Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp

Quyết định thành lập, chức năng nhiệm vụ

Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Institute of Forest Tree Improvement and Biotechnology) trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng và Trung tâm Công nghệ sinh học Lâm nghiệp theo Quyết định số 3128/QĐ-BNN-TCCB, ngày 13/12/2012 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

 Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của đơn vị gồm: Ban lãnh đạo Viện và 06 đơn vị trực thuộc. Tổng số viên chức, lao động hợp đồng là: 64 người, trong đó có 07 Tiến Sỹ, 20 Thạc sỹ, 26 kỹ sư, 11 nhân viên kỹ thuật.

– Ban lãnh đạo Viện gồm:

Viện trưởng: TS. Nguyễn Đức Kiên

Phó Viện trưởng: TS. Nguyễn Hữu Sỹ, TS. Đỗ Hữu Sơn.

TT Các đơn vị trực thuộc Trưởng/phó đơn vị
1 Văn phòng Viện ThS. Nguyễn Quốc Toản
2 Bộ môn Di truyền và Chọn tạo giống ThS. Ngô Văn Chính
3 Bộ môn Công nghệ tế bào thực vật TS. Mai Thị Phương Thúy
4 Bộ môn Sinh học phân tử TS. Lê Sơn
5 Bộ môn Bảo tồn và Phát triển nguồn gen cây lâm nghiệp TS. La Ánh Dương
6 Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao giống cây rừng ThS. Cấn Thị Lan

 Lĩnh vực hoạt động chính

  1. Nghiên cứu cơ bản có định hướng và nghiên cứu ứng dụng tổng hợp về giống và CNSH lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
  2. Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế, kỹ thuật về giống và công nghệ sinh học theo nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.
  3. Tham gia đào tạo tiến sĩ, liên kết đào tạo thạc sĩ, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực giống, bảo tồn nguồn gen, công nghệ sinh học lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
  4. Hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp.
  5. Thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ; chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ sản xuất; triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học về giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
  6. Tổ chức sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ phù hợp với lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Viện theo quy định của pháp luật.
  7. Tư vấn lập dự án; tư vấn giám định, giám sát, thẩm tra; tư vấn thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán các chương trình, dự án đầu tư, công trình xây dựng về giống và CNSH lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

Cơ sở vật chất

Viện có 1 phòng thí nghiệm sinh học phân tử, 1 phòng thí nghiệm về công nghệ tế bào và 1 phòng thí nghiệm về sinh học hạt phấn và hạt giống với trang thiết bị đầy đủ, hiện đại. Tại Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao giống cây rừng có 215 ha rừng và đất rừng phục vụ nghiên cứu, 01 xưởng nuôi cấy mô với công suất 3 triệu cây/năm và hệ thống vườn ươm với tổng diện tích 20.000 m2.

Những thành tích đã đạt được

– Chủ trì thực hiện 23 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 34 nhiệm vụ cấp Bộ, 19 TCVN, 4 nhiệm vụ cấp tỉnh/cơ sở, tham gia thực hiện 23 dự án hợp tác quốc tế.

– Xây dựng được hơn 200 ha vườn giống các loài keo, bạch đàn và Thông trên cả nước và đã được Bộ NN&PTNT công nhận 38 vườn giống là nguồn giống Quốc gia. Chọn tạo và công nhận giống Quốc gia và giống TBKT cho 158 giống các loài keo, bạch đàn, thông, Mắc ca, …. Năm 2012 và năm 2018 Viện đã được tặng thưởng Giải bông lúa vàng Việt Nam cho các giống Keo lai và Bạch đàn lai.

– Xây dựng thành công các quy trình nhân giống bằng công nghệ mô-hom cho các giống được công nhận, 05 tiến bộ kỹ thuật, 13 tiêu chuẩn Việt Nam và 01 giải pháp hữu ích.

– Chuyển giao giống gốc và đào tạo, tập huấn về nghiên cứu cải thiện giống, công nghệ nhân giống bằng kỹ thuật mô-hom đối với keo và bạch đàn cho trên 30 cơ sở sản xuất và nghiên cứu trong và ngoài nước.

– Công bố 64 bài báo quốc tế, 250 bài báo trong nước và 14 cuốn sách chuyên khảo về nghiên cứu cải thiện giống và bảo tồn nguồn gen cây rừng. Viện đã tham gia đào tạo 18 Tiến sỹ, liên kết đào tạo trên 30 Thạc sỹ, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Giống, Bảo tồn nguồn gen, CNSH lâm nghiệp.

– Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế lần thứ ba về Phi lao (tại Đà Nẵng, 1996), Hội thảo quốc tế lần thứ ba về các loài Keo (tại Hà Nội, 1997), Hội thảo quốc tế IUFRO về Keo (tại Huế, năm 2014).

Các hình thức khen thưởng đạt được:

Huân chương lao động hạng ba (năm 1996) và hạng hai (năm 2001); Giải thưởng VIFOTEC (năm 1999); Bằng khen của Thủ tướng (năm 2011); Cờ thi đua Chính phủ (năm 2020); Bằng khen của Bộ trưởng (năm 2010, 2016, 2017, 2019). Ngoài ra, các tập thể và cá nhân trong Viện được tặng nhiều giải thưởng và bằng khen của Chính phủ, của Bộ NN&PTNT và một số tổ chức quốc tế.

Định hướng phát triển

– Tiếp tục thực hiện có điều chỉnh chiến lược nghiên cứu cải thiện giống các loài cây trồng rừng chủ lực; chú trọng công tác chọn giống phục vụ trồng rừng gỗ lớn, giống cho vùng cao, giống cho vùng cát khô hạn, giống cây ngập mặn, giống cây lấy gỗ bản địa và cây lâm sản ngoài gỗ.

– Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử, công nghệ gen, đa bội thể kết hợp với chọn tạo giống truyền thống nhằm rút ngắn thời gian chọn giống, tăng cường hiệu quả chọn lọc và tạo ra những giống mới có những đặc tính ưu việt, đặc biệt là tính chất gỗ, khả năng chống chịu sâu bệnh hại và điều kiện môi trường bất lợi.

– Chú trọng công tác quảng bá, thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu của Viện với các tổ chức trồng rừng trong nước và quốc tế.

– Từng bước hoàn chỉnh bộ máy, tổ chức hợp lý các bộ phận nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu. Duy trì và phát triển hợp tác với các đối tác hiện có và tìm kiếm các đối tác phù hợp với chiến lược phát triển của Viện.

 Địa chỉ liên hệ:           Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Website: http:www.iftib.vn         E-mail: iftib@vafs.gov.vn        Điện thoại: (+84) 24.3838 9813

[logo-slider]