Quy trình vi nhân giống quy mô công nghiệp cho 3 giống Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98

THÔNG TIN CHUNG

  • Công nhận tại Quyết định số 756/QĐ-BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 22 tháng 2 năm 2021.
  • Tác giả: Cấn Thị Lan, Đỗ Hữu Sơn, Nguyễn Thị Thu Dung, Kiều Thị Hà, Triệu Thị Thu Hà và cộng sự.
NỘI DUNG CHÍNH

1. Khử trùng mẫu

  • Khi chồi vượt đạt 15 – 20 cm, cắt đoạn chồi dài 10 – 15 cm (bỏ ngọn) để làm vật liệu nuôi cấy mô. Vật liệu cần được bảo quản tránh mất nước. Thời gian cắt vật liệu vào đầu buổi sáng những ngày trời nắng ráo.
  • Khử trùng vật liệu:
  • Cắt bỏ lá, rửa vật liệu dưới vòi nước chảy bằng chổi lông mềm
  • Rửa vật liệu bằng nước rửa chén bát, rửa lại dưới vòi nước chảy, và tráng qua nước cất vô trùng.
  • Lắc cồn 70 % trong 30 – 60 giây, sau đó tráng bằng nước cất 2 – 3 lần
  • Ngâm vật liệu trong dung dịch Javen nồng độ 5 % với thời gian 10 – 15 phút, sau đó rửa sạch bằng nước cất vô trùng.
  • Sau khi khử trùng, dùng panh và dao cắt vật liệu thành các đoạn mẫu dài 2 – 4 cm, có chứa ít nhất 1 mắt ngủ, cắm các đoạn mẫu vào môi trường tái sinh chồi ban đầu: MS* + 30 g/l Đường sucrose + Các chất phụ gia
  • Vật liệu sau khi khử trùng được cấy vào môi trường theo phương thẳng đứng.
  • Sau khi vật liệu đã bật những chồi, khoảng 30 – 35 ngày đạt chiều cao từ 1,5 cm trở lên thì cắt chồi và cấy vào môi trường nhân nhanh chồi.

2. Nhân nhanh chồi

  • Dùng dao hoặc kéo tách thành cụm (5 – 7 chồi), cắm cụm chồi ngập 3 – 5 mm môi trường theo phương thẳng. Loại bỏ mẫu nhiễm mỗi lần cấy chuyển.
  • Môi trường: MS* + 1,0 mg/l BAP + 30 mg/l Ads + 30 g/l Đường sucrose + Vitamin + Các chất phụ gia (4 chu kỳ)
  • Từ chu kỳ cấy tiếp, chuyển sang môi trường: MS* + 1,0 mg/l BAP + 30 g/l Đường sucrose + Vitamin + Các chất phụ gia (4 chu kỳ)
  • Thời gian cấy chuyển: 20 ngày/chu kỳ
  • Chỉ cấy chuyển 8 – 10 chu kỳ, sau đó phải thay mẫu mới phục tráng.

3. Nâng cao chất lượng chồi

  • Dùng dao hoặc kéo tách thành cụm nhỏ (3 – 5 chồi), cắm cụm chồi ngập 3 – 5 mm môi trường theo phương thẳng.
  • Môi trường: MS* + 0,5 mg/l BAP + 1,5 g/l Than hoạt tính + 30 g/l Đường sucrose + Vitamin + Các chất phụ gia
  • Thời gian cấy chuyển: 20 ngày/chu kỳ
  • Số chu kỳ cấy chuyển trước khi tiến hành ra rễ in vitro: 1 chu kỳ.

4. Ra rễ

  • Tiêu chuẩn chọn chồi để cấy ra rễ in vitro là chồi hữu hiệu có chiều cao trung bình 1,5 cm trở lên; có từ 2 đốt lá trở lên; chồi cứng cáp, thẳng; lá mở, xanh.
  • Cấy đơn chồi, cắm chân chồi ngập 3-5 mm môi trường theo phương thẳng.
  • Môi trường: 1/2MS* + 1,5 mg/l IBA + 1,0 g/l Than hoạt tính + 15 g/l Đường sucrose + Vitamin + Các chất phụ gia
  • Thời gian xuất hiện rễ: 7 ngày; sau 15 ngày rễ phát triển hoàn chỉnh.
  • Các bình cây ra rễ hoàn chỉnh được huấn luyện trong nhà lưới 6 ngày.

5. Chăm sóc cây con tại vườn ươm

  • Cây con đã ra rễ in vitro sau khi huấn luyện 6 ngày sẽ được cấy vào bầu đất.
  • Cây giống và bầu đất cần được xử lý bằng dung dịch chống nấm. Tách từng cây và cắm vào giá thể. Thành phần giá thể: 42% than trấu + 43% xơ dừa + 15% than bùn). (sử dụng với vỏ bầu tự hủy). Chế độ chăm sóc như sau:
  • Che sáng: 7 – 10 ngày sau che 70% và 7 ngày kế tiếp che 50%, sau đó bỏ hoàn toàn lưới che.
  • Tưới nước: 12 ngày đầu dùng bình phun hay dàn phun sương tưới 4 – 5 lần/ngày (lưu ý: không để bầu đất bị úng, lượng tưới và số lần tưới thay đổi theo điều kiện thời tiết), khi cây ổn định số lần tưới giảm dần.
  • Bón phân: Sau 20 ngày, tưới thúc bằng hỗn hợp NPK ( 13:13:13 TE) 1% với 100l/ 20.000 cây 15 ngày tưới 1 lần (tưới vào lúc trời râm mát), sau đó tưới rửa lại bằng nước sạch. Định kỳ 10 ngày tưới thúc 1 lần đến khi chiều cao cây đạt từ 15 – 20 cm thì ngừng tưới.
  • Làm cỏ phá váng và làm sạch rãnh luống (25 – 30 ngày/ lần).
  • Đảo bầu, bấm tỉa chồi bất định (chỉ để một chồi ngọn phát triển tốt), và cắt bỏ 1/3 phiến lá sau 1,5 – 2,0 tháng và trước khi xuất vườn, loại bỏ cây bị chết, cây sinh trưởng kém.
ĐỊA ĐIỂM ỨNG DỤNG

Công ty TNHH Lâm Nghiệp Quy Nhơn (tỉnh Bình Định); Công yy Cổ phần giống Lâm Nghiệp Vùng Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh); Công ty TNHH giống cây trồng Nông Lâm nghiệp Nam Việt (Quảng Bình).

ĐIỀU KIỆN ỨNG DỤNG

Tiến bộ kỹ thuật này phù hợp và có thể áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn giống và nhân lực nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô.

[logo-slider]