Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp sâu róm hại thông mã vỹ và thông nhựa.

 

THÔNG TIN CHUNG
  • Công nhận tại Quyết định số 969/QĐ-BVTV-KH ngày 2 tháng 6 năm 2020 của Cục Bảo vệ thực vật.
  • Tác giả: Đào Ngọc Quang, Lê Văn Bình, Vũ Văn Định, Nguyễn Minh Chí, Nguyễn Hoài Thu, Bùi Quang Tiếp, Nguyễn Quốc Thống, Trần Viết Thắng, Phạm Quang Thu.
NỘI DUNG CHÍNH

1. Biện pháp kỹ thuật lâm sinh

Tiến hành thường xuyên, định kỳ 2 lần/năm (vào đầu tháng 2 và đầu tháng 7). Tỉa bớt những cây sinh trưởng kém, lệch tán, còi cọc, cong queo, cụt ngọn, bị sâu bệnh; Tỉa những cành nhánh khô, dây leo bám vào thân cây thông và đưa tất cả những vật liệu này ra khỏi rừng hoặc có biện pháp xử lý phù hợp nhằm ngăn chặn nơi trú ngụ của sinh vật gây hại.

2. Biện pháp thủ công

Ở những nơi có điều kiện về nhân lực, cây thông thấp có thể sử dụng trực tiếp sức người thực hiện biện pháp bắt thủ công để diệt nhộng, trứng, sâu non của sâu róm thông.

3. Biện pháp bẫy trưởng thành bằng bẫy đèn

Sử dụng loại bẫy đèn cải tiến 1 đặt dưới mặt đất (hình 13 thuộc phụ lục 3) hoặc bẫy đèn cải tiến 2 (hình 14 thuộc phụ lục 3), có thiết kế phù hợp với điều kiện trong sản xuất lâm nghiệp, khắc phục được những bất cập của các loại bẫy đèn hiện đang sử dụng, phối hợp 2 phương pháp dẫn dụ (dẫn dụ từ xa bằng ánh sáng màu vàng nhạt cường độ sáng cao, và dẫn dụ gần bằng ánh sáng tím, tia UV có bước sóng 300-380nm).

4. Biện pháp sinh học

–         Bảo vệ thiên địch

Bảo vệ quần thể thiên địch của loài Sâu róm 4 túm lông và Sâu róm thông ở rừng thông nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác giá trị kinh tế của các loài thiên địch ở trong rừng thông. Hạn chế sử dụng thuốc hóa học, không phát dọn sạch thực bì trong rừng thông, bảo vệ thực bì đa dạng loài cây lá rộng, hoa của cây có mật, cây bụi, thảm tươi dưới tán rừng thông, tạo điều kiện cho các côn trùng có ích, thiên địch có môi trường sống và phát triển; Không phá các tổ ong, tổ kiến.

–         Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học

Sử dụng một trong hai loại chế phẩm sinh học để phòng chống Sâu róm 4 túm lông và Sâu róm thông: chế phẩm Delfin 32WG (32BUI/KG) (Bacillus thuringiensis var. kurstaki); hoặc chế phẩm Bitadin WP (Bacillusthuringiensis var. kurstaki 16.000IU + Granulosis virus 108PIB), liều lượng sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Tại những nơi gặp khó khăn về nguồn nước phục vụ pha thuốc, có thể phun thuốc ở chế độ phun bột với bình bơm động cơ. Cụ thể: chế phẩm Delfin 32WG (32BUI/KG) (Bacillus thuringiensis var. kurstaki), liều lượng 1,4kg trộn đều với 8kg chất phụ gia (trấu hoặc mùn cưa nghiền nhỏ) cho 1ha; hoặc chế phẩm Bitadin WP (Bacillusthuringiensis var. kurstaki 16.000IU + Granulosis virus 108PIB), liều lượng 1,2kg trộn đều với 6kg chất phụ gia cho 1ha. Sau 15 ngày phun nhắc lại lần 2. Phun thuốc ở giai đoạn sâu non từ tuổi 1 đến tuổi 3 vì ở giai đoạn này sâu non sống tập trung trên tán lá, di chuyển chậm và sức chịu đựng kém. Phun thuốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát sau mưa, điều kiện thích hợp cho vi khuẩn phát triển tốt ở nhiệt độ 27-32°C và độ ẩm 80-90%.

–         Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học

Sử dụng luân phiên một trong ba hoạt chất thuốc trừ sâu hóa học trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam: Hoạt chất Deltamethrin 25g/l (ví dụ như: Decis repel 2,5SC,…), hoạt chất Cypermethrin 250g/l (ví dụ như: Sherpa 25EC,..) và hoạt chất Etofenprox 10% (ví dụ như: Trebon 10EC,…) với nồng độ và liều lượng đúng như hướng dẫn của nhà sản xuất. Nên kết hợp với dầu khoáng hoặc chất bám dính để tăng hiệu quả của thuốc.

ĐỊA ĐIỂM ỨNG DỤNG

Quản lý loài Sâu róm 4 túm lông và Sâu róm thông tại các địa phương trồng rừng Thông mã vĩ và Thông nhựa vùng Đông Bắc và Bắc Trung Bộ.

ĐIỀU KIỆN ỨNG DỤNG

Các tổ chức, cá nhân trồng rừng Thông mã vĩ và Thông nhựa vùng Đông Bắc và Bắc Trung Bộ.

[logo-slider]