Vấn đề chuyển hoá rừng trồng thuần loại và định hướng hỗn giao với cây bản địa lá rộng ở dự án Trồng rừng tại Lạng Sơn và Bắc Giang.

Vấn đề chuyển hoá rừng trồng thuần loại và định hướng hỗn giao với cây bản địa lá rộng ở dự án Trồng rừng tạiLạng Sơn và Bắc Giang.

Vũ Văn Hưng

Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp

Trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Cộng hoà Liên Bang Đức, từ năm 1995 đến nay Chính phủ CHLB Đức thông qua Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) đã viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam 5 dự án trồng rừng KfW với kết quả khoảng 60.000 ha rừng trồng và rừng khoanh nuôi tái sinh đã được thiết lập ở các vùng sinh thái bị đe doạ, góp phần cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc sống gần rừng và cải thiện điều kiện sinh thái môi trường.

Trong 5 dự án trên, dự án số 1 “Trồng rừng tại hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang — KfW1” được Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995 với mục tiêu ban đầu đặt ra là trồng và quản lý bền vững 12.600 ha rừng trồng tại hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Đến hết năm 2000 kết thúc giai đoạn trồng rừng, dự án đã trồng được 15.798 ha rừng trồng với các loài cây khác nhau.

Trong tổng số diện tích trên diện tích Thông mã vĩ thuần 9000 ha chiếm 57%, Thông mã vĩ xen Keo 3600 ha chiếm 23%, Keo 409 ha chiếm2,6%.

Kết quả điều tra của nhóm Chuyên gia Đức tháng 7/2004 và kết quả điều tra của Viện khoa học Lâm nghiệp vào tháng 7/2005 tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã đưa ra những số liệu sinh trưởng của các khu rừng trồng như sau:

-Keo trồng năm 1997: D1,3 = 22,5 cm, Hvn = 14m, Hdc = 7,2m, Dt = 4,3m.

-Keo trồng năm 1998: D1,3 = 10,3 cm, Hvn = 12,6m, Hdc = 5,8m, Dt = 3,3m.

-Thông trồng năm 1997: D1,3 = 15,5 cm. Hvn = 6,9 m, Hdc = 3,2 m, Dt = 4,1m.

-Thông trồng năm 1998: D1,3 = 9,8 cm. Hvn = 4,9 m, Hdc = 1,9 m, Dt = 3,1m.

Thực trạng của các khu rừng trồng trong vùng dự án hiện nay là rừng đang bước vào giai đoạn khép tán thậm chí có nhiều lâm phần đã quá giai đoạn khép tán, giữa các cây trong lâm phần đã có dự cạnh tranh về gay gắt về ánh sáng và không gian dinh dưỡng, làm cho chất lượng lâm phần đang dần bị giảm sút. Đối với một số lô rừng Keo trồng năm 1996, 1997 hiện nay đã đạt quy cách sản phẩm gỗ nhỏ với đường kính trên 20 cm. Đối với những lô trồng xen giữa Thông mã vĩ và Keo tại huyện Lục ngạn tỉnh Bắc Giang qua quan sát thực tế thấy rằng: (i) hàng Thông trồng giữa hai hàng Keo do hai hàng Keo phát triển vượt trội đã chèn ép rất mạnh vào hàng Thông ở giữa, Thông sinh trưởng rất chậm có thể bị chết nếu không có những biện pháp kỹ thuật lâm sinh tác động kịp thời; (ii) cả Thông và Keo cùng đang phát triển tốt nhưng sự cạnh tranh không gian sinh trưởng đang rất gay gắt; (iii) Thông và Keo hỗn giao theo đám và cùng phát triển tốt. Trong cả 3 trường hợp này đều cần phải có sự tác động bằng các giải pháp quản lý lâm sinh hợp lý nhằm xác định cây cần được bảo vệ và cây cần phải loại bỏ để đảm bảo rừng đem lại lợi ích tối ưu đồng thời đạt được đầy đủ các chức năng về môi trường. Đây cũng đang là vấn đề rất bức xúc của những hộ tham gia trồng rừng ở vùng dự án. Các báo cáo đánh giá và giám sát của các chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc dự án cũng đã chỉ ra rằng: Chỉ cần sau 4-5 năm thiết lập rừng, tiểu khí hậu dưới tán rừng đã được cải thiện rõ rệt theo hướng tích cực, độ phì và tính chất của đất cũng được cai thiện so với ban đầu, một số lâm phần trước khi trồng rừng thuộc nhóm dạng lập địa D nay đã chuyển lên lập địa C (theo phân dạng lập địa của dự án, Hà Nội -1996), dưới tán rừng đã xuất hiện lớp cây tái sinh có nguồn gốc tự nhiên.

Một hoạt động tự phát rất thú vị đáng lưu ý là: Do thấy lợi ích kinh tế của các loài cây bản địa lá rộng đa tác dụng, nên một số hộ nông dân tại huyện Sơn Động-Bắc Giang ngoài việc trồng và chăm sóc rừng trồng dự án năm 1999 theo quy định,đã bỏ kinh phí của mình tự trồng bổ sung thêm một số cây Trám trắng dưới tán rừng Thông mã vĩ và keo, hiện nay cây Trám sinh trưởng rất tốt, D1,3 = 6,0 cm, Hvn = 5,0 m. Điều này thật có ý nghĩa đối với định hướng sử lý lâm sinh các khu rừng trồng thông thuần loài hoặc thông hỗn giao với keo của dự án trong tương lai.

Vấn đề cấp bách hiện nay của dự án là thông qua các giải pháp kỹ thuật lâm sinh hợp lý:

i) Chuyển hoá các khu rừng trồng thuần loại trên thành những khu rừng hỗn giao với các loài cây bản địa tự nhiên, nhằm đưa rừng theo hướng ổn định bền vững.

ii) Trồng bổ sung cây bản địa lá rộng dưới tán rừng thông Mã vĩ và Keo ở nhưng nơi có điều kiện lập địa phù hợp theo hướng đa dạng hoá lâm sinh là một giải pháp nhằm phát triển rừng trồng gần và hướng tới rừng tự nhiên vốn có (hỗn loài, nhiều tầng tán, đa dạng sinh học) phục vụ mục đích sử dụng bền vững cả về kinh tế và sinh thái, mang lại lợi ích đều đặn trước mắt và lâu dài cho các hộ nông dân tham gia dự án.

Các nghiên cứu cho thấy hầu hết các loài cây bản địa mọc tự nhiên trong rừng sinh trưởng và phát triển rất tốt nhưng khi đưa ra trồng thuần loại trên diện tích lớn với những điều kiện khó khăn và khắc nhiệt hơn thì tỷ lệ thành rừng rất thấp. Do vậy ở nước ta trước đây hầu như chưa có mô hình trồng cây bản địa lá rộng thành công trên quy mô lớn ngoại trừ một số cây đã được thí nghiệm có kết quả bước đầu như Giẻ đỏ, Kháo vàng ở Lạng Sơn; hoặc một số loài trồng phân tán tại miền bắc như: Trám, Sấu, Lát. Thành công nhất có Mỡ, Quế đã trồng được rừng trên diện tích lớn ở Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hoá. Việc chuyển hoá rừng trồng thuần loại (thông và keo) thành rừng hỗn giao với các loài cây bản địa mới chỉ dừng lại ở mô hình thử nghiệm, manh mún và chưa tập trung, ví dụ như mô hình tại Vườn quốc gia Cát Bà – Hải Phòng, mô hình trồng cây bản địa dưới tán rừng Thông tại núi Luốt, Xuân Mai, Hà Tây và ở Trung tâm Nghiên cứu Lâm sinh Đại Lải thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp.

Trên thế giới việc gây trồng loài cây bản địa nhất là cây bản địa lá rộng cũng còn rất khiêm tốn, chỉ tập trung nhiều tại một số nước nhiệt đới với một số loài cây dễ gây trồng như: Hông, Tếch, Lõi thọ. Do vậy việc nghiên cứu gây trồng loài cây bản địa lá rộng là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Những năm gần đây nhiều chương trình, dự án quốc gia và quốc tế như: chương trình 327; dự án 661; bảo tồn nguồn gen, các dự án xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng đặc dụng (QĐ 194/ CT) về Chương trình phát triển nông thôn miền núi (Hợp tác VN-Thuỵ điển thông qua tổ chức SIDA), về phát triển Lâm nghiệp vùng (UNDP/ FAO), về trồng rừng PAM 4304 và 5322, các dự án trồng rừng do Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức đồng tài trợ thông qua Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), chương trình giống Quốc gia…đã rất coi trọng hoặc bắt đầu chú ý tới việc gây trồng và phát triển cây bản địa. Tuy nhiên các kết quả đạt được còn quá khiêm nhường. Bên cạnh khó khăn dễ gặp phải như về kỹ thuật gây trồng chưa hoàn chỉnh, cơ cấu loài nghèo nàn, nguồn giống có chất lượng đảm bảo của các loài bản địa đặc biệt là các loài cây bản địa lá rộng chưa hoàn hảo, còn có một khó khăn lớn trong quá trình thực hiện là vấn đề tâm lý, tư tưởng sợ trồng cây bản địa khả năng thất bại sẽ gặp phải là lớn. Định hướng gây trồng và đa dạng hoá các loài cây bản địa trong cơ cấu cây trồng lâm nghiệp là một định hướng đúng đắn, quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao chức năngcủa rừng về hiệu quả kinh tế — xã hội và sinh thái môi trường liên quan tới chiến lược phát triển ổn định và lâu bền của đất nước.

Với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, các dự án KfW khuyến khích trồng cây bản địa và kết quả thật đáng khích lệ. Hàng trăm ha cây bản địa đã được thiết lập trên vùng dự án KfW1 và KfW3 của 3 tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn). Đây cũng là cơ sở, là tiền đề quan trọng cho việc định hướng chuyển hoá rừng trồng thuần loại thành rừng trồng hỗn giao với cây bản địa.

Với mục đích chuyển dần các lâm phần thông Mã vĩ thuần loài đồng tuổi, keo, thông xen keo thành rừng hỗn loài, khác tuổi gần với cấu trúc tự nhiên thông qua các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như: tỉa thưa, xúc tiến và quản lý quá trình tái sinh tự nhiên (ở những nơi có điều kiện thuận lợi) hoặc trồng bổ sung cây bản địa có giá trị kinh tế dưới tán rừng trồng theo băng hoặc theo đám đã và đang được dự án KfW1 “Trồng rừng tại các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang – các biện pháp đào tạo” kết hợp cùng Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đang tiến hành xây dựng các mô hình thử nghiệm. Do đặc điểm của các dự án KfW với đối tượng thực hiện là các hộ nông dân trồng và quản lý rừng theo quy mô nhỏ, các mô hình này sẽ phải mở một hướng đi mới cho quản lý lâm sinh không theo phương pháp truyền thống. Phương pháp quản lý lâm sinh kết hợp với tỉa thưa nuôi dưỡng rừng theo từng giai đoạn phát triển của lâm phần sẽ được áp dụng trong các mô hình. Việc tỉa thưa nuôi dưỡng theo một phương pháp mới được thực hiện liên tục trong nhiều năm sẽ dẫn dắt lâm phần thuần loại hoặc gần thuần loại đi đến một cấu trúc hỗn loại đa dạng hơn, bền vững hơn về môi trường và sản phẩm.

Cũng chưa thể đưa ra một nhận định chính xác nào cho tương lai, nhưng việc xây dựng mô hình là cần thiết. Tuy nhiên kết quả rút ra từ nhưng mô hình này sẽ là những cơ sở khoa học quan trọng, góp phần hoàn thiện các biện pháp quản lý lâm sinh các khu rừng trồng sau giai đoạn thiết lập theo hướng ổn định, bền vững củacác dự án KfW nói riêng và cho ngành Lâm nghiệp nói chung.

Tài liệu tham khảo

1.Hướng dẫn kỹ thuật trồng thông Mã vỹ và thông Mã vỹ xen keo(Hà Nội, 2000)-Tài liệu lưu hành nội bộ dự án KfW3.

2.Vấn đề gây trồng cây bản địa trong vùng dự án “Trồng rừng ở các tỉnh Bắc giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn”, những kết quả ban đầu và bài học kinh nghiệm,Dr. Đào Công Khanh (Thanh Hoá, tháng 6 năm 2004)(Báo cáo trình bày tại Hội thảo về gây trồng cây bản địa trong vùng dự án KfW4)

3.Hướng dẫn kỹ thuật tỉa thưa và phương thức quản lý lâm phần thông mã vĩ, áp dụng cho dự án các biện pháp đào tạo — Hậu KfW1, Dr. Bjorn Wood (Hà Nội, tháng 7 năm 2005), (Tài liệu lưu hành nội bộ).

4.Hướng dẫn kỹ thuật tỉa thưa và phương thức quản lý lâm phần Keo, áp dụng cho dự án các biện pháp đào tạo — Hậu KfW1, Dr. Bjorn Wood (Hà Nội, tháng 7/2005), (Tài liệu lưu hành nội bộ).

5.Mấy vấn đề gây trồng cây bản địa ở Việt Nam,GS.TS Nguyễn Xuân Quát (1994)

Tóm tắt:

 

Dự án “Trồng rừng ở các tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn-KfW1” do Chính phủ CHLB Đức đồng tài trợ được thực hiện từ năm 1995. Đến nay các lâm phần trồng thông Mã vỹ thuần loại và thông hỗn giao với keo (A. mangium và A. auriculiformis) đã quá giai đoạn khép tán, đặc biệt là các lâm phần trồng năm 1997, 1998 sinh trưởng rất tốt,đang có sự cạnh tranh mãnh liêt về không gian dinh dưỡng giữa các cá thể; đồng thời tiểu khí hậu dưới tán rừng và đất rừng đã được cải thiện tốt hơn so với ban đầu, lớp cây tái sinh có nguồn gốc tự nhiên đã bắt đầu xuất hiện ở một số nơi dưới tán rừng trồng. Để dẫn dắt rừng phát triển theo hướng ổn định bền vững gần với tự nhiên ngoài những kỹ thuật tác động vào rừng như: tỉa cành, tỉa thưa chăm sóc rừng trồng cần có những nghiên cứu nhằm xúc tiến tái sinh tự nhiên dưới tán rừng và tìm ra những loài cây bản địa phù hợp đưa vào trồng dưới tán rừng. Đây là vấn đề quan trọng cần được giải quyết ở dự án KfW1 nói riêng và trong các dự án KfW nói chung.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]