HỘI THẢO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2017 VÀ LẬP KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NĂM 2018 “Dự án Thúc đẩy quản lý lâm sản bền vững của các công ty Lâm nghiệp” Ở Việt Nam

Dự án Thúc đẩy quản lý lâm sản bền vững của các công ty Lâm nghiệp Ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Lương thực Đức (BMEL) tài trợ và được Bộ NN&PTNT phê duyệt theo Quyết định số 1901/QĐ-BNN-HTQT ngày 19 tháng 5 năm 2017. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, đơn vị được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao nhiệm vụ là chủ dự án.

Dự án được vận hành với 2 đối tác thực hiện chính là:

  1. Công ty TNHH MTV LCN Long Đại tỉnh Quảng Bình, trong đó Lâm trường Trường Sơn trực thuộc Công ty là đơn vị đầu tiên trong cả nước được cấp và duy trì được chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức xây dựng, quản lý, triển khai các phương án quản lý rừng bền vững, đặc biệt với đối tượng rừng tự nhiên. Trong bối cảnh yêu cầu các tổ chức quản lý rừng cần phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trong thời gian tới thì việc chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và mô hình quản lý rừng của Lâm trường Trường Sơn tới các tổ chức quản lý rừng khác trên cả nước là việc làm rất có ý nghĩa; và
  2. Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ (trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) có trụ sở tại Thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị là đơn vị có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và thực tiễn về tổ chức quản lý rừng bền vững, từ khâu tạo cây giống chất lượng cao đến áp dụng các giải pháp lâm sinh nhằm nâng cao năng suất rừng và quản lý rừng bền vững cũng như việc khai thác, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng.

Trong dự án này, 2 đơn vị trên sẽ liên kết để hình thành một Trung tâm năng lực cung cấp các khóa đào tạo, dịch vụ tư vấn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Sự ra đời của trung tâm là mô hình đào tạo đầu tiên về Quản lý rừng bền vững (QLRBV) và Chứng chỉ rừng (CCR) ở Việt Nam, với quy mô bài bản từ việc đào tạo lý thuyết đến thực hành ngoài hiện trường về điều tra rừng, đa dạng sinh học, khai thác tác động thấp,… với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ dạy và học cùng sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia về QLRBV và chứng chỉ rừng đến từ Cộng hòa Liên bang Đức. Sự ra đời của trung tâm năng lực được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới trong việc nâng cao năng lực về QLRBV và chứng chỉ rừng, hướng tới xã hội hóa QLRBV ở nước ta.

Từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 12 năm 2017, đại diện nhà tài trợ BMEL/GFA và các đối tác thực hiện dự án đã thăm và làm việc tại hiện trường dự án tại ở tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Các hoạt động hiện trường bao gồm kiểm tra các ô trình diễn phục vụ đào tạo, hiện trường rừng trồng cho nghiên cứu khai thác tác động thấp và làm việc với bên liên quan. Các bên đánh giá cao nỗ lực của các đối tác trong lựa chọn và duy trì các hiện trường phục vụ đào tạo về QLRBV.

11

Đại diện nhà tài trợ, ông Christian Aschenbach, Giám đốc chương trình QLRBV quốc tế của GFA

và BMEL kiểm tra hiện trường dự án tại LT Trường Sơn.

Ngày 14-15 tháng 12 năm 2017, Dự án đã tổ chức 2 cuộc họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện năm 2017 và xây dựng kế hoạch năm 2018 của dự án. Tham dự hội thảo có đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Văn phòng tư vấn dự án, tổ chức WWF, đại diện của BMEL và các cán bộ của 2 đơn vị tham gia triển khai dự án.

12

Các đại biểu tham gia họp đánh giá thực hiện kế hoạch 2017 và xây dựng kế hoạch năm 2018

Mặc dù triển khai trong thời gian ngắn, bắt đầu từ tháng 6 năm 2017 nhưng dự án đã đạt được những kết quả quan trọng sau:

  1. Hỗ trợ rà soát, chỉnh sửa phương án quản lý rừng bền vững của lâm trường Trường Sơn;
  2. Khảo sát và thiết lập các ô trình diễn hiện trường phục vụ hoạt động đào tạo;
  3. Khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường về đào tạo QLRBV và chứng chỉ rừng;
  4. Xây dựng kế hoạch kinh doanh cho TT năng lực về QLRBV và chứng chỉ rừng đến năm 2020;
  5. Tổ chức 7 khóa đào tạo tiểu giáo viên về kỹ năng sư phạm, kỹ năng xây dựng chương trình đào tạo và kiến thức chuyên môn về QLRBV và chứng chỉ rừng cho 14 học viên đến từ TT KHLN BTB và công ty Long Đại, đây chính là các giảng viên nòng cốt trong tương lai của Trung tâm Năng lực;
  6. Xây dựng giáo trình và hoàn thiện chương trình đào tạo cho Trung tâm năng lực.

Ngoài ra dự án cũng tiến hành các hoạt động khác như xây dựng trang web cho Trung tâm năng lực, thường xuyên trao đổi với các tổ chức, dự án có liên quan ở Việt Nam về QLRBV và chứng chỉ rừng, tổ chức các hội nghị bàn tròn để chia sẻ thông tin và tổ chức các chuyến thăm quan hiện trường,…

Tại hội nghị, GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng kế hoạch năm 2018, coi đây là năm bản lề cho việc chuẩn bị và đưa vào vận hành Trung tâm năng lực về QLRBV và chứng chỉ rừng. Hội nghị đã xác định các nội dung thực hiện trong kế hoạch năm 2018 của dự án như tiếp tục hỗ trợ lâm trường Trường Sơn xây dựng kế hoạch kinh doanh, chuẩn bị và hoàn thiện các nội dung cần thiết cho việc vận hành trung tâm năng lực, tiếp tục đào tạo các giảng viên của dự án và hoàn thiện bộ giáo trình đào tạo. Để vận hàng Trung tâm năng lực, năm 2018 Dự án sẽ hoàn thành giáo trình và tổ chức đào tạo nội dung về Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Đối tượng đào tạo của dự án sẽ là các cán bộ, nhân viên kỹ thuật, cán bộ quản lý công tác tại các công ty lâm nghiệp, các cơ quan quản lý, đào tạo về lâm nghiệp trong cả nước. Ngoài ra, sẽ tiếp tục hoàn thiện và thúc đẩy quảng bá cho Trung tâm năng lực.

Kết thúc hội thảo, đại diện nhà tài trợ BMEL, công ty tư vấn triển khai dự án (Hessenforst, DFS) và 2 đối tác thực hiện dự án là Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ Công ty Long Đại đã đánh giá cao nỗ lực của các bên liên quan trong việc thực hiện thành công kế hoạch năm 2017. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các bên đã nhất trí các hoạt động triển khai trong năm 2018 và cam kết tiếp tục thực hiện thành công các hoạt động của Dự án.

Nguồn: Ban ĐT và HTQT

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]