Vũ Tấn Phương và cs
1. Đặt vấn đề
Phát thải khí nhà kính (KNK), bao gồm các khí CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và CS6, trong đó chủ yếu là CO2 được coi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Nguồn gây phát thải KNK chủ yếu là do đốt cháy nguyên liệu hóa thạch (xăng, dầu, ..), khai thác khoáng sản và thay đổi sử dụng đất (chuyển đổi rừng sang các mục đích phi lâm nghiệp). Trong các nguồn gây phát thải thì việc phá rừng nhiệt đới và thay đổi sử dụng đất trong lâm nghiệp đóng góp tới 20% tổng phát thải KNK (IPCC 2007a).
Nhằm hạn chế BĐKH, Công ước khung của Liên hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã được thông qua vào năm 1994. Mục tiêu của Công ước này là nhằm cắt giảm phát thải KNK và tiến tới ngăn ngừa BĐKH. Để thực hiện được Công ước này, một trong những yêu cầu đối với tất cả các nước tham gia vào UNFCCC và Nghị định thư Kyoto là phải tiến hành kiểm kê KNK ở cấp độ Quốc gia. Các lĩnh vực kiểm kê KNK bao gồm: Năng lượng, quá trình công nghiệp, nông nghiệp, that đổi sử dụng đất và lâm nghịêp và quản lý chất thải.
Đến nay Việt Nam đã tiến hành 2 lần kiểm kê KNK, lần thứ nhất là kiểm kê KNK cho năm 1994 (báo cáo năm 2003) và lần kiểm kê thứ 2 cho năm 2000 (báo cáo vào năm 2010). Việc thực hiện kiểm kê KNK được thực hiện theo phương pháp quốc tế. Tuy nhiên trong lâm nghiệp, phương pháp của quốc tế chưa mang tính chi tiết và chưa hù hợp với Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện phương pháp kiểm kê KNK trong lâm nghiệp được đặt ra nhằm giải quyết thiếu hụt nêu trên.
2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu
2.1. Nội dung nghiên cứu
Các nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm:
- Phân tích các yêu cầu dữ liệu đầu vào và khoảng trống trong sử dụng phương pháp kiểm kê khí nhà kính của IPCC trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp;
- Xây dựng các thông số đầu vào (sinh khối, hệ số phát thải) cho kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp ở Việt Nam;
- Khảo sát kiểm chứng phương pháp xác định một số thông số đầu vào (sinh khối, hệ số phát thải) cho kiểm kê khí nhà kính;
- Hoàn thiện phương pháp, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và phần mềm kiểm kê khí nhà kính trong lâm nghiệp; và
- Đề xuất phương án giảm nhẹ khí nhà kính trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp; và
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Cách tiếp cận của đề tài và việc xây dựng phương pháp phải phù hợp với các hướng dẫn của quốc tế, nâng câo độ chính xác trong kiểm kê khí nhà kính và phù hợp với điều kiện của Việt Nam (về nguồn số liệu sẵn có và kinh phí). Các phương pháp thực hiện bao gồm:
- Phương pháp kế thừa:Sử dụng phương pháp kế thừa các tài liệu liên quan đến kiểm kê KNK trong lĩnh vực thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp nhằm phân tích, lựa chọn phương pháp, mô hình phù hợp. Đồng thời thống nhất các số liệu đầu vào cho kiểm kê KNK trong lĩnh vực thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp dựa trên các nguồn số liệu sẵn có.
- Phương pháp chuyên gia: Các chuyên gia sâu cho từng lĩnh vực gồm phân loại rừng; tăng trưởng rừng; sinh khối, các bon và đất rừng sẽ tập trung phân tích các số liệu hiện có để chuẩn hóa các dữ liệu đầu vào (phân loại rừng, sinh khối, hệ số phát thải) quy định cho kiểm kê KNK. Việc thống nhất các thông số này sẽ được lấy ý kiến rộng rãi thông qua các cuộc họp nhóm chuyên gia và hội thảo. Ngoài ra, các chuyên gia Quốc tế cũng sẽ được tham vấn trong quá trình hoàn thiện phương pháp, chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng phần mềm. Việc xác định các thông tin đầu vào cho kiểm kê khí nhà kính là tập trung xác định các hệ số phát thải (Emission Factors).
- Phương pháp thực nghiệm:Phương pháp thực nghiệm được áp dụng để kiểm chứng độ chính xác của các số liệu về sinh khối, tăng trưởng sinh khối và các hệ số phát thải. Với rừng trồng, sử dụng phương pháp chặt hạ và khoan tăng trưởng để kiểm tra độ chính xác của các số liệu về sinh khối rừng và tăng trưởng sinh khối; Với rừng tự nhiên, sử dụng phương pháp chặt hạ để đánh giá sinh khối rừng và tăng trưởng sinh khối.
- Ứng dụng tin học trong xây dựng phần mềm kiểm kê KNK: Trên cơ sở phương pháp, các dữ liệu sẵn có đã chuẩn hóa, hần mềm kiểm kê KNK sẽ được xây dựng. Phần mềm này sẽ được Cơ quan chuyên môn về lập trình xây dựng.
- Ứng dụng phần mềm COMAP: Sử dụng phần mềm COMAP để tính toán chi phí và lợi ích của các phương án giảm nhẹ khí nhà kính. Trên cơ sở đó xây dựng các phương án giảm nhẹ KNK
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Đề tài này mới chỉ tiến hành từ năm 2010 và sẽ kết thúc vào năm 2011. Do đó, trong báo cáo này, các kết quả trình bày dưới đây là kết quả thực hiện cho năm 2010, bao gồm: i) Phân tích dữ liệu đầu vào và khoảng trống cho kiểm kê KNK trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF); và ii) xây dựng yêu cầu dữ liệu thông số đầu vào cho kiểm kê KNK trong LULUCF. Dưới đây trình bày tóm tắt các nội dung trên.
3.1. Phân tích dữ liệu đầu vào và khoảng trống cho kiểm kê KNK trong LULUCF
Hiện nay việc thực hiện kiểm kê KNK của các quốc gia phải tuân theo các hướng dẫn của IPCC (IPCC GPG 2003). Tuỳ từng mức độ sẵn có của số liệu đầu vào mà mỗi quốc gia có thể lựa chọ cách tiếp cận (các tier) khác nhau. Việc chuyển từ “tier” thấp lên “tier” cao hơn liên quan chặt chẽ với mức độ phức tạp gia tăng, yêu cầu về dữ liệu và độ chính xác. Hướng dẫn kiểm kê của IPCC (2003, 2006) giới thiệu 3 tier, các tier này cho kết quả kiểm đếm từ mức độ tối thiểu tới mức độ tối đa của độ không chắc chắn trong kiểm đếm KNK. Nội dung cụ thể của các “tier” như sau:
- Tier 1: Là hướng dẫn đơn giản và cơ bản nhất và yêu cầu ít dữ liệu. Dữ liệu tính toán và các hệ số phát thải được lấy từ nguồn dữ liệu công bố toàn cầu như các báo cáo của FAO và các trang web. Dữ liệu tính toán mức độ quốc gia thường có sẵn nhưng nguồn dữ liệu về hệ số phát thải và hệ số loại bỏ KNK thì có giới hạn. Các nguồn dữ liệu toàn cầu hay dữ liệu vùng thường dưới dạng các giá trị trung bình tập hợp hoạc ở mức độ vĩ mô. Các nước sử dụng tier 1 thường sử dụng nguồn số liệu quốc gia về số liệu tính toán, hệ số mặc định phát thải và loại bỏ KNK theo hướng dẫn của IPCC hoặc cơ sở dữ liệu của FAO. Nhìn chung, sử dụng tier 1 để kiểm kê cacbon thì kết quả có độ không chắc chắn cao và độ chính xác thấp.
- Tier 2: Sử dụng phương pháp và các công thức giống như được sử dụng trong Tier 1, nhưng dữ liệu tính toán và các hệ số phát thải được lấy từ nguồn số liệu quốc gia. Tier 2 có thể sử dụng phương pháp tiếp cận giống như Tier 1 nhưng áp dụng hệ số thay đổi trữ lượng và phát thải được dựa trên dữ liệu vùng cụ thể hoặc quốc gia cụ thể của các phân loại sử dụng đất quan trọng nhất. Hệ số phát thải của mỗi quốc gia thì chính xác hơn so với hệ số chung của quốc tế khi kiểm kê các bon cho các vùng khí hậu, các hệ thống quản lý và sử dụng đất của một quốc gia. Các dữ liệu không gian và thời gian có độ phân giải cao hơn và có độ chi tiết hơn được chú trọng sử dụng trong Tier 2 để tương ứng với các hệ số quốc gia được xác định cho từng vùng cụ thể và các hệ thống sử dụng đất đặc biệt.
- Tier 3: Các phương pháp bậc cao hơn được sử dụng trong Tier 3, bao gồm cả các mô hình và hệ thống đo đếm kiểm kê được cải tiến để tập trung vào các trường hợp cụ thể ở mỗi nước, được lặp lại theo thời gian và được hỗ trợ bởi dữ liệu không gian có độ phân giải cao đã được chi tiết hoá ở cấp tỉnh hoặc vùng sinh thái. Phương pháp bậc cao này sẽ cho kết quả ước tính với độ chắc chắn cao hơn Tier 1 và Tier 2. Các hệ thống đo đếm kiểm kê có thể bao gồm hệ thống mẫu rộng khắp ngoài hiện trường được lặp lại định kỳ và hệ thống cấp tuổi, dữ liệu sản lượng, dữ liệu đất đai và dữ liệu hoạt động quản lý sử dụng đất kết hợp với một số mô hình giám sát. Một khu vực nơi có thay đổi sử dụng đất diễn ra có thể thường xuyên được theo dõi theo thời gian bằng việc sử dụng công nghệ viễn thám. Các mô hình nên trải qua việc kiểm tra độ chính xác, hiệu chỉnh và thẩm định và được sao lưu toàn bộ.
Trong LULUCF, việc kiểm kê KNK cần tiến hành cho các đối tượng sau:
- Các diện tích rừng vẫn duy trì là rừng;
- Các diện đất không có rừng chuyển đổi sang đất có rừng;
- Các diện tích rừng bị tác động (cháy rừng, khai thác gỗ, củi);
- Phát thải từ đất rừng.
Để thực hiện kiểm kê KNK trong lâm nghiệp cần 2 loại dữ liệu, đó là:
- Số liệu hoạt động (activity data): là số liệu về diện tích các loại hình sử dụng đất khác nhau trong lâm nghiệp như diện tích các loại rừng (rừng thường xanh, rừng bán thường xanh, rừng ngập mặn, rừng rụng lá, …vv). Tuỳ từng mỗi quốc gia mà hệ thống phân chia các loại hình sử dụng đất lâm nghiệp có thể khác khác nhau để phù hợp với hệ thống phân loại và đặc điểm tự nhiên của quốc gia. Đối với Việt Nam, các dữ liệu này là tương đối đầy đủ và thường xuyên được cập nhật.
- Hệ số phát thải (Emission factors): Hệ số phát thải chính là sinh khối, tăng trưởng sinh khối, trữ lượng các bon của các loại hình sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê. Đó là trữ lượng các bon của loại rừng (ví dụ rừng lá rộng thường xanh, rừng khộp, rừng trồng, đất trống cây bụi, vv.). Tuy nhiên các số liệu này còn phân tán ở một số công trình nghiên cứu và chưa được tập hợp một cách có hệ thống.
Như vậy, các khoảng trống lớn trong thực hiện kiểm kê KNK trong lâm nghiệp hiện nay là:
- Thiếu các dữ liệu về hệ số phát thải, đó là số liệu về sinh khối, tăng trưởng sinh khối, trữ lượng các bon của từng kiểu rừng, đặc bịêt là rừng tự nhiên; không có các dữ liệu về sinh khối theo các vùng sinh thái khác nhau.
- Việc phân chia các kiểu rừng mới tập trung ở mức độ nghiên cứu. Các số lịêu thống kê về diễn biến diện tích theo kiểu rừng chưa được đề cập một cách chính thống trong hệ thống thống kê quốc gia và ngành.
- Các số liệu về các bon đất cũng rất thiếu và chưa mang tính hệ thống.
3.2. Xây dựng dữ liệu đầu vào cho kiểm kê KNK trong LULUCF
Việc xây dựng dữ liệu đầu vào cho kiểm kê KNK trong lâm nghiệp được thực hiện dựa trên các nghiên cứu đã và đánh giá của chuyên gia. Các số liệu này được tổng hợp trên quan điểm tận dụng tối đa các kết quả nghiên cứu đã có để đưa ra số liệu trung bình về hệ số phát thải. Các kết quả đạt được đến nay gồm:
- Số liệu về sinh khối và tăng trưởng sinh khối bình quân năm và trữ lượng các bon cho một số loại rừng trồng: keo lai, keo lá tràm, keo tai tượng, bạch đàn urophylla, thông mã vĩ, thông nhựa, thông ba lá, mỡ.
- Số liệu về sinh khối, tăng trưởng sinh khối một số loại rừng tự nhiên (rừng gỗ tự nhiên) theo các trạng thái rừng (rừng giàu, trung bình, nghèo, phục hồi). Ngoài ra một số số liệu nghiên cứu về sinh khối và trữ lượng các bon của rừng ngập mặn cũng được tổng hợp;
- Số liệu về sinh khối, trữ lượng các bon của một số loại thảm thực vật không phải là rừng như cỏ tranh, lau lách, cây bụi.
4. Kết luận và đề nghị
Từ kết quả nghiên cứu năm 2010 đưa ra một số kết luận sau:
- Việc kiểm kê KNK có thể thực hiện theo 3 cách tiếp cận (tier) khác nhau, từ tier1 đến tier 3 và mức độ phức tạp cũng tăng dần. Hai nguồn số liệu cần thiết để thực hiện kiểm kê KNK là số liệu hoạt động và hệ số phát thải;
- Việc thực hiện kiểm kê KNK trong lâm nghiệp còn nhiều hạn chế do thiếu các số lịêu về hệ số phát thải, đó là sinh khối, tăng trưởng sinh khối, trữ lượng các bon của các loại hình sử dụng đất lâm nghiệp (rừng tự nhiên, rừng trồng, đất trống cây bụi);
- Các số liệu về sinh khối, tăng trưởng sinh khối của các nghiên cứu trong nước đã được tổng hợp và xây dựng số liệu đầu vào cho kiểm kê KNK. Các số liệu này bao gồm sinh khối của một số loại rừng trồng và rừng tự nhiên.
Để thực việc hiện đề tài đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, Đề tài có một số đề nghị sau:
- Cho phép tiếp cận và sử dụng các nguồn dữ liệu liên quan đến số liệu tăng trưởng rừng tự nhiên trong hệ thống các ô nghiên định vị, các dữ liệu về bản đồ phân chia thảm thực vật rừng.
Tài liệu tham khảo
Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2003. Thông báo Quốc gia lần I trong Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu. Bộ TN&MT, Hà Nội.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường, 2008. Báo cáo hội thảo “Việt Nam: chuẩn bị Thông báo Quốc gia lần II cho Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu”. Bộ TN&MT, Hà Nội.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường, 2010. Thông báo Quốc gia lần 2 trong Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu. Bộ TN&MT, Hà Nội.
IPCC, 2003. Good practice Guidance for land use, land-use change and forestry. Institute of Global Environmental Strategies, Hayama, Japan.
IPCC, 2006. Guidelines for national greenhouse gas inventories. Vol. 4, Agriculture, forestry and other land use (AFLOLU). Institute for Global Environmental Strategies, Hayama, Japan.
IPCC, 2007a. Climate change 2007: Working Group I, Fourth Assessment Report, Technical Summary, Geneva, Switzerland
IPCC, 2007b. Climate change 2007: Working Group II, Climate change Impacts, Adaptation and Vulnerability, Technical Summary, Geneva, Switzerland.
IPCC, 2007c. Climate change 2007: Working Group III, Mitigation of Climate Change, Technical Summary, Intergovernmental Panel on Climate Change, Geneva, Switzerland.
United Nations, 1992. United Nations Framework Convention on Climate change (UNFCCC).
Vũ Tấn Phương và cs, 2008. Phân tích độ không chắc chắn về kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp. Bộ tài nguyên và Môi trường, Hà Nội.
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Báo cáo kết quả đề tài: Khảo nghiệm và xây dựng mô hình trồng rừng keo lai, bạch đàn, thông caribeae, xoan cung cấp gỗ lớn tại Tây Nguyên
- Báo cáo tóm tắt kết quả đề tài: Nghiên cứu chọn giống và biện pháp kỹ thuật trồng rừng Sở thâm canh cho vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc trung bộ
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu lựa chọn thiết bị và hoàn thiện công nghệ sử dụng cơ giới hoá để phục vụ trồng rừng thâm canh trên một số vùng kinh tế lâm nghiệp trọng điểm
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu một số yếu tố công nghệ để sản xuất sản phẩm mặt ghế cong hai chiều từ cót đan và ván bóc gỗ trám hồng bằng phương pháp ép đinh hình gia nhiệt điện cao tần
- Báo cáo kết quả đề tài: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng các loài cây bản địa vùng Trung tâm Bắc bộ