong cơ chế phát triển sạch, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số 12/2004.
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Thông báo kêu gọi đề xuất Dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng và phát triển thử nghiệm Việt Nam – Cộng hòa Séc
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ Hội nghị Quốc tế “Duy trì và phát triển rừng trồng các loài Keo trong tương lai” Tổ chức tại thành phố Huế, Việt Nam, 18 – 21 tháng 3 năm 2014
- Thông báo đăng ký phiên họp dành cho giới trẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á về Rừng
- Thông báo tuyển nghiên cứu sinh năm 2014