Kỹ thuật chuyển hoá rừng trồng Sa mộc cung cấp gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn

 

THÔNG TIN CHUNG
  • Công nhận tại Quyết định số 27/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 26/01/2021 của Tổng cục Lâm nghiệp.
  • Tác giả: TS. Đặng Văn Thuyết, TS. Nguyễn Toàn Thắng, ThS. Trần Anh Hải, ThS. Dương Quang Trung, ThS. Đinh Hải Đăng, ThS. Lê Thị Hạnh, KS. Lê Thị Ngọc Hà, KS. Diệp Xuân Tuấn, KS. Đào Trung Đức và ThS. Vũ Tiến Lâm.
NỘI DUNG CHÍNH

Điểm mới của tiến bộ kỹ thuật:

  • Yêu cầu đối với rừng đưa vào chuyển hoá: Mật độ từ 1.800 cây/ha đến 3.300 cây /ha, phù hợp hơn so với thực tế kinh doanh rừng Sa mộc. Thời gian bắt đầu chuyển hoá từ 6 năm tuổi đến 12 năm tuổi, trong khi yêu cầu trước đây là từ 5 năm tuổi trở lên.
  • Về kỹ thuật tỉa: Mật độ từ 1.800 đến dưới 2.500 cây/ha thì tỉa thưa 01 lần vào tuổi 09 đến tuổi 12; mật độ từ 2.500 đến 3.300 cây/ ha, tỉa thưa 02 lần (Lần 01 tỉa thưa vào tuổi 06 đến tuổi 09, lần 02 tỉa thưa vào tuổi 11 đến tuổi 13).
  • Bón phân cho rừng sau tỉa thưa: Bón với lượng 55 g urê + 700 g supe lân + 50 g ka li hay 110 g urê + 350 g supe lân + 50 g ka li hoặc phân khác có tỷ lệ tương đương cho mỗi cây. Hướng dẫn kỹ thuật hiện hành không quy định nội dung này.

   Kỹ thuật chuyển hoá rừng trồng Sa mộc (Cunninghamia lanceolata Lamb. Hook) cung cấp gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn gồm các nội dung công nghệ được mô tả như sau:

1. Điều kiện rừng đưa vào chuyển hóa

  • Mật độ: rừng trồng Sa mộc cung cấp gỗ nhỏ có mật độ hiện tại từ 1.800 cây/ha đến 3.300 cây /ha, số lượng cây để lại đạt từ 1.300 cây /ha trở lên và phân bố tương đối đều trên toàn bộ diện tích.
  • Thời gian bắt đầu chuyển hoá rừng đạt từ 6 năm tuổi đến 12 năm tuổi.
  • Rừng có những biểu hiện cạnh tranh không gian dinh dưỡng mạnh, đã giao tán, độ tàn che lớn hơn 0,8.
  • Sinh trưởng: cây sinh trưởng và phát triển tốt, ở thời điểm chuyển hóa có tăng trưởng đường kính bình quân (ΔD3) từ 1,0 cm/năm trở lên, chiều cao của rừng đạt trên 6,0 m. Tỷ lệ cây bị sâu, bệnh hại chiếm dưới 10% số cây.

2. Kỹ thuật bài cây

  • Chọn cây bài chặt: Cây bài chặt là những cây bị che sáng nhiều, phẩm chất kém như những cây bị sâu bệnh hại, cây cụt ngọn, cây nhiều thân, cây phân cành thấp, lệch tán, cây cong queo, cây không có triển vọng cung cấp gỗ lớn hoặc cây có phẩm chất tốt nhưng ở nơi có mật độ dày.
  • Chọn cây để lại: Cây để lại là những cây ưu thế không bị chèn ép, cây sinh trưởng tốt, thân thẳng, phân cành cao, một thân, tán cân đối, không bị sâu bệnh hại, không bị khuyết tật, có triển vọng cung cấp gỗ lớn.
  • Phương pháp bài cây: Bài cây chặt trước khi tỉa thưa bằng sơn ở 2 vị trí sát gốc và vị trí 1,3m theo một hướng nhất định.

3. Kỹ thuật tỉa thưa

  • Số lần tỉa thưa và mật độ để lại: Số lần tỉa thưa phụ thuộc vào mật độ hiện tại, sinh trưởng của rừng, điều kiện của chủ rừng và thị trường gỗ:
  • Mật độ từ 1.800 đến dưới 2.500 cây/ha: tỉa thưa 01 lần vào tuổi 09 đến tuổi 12, mật độ để lại từ 1.300 đến 1.600 cây/ha.
  • Mật độ từ 2.500 đến 3.300 cây/ ha: tỉa thưa 02 lần: (i) Lần 01: tỉa thưa vào tuổi 06 đến tuổi 09; mật độ để lại 1.500 đến 1.700 cây/ha; (ii) Lần 02: tỉa thưa vào tuổi 11 đến tuổi 13; mật độ để lại 1.300 đến 1.500 cây/ha.
  • Thời vụ tỉa thưa: vào mùa khô (trước hoặc sau mùa mưa) hoặc những tháng ít mưa.
  • Phương pháp tỉa thưa: gốc chặt không cao quá 10cm, hướng cây đổ không ảnh hưởng tới cây giữ lại. Không chặt quá 2 cây liền nhau trong một lần chặt tỉa thưa.

4. Kỹ thuật chăm sóc rừng sau tỉa thưa

  • Tỉa cành: tỉa cành cho cây mục đích, cắt các cành nằm ở dưới 1/3 chiều cao cây, cắt sát thân cây, tránh làm xước vỏ thân cây; thời điểm tỉa cành vào mùa khô.
  • Bón phân:
  • Thời điểm bón: Sau khi tỉa thưa, vào đầu đến giữa mùa mưa.
  • Loại phân và lượng phân: Bón 55 g urê + 700 g supe lân + 50 g ka li hay 110 g urê + 350 g supe lân + 50 g ka li hoặc phân khác có tỷ lệ tương đương cho mỗi cây.
  • Cách bón: Tạo rạch dài 40 cm đến 50 cm, rộng 15 cm đến 20 cm, sâu 8 cm đến 10 cm ở nơi tiếp giáp giữa các cây giữ lại nuôi dưỡng. Trộn các loại phân trên và bón đều cho các rạch, rồi lấp đất kín rạch.
  • Phát luỗng: Mỗi năm 1 lần vào giữa mùa mưa phát luỗng các chồi mọc lên từ gốc Sa mộc đã chặt, các dây leo, cây bụi, cỏ dại xâm lấn trên toàn bộ lô rừng.
ĐỊA ĐIỂM ỨNG DỤNG

Các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ.

ĐIỀU KIỆN ỨNG DỤNG

Các tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ kỹ thuật phải có rừng trồng Sa mộc đáp ứng đầy đủ điều kiện rừng đưa vào chuyển hoá theo yêu cầu muc a nêu trên.

 

[logo-slider]