PGS.TS. Nguyễn Huy Sơn
TT Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ
1) Đặt vấn đề
Các loài Dó có khả năng sinh trầm trong thân cây được gọi là cây Dó trầm (Aquilarria spp.) hay cây Trầm hương, một số địa phương gọi là cây Tóc, sản phẩm thương mại thị gọi là Agarwood, Agar wood oil hoặc Eaglewood. Trong thân của những cây sống lâu năm thường có trầm hương hay kỳ nam, trầm hương là gỗ của cây dó tích tụ nhiều tinh dầu, là một loại hợp chất hóa học tự nhiên có nhiều công dụng được con người biết đến và sử dụng tự thời rất xa xưa. Trầm hương và tinh dầu trầm là một loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao.
Do nhu cầu sử dụng lớn nhưng chúng lại chỉ có phân bố tự nhiên và gây trồng được ở một số vùng sinh thái nhất định, đặc biệt quá trình hình thành trầm hương tự nhiên trong thân cây đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định trong khoảng thời gian khá dài, nên trầm hương có giá trị thương mại khá cao. Do giá trị kinh tế cao nên nhiều năm qua việc tìm kiếm trầm hương để khai thác diễn ra trên quy mô rộng và cường độ cao trong cả nước, đã có một thời gian dài loài cây này được xem như có nguy cơ bị tuyệt chủng và đưa vào sách đỏ. Tuy nhiên, khoảng 15 năm trở lại đây phong trào trồng cây dó trầm tự phát trong nhân dân ở nhiều địa phương trong cả nước phát triển khá mạnh. Việc nhân giống và gây trồng dó trầm hiện nay không phải vấn đề khó khăn, nhưng giống nào, loài nào có khả năng hình thành trầm? thời gian tác động tạo trầm, phương pháp tác động và chất lượng tạo trầm ra sao? tiêu thụ sản phẩm ở đâu?… thì vẫn còn là vấn đề cần làm sáng tỏ. Đặc biệt việc tạo trầm hiện nay còn có rất nhiều thông tin khác nhau về phương pháp và mức độ hình thành trầm cũng như chất lượng trầm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của cây dó trầm (trầm hương, tinh dầu, cây cảnh) cũng có nhiều thông tin trái ngược nhau, chưa có thị trường rõ ràng và Nhà nước cũng chưa kiểm soát được đầu ra của các mặt hàng này.
Vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát triển bền vững cây Dó trầm ở nước ta hiện nay là rất cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn sản xuất.
2) Nội dung và phương pháp nghiên cứu
2.1. Các nội dung nghiên cứu chính:
- Ø Đánh giá thực trạng sản xuất (trồng rừng) và khả năng tạo trầm của cây dó trầm hiện nay ở một số vùng sinh thái chủ yếu.
- Ø Nghiên cứu thử nghiệm một số biện pháp kỹ thuật tác động tạo trầm.
- Ø Nghiên cứu đánh giá chất lượng tinh dầu từ gỗ dó trầm và thị trường tiêu thụ.
- Ø Nghiên cứu bổ sung 1 số biện pháp kỹ thuật lâm sinh để nâng cao hiệu quả rừng trồng.
- Ø Nghiên cứu sử dụng tổng hợp cây dó trầm.
2.2. Phương pháp nghiên cứu:
- Ø Phương pháp nghiên cứu chung:
Sử dụng phương pháp điều tra khảo sát theo tuyến điển hình kết hợp với phương pháp điều tra phỏng vấn nhanh có sự tham gia của người dân, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để bố trí các thí nghiệm tại hiện trường theo phương pháp sinh thái thực nghiệm kết hợp với phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định các chỉ tiêu cần thiết. Các thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên, lặp lại 3 lần; dung lượng mẫu đo đếm sinh trưởng theo mẫu lớn (n = 32-49).
- Ø Các phương pháp nghiên cứu cụ thể:
Điều tra và khảo sát theo phương pháp ô tiêu chuẩn; phân loại thực vật theo phương pháp chuyên gia; điều tra đất và phân tích các chỉ tiêu lý hóa tính của đất theo phương pháp điều tra phẫu diện đất kết hợp phân tích trong phòng thí nghiệm chuyên nghiệp; nghiên cứu thử nghiệm một số chế phẩm kích cảm tạo trầm theo phương pháp sinh thái thực nghiệm; chưng cất tinh dầu theo phương pháp chưng cất nước; nghiên cứu đánh giá chất lượng tinh dầu theo phương pháp sắc ký khí – khối phổ (GC-MS); nghiên cứu và thu thập thông tin về thị trường theo phương pháp khảo sát và phỏng vấn kết hợp với tham khảo trên các trang web; nghiên cứu bổ sung một số đặc điểm sinh học và biện pháp kỹ thuật lâm sinh theo phương pháp sinh thái thực nghiệm…
3) Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Đánh giá thực trạng trồng rừng và khả năng tạo trầm trên cây dó trầm ở một số vùng sinh thái chủ yếu.
* Thực trạng trồng rừng: Vùng trọng điểm gây trồng dó trầm ở nước ta được xác định là Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Diện tích gây trồng dó trầm ở nước ta có khoảng từ 11.000 – 12.000ha, phần lớn được trồng phân tán hoặc hỗn giao trong các vườn hộ, vườn rừng với mật độ khoảng 500-700 cây/ha. Cây con chủ yếu được gieo ươm từ hạt. Mật độ trồng thuần loài từ 1.100-2.500 cây/ha, nhưng phổ biến là 1.660 cây/ha. Khả năng sinh trưởng của cây Dó bầu nhanh nhất ở Bình Phước, tiếp đến Quảng Nam, An Giang, chậm nhất ở Hà Tĩnh. Loài cây trồng chủ yếu ở các vùng sinh thái là cây Dó bầu (A. crassna).
* Thực trạng về khả năng tạo trầm:
– Chế phẩm kích cảm tạo trầm trong sản xuất và nghiên cứu hiện nay có 2 nhóm chính gồm: chế phẩm hóa học và chế phẩm sinh học; dù chế phẩm nào đều phải tác động cơ giới là khoan sâu vào thân cây từ 0,8mm – 1,0cm rồi mới đưa chế phẩm vào lỗ khoan. Nếu sử dụng hóa chất quá mạnh thì cây tác động sau 1 năm đều bị rỗng ruột, 1 số bị chết, chưa có chế phẩm nào cho kết quả vượt trội rõ ràng. Sử dụng chế phẩm sinh học thì phạm vi biến đổi màu sắc gỗ tuy hẹp nhưng cho kết quả rõ hơn chế phẩm hóa học.
– Đề tài khảo sát trên 30 mẫu gỗ dó trầm được thu thập từ các vùng sinh thái khác nhau với các biện pháp và chế phẩm kích cảm khác nhau. Bằng phương pháp chưng cất nước đã thu được 28 hỗn hợp chứa tinh dầu trầm. Kết quả cho thấy xung quanh vị trí tác động đã tích tụ hỗn hợp chứa tinh dầu cao hơn nơi không tác động. Trên cùng một cây, hàm lượng hỗn hợp chứa tinh dầu cao hơn nơi gỗ trắng khá rõ, gỗ ở đoạn thân gần gốc có hàm lượng tinh dầu cao hơn gỗ ở đoạn thân trên cao và cao hơn nhiều so với gỗ của rễ cây. Hàm lượng hỗn hợp chứa tinh dầu sau chưng cất chưa phải là tinh dầu, vì chúng chứa nhiều acid béo nên thường có dạng sáp đặc nên có giá trị thấp trên thị trường.
* Phân loại thực vật, xác định các loài/giống có khả năng sinh trầm:
– Hiện nay ở nước ta đã tìm thấy 4 loài dó có khả năng sinh trầm trong thân cây, bao gồm: Dó bầu (A. crassna), Dó bà nà (A. banaensis), Dó gạch (A. bailloni), và Dó quả nhăn (A. rugosa). Ngoài ra còn có thêm 2 loài dó khác nhưng chưa thu được mẫu vật. Phần lớn diện tích được trồng hiện nay là loài Dó bầu và một số diện tích rất nhỏ được trồng loài Dó quả nhăn ở Hòa Bình, Kon Tum, Bắc Giang và Quảng Ninh. Qua phân tích 2 loài này có khả năng sinh trầm cao hơn.
3.2. Kết quả thử nghiệm một số biện pháp tác động tạo trầm:
– Đề tài nghiên cứu với 12 công thức tác động tạo trầm trên cây Dó bầu ở Hương Sơn – Hà Tĩnh với 3 cấp tuổi khác nhau (6, 9 và 12 tuổi). Kết quả cho thấy hàm lượng hỗn hợp chứa tinh dầu trầm của những mẫu gỗ được kích cảm bằng các chế phẩm sinh học nhìn chung cao hơn chế phẩm hóa học và cao hơn mẫu đối chứng (không tác động), rõ nhất ở giai đoạn < 12 năm tuổi (trong phạm vi nghiên cứu từ 5 – 12 năm tuổi).
– Mô tả cấu tạo thô đại và hiển vi gỗ dó trầm: đề tài đã chọn 5 mẫu gỗ điển hình của 5 cây 12 năm tuổi được trồng tại Hà Tĩnh, trong đó có 3 mẫu gỗ ở 3 cây đã tác động và 2 mẫu gỗ chưa tác động. Kết quả cho thấy ở gỗ lành của cây Dó bầu đã bị tác động tạo trầm 12 tháng và gỗ của cây không tác động đều có cấu tạo thô đại giống nhau, nhưng có một số khác biệt giữa gỗ ở vùng bị tác động so với vùng gỗ lành của cùng một cây là màu sắc thì biến đổi sang màu xám đen, có đường ranh giới giữa hai vùng khá rõ rệt, gỗ có mùi thơm đặc trưng và nặng hơn phần gỗ lành nên có thể tạm gọi là gỗ đã nhiễm trầm. Còn cấu tạo hiển vi của gỗ bị tác động có nhiều đặc điểm khác biệt so với gỗ lành như gỗ bị tác động có màu sắc sẫm hơn, phần sẫm màu có thể chia làm 2 phần. Phần tiếp giáp với gỗ lành cứng hơn, các tế bào và mô đều có các chất chứa màu đen và có mùi thơm đặc trưng. Phần phía trong giáp với gỗ mục của lỗ khoan có chứa chất đã giảm đi rõ rệt, phần lớn vết vỏ và một phần tia gỗ hoặc tế bào trong tia gỗ có chứa chất màu đen, sợi gỗ không còn chất chứa và chỉ có số ít lỗ mạch gỗ còn chất chứa.
3.3. Chất lượng tinh dầu trầm và thị trường tiêu thụ:
– Thành phần hóa học của hỗn hợp chứa tinh dầu từ các mẫu gỗ dó trầm được tác động trong sản xuất ở các mức độ khác nhau, bằng phương pháp sắc ký khí – khối phổ (GC-MS) đã phân tích thành phần hóa học của 10/28 mẫu hỗn hợp chứa tinh dầu đã thu được, kết quả cho thấy thành phần hỗn hợp chứa tinh dầu có thể chia làm 3 nhóm chính: nhóm Sesquiterpene; nhóm các acid béo và dẫn xuất của chúng; nhóm các chất khác. Chất lượng tinh dầu phụ thuộc chủ yếu vào nhóm Sesquiterpene, số lượng hợp chất Sesquiterpene trong tinh dầu phụ thuộc vào tuổi cây và biện pháp tác động khá rõ, nhưng hàm lượng các hợp chất Sesquiterpene phụ thuộc vào tuổi cây chưa rõ mà chủ yếu phụ thuộc vào biện pháp và chế phẩm tác động (phạm vi cây ≤ 15 tuổi).
– Nghiên cứu hành phần hóa học của hỗn hợp chứa tinh dầu từ gỗ trên các cây Dó bầu ở 3 độ tuổi khác nhau (6, 9 và 12 tuổi) tại Hà Tĩnh. Kết quả cho thấy tác động tạo trầm ở giai đoạn 11 năm tuổi có kết quả rõ ràng hơn giai đoạn 5 và 8 năm tuổi, tác động tạo trầm bằng chế phẩm kể cả hóa học và sinh học đều có xu hướng làm cho hàm lượng tinh dầu cao hơn không tác động, chế phẩm sinh học của Sở KHCN Bình Phước kết hợp với phòng Bảo vệ thực vật rừng (Viện KHLN Việt Nam) cho hàm lượng Sesquiterpene cao nhất và hàm lượng acid béo thấp nhất. Nhóm các hợp chất Sesquiterpene trong tinh dầu chất lượng cao ở nước ngoài cũng có mặt trong thành phấn tinh dầu của cây Dó bầu trồng ở nước ta.
– Về thị trường các sản phẩm từ cây dó trầm: Kết quả điều tra và tham khảo tài liệu cho thấy thị trường nước ngoài từ tinh dầu đến nến, nhang và các sản phẩm thô khác đều khá rộng lớn, nhưng ngành thương mại nước ta chưa khai thác được hết tiềm năng thị trường của các mặt hàng này, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này còn nhiều hạn chế để tiếp cận với thị trường nước ngoài. Thị trường trong nước còn chưa rõ ràng, vẫn là thị trường “ngầm”. Tuy nhiên, các thông tin thu thập được đều là các thông tin thứ cấp đã được xử lý và được dẫn từ các trang web trên mạng nên độ tin cậy không cao.
3.4. Nghiên cứu bổ sung một số đặc điểm sinh thái và biện pháp kỹ thuật lâm sinh:
– Kết quả nghiên cứu về đặc điểm sinh thái và điều kiện gây trồng dó trầm:
* Đặc điểm lâm học quần thể: đề tài tiến hành điều tra vùng phân bố và đặc điểm quần thể tự nhiên của loài dó trầm. Kết quả điều tra cho thấy vùng phân bố tự nhiên của cây dó trầm khá rộng từ vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Thông qua tổ thành các loài cây ở tầng cao cũng như tầng dưới tán rừng cho thấy cây dó trầm có biên độ sinh thái khá rộng, chúng có thể sống được từ nơi đất khô cằn tầng mỏng cho đến đất sâu ẩm thường xuyên.
* Đặc điểm sinh thái: tiến hành điều tra đặc điểm khí hậu, đất đai nơi có quần thể dó trầm phân bố tự nhiên từ Bắc vào Nam (gồm 13 địa điểm). Kết quả điều tra và phân tích cho thấy có thể trồng cây dó trầm được ở các vùng này trên các loại đất phát triển trên các loại đá mẹ: phiến mica, đá vôi, đá phiến clorit, dăm kết tím, phiến thạch sét, đá granit/nai, riolit và sa thạch, tầng đất từ mỏng đến trung bình và đến rất dày, độ dốc từ 5 – 25 độ hoặc hơn. Những nơi có nhiệt độ bình quân năm từ 21-27,60C, lượng mưa trung bình năm tờ 1.444 – 3.850mm. Có thể trồng thuần loài hoặc hỗn loài với các loài cây lá rộng thường xanh như Trám trắng, Sồi phảng, Dẻ, Xoan đào, Xoan ta,….
* Đặc điểm sinh thái, sinh lý cây con trong giai đoạn vườn ươm: đề tài tiến hành thí nghiệm về chế độ che sáng (với 5 công thức che sáng khác nhau: 0%; 25%; 50%; 75% và 100%) và 4 công thức về hỗn hợp ruột bầu. Kết quả cho thấy cây con trong giai đoạn vườn ươm thích hợp với chế độ che sáng 50%, sau 6 tháng có thể giảm dần xuống 25% và trước khi xuất vườn từ 1 – 2 tháng có thể dỡ bỏ dàn che hoàn toàn để huấn luyện cây. Để tạo cây con có thể sử dụng hỗn hợp ruột bầu như sau: 90% đất tầng A + 8% phân chuồng hoai + 2% phân vi sinh hữu cơ hoặc 90% đất tầng A + 8% phân chuồng hoai + 2% NPK tổng hợp (tỷ lệ 5:10:3).
* Về đặc điểm vật hậu: đề tài tiến hành theo dõi ở rừng trồng từ 8 – 10 năm tuổi, ở 3 vùng sinh thái chính: Hà Nội, Quảng Nam và Kiên Giang; thời gian nghiên cứu từ tháng 10/2009 đến tháng 9/2010. Kết quả cho thấy thời điểm bắt đầu và kết thúc cũng như khoảng thời gian kéo dài của các pha vật hậu rất khác nhau, từ pha rụng lá, ra chồi, ra lá non, ra nụ, nở hoa, kết quả và quả chín. Điều đáng chú ý là các pha vật hậu thường bắt đầu và kết thúc sớm hơn ở khu vực Quảng Nam và muộn hơn ở Kiên Giang, mặc dù nhiệt độ bình quân năm tăng dần từ phía Bắc xuống phía Nam, nhưng lượng mưa và số ngày mưa lại cao nhất ở Quảng Nam, có lẽ đây là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này.
– Kết quả nghiên cứu nhân giống và khảo nghiệm xuất xứ:
* Nghiên cứu nhân giống: đề tài sử dụng 2 phương pháp nhân giống vô tính là giâm hom và nuôi cấy mô tế bào đối với cây 10 năm tuổi. Từ đó, kết hợp công nghệ mô hom có thể rút ngắn được cả thời gian, kinh phí và nhân công lao động so với thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Kết quả, đề tài đã xây dựng được 01 hướng dẫn kỹ thuật về nhân giống vô tính cây Dó bầu bằng công nghệ mô – hom.
* Nghiên cứu khảo nghiệm xuất xứ: các thí nghiệm được bố trí tại 4 địa điểm tương ứng với 4 vùng sinh thái chính: Quảng Ninh và Hà Nôi (vùng Đông Bắc Bộ); Hà Tĩnh (vùng Bắc Trung Bộ); Quảng Nam (Nam Trung Bộ). Căn cứ vào kết quả khảo nghiệm các loài/xuất xứ, sau 2 năm, bước đầu có thể xác định khu vực Đông Bắc Bộ nên chọn loài Dó bầu xuất xứ An Giang, Kiên Giang và Quảng Nam; loài Dó quả nhăn xuất xứ Quảng Ninh. Khu vực Hà Nội có thể chọn loài Dó bầu xuất xứ Kiên Giang; loài Dó quả nhăn xuất xứ Quảng Ninh. Khu vực Bắc Trung Bộ chọn loài Dó bầu xuất xứ Hà Tĩnh, Kiên Giang và An Giang. Khu vực Nam Trung Bộ chọn loài Dó bầu xuất xứ Quảng Nam và An Giang; loài Dó quả nhăn xuất xứ Quảng Ninh.
– Kết quả nghiên cứu bổ sung một số biện pháp kỹ thuật gây trồng: đề tài chỉ nghiên cứu bổ sung sự ảnh hưởng của phương pháp trồng dưới tán rừng có độ tàn che khác nhau, ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến khả năng sinh trưởng của cây Dó bầu với các xuất xứ tại chỗ ở mỗi vùng sinh thái. Kết quả cho thấy có thể trồng thuần loài nơi đất trống, mật độ từ 1.100-1.660 cây/ha, có thể trồng dưới tán rừng Thông ba lá hoặc Keo lai có độ tàn che <35%. Những nơi đất còn có tính chất rừng không cần thiết bón lót phân, những những nơi đất đã thoái hóa, không còn tính chất đất rừng cần bón lót 2–3kg phân chuồng hoai/hố hoặc 0,2kg NPK (5:10:3) hoặc 1kg phân hữu cơ vi sinh. Đề tài đã xây dựng được 01 bản hướng dẫn kỹ thuật gây trồng cây Dó bầu.
3.5. Kết quả nghiên cứu sử dụng tổng hợp gỗ cây Dó bầu:
– Tiềm năng bột giấy: căn cứ kết quả nghiên cứu về tỷ trọng gỗ, kích thước xơ sợị của gỗ, thành phần hóa học của gỗ cây Dó bầu, mức dùng kiềm trong quy trình nấu bột gỗ cây Dó bầu và một số tính chất cơ lý của bột sau nấu chưa tẩy trắng và sau tẩy trắng. Kết quả cho thấy ở giai đoạn 10 năm tuổi, tỷ trọng gỗ Dó bầu rất thấp, biến động từ 282,89-329,18kg/m3; hàm lượng xenluylô đều > 50%, tương đương hoặc cao hơn gỗ Keo lai và Keo tai tượng. Hiệu suất bột của gỗ Dó bầu sau khi tẩy trắng khá thấp. Độ trắng của bột khá cao, đạt từ 87,1 – 87,9%ISO; các chỉ số về độ bền cơ lý của bột rất thấp, chất lượng bột sau tẩy trắng chỉ đạt từ 60 – 86% so với bột của gỗ Keo lai. Tuy nhiên, gỗ Dó bầu có tiềm năng làm bột giấy khá tốt, dễ tẩy trắng, nhưng hiệu suất thấp. Để nâng cao chất lượng bột và các sản phẩm cần phải pha trộn với một số loại nguyên liệu sợi dài hơn như bột của các loài keo, bạch đàn, thông, luồng,…
– Tính chất vật lý và cơ học gỗ cây Dó bầu: Nghiên cứu đặc điểm về kích thước và khuyết tật của gỗ và tính chất vật lý gỗ cây Dó bầu 10 năm tuổi ở Hà Tĩnh. Kết quả cho thấy tất cả các chỉ số biểu thị tính chất của gỗ Dó bầu 10 năm tuổi đều rất thấp, đối chiếu với bảng phân loại tạm thời các loại gỗ đã được ban hành theo Quyết định số 2198/CNR ngày 26/11/1977 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN & PTNT) thì gỗ Dó bầu tương đương với nhóm VIII, áp dụng tiêu chuẩn “TCVN 1072-71. Gỗ – Phân nhóm theo tính chất cơ lý” thì gỗ Dó bầu cũng xếp vào nhóm VI, nhóm có khả năng chịu lực kém nhất. Như vậy, có thể khẳng định gỗ Dó bầu không thích hợp trong những trường hợp đòi hỏi phải có tính chịu lực cao như xây dựng, giao thông vận tải, đồ mộc gia dụng,…
4) Kết luận và đề nghị
* Kết luận
1. Thực trạng sản xuất cây Dó trầm ở nước ta tính đến hết năm 2009:
Diện tích gây trồng cây dó trầm ở nước ta tính đến hết năm 2009 có khoảng từ 11.000–12.000ha, chủ yêu là từ hạt. Phần lớn được trồng phân tán hoặc hỗn giao trong các vườn hộ hoặc vườn rừng với mật độ khoảng 500-700cây/ha, mật độ trồng thuần loài từ 1100-2500 cây/ha. Khả năng sinh trưởng của cây Dó bầu nhanh nhất ở Bình Phước, tiếp đến Quảng Nam và An Giang, chậm nhất ở Hà Tĩnh.
Chế phẩm kích cảm tạo trầm có 2 nhóm chính gồm chế phẩm hóa học và chế phẩm sinh học; dù chế phẩm nào đều phải tác động cơ giới khoan sâu vào thân cây rồi mới đưa chế phẩm vào lỗ khoan. Hầu hết các chế phẩm sinh học kết hợp với biện pháp cơ giới cho kết quả rõ hơn các chế phẩm hóa học, hàm lượng hỗn hợp chứa tinh dầu trong các mẫu gỗ được tác động có xu hướng cao hơn các mẫu gỗ không được tác động. Hàm lượng hỗn hợp chứa tinh dầu sau chưng cất chưa phải là tinh dầu, vì chúng chứa nhiều acid béo nên thường có dạng sáp đặc.
Hiện nay ở nước ta đã tìm thấy 4 loài dó có khả năng sinh trầm trong thân cây, bao gồm: Dó bầu (A. crassna), Dó bà nà (A. banaensis), Dó gạch (A. bailloni), và Dó quả nhăn (A. rugosa). Phần lớn diện tích được trồng hiện nay là loài Dó bầu và một số diện tích rất nhỏ được trồng loài Dó quả nhăn ở Hòa Bình, Kon Tum, Bắc Giang và Quảng Ninh.
2. Kết quả thử nghiệm một số biện pháp tác động tạo trầm
Hàm lượng hỗn hợp chứa tinh dầu trầm của những mẫu gỗ được kích cảm bằng các chế phẩm sinh học nhìn chung cao hơn chế phẩm hóa học, rõ nhất ở giai đoạn 12 năm tuổi.
Cấu tạo thô đại ở gỗ lành của cây Dó bầu đã bị tác động tạo trầm 12 tháng và gỗ của cây không tác động đều giống nhau, nhưng có một số khác biệt giữa gỗ ở vùng bị tác động so với vùng gỗ lành của cùng một cây là màu sắc thì biến đổi sang màu xám đen, có đường ranh giới giữa hai vùng khá rõ rệt, gỗ có mùi thơm đặc trưng và nặng hơn phần gỗ lành nên có thể tạm gọi là gỗ đã nhiễm trầm.
Cấu tạo hiển vi của gỗ bị tác động có nhiều đặc điểm khác biệt so với gỗ lành như gỗ bị tác động có màu sắc sẫm hơn, phần sẫm màu có thể chia làm 2 phần. Phần tiếp giáp với gỗ lành cứng hơn, các tế bào và mô đều có các chất chứa màu đen và có mùi thơm đặc trưng. Phần phía trong giáp với gỗ mục của lỗ khoan có chứa chất đã giảm đi rõ rệt, phần lớn vết vỏ và một phần tia gỗ hoặc tế bào trong tia gỗ có chứa chất màu đen, sợi gỗ không còn chất chứa và chỉ có số ít lỗ mạch gỗ còn chất chứa.
3. Chất lượng tinh dầu trầm và thị trường tiêu thụ:
Thành phần hỗn hợp chứa tinh dầu có thể chia làm 3 nhóm chính: Sesquiterpene; các acid béo và dẫn xuất của chúng; các chất khác. Chất lượng tinh dầu phụ thuộc chủ yếu vào nhóm Sesquiterpene, số lượng Sesquiterpene trong tinh dầu phụ thuộc vào tuổi cây và biện pháp tác động khá rõ, nhưng hàm lượng Sesquiterpene phụ thuộc vào tuổi cây chưa rõ (trong phạm vi cây ≤ 15 tuổi).
Tác động tạo trầm ở giai đoạn 11 năm tuổi có kết quả rõ ràng hơn giai đoạn 5 năm và 8 năm tuổi. Chế phẩm sinh học của Sở KHCN Bình Phước kêt hợp với phòng Bảo vệ thực vật rừng (Viện KHLN) cho hàm lượng Sesquiterpene cao nhất và hàm lượng acid béo thấp nhất.
Thị trường nước ngoài từ tinh dầu đến nến, nhang và các sản phẩm thô khác đều khá rộng lớn, nhưng ngành thương mại nước ta chưa khai thác được hết tiềm năng thị trường của các mặt hàng này, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh còn nhiều hạn chế để tiếp cận với thị trường nước ngoài.
4. Bổ sung một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh:
Điều kiện sinh thái cây con trong giai đoạn vườn ươm: thích hợp với chế độ che sáng 50%, sau 6 tháng có thể giảm dần xuống 25% và trước khi xuất vườn từ 1 – 2 tháng có thể dỡ bỏ dàn che hoàn toàn để huấn luyện cây. Để tạo cây con có thể sử dụng hỗn hợp ruột bầu như sau: 90% đất tầng A + 8% phân chuồng hoai + 2% phân vi sinh hữu cơ, hoặc 90% đất tầng A + 8% phân chuồng hoai + 2% NPK tổng hợp (tỷ lệ 5:10:3). Điều kiện gây trồng Dó bầu có thể trồng được ở các vùng trên các loại đất phát triển trên các loại đá mẹ: phiến mica, đá vôi, đá phiến clorit, dăm kết tím, phiến thạch sét, đá granit/nai, riolit và sa thạch, tầng đất từ mỏng đến trung bình và đến rất dày, độ dốc từ 5 – 25 độ hoặc hơn; nhiệt độ bình quân năm từ 21-27,60C; lượng mưa trung bình năm tờ 1.444–3.850mm. Có thể trồng thuần loài hoặc hỗn loài với các loài cây lá rộng thường xanh như Trám trắng, Sồi phảng, Dẻ, Xoan đào, Xoan ta,….
Thời điểm bắt đầu và kết thúc cũng như khoảng thời gian kéo dài của các pha vật hậu rất khác nhau, từ pha rụng lá, ra chồi, ra lá non, ra nụ, nở hoa, kết quả và quả chín. Điều đáng chú ý là các pha vật hậu thường bắt đầu và kết thúc sớm hơn ở Quảng Nam và muộn nhất ở Kiên Giang. Mặc dù nhiệt độ bình quân năm tăng dần từ phía Bắc vào phía Nam, nhưng lượng mưa và số ngày mưa lại cao nhất ở Quảng Nam.
Kết quả nghiên cứu bước đầu có thể xác định khu vực Đông Bắc Bộ nên chọn loài Dó bầu xuất xứ An Giang, Kiên Giang và Quảng Nam; loài Dó quả nhăn xuất xứ Quảng Ninh. Khu vực Hà Nội có thể chọn loài Dó bầu xuất xứ Kiên Giang; loài Dó quả nhăn xuất xứ Quảng Ninh. Khu vực Bắc Trung Bộ chọn loài Dó bầu xuất xứ Hà Tĩnh, Kiên Giang và An Giang. Khu vực Nam Trung Bộ chọn loài Dó bầu xuất xứ Quảng Nam, An Giang; loài Dó quả nhăn xuất xứ Quảng Ninh.
Kỹ thuật trồng: có thể trồng thuần loài nơi đất trống, mật độ từ 1.100-1.660 cây/ha, trồng dưới tán rừng Thông ba lá hoặc Keo lai có độ tàn che <35%. Ở nơi đất còn có tính chất rừng không cần thiết bón lót phân, những nơi đất đã thoái hóa, không còn tính chất đất rừng cần bón lót 2–3kg phân chuồng hoai/hố hoặc 0,2kg NPK (5:10:3) hoặc 1kg phân hữu cơ vi sinh.
5. Về sử dụng tổng hợp gỗ cây Dó trầm:
Tiềm năng làm bột giấy của gỗ Dó bầu khá cao, dễ tẩy trắng, nhưng hiệu suất bột sau tẩy trắng khá thấp, độ trắng của bột Dó bầu khá cao, đạt từ 87,1-87,9% ISO, các chỉ số về độ bền cơ lý của bột rất thấp, chất lượng bột sau tẩy trắng chỉ đạt 60-86% so với bột của gỗ keo lai. Để nâng cao chất lượng bột và các sản phẩm cần phải pha trộn với một số loại nguyên liệu sợi dài hơn như bột của các loài keo, bạch đàn, thông, luồng,…
Tất cả các chỉ số biểu thị tính chất của gỗ Dó bầu 10 năm tuổi đều rất thấp, đối chiếu với bảng phân loại tạm thời các loại gỗ đã được ban hành thì gỗ dó trầm tương đương với nhóm VIII hoặc nhóm VI (theo bảng phân loại tạm thời các loại gỗ đã được ban hành) nên gỗ dó trầm (kể cả ở tuổi cao hơn 10 năm tuổi) không thích hợp trong những trường hợp đòi hỏi phải có tính chịu lực cao như xây dựng, giao thông vận tải, đồ mộc giai dụng,…
* Tồn tại:
Do cây Dó trầm trong tự nhiên đã cạn kiệt, hầu hết chưa có hoặc không có trầm nên việc chọn giống theo khả năng hình thành trầm là rất hạn chế. Rừng trồng phần lớn là <15 tuổi, chưa có khả năng hình thành trầm nên việc chọn giống ở rừng trồng là chưa khả thi.
Cơ chế hình thành trầm trong thân cây là vấn đề đòi hỏi nhiều thời gian, kinh phí và công sức. Do thời gian nghiên cứu có hạn, các khảo nghiệm xuất xứ cũng như các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tác động vào rừng trồng, xác định giống cây cũng như chọn chế phẩm có khả năng tạo trầm chưa đủ thời gian để đánh giá, mới chỉ thu được kết quả bước đầu, ngay cả các nước tiên tiến trong khu vực cũng chưa có kết quả.
Do trầm hương và kỳ nam là những sản phẩm rất hiếm và giá thành sản phẩm cao nên rất khó mua được mẫu làm đối chứng, những so sánh về chất lượng cũng chỉ thông qua các tài liệu tham khảo, phần lớn trên các trang điện tử nên độ chính xác và độ tin cậy không cao.
Hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn về chất lượng tinh dầu trầm chính thức trên thị trường nước ngoài nên đánh giá chất lượng tinh dầu còn gặp nhiều khó khăn.
Vấn đề thị trường còn liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài cấp Bộ thì việc điều tra đánh giá thị trường nước ngoài và những cơ chế chính sách liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm thu từ cây dó trầm nhiều hạn chế.
5) Tài liệu tham khảo
- Lê Văn Thành (2007): Đánh giá thực trạng gây trồng Dó trầm ở các vùng sinh thái chính. Báo cáo chuyên đề thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát triển bền vững cây Dó trầm Aquilaria spp.”, Hà nội, 2007.
- Vũ Thị Hoàng Phương (2009): Đánh giá thực trạng khả năng tạ trầm bằng các phương pháp tác động khác nhau đã có trong sản xuất. Báo cáo chuyên đề thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát triển bền vững cây Dó trầm Aquilaria spp.” Hà nội, 2009.
- Phạm Ngọc Anh, Nguyễn Mạnh Hùng (2007): Nghiên cứu bổ sung một số đặc điểm sinh thái và điều kiện lập địa gây trồng thích hợp cho cây Dó trầm. Báo cáo chuyên đề thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát triển bền vững cây Dó trầm Aquilaria spp.”, Hà Nội, 2007.
- Viện Công nghiệp Giấy – Xenluylo (2010): Tiềm năng bột giấy tữ gỗ cây Dó trầm. Báo cáo chuyên đề thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát triển bền vững cây Dó trầm Aquilaria spp.”, Hà nội, 2010.
- Đỗ Văn Bản và các cộng sự (2009): Xác định tính chất vật lý và cơ học gỗ cây Dó trầm. Báo cáo chuyên đề thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát triển bền vững cây Dó trầm Aquilaria spp.”, Hà Nội, 2009.
- Nguyễn Thị Hiền (2009): Nghiên cứu bổ sung kỹ thuật nhân giống vô tính để phục vụ công tác cải thiện giống theo hướng tinh dầu. Báo cáo chuyên đề thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát triển bền vững cây Dó trầm Aquilaria spp.” Hà nội, 2009.
- Nguyễn Huy Sơn (2009): Kết quả nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật gây trồng và tạo trầm trên cây Dó trầm tại Thái Lan. Báo cáo chuyên đề thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát triển bền vững cây Dó trầm Aquilaria spp.” Hà nội, 2009.
- Đỗ Văn Bản (2010): Mô tả cấu tạo thô đại và hiển vi của gỗ cây dó trầm đã tác động và chưa tác động tạo trầm. Báo cáo chuyên đề thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát triển bền vững cây Dó trầm Aquilaria spp.” Hà nội, 2010.
- Hà Văn Năm (2010): Nghiên cứu đặc điểm vật hậu của cây dó trầm ở 4 vùng sinh thái Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Báo cáo chuyên đề thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát triển bền vững cây Dó trầm Aquilaria spp.” Hà Nội, 2010.
10.Nguyễn Xuân Quát, Nguyễn Huy Sơn, Lê Văn Thành (2009): Đặc điểm sinh thái cây Dó trầm ở Việt Nam. Báo cáo chuyên đề thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát triển bền vững cây Dó trầm Aquilaria spp.”. Hà Nội, 2009.
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Các tin khác
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật hỗn hợp dạng viên nén cho bạch đàn và thông trên các lập địa thoái hoá, nghèo chất dinh dưỡng
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu một số các biện pháp kỹ thuật trồng xà cừ lá nhỏ (Swietenia microphylla) cho năng suất cao nhằm cung cấp gỗ lớn trong vùng Đông Nam Bộ
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cải thiện môi trường tiểu khí hậu trong nhà giâm hom cây giống lâm nghiệp
- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn thăm mô hình sản xuất thử nghiệm 80ha Keo lai (Acacia hybrid) trồng trên liếp tại Cà Mau
- Báo cáo kết quả Dự án SXTN: Xây dựng mô hình sản xuất thử trồng rừng keo, bạch đàn bằng các giống có năng suất cao đã được công nhận