Quy trình công nghệ sản xuất và bảo quản ván lạng từ gỗ Dẻ đỏ

THÔNG TIN CHUNG

  • Công nhận tại Quyết định số 401/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 17 tháng 12 năm 2020 của Tổng cục Lâm nghiệp.
  • Tác giả: Võ Đại Hải, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Tử Kim, Bùi Duy Ngọc, Nguyễn Bảo Ngọc, Đoàn Thị Bích Ngọc, Bùi Thị Thủy và Đặng Đức Việt.
NỘI DUNG CHÍNH

Gỗ Dẻ đỏ lần đầu tiên được sử dụng làm nguyên liệu để lạng ván. Ván lạng từ gỗ Dẻ đỏ gỗ có màu sắc và vân thớ đẹp, có độ đồng đều cao.

Quy trình công nghệ sản xuất ván lạng đã xác định được nhiệt độ xử lý thủy nhiệt thích hợp là 80 ± 5 oC; thời gian xử lý thủy nhiệt phù hợp là 48 giờ (tương đương 20 ± 2 phút/mm chiều dày hộp gỗ) ngắn hơn so với một số loại gỗ rừng trồng khác như gỗ Keo lá tràm (60 giờ) và Bạch đàn Uro (72 giờ).

Chế phẩm BORAG1 lần đầu tiên được xử lý bảo quản ván lạng Dẻ đỏ với thời gian xử lý nhanh nhúng trong 40 giây, kết hợp đồng bộ, liên tục trong quy trình lạng ván, đảm bảo chất lượng ván lạng không bị nấm mốc và côn trùng gây hại, khắc phục nhược điểm của gỗ cây mọc nhanh có độ bền tự nhiên thấp nếu sản xuất trong điều kiện môi trường nóng, ẩm kéo dài.

Mô tả quy trình công nghệ sản xuất và bảo quản ván lạng từ gỗ Dẻ đỏ:

–         Bước 1: Nguyên liệu, thiết bị

  • Nguyên liệu: Gỗ Dẻ đỏ (Lithocarpus ducampii Camus) với tuổi cây 20 tuổi, đường kính tối thiểu 28 cm không bị mục mọt, có tính chất vật lý, cơ học đáp ứng yêu cầu.
  • Các chế phẩm bảo quản gỗ: chế phẩm bảo quản BORAG1 và BORAG2 được sản xuất tại Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng và Quy trình kỹ thuật bảo quản gỗ làm nguyên liệu sản xuất đồ mộc bằng chế phẩm BORAG1 và BORAG2 đã được Tổng cục Lâm nghiệp công nhận là tiến bộ kỹ thuật theo Quyết định số 97/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 17/3/2020.
  • Các loại thiết bị chủ yếu: Máy cưa đĩa, Cưa vòng nằm, Máy lạng ván, Chiều dài khúc gỗ lạng tối đa 3 m, chiều rộng 1 m; Tốc độ lạng 15 – 20 m/phút. Lò sấy con lăn liên tục, yêu cầu: Chiều dài lò sấy 12 m, rộng 2 m; Tốc độ vận chuyển của băng tải lưới hoặc con lăn: 3 – 4 m/phút. Bình phun động cơ điện, Dung tích 5 lít; Lưu lượng (L/P) 0- 0,17; Áp lực lớn nhất (PSI) 55.
  • Bước 2: Bảo quản sơ bộ gỗ tròn Dẻ đỏ (tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nếu mưa nhiều và độ ẩm cao thì cần thiết phải bảo quản sơ bộ gỗ tròn).

Bước bảo quản sơ bộ khuyến cáo nên áp dụng đối với nguyên liệu gỗ tròn mà quá trình vận chuyển và lưu kho lâu trên 1 tuần. Bảo quản bằng phương pháp phun với gỗ tươi mới được chặt hạ. Phun chế phẩm bảo quản BORAG2 đều trên bề mặt gỗ, đặc biệt 2 đầu gỗ, lặp lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 phút để đảm bảo chế phẩm thấm đều trên bề mặt gỗ và lượng thấm chế phẩm vào gỗ đạt khoảng 100 ± 5 ml/m2 bề mặt gỗ.

  • Bước 3. Cắt khúc và phân loại: Cắt khúc: Các khúc gỗ được cắt với chiều dài (L) là 2600 mm. Gỗ sau khi được cắt khúc tiến hành đánh giá và phân loại theo tiêu chuẩn TCVN 1074:1986. Gỗ sử dụng cho lạng ván là gỗ đạt loại A theo tiêu chuẩn TCVN 1762-75, không có khuyết tật, mắt chết, khúc gỗ thẳng.
  • Bước 4. Xẻ hộp: Gỗ sau khi cắt khúc và đánh giá phân loại sẽ tiến hành xẻ hộp (nên lựa chọn hoa văn ván lạng dạng vân tiếp tuyến kép).
  • Bước 5. Xử lý thủy nhiệt: Thông số chế độ thủy nhiệt, yêu cầu: Nhiệt độ luộc: 80 ± 5 oC; Thời gian xử lý thủy nhiệt là 48 giờ (tương đương 20 ± 2 phút/mm chiều dày hộp gỗ)
  • Bước 6. Tạo ván lạng: Hộp gỗ sau khi được xử lý thủy nhiệt chuyển sang công đoạn lạng tạo ván; kích thước ván: rộng x dài 2600 mm x dày (0,3 – 0,5) mm tùy theo sản phẩm cuối cùng. Tốc độ lạng: 15-20 m/phút; Góc gặp thớ (góc tới): 15o.
  • Bước 7: Xử lý bảo quản ván lạng (tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nếu mưa nhiều và độ ẩm cao, thời gian lưu kho ván trên 1 tháng thì cần thiết phải bảo quản ván lạng): Ván sau khi lạng được nhúng chìm trong dung dịch chế phẩm BORAG1 có trong bể tẩm, thời gian nhúng 40 giây và đảm bảo lượng thấm chế phẩm vào gỗ đạt trung bình 40±5 g/m2 bề mặt ván. Ván sau khi nhúng được đặt trên máng nghiêng 5 phút rồi thu hồi chế phẩm dư.
  • Bước 8. Sấy ván: Ván lạng sau khi xử lý bảo quản được đưa vào sấy khô bằng lò sấy liên tục sử dụng hơi quá nhiệt, yêu cầu: Nhiệt độ sấy trung bình: 70 ± 5 oC; Tốc độ vận chuyển của băng tải lưới hoặc con lăn: 3 – 4 m/phút; Ván sấy đạt độ ẩm đồng đều từ 10 ± 2 %;
  • Bước 9. Phân loại và cắt cạnh ván: Kích thước và chất lượng ván lạng phải đồng đều như nhau và phải đạt yêu cầu chất lượng theo TCVN 4358:1986 và TCVN 10574-1:2014, trong đó sai số kích thước chiều dày: ± 0,05 mm; sai số kích thước chiều rộng: ± 5,0 mm; sai số kích thước chiều dài: ± 5,0 mm và một số yêu cầu khác về khuyết tật như mắt chết, lỗ thủng cho phép 0 không lớn hơn 3mm với số lượng không quá 1 mắt tròn 1mm chiều dài ván.

–         Bước 10.  Đóng gói và lưu kho:

  • Đóng gói: Ván lạng được phân loại theo cấp chất lượng và kích thước để tiến hành đóng gói. Ván được đóng gói phải bằng phẳng, chắc chắn, tránh làm hư hỏng trong quá trình đóng gói.
  • Lưu kho và bảo quản ván: Ván thành phẩm được xếp vào kho nếu chưa xuất xưởng. Môi trường xếp ván phải khô ráo, thoáng mát, cách mặt đất ít nhất là 10 cm tránh mưa, nắng, nếu cần có thể phun thuốc bảo quản gỗ vào tường, nền kho
ĐỊA ĐIỂM ỨNG DỤNG

Tất cả các cơ sở sản xuất ván bóc trên toàn quốc có đủ máy móc, thiết bị và nguyên liệu đều có thể ứng dụng tiến bộ kỹ thuật này

ĐIỀU KIỆN ỨNG DỤNG
  • Nguyên liệu: Gỗ Dẻ đỏ có đường kính tối thiểu 28 cm để đạt được hiệu quả sử dụng gỗ cao, hạ giá thành sản phẩm.
  • Máy, thiết bị: Các cơ sở sản xuất được trang bị máy cưa đĩa, máy cưa vòng nằm, máy lạng, hệ thống sấy ván lạng. Máy lạng và hệ thống sấy phải đảm bảo có các thông số kỹ thuật gồm: chiều dày lạng 0,1 – 2,2 mm, tốc độ lạng 13- 25 m/phút và sấy ván lạng theo phương pháp sấy liên tục với nhiệt độ sấy đầu vào (70 – 90 oC ), nhiệt độ đầu ra (120 – 130 oC).
[logo-slider]