THÔNG TIN CHUNG
- Công nhận tại Quyết định số 97/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Tổng cục Lâm nghiệp.
- Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bùi Văn Ái, Nguyễn Duy Vượng, Bùi Thị Thủy, Hoàng Thị Tám, Đoàn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Hằng.
NỘI DUNG CHÍNH |
Quy trình kỹ thuật bảo quản gỗ bằng chế phẩm BORAG1 và BORAG2:
– Bước 1: Chuẩn bị gỗ, chế phẩm bảo quản và trang thiết bị
a) Chuẩn bị gỗ
Yêu cầu về gỗ nguyên liệu: Kích thước gỗ tùy thuộc vào mục đích sử dụng của cơ sở sản xuất. Gỗ chưa bị nấm và côn trùng gây hại. Phân loại gỗ theo nhóm có độ ẩm (W < 30%) và nhóm có độ ẩm (W > 30%). Nếu có lớp mùn cưa, bụi bẩn, hoặc màng tạp chất bám trên bề mặt gỗ, dùng chổi hoặc khăn khô quét hoặc lau sạch.
b) Chế phẩm bảo quản gỗ
Bảng 1 – Thành phần chế phẩm bảo quản gỗ BORAG1 và BORAG2
Tên
chế phẩm |
Thành phần chính | ||
Hoạt chất | Phụ gia | Dung môi | |
BORAG1 | Disodium octaborate tetrahydrate (DOT) 18% | (Didecyldimethylammonium Chloride + chất ổn định dung dịch) 2% | Propylen glycol |
BORAG2 | Disodium octaborate tetrahydrate (DOT) 15% | (Didecyldimethylammonium Chloride + chất ổn định dung dịch) 2% | Propylen glycol |
c) Trang thiết bị tẩm
Bể tẩm (nếu tẩm gỗ theo phương pháp nhúng). Áp dụng khi lượng gỗ cần tẩm từ 1m3 trở lên và nhu cầu tẩm thường xuyên. Bể tẩm được chế tạo bằng vật liệu inox hoặc composite, yêu cầu nhẹ và dễ di chuyển, có ghìm chống nổi, kích thước bể phù hợp kích thước gỗ nguyên liệu sao cho gỗ được đặt dễ dàng vào bể. Bể tẩm được bố trí dưới mái che. Bình phun cầm tay hoặc chổi quét sơn (nếu tẩm gỗ theo phương pháp phun, quét). Áp dụng khi lượng gỗ cần tẩm dưới 1m3 và nhu cầu tẩm không thường xuyên.
– Bước 2: Tẩm gỗ
a) Tẩm gỗ theo phương pháp nhúng
Gỗ được nhúng chìm trong chế phẩm ở trong bể tẩm. Thời gian nhúng phụ thuộc vào độ ẩm gỗ. Nếu độ ẩm gỗ W< 30%, thời gian nhúng là 10 phút; nếu độ ẩm gỗ W > 30%, thời gian nhúng là 30 phút. Lượng chế phẩm thấm vào gỗ có độ ẩm W< 30% đạt 150 – 200 g/m2, với gỗ có độ ẩm W > 30% đạt 120 – 150 g/m2 bề mặt gỗ. Độ sâu thấm chế phẩm vào gỗ đạt tối thiểu 2 mm.
b) Tẩm gỗ theo phương pháp phun hoặc quét
Phun hoặc quét chế phẩm đều trên bề mặt gỗ, nhắc lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 phút. Lượng chế phẩm thấm vào gỗ có độ ẩm W< 30% đạt 150 – 200g/m2, với gỗ có độ ẩm W > 30% đạt 120 – 150 g/m2 bề mặt gỗ. Độ sâu thấm chế phẩm vào gỗ đạt tối thiểu 2 mm.
Vớt gỗ ra khỏi bể tẩm, đặt gỗ lên máng nghiêng trên bể tẩm trong thời gian 5 phút để thu hồi dung dịch chế phẩm bảo quản dư trên bề mặt gỗ.
– Bước 4. Kê xếp, hong phơi gỗ tẩm
Kê xếp gỗ tẩm với các thanh kê theo đúng kỹ thuật, tránh cong vênh và tạo điều kiện thuận lợi cho dung môi bay hơi, gỗ được khô tự nhiên. Thời gian cần thiết để gỗ khô tối thiểu 24 giờ, sau đó gỗ tẩm được thực hiện xử lý gia công ở các công đoạn tiếp theo.
– Bước 5. Kiểm tra chất lượng gỗ tẩm
Gỗ được xử lý bảo quản bằng chế phẩm BORAG1 sẽ đạt hiệu lực bảo quản cấp 0 – không có nấm mốc phát triển trên bề mặt; gỗ được xử lý bảo quản bằng chế phẩm BORAG2 sẽ đạt hiệu lực bảo quản cấp 1 – nấm mốc bao phủ 10 % bề mặt gỗ nhưng phần đẫm màu không quá 5% (theo tiêu chuẩn AWPA E24- 06: Phương pháp đánh giá khả năng chống chịu của bề mặt sản phẩm gỗ với nấm mốc), đáp ứng được yêu cầu chất lượng về phòng chống sinh vật hại làm nguyên liệu sản xuất đồ mộc.
ĐỊA ĐIỂM ỨNG DỤNG |
Kỹ thuật bảo quản gỗ bằng chế phẩm BORAG1 và BORAG2 được ứng dụng tại các cơ sở chế biến gỗ trên toàn quốc để bảo quản gỗ nguyên liệu sản xuất đồ mộc.
ĐIỀU KIỆN ỨNG DỤNG |
Chế phẩm BORAG1 và BORAG2 được đăng ký sử dụng theo các quy định hiện hành. Tổ chức, các nhân áp dụng kỹ thuật bảo quản gỗ bằng chế phẩm BORAG1 và BORAG2 cần chấp hành đầy đủ các hướng dẫn sử dụng và an toàn lao động ghi trên bao bì đựng chế phẩm.