Quy trình công nghệ sản xuất và bảo quản ván bóc từ gỗ Bời lời vàng (Litsea pierrei Lecomte)

THÔNG TIN CHUNG

  • Công nhận tại Quyết định số 404/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 17 tháng 12 năm 2020 của Tổng cục Lâm nghiệp.
  • Tác giả: Võ Đại Hải, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Thị Hằng, Tạ Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Phượng và Hoàng Thị Tám.
NỘI DUNG CHÍNH

Gỗ Bời lời vàng lần đầu tiên được sử dụng làm nguyên liệu để bóc ván, ván bóc có màu sáng, vân thớ đồng đều, tỉ lệ sử dụng cao và dễ gia công. Quy trình công nghệ sản xuất ván bóc đã xác định được nhiệt độ xử lý thủy nhiệt thích hợp là 80 ± 5 oC; thời gian xử lý thủy nhiệt phù hợp là 3 giờ (tương đương 1,8 ± 2 phút/mm chiều dày khúc gỗ) tăng tỷ lệ sử dụng gỗ làm ván bóc 80,73% so với một số loại gỗ rừng trồng khác như gỗ Keo tai tượng khi xử lý thủy nhiệt 71,22% và không xử lý thủy nhiệt 40,76%.

Quy trình công nghệ sản xuất và bảo quản ván bóc từ gỗ Bời lời vàng như sau:

–   Bước 1: Nguyên liệu, thiết bị

  • Gỗ Bời lời vàng (Litsea pierrei Lecomte) với tuổi cây 15 tuổi, có đường kính tối thiểu 20 cm không mục mọt, có tính chất vật lý và cơ học đáp ứng được yêu cầu.
  • Các chế phẩm bảo quản gỗ: chế phẩm bảo quản BORAG1 và BORAG2 được sản xuất tại Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Quy trình kỹ thuật bảo quản gỗ làm nguyên liệu sản xuất đồ mộc bằng chế phẩm BORAG1 và BORAG2 đã được Tổng cục Lâm nghiệp công nhận là tiến bộ kỹ thuật theo Quyết định số 97/QĐ-TCLN- KH&HTQT ngày 17/3/2020. Các chế phẩm ở dạng dung dịch trong suốt và được sử dụng nguyên dạng.
  • Các loại thiết bị chủ yếu: Máy cưa đĩa, Máy bóc vỏ, Máy bóc gỗ, yêu cầu: Tốc độ bóc: 30 – 45 m/phút; Góc mài dao: 19-21o, Lò sấy liên tục Jet-box, dài 50 m với 2 dàn sấy đồng thời (dàn lưới phía trên và dàn ru lô phía dưới), yêu cầu: Tốc độ vận chuyển của con lăn: 8 – 10 m/phút. Bình phun động cơ điện, yêu cầu: Dung tích: 5 lít; Lưu lượng (L/P): 0- 0,17; Áp lực lớn nhất (PSI): 55. Hệ thống nhúng ván bóc: Bể nhúng bằng vật liệu inox hoặc composite nhẹ và dễ di chuyển. Kích thước: dài 3000 mm x rộng 1500 mm x sâu 500 mm và máng thu hồi chế phẩm bảo quản. Cân kỹ thuật loại 150 kg.
  • Bước 2. Bảo quản sơ bộ gỗ tròn: Bước bảo quản sơ bộ khuyến cáo nên áp dụng đối với nguyên liệu gỗ tròn mà quá trình vận chuyển và lưu kho trên 1 tuần. Bảo quản bằng phương pháp phun với gỗ tươi mới chặt hạ. Phun chế phẩm bảo quản BORAG2 đều trên bề mặt gỗ, đặc biệt 2 đầu gỗ, lặp lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 phút để đảm bảo thuốc thấm đều trên bề mặt gỗ và lượng thấm chế phẩm vào gỗ đạt khoảng 100 ± 5 ml/m2 bề mặt gỗ.
  • Bước 3: Cắt khúc: Kiểm tra, làm sạch thân gỗ để tránh ảnh hưởng đến dao bóc vỏ và bóc ván. Cắt khúc các khúc gỗ được cắt với chiều dài (L) là 1300/2600 mm.
  • Bước 4: Bóc vỏ, làm tròn: Các khúc gỗ tròn được đưa lên máy bóc vỏ để loại bỏ vỏ và làm tròn khúc gỗ.
  • Bước 5: Xử lý thủy nhiệt (nếu cần): Khúc gỗ đã bóc vó, làm tròn được xếp song song trong bể luộc. Ghìm khúc gỗ trong bể luộc, đóng ghim và chốt các thanh sắt hai bên thành bể luộc để tránh gỗ nổi lên trên mặt nước trong quá trình luộc. Bơm nước vào bể luộc, nước phải ngập hết các khúc gỗ ít nhất 10 cm. Thông số chế độ thủy nhiệt, yêu cầu: Nhiệt độ luộc: 80 ± 5 oC; Thời gian xử lý thủy nhiệt là 3 giờ.
  • Bước 6. Tạo ván bóc và cắt ván: Gỗ sau khi được xử lý thủy nhiệt chuyển sang công đoạn bóc tạo ván; kích thước ván: rộng mm x dài 1300/2600 mm x dày (1,7 – 2,2) mm tùy theo sản phẩm cuối cùng. Thông số chế độ bóc, yêu cầu: Tốc độ bóc: 30 – 45 m/phút; Góc mài dao: 19-21o; Chiều cao dao so với tâm gỗ: 0-1 mm.
  • Bước 7: Xử lý bảo quản ván bóc (tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nếu mưa nhiều và độ ẩm cao, thời gian lưu kho ván trên 1 tháng thì cần thiết phải bảo quản ván bóc): Ván sau khi bóc được nhúng chìm trong dung dịch chế phẩm BORAG1 có trong bể tẩm, thời gian nhúng 40 giây và đảm bảo lượng thấm chế phẩm vào gỗ đạt trung bình khoảng 30 ± 5 g/m2 bề mặt ván. Ván sau khi nhúng được đặt trên máng nghiêng 5 phút rồi thu hồi chế phẩm bảo quản dư.
  • Bước 8. Sấy ván bóc: Ván bóc sau khi xử lý bảo quản được đưa vào sấy khô bằng thiết bị sấy liên tục, yêu cầu: Nhiệt độ sấy trung bình 115 ± 5 oC, Tốc độ vận chuyển của con lăn: 8 – 10 m/phút. Ván sấy đạt độ ẩm đồng đều từ 10 ± 2%.
  • Bước 9. Phân loại ván bóc: Kích thước và chất lượng ván bóc dùng làm lớp mặt và lớp lõi phải đồng đều như nhau và đáp ứng yêu cầu chất lượng theo TCVN 8328-1:2010 và TCVN 10316:2015, trong đó sai số kích thước chiều dày: ± 0,10 mm; sai số kích thước chiều rộng: ± 5,0 mm; sai số kích thước chiều dài: ± 5,0 mm và một số yêu cầu khác về khuyết tật như mắt chết, lỗ thủng cho phép 0 không lớn hơn 3mm, không phân bố tập trung.
  • Bước 10. Đóng gói và bảo quản khi lưu kho: Đóng gói: Ván bóc được phân loại theo cấp chất lượng và kích thước để tiến hành đóng gói. Ván được đóng gói phải bằng phẳng, chắc chắn, tránh làm hư hỏng trong quá trình đóng gói. Bảo quản ván bóc: Ván bóc sau đóng gói được xếp thành từng chồng và được ghi nhãn đầy đủ các thông tin như tên gỗ, cấp chất lượng, quy cách kích thước ván, độ ẩm.
ĐỊA ĐIỂM ỨNG DỤNG

Các cơ sở sản xuất ván bóc trên toàn quốc có đủ máy móc, thiết bị và nguyên liệu đều có thể ứng dụng tiến bộ kỹ thuật này.

ĐIỀU KIỆN ỨNG DỤNG
  • Nguyên liệu và thiết bị máy: Gỗ Bời lời vàng có đường kính tối thiểu 20 cm để đạt được hiệu quả sử dụng gỗ cao, hạ giá thành sản phẩm.
  • Máy, thiết bị: Các cơ sở sản xuất được trang bị máy cưa đĩa, máy bọc vỏ, máy bóc gỗ, thiết bị sấy ván bóc. Máy bóc gỗ và hệ thống sấy phải đảm bảo có các thông số kỹ thuật gồm: tốc độ bóc 30 – 45 m/phút, lò sấy con lăn liên tục Jet-box nhiệt độ sấy đầu vào (90-100oC) và nhiệt độ đầu ra (130 – 140 oC).
[logo-slider]