THÔNG TIN CHUNG |
- Công nhận tại Quyết định 74/QĐ-TCLN-KH&HTQT của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 13 tháng 4 năm 2021.
- Tác giả: Cấn Thị Lan, Trịnh Văn Hiệu, Nguyễn Thị Thu Dung, Nguyễn Đình Hải, Hoàng Thanh Thiện.
NỘI DUNG CHÍNH |
1. Quản lý vườn vật liệu
a) Địa điểm xây dựng vườn vật liệu
Lựa chọn nơi có địa hình bằng phẳng (độ dốc ≤ 50); gần khu nhân giống; tầng đất dày ≥ 50 cm; thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình, thoát nước nhanh; nguồn nước cách vườn tối đa 50 m, độ pH 6- 7, nước ngọt.
b) Trồng và chăm sóc cây
- Tiêu chuẩn cây con đem trồng: chiều cao đạt 30–40 cm, đường kính gốc đạt 0,3–0,5 cm.
- Khoảng cách trồng: 0,5 m x 0,5 m (hàng cách hàng 0,5 m; cây cách cây trong hàng 0,5 m). Các biến chủng được trồng theo luống riêng rẽ, có sơ đồ rõ ràng.
- Lên luống cao 15–20 cm, bề mặt luống rộng 0,8 m, đào hố kích thước 30x30x30 cm. khoảng cách giữa hai luống 30 cm; bổ sung vào hố trồng mùn đất dưới tán rừng thông 0,5 kg mỗi hố. Bón lót 2kg phân hữu cơ + 0,2 kg phân phốt pho super lân (P205: 15–17%) trên 1 hố.
- Trồng cây, định kỳ làm cỏ xung quanh gốc cho vườn vật liệu;
- Trồng dặm, cắt tỉa tạo hom;
- Tưới nước: tuỳ theo điều kiện của thời tiết khoảng 1 tuần tưới cho cây ở vườn vật liệu 1-2 lần, lượng nước tưới 5-6 l/m2 vườn vật liệu.
- Che sáng 25% vào mùa hè và tưới nước hàng ngày
- Bón thúc 1 kg phân chuồng hoai/hố
- Một năm chỉ đốn tạo tán 2 lần vào đầu mùa đông và cuối xuân (xử lý các hom sát thân cây và cắt ngọn chính).
c) Cắt tạo chồi cây
- Khi cây cao 40- 50cm thì cắt ngọn ở độ cao 30 cm để tạo chồi vượt. Dùng kéo sắc cắt ngọn, cắt vát 1 góc 450 tránh làm đọng nước trên thân cây gây thối ngọn cây. Duy trì độ cao 30cm cho các cây ở vườn vật liệu để tăng tính trẻ hóa của thân và khả năng bật chồi mới.
- Khi chồi vượt dài 10-30 cm thì cắt hom từ chồi vượt, sau đó cứ 45- 55 ngày thì cắt hom một lần. Chỉ cắt hom vào những ngày râm mát.
- Khi cắt hom chú ý để lại 5-7 cm của hom để tạo chồi cho lần cắt sau
- Sau lần cắt hom cuối cùng trong năm phải cắt tỉa tán, dọn cỏ dại, chăm sóc cho vườn vật liệu để chuẩn bị nguồn hom năm sau đạt sản lượng và chất lượng cao.
2. Quản lý hom giâm
a) Chọn và cắt hom
- Hom dùng để làm vật liệu giâm là hom cấp 1 từ các cây 2 tuổi, hom dài 10- 15 cm, các cụm lá dài 3- 4 cm, không bị sâu bệnh.
- Dùng kéo hoặc dao sắc cắt các hom đủ tiêu chuẩn theo tiết diện ngang, không để hom bị dập nát.
- Cắt hom vào buổi sáng, hom đã cắt phải bảo quản nơi râm mát và được giâm hom trong ngày.
b) Xử lý hom
Hom đã cắt được ngâm vào dung dịch chống nấm Anvil 5SC nồng độ 0,3% (3ml pha với 1 lít nước) trong thời gian 15 phút sau đó vớt hom ra khay cho ráo nước. Khi giâm hom, chấm gốc hom vào dung dịch NAA nồng độ 1.500ppm sao cho gốc hom ngập trong dung dịch từ 2-3 cm trong thời gian 5 phút sau đó cấy vào luống giâm hom.
c) Giâm hom
- Giá thể giâm hom là cát vàng (Trước khi cấy hom 2-3 ngày, cát vàng sạch cần được phơi khô và sàng mịn, đổ trên nền bê tông của luống với độ dày 10-15 cm). Giá thể giâm hom phải được xử lý thuốc chống nấm Anvil 5SC nồng độ 0,3% (3ml pha với 1 lít nước) phun đều trên toàn bộ mặt luống để giảm thiểu nguy cơ của nấm bệnh, trước khi cấy hom cần tưới đủ ẩm.
- Hom được cắm đứng sâu khoảng 2-3 cm theo khoảng cách cây cách cây 5 cm, hàng cách hàng 10 cm. Đậy nilon trắng lên vòm che toàn bộ luống giâm hom nhằm giữ nhiệt và ẩm cho hom giâm.
- Mùa giâm hom thích hợp là các tháng đông xuân.
3. Chăm sóc sau khi giâm
a) Tưới nước
- Tưới ẩm cho hom giâm bằng nước sạch, hệ thống phun tự động đảm bảo đồng đều trên 75% về lượng tưới trên mặt luống, việc tưới phun được tiến hành hàng ngày, thời gian phun từ 7h sáng đến 5h chiều, giãn cách giữa hai lần phun là 60 phút, thời gian phun mỗi lần từ 10–15 giây. Không tưới phun vào ban đêm. Sau 60-65 ngày chuyển cây vào bầu (thành phần 89% đất vườn ươm, 10% phân hữu cơ, 1% phân lân).
- Sau khi giâm 2,5 tháng thì chuyển bầu hom có lá còn xanh (đã ra rễ) ra khỏi lều nilon. Cây mang ra khỏi lều nilon được xếp theo luống rộng 1m rồi vun đất quanh luống, che nắng 80% và tưới nước ngày 2 lần/ngày. Khi cây được 1 tháng bỏ hoàn toàn lưới che, tưới nước như cây vườn ươm, lượng tưới và số lần tưới thay đổi theo điều kiện thời tiết từng nơi.
b) Làm cỏ, bón phân
- Định kỳ 30 ngày xới đất phá váng 1 lần, nhổ sạch cỏ, phun thuốc dung dịch Anvil 5sc 0,2% định kỳ 30 ngày 1 lần để phòng nấm bệnh cho cây con. Tưới thúc bằng phân NPK 10.5.5 nồng độ 1% và tưới đủ ẩm tuỳ theo điều kiện thời tiết cụ thể.
- Trước khi xuất vườn, cần đảo bầu trước 25-30 ngày và loại bỏ cây chết, cây sinh trưởng kém.
4. Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn
- Chiều cao cây đạt từ 15-30 cm; Đường kính cổ rễ đạt 0,5- 1cm;
- Thân thẳng, hình dáng thân đẹp, có chồi chính sinh trưởng vượt trội, không có biểu hiện của sâu bệnh và hóa chất gây hư hại;
- Cây cứng cáp, khỏe mạnh, lá màu xanh.
- Bộ rễ chiếm toàn bộ lõi bầu, rễ con nhiều bán ra khỏi bầu
ĐỊA ĐIỂM ỨNG DỤNG |
Các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
ĐIỀU KIỆN ỨNG DỤNG |
Tiến bộ kỹ thuật này được áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn giống và nhân lực nhân giống bằng phương pháp giâm hom.
- Cơ sở hạ tầng: Hệ thống vườn ươm đáp ứng nhu cầu cơ bản về chế độ che sáng, tưới tiêu.
- Nguồn giống: Có vườn vật liệu Thông caribê của các giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được tuyển chọn và có chất lượng di truyền đã được cải thiện;
- Nhân lực: Có nhân viên kỹ thuật thành thạo về kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp giâm hom và chăm sóc cây giống tại vườn ươm.