Một số biện pháp kỹ thuật thâm canh các giống Mắc ca (OC, 246, 816, Daddow và 842) tại vùng Tây Bắc

 

THÔNG TIN CHUNG
  • Công nhận tại Quyết định số 85 /QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp.
  • Tác giả: Trần Đức Vượng, ThS. Phan Đức Chỉnh, TS. Nguyễn Đức Kiên, TS. Đỗ Hữu Sơn, TS. Hà Huy Thịnh, ThS. Bùi Tiến Hùng và ThS. Quách Mạnh Tùng.
NỘI DUNG CHÍNH

1.    Tỉa cành, tạo tán

  • Sau khi thu hoạch quả, tiến hành tỉa bỏ những cành nhỏ phát triển ở tầng tán thứ 3 đối với những cây có tán quá dày;
  • Loại bỏ những cành khô và cành sâu bệnh, cành nhánh đan xen nhau và những nhánh vượt, các cành nhỏ yếu;
  • Bấm đầu ngọn (khoảng 50-70cm) của các cành non mới mọc.
  • Bấm các cành vượt để hạ thấp độ cao của cây nhằm giúp cho các cành bên phát triển và dễ thu hái quả.
  • Loại bỏ các cành thực sinh phát triển dưới gốc ghép nhằm tạo cho cây ghép phát triển khỏe mạnh.

2.    Làm cỏ

  • Dùng máy phát cỏ hoặc dao phát để phát dọn thực bì toàn bộ vườn quả.
  • Dãy cỏ xung quanh gốc cây theo hình tán lá.
  • Phát dọn thực bì và làm cỏ, xới đất, vun gốc xung quanh gốc cây thực hiện định kỳ 2 lần/năm vào đầu mùa mưa và trước khi thu hoạch quả để đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt và dễ thu quả.

3.    Bón phân

  • Bón thúc: Bón phân cho rừng Mắc ca được chia làm 2 lần:
  • Lần 1: Bón phân chuồng hoai ngay sau khi thu hoạch quả (tháng 9 hàng năm) với liều lượng 20kg/cây.
  • Lần 2: Bón vào thời điểm trước khi mọc cụm hoa ở đầu cành (khoảng tháng 11-12 hằng năm) với liều lượng 1000 gam/cây; và bón kali sau khi đã đậu quả (khoảng tháng 3-4 hằng năm) với liều lượng 400 gam/cây.

–         Cách bón:

  • Phân chuồng hoai: Cuốc rãnh rộng 15 cm và sâu 25cm theo hình chiếu đứng của tán lá, rải đều phân xuống trước sau đó lấp đất đầy xung quanh rãnh;
  • Phân lân và Kali: Dãy cỏ xung quan gốc cây và xới nhẹ lớp đất mặt quanh tán cây, bón phân, lấp đất.
  • Nếu sau khi bón phân không có mưa thì tiến hành tưới nước đều xung quanh gốc và rãnh bón phân với lượng vừa phải để cho phân dễ tan vào đất.

4.    Tưới nước

  • Thời kỳ tưới: Tưới vào 4 tháng mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau), tần suất 3 lần/tháng, với lượng nước 20 lít/cây/lần nhằm cung cấp đủ nước cho cây sinh trưởng để nuôi dưỡng quả.
  • Có thể tưới trực tiếp vào gốc cây hoặc bằng hệ thống đường ống dẫn nước tưới tới từng gốc (nếu có).
  • Nên tưới vào sáng sớm hoặc chiều tối để tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho cây.

5.    Phòng trừ sâu, bệnh hại

  • Quét vôi xung quanh gốc cây mỗi năm 2 lần, lần 1 vào tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau; lần 2 vào sau khi thu hoạch quả (khoảng tháng 9) để phòng chống sâu, bệnh hại.
  • Vị trí quét bắt đầu từ phần dưới gốc cây (bới phần đất mặt sâu xuống 2- 5 cm) quét lên thân cây đến độ cao khoảng 50-80cm;
  • Nếu phát hiện có sâu ăn lá, hoa và các loại bệnh gây thối hoa, đốm quả, loét vỏ cây thì tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh theo chỉ dẫn.
ĐỊA ĐIỂM ỨNG DỤNG

Một số biện pháp kỹ thuật thâm canh các giống Mắc ca (OC, 246, 816, Daddow và 842) tại vùng Tây Bắc được áp dụng cho các tổ chức các nhân trồng Mắc ca tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu và các nơi có điều kiện sinh thái tương tự.

ĐIỀU KIỆN ỨNG DỤNG

Các tổ chức, cá nhân trồng Mắc ca cần có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn giống và nhân lực, cụ thể như sau:

  • Cơ sở hạ tầng: Có vườn quả Mắc ca trên 5 tuổi.
  • Nguồn giống đem trồng: Các giống Mắc ca đã được tuyển chọn và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận (OC, 246, 816, Daddow và 842).
  • Nhân lực: Có nhân viên kỹ thuật hoặc người đã được tập huấn am hiểu và thành thạo về kỹ thuật thâm canh cây lấy quả.
  • Vật tư: Đảm bảo đủ chủng loại và khối lượng các loại vật tư: Super lân loại 15% P2O5; Kali loại 60%; Phân chuồng được ủ hoai; kéo chuyên dụng tỉa cành; máy phát cỏ.
[logo-slider]