THÔNG TIN CHUNG
- Công nhận tại Quyết định số 403/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 17 tháng 12 năm 2020 của Tổng cục Lâm nghiệp.
- Tác giả: Bùi Duy Ngọc, Hà Tiến Mạnh, Lê Thị Hưng và Nguyễn Văn Giáp.
NỘI DUNG CHÍNH |
Quy trình công nghệ sấy gỗ bằng NLMT lần đầu được xây dựng hoàn thiện và ban hành tại Việt Nam, được thực hiện trên hệ thống thiết bị sấy NLMT là sản phẩm nghiên cứu của đề tài sử dụng vật liệu hấp thụ năng lượng mặt trời do đề tài chế tạo, sản xuất trong nước thay thế cho vật liệu nhập khẩu (có hiệu suất hấp thụ NLMT đạt xấp xỉ 90 %). Lò sấy gỗ bằng NLMT được thiết kế hình dáng có mái hình vòm, theo hướng đông – tây, đảm bảo diện tích hấp thụ NLMT lớn nhất. Kết cấu của lò sấy vững chắc phù hợp với điều kiện khí hậu thường xuyên có gió bão tại Việt Nam.
Quy trình kỹ thuật sấy sơ bộ gỗ xẻ rừng trồng bằng NLMT được mô tả chi tiết:
– Bước 1. Chuẩn bị
- Chuẩn bị nguyên liệu gỗ: Gỗ xẻ rừng trồng: gỗ xẻ cho loại gỗ Keo lai (Acacia hybrid). Gỗ xẻ có chiều dày t = 25± Độ ẩm gỗ xẻ MC = 50 ± 5 %.
- Chuẩn bị hệ thống thiết bị sấy gỗ sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT: Kiểm tra hệ thống thiết bị sấy gỗ sử dụng NLMT trước khi sấy. Vệ sinh sạch mái vòm lò sấy, trong khu vực lò sấy và xung quanh lò sấy. Kiểm tra hệ thống quạt, tủ điều khiển, vv….
- Chuẩn bị thanh kê: Đà kê phải làm bằng gỗ thẳng thớ, gỗ khô và không bị cong vênh. Có thể làm đà kê cố định bằng bê tông. Kích thước đà kê phụ thuộc vào kích thước gỗ sấy. Hiện nay với gỗ xẻ có chiều dày 20/25/30 mm (phổ biến hiện nay gỗ xẻ có chiều dày 25 mm) thì đà kê có kích thước (dài x rộng x dày) tương ứng là (3000x100x100) mm.
- Bước 2. xếp gỗ xẻ vào trong lò sấy: Xếp gỗ xẻ thành các kiện, thông thường mỗi kiện có kích thước: (dài x rộng x cao) tương ứng là (2900 x 1500 x 1200) mm. Mỗi lớp gỗ xẻ được xếp trên 4 thanh kê. Khoảng cách giữa các thanh kê 700 mm. Các kiện gỗ xẻ được xếp trong lò sấy thành 2 đống về 2 phía trong lò. Sau khi xếp gỗ, phía trên đống gỗ cần đặt vật nặng trải đều trên bề mặt đống gỗ sấy. Trọng lượng vật nặng khoảng 50 kg/m2.
- Bước 3. Cài đặt các thông số chế độ sấy: Chế độ sấy sơ bộ bằng NLMT cho gỗ xẻ cho loại gỗ Keo lai (t = 25 ± 1mm) như bảng 1. Điều chỉnh tốc độ quạt gió, kiểm tra tốc độ gió giữa các lớp gỗ đạt 2 m/s. Đặt thời gian đảo chiều quạt gió: 6 tiếng đảo chiều 1 lần. Đặt ngưỡng EMC theo từng giai đoạn như bảng chế độ sấy. Cửa xả ẩm được cấu tạo tự động đóng một chiều để không khí bên ngoài không tự đi vào lò sấy nếu không được mở và không khí ẩm bên trong có thể tự do di chuyển dần ra bên ngoài trong quá trình sấy. Nếu thiết bị đo môi trường sấy là cặp thông số nhiệt kế khô (Tk) – ướt (Tư) hoặc cặp thông số Tk – RH thì có thể tra cứu bảng mối quan hệ giữa các thông số môi trường sấy để xác định EMC của từng thời điểm theo dõi.
Bảng 1. Chế độ sấy sơ bộ bằng NLMT cho gỗ xẻ cho loại gỗ Keo lai
Quá trình sấy | Độ ẩm gỗ MC (%) | Độ ẩm thăng bằng EMC (%) | Thời gian | Ghi chú |
Khởi lò | 50 ± 5 | – | Từ khi khởi lò tới 6 giờ sáng hôm sau | Đóng cửa xả ẩm |
Sấy sơ bộ | Trên 50 đến 40 | 10 – 12 | – | |
Dưới 40 đến 30 | 6 – 8 | – |
- Bước 4. Khởi động hệ thống thiết bị sấy: Sau khi xếp gỗ vào lò tiến hành đóng cửa lò sấy lại. Bật CP tổng của tủ điện lò sấy. Mở nguồn điện điều khiển (công tắc khẩn cấp). Mở hoặc tắt quạt gió bằng nút nhấn màu xanh hoặc màu đỏ trên mặt tủ điện ở vị trí quạt gió. Điều chỉnh tốc độ quạt gió đối lưu bằng cách xoay biến trở trên mặt tủ điện theo hướng MIN hoặc MAX tương ứng tốc độ chậm hoặc tối đa. Mở hoặc tắt quạt hút ẩm bằng nút nhấn màu xanh hoặc màu đỏ trên mặt tủ điện ở vị trí quạt hút ẩm.
- Bước 5. Vận hành quy trình sấy: Lò sấy tự động điều chỉnh môi trường sấy thông qua thông số EMC, người theo dõi để lò sấy tự động thay đổi thông số theo như đã cài đặt ở bước 3. Quá trình theo dõi lò sấy cần có nhật ký để ghi chép các thông số môi trường (cán bộ kỹ thuật theo dõi cứ sau 2 giờ ghi chép lấy số liệu 1 lần). Các thông số môi trường cần theo dõi đó là: Tk, Tư, AT, RH, EMC, độ ẩm của gỗ. Người theo dõi lò sấy có trách nhiệm về an toàn cháy nổ và kịp thời báo với cán bộ kỹ thuật về những hiện tượng bất thường xảy ra trong suốt quá trình sấy.
- Bước 6. Kết thúc quá trình sấy và đưa gỗ ra lò: Khi trung bình các đầu đo độ ẩm của gỗ đạt 30 %, người theo dõi vận hành lò sấy cần tắt toàn bộ các thiết bị, đóng kín các cửa kể cả cửa xả ẩm, để gỗ sấy ổn định qua 1 đêm đến sáng hôm sau mới tiến hành đưa gỗ ra lò. Thao tác đưa gỗ ra lò được thực hiện giống kỹ thuật nhưng ngược lại so với xếp gỗ vào lò.
- Bước 7. Kiểm tra đánh giá chất lượng gỗ sau khi sấy: Độ ẩm trung bình của các thanh gỗ xẻ: MC = 30 ±2 %. Độ ẩm giữa các vị trí trong cùng 1 thanh gỗ xẻ và độ ẩm trung bình giữa các thanh gỗ xẻ trong cùng 1 mẻ sấy phải tương đối đồng đều nhau, chênh lệch độ ẩm giữa các thanh và giữa các vị trí trong thanh là: ±2 %. Tỉ lệ khuyết tật (nứt vỡ, cong vênh) do sấy của gỗ xẻ sau khi sấy sơ bộ so với gỗ xẻ trước khi đưa vào sấy phải < 3 %.
ĐỊA ĐIỂM ỨNG DỤNG |
Quy trình kỹ thuật sấy sơ bộ gỗ xẻ rừng trồng bằng năng lượng mặt trời có thể ứng dụng tại tất cả các cơ sở chế biến gỗ trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực miền Trung và khu vực miền Nam của nước ta là những địa phương có số giờ nắng nhiều trong năm.
ĐIỀU KIỆN ỨNG DỤNG |
- Nguyên liệu: Gỗ xẻ cho loại gỗ Keo lai (Acacia hybrid) có chiều dày t = 25±1 mm; độ ẩm gỗ xẻ trước khi đưa vào sáy MC = 50 ± 5 %. Quy trình này có thể áp dụng cho các loại gỗ xẻ có chiều dày t = 25±1 mm của các loại gỗ rừng trồng khác như: gỗ xẻ gỗ Keo tai tượng, gỗ xẻ gỗ Tếch.
- Thiết bị: Các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng có hệ thống lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống điều khiển chế độ sấy gỗ bán tự động, xe nâng xếp nguyên liệu có thể áp dụng quy trình này.