Kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác kết hợp bón phân cho Keo tai tượng ở các chu kỳ sau tại vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

 

THÔNG TIN CHUNG
  • Công nhận tại QĐ số 594/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Tổng cục Lâm nghiệp.
  • Tác giả: Võ Đại Hải, Trần Lâm Đồng, Nguyễn Văn Bích, Hoàng Văn Thành, Hoàng Thị Nhung, Trần Hồng Vân, Trần Anh Hải, Dương Quang Trung, Đào Trung Đức.
NỘI DUNG CHÍNH

1. Kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác

  • Vật liệu hữu cơ sau khai thác (VLHCSKT): Sau khai thác rừng trồng, các sản phẩm chính của rừng trồng được lấy đi, tất cả vật liệu hữu cơ còn lại trên rừng bao gồm:
  • Cành, ngọn, vỏ và lá của cây;
  • Cây bụi, thảm tươi, dây leo khi xử lý thực bì;
  • Vật rơi rụng là cành, lá chưa phân hủy hết.
  • Kỹ thuật quản lý VLHCSKT theo các bước sau:
  • Phát thực bì: Phát cây bụi, dây leo, chừa lại các cây tái sinh có giá trị.
  • Xử lý VLHCSKT: Chặt ngắn cành, ngọn ≤1 m, không đốt. Nơi đất bằng hoặc ít dốc (≤150) rải đều VLHCSKT trên mặt đất và dọn cục bộ tại vị trí cuốc hố trồng cây. Nơi đất có độ dốc >150 gom thành hàng rộng khoảng 1,5 m theo đường đồng mức giữa 2 hàng cây dự kiến trồng nhằm giảm thiểu xói mòn đất và dòng chảy mặt.
  • Phòng cháy rừng: Có biện pháp phòng cháy rừng theo quy định, đặc biệt trong năm đầu khi VLHCSKT chưa phân hủy.
  • Điểm mới so với TBKT đã công nhận trước đây:

 

Điểm mới TBKT đề nghị công nhận TBKT đã công nhận
– Loài cây trồng Keo tai tượng Keo lá tràm và Keo lai
– Phạm vi áp dụng Vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Miền Trung và Đông Nam Bộ
– Kỹ thuật Bổ sung kỹ thuật cụ thể áp dụng cho từng loại đất dốc; Bổ sung yêu cầu thực hiện quy định phòng cháy rừng Không quy định

2. Kỹ thuật bón phân và chế phẩm sinh học

Có thể lựa chọn bón phân đơn hoặc bón phân tổng hợp:

–         Bón phân đơn

  • Loại phân và lượng phân bón cho mỗi cây (áp dụng cho mật độ trồng 1.330 cây/ha): Chỉ bón lót với liều lượng 300 g phân lân nung chảy (hàm lượng P2O5 là 15-17%) + 20 g kali clorua (hàm lượng K2O là 61%) + 500 g phân hữu cơ vi sinh (có chứa các chủng vi sinh vật hữu ích như Bacilius 1 × 106 CFU/g, Azolobacter 1 × 106 CFU/g, Trichoderma 1 × 106 CFU/g).
  • Kỹ thuật bón: Bón lót toàn bộ phân lân và kali dưới đáy hố, sau đó lấp đất dày khoảng 10 cm, phân hữu cơ vi sinh đã được trộn đều với đất được lấp lên trên cho tới khi đầy hố. Sau khi bón phân ít nhất 1 tuần tiến hành trồng cây khi có mưa, đất đủ ẩm.

–         Bón phân tổng hợp

  • Loại phân và lượng phân bón cho mỗi cây (áp dụng cho mật độ trồng 1.330 cây/ha). Bón lót 100 g NPK (tỷ lệ 5:10:3) + 500 g phân hữu cơ vi sinh; bón thúc 250 g NPK (tỷ lệ 5:10:3) ở lần chăm sóc đầu mùa mưa của năm thứ 2.
  • Kỹ thuật bón:
    • Bón lót: Để tránh cây bị chết do ngộ độc phân bón, phân NPK được bón phân xuống một góc ở đáy hố với kích thước hố tối thiểu rộng 30 × 30 cm và sâu 30 cm, sau đó lấp đất dày khoảng 10 cm, phân hữu cơ vi sinh đã được trộn đều với đất được lấp lên trên cho tới khi đầy hố. Sau khi bón phân ít nhất 1 tuần tiến hành trồng cây khi có mưa, đất đủ ẩm.
    • Bón thúc: Cuốc 4 hố nhỏ với kích thước 20 × 10 cm, sâu 10 cm quanh gốc, cách gốc cây khoảng 0,8-1,0 m, bón phân xuống rồi lấp đất kín phân bón.
ĐỊA ĐIỂM ỨNG DỤNG

Vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và các vùng có điều kiện tương tự

ĐIỀU KIỆN ỨNG DỤNG
  • Áp dụng cho trồng lại rừng Keo tai tượng (Acacia mangium) sau khai thác, đất đã bị suy thoái, chua và nghèo dinh dưỡng tại vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
  • Đối với kỹ thuật quản lý VLHCSKT, có thể áp dụng mở rộng cho trồng rừng Keo lai (Acacia mangium × auriculiformis) và Keo lá tràm (Acacia auriculiformis) trên đất rừng sau khai thác hoặc trên đất trồng mới trên phạm vi toàn quốc
  • Đối với kỹ thuật bón phân, có thể áp dụng mở rộng cho các loài Keo ở trong vùng hoặc các vùng khác, nhưng cần phân tích hàm lượng lân trong đất để xác định lượng bón phân phù hợp.
[logo-slider]