Thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, chống cạn kiệt và suy thoái nguồn nước vùng đầu nguồn lưu vực sông Cầu

Ngô Đình Quế

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

I. Đặt vấn đề.

Sông Cầu bắt nguồn từ vùng núi Tam Tao ( cao 1326m) chảy qua tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên tới Phả Lại với những phụ lưu chính là sông Công và sông Cà Lồ. Có lưu vực rộng trên 6.000km2 và số cư dân sinh sống trên 5 triệu người.

Nhiều năm qua, nhất là trong vòng 20 năm gần đây, do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do phát triển nông lâm nghiệp một cách tự phát, thiếu bền vững cộng với việc gia tăng dân số đáng kể nên rừng đầu nguồn bị suy giảm nghiêm trọng dẫn tới nguồn nước sông Cầu ngày càng cạn kiệt, lòng sông bị nâng cao, nước sông bị ô nhiễm dẫn đến khả năng cung cấp và điều tiết nước sông Cầu bị suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu cư dân sống trong vùng.

Để nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, một đề án chiến lược tổng thể bảo vệ và khai thác nguồn lợi sông Cầu 2001 – 2010 được hình thành, trong đó việc khôi phục và phát triển lâm nghiệp bền vững làm cơ sở cho chương trình chống cạn kiệt và suy thoái nguồn nước vùng đầu nguồn sông Cầu được đặt ra với mục tiêu là :

– Trồng cây giữ nước chống xói mòn đất

– Góp phần bồi phụ nguồn nước, bảo vệ nguồn phát tích dòng nước.

– Phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống của cư dân trong vùng.

Để có cơ sở xây dựng dự án, cần thiết phải đánh giá thực trạng rừng phòng hộ vùng lưu vực sông Cầu và đề xuất một số giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng rừng để đạt được các mục tiêu đề ra.

I. Thực trạng vùng đầu nguồn sông Cầu – phương pháp đánh giá và kết quả bước đầu .

1.1. Vấn đề quản lý rừng phòng hộ.

Rừng là một trong những vấn đề toàn cầu được Nhà nước rất quan tâm vì vai trò và chức năng của nó trên cả 3 lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội. Mối quan tâm lớn nhất là sự mất rừng và suy thoái rừng và làm sao quản lý rừng một cách bền vững. Năm 1986, Bộ Lâm nghiệp cũ đã xây dựng và ban hành qui chế quản lý 3 loại rừng áp dụng trong cả nước (quyết định 1171-QĐ ngày 30/12/1986). Theo quy chế này, rừng được quản lý theo mục đích sử dụng là rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng bao gồm cả rừng và đất chưa có rừng được quy hoạch dành cho kinh doanh lâm nghiệp. Diện tích rừng phòng hộ được quy hoạch là 6 triệu ha, chiếm 18% diện tích. Năm 1992, Chính phủ ban hành Quyết định số 327 để trồng rừng phòng hộ, mỗi năm gây trồng được 150-250 ngàn ha rừng mới. Trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, theo quyết định số 661/QĐ TTg cũng ưu tiên trồng 2 triệu ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Kết quả cho thấy bước đầu diện tích rừng phòng hộ đã được nâng lên. Tuy nhiên, chất lượng rừng phòng hộ ở nhiều nơi chưa cao, rừng chưa phát huy hết vai trò phòng hộ của nó. Đối với vùng thượng nguồn, nơi phát tích nguồn nước sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Cạn, theo tính toán (1998) toàn tỉnh đất có rừng là 216.950ha, chiếm 53%, đất không có rừng là 188.000ha, chiếm 47%. Nhu cầu cần tạo rừng mới cho đến năm 2010 còn rất lớn, phải trồng 150.000ha để đạt độ che phủ >70%. Trong vài năm gần đây, mặc dù Dự án 661 đã đầu tư khá mạnh như năm 2000 trồng được 920ha, khoanh nuôi 15.860ha với tổng số kinh phí khoảng 12 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2001 sẽ tiếp tục đầu tư 6 tỷ đồng cho trồng mới và khoanh nuôi rừng. Với tốc độ đầu tư như vậy, khó có thể đến năm 2001 đạt được mục tiêu đề ra về số lượng cũng như chất lượng rừng phòng hộ.

1.2. Phương pháp đánh giá và kết quả bước đầu.

Rừng phòng hộ chống xói mòn, bảo vệ đất và nuôi dưỡng nguồn nước. Các nhân tố ảnh hưởng gồm 2 loại chính là nhân tố xã hội và nhân tố tự nhiên. Các nhân tố xã hội như chế độ canh tác và phương thức canh tác không hợp lý, khai thác rừng bừa bãi, đốt nương làm rẫy, cháy rừng đều dẫn tới gia tăng sự xói mòn đất. Các nhân tố tự nhiên bao gồm khí hậu (chủ yếu là lượng mưa), địa hình đất và địa chất, thực bì; trong đó nhân tố khí hậu và địa hình ảnh hưởng trực tiếp. Nếu lượng mưa là động lực gây ra xói mòn thì địa hình là điều kiện xúc tiến xói mòn, thực bì luôn là yếu tố giảm nhẹ xói mòn. Vì vậy, để đánh giá thực trạng phải đánh giá tổng hợp các yếu tố trên.

Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi đã sử dụng phương pháp như sau:

+ Thu thập và xây dựng những tư liệu cơ bản về hiện trạng rừng và sử dụng đất, xây dựng bản đồ cấp độ dốc, bản đồ đất, xói mòn lưu vực và các hoạt động có ảnh hưởng khác.

+ Sử dụng phương pháp đánh giá tổng hợp và phân chia rừng đầu nguồn của FAO áp dụng ở Thái Lan kết hợp với quy phạm của Bộ Nông nghiệp và PTNT để phân tích và đề xuất các giải pháp cụ thể. Kết quả như sau:

a) Phân cấp phòng hộ khẩn cấp phục hồi rừng thuộc lưu vực sông Cầu.

Trên cơ sở tổng hợp tài liệu của 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Cạn, kết quả là:

– Vùng rất xung yếu: mức khẩn cấp phục hồi rừng là 15.572ha

– Vùng xung yếu là 35.300ha

– Vùng ít xung yếu là 115.000ha

b) Diện tích phòng hộ khẩn cấp lưu vực sông Công ở cả 3 vùng kết quả như sau: 16. 645ha:

– Vùng rất xung yếu: mức khẩn cấp phục hồi rừng là 894ha

– Vùng xung yếu là 2.937ha

– Vùng ít xung yếu là 12.814ha

c) Nhu cầu cần tác động trồng rừng phòng hộ của cả lưu vực sông Công và sông Cầu (bảng 1).

Kết quả tính toán được thể hiện trong bảng 1 cho thấy diện tích cần tác động nhiều là 35.703ha, diện tích cần tác động ít là 192.625ha. Diện tích cần tác động nhiều chủ yếu trên đất trống đồi trọc phải trồng lại rừng. Diện tích cần tác động ít chủ yếu là khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng, trồng bổ sung hoặc bằng các giải pháp kỹ thuật nông lâm kết hợp ở vùng ít xung yếu. Trên cơ sở các số liệu trên, chúng ta cần có kế hoạch, biện pháp kỹ thuật thích hợp áp dụng cho từng nơi cụ thể để đạt được mục tiêu chống cạn kiệt và suy thoái nguồn nước, phấn đấu đến năm 2010 phải tác động tối thiếu 2/3 diện tích trên để đạt >70% diện tích che phủ của rừng đầu nguồn. Tuy nhiên, các giải pháp kinh tế – kỹ thuật cần được bổ sung cả về vốn đầu tư ngoài các giải pháp trồng rừng phòng hộ của dự án 661

Bảng 1:Nhu cầu diện tích cần tác động trồng rừng phòng hộ chống cạn kiệt nguồn nước của lưu vực sông Cầu, sông Công tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên

Đơn vị: ha

TT Loại yêu cầu trồng rừng phòng hộ Tổng số Sông Cầu Sông Công
Bắc Cạn Thái Nguyên Thái Nguyên
1 Không cần tác động 38.455 7.086 24.369 7.040
2 Cần tác động ít 192.625 82.790 93.714 16.095
3 Tác động nhiều 35.703 12.229 18.690 4.784
4 Ngoài lâm nghiệp 127.436 7.970 69.003 50.463
Tổng cộng 394.546 110.145 205.776 78.382

II. Một số đề xuất và các giải pháp.

2.1. Các giải pháp kỹ thuật.

§ Đai phòng hộ rất xung yếu.

ởđai này cần có tỷ lệ che phủ của rừng >70%. Biện pháp chủ yếu là bảo vệ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh để phục hồi rừng là chính. ởnhững nơi có điều kiện, tiến hành làm giàu rừng bằng các cây bản địa, tạo thành rừng nhiều tầng nhiều tán để nâng cao tác dụng phòng hộ của rừng. Chỉ tiến hành trồng rừng ở những nơi không có khả năng tự phục hồi rừng.

Cây trồng phải phù hợp với điều kiện lập địa, chú trọng đến cây bản địa, những cây có khả năng chịu được khô hạn, đất nghèo xấu và có biên độ sinh thái lớn có bộ rễ phát triển sâu rộng. Rừng trồng phải có kết cấu hỗn loài để tạo được rừng nhiều tầng, rậm kín, bền vững và ổn định. Nghiêm cấm việc sử dụng lửa để xử lý thực bì, tránh cháy rừng, huỷ diệt những sinh vật, vi sinh vật hữu ích trong đất, gây xói mòn mạnh trong một thời gian dài.

§ Đai phòng hộ xung yếu.

Đai này ở thấp hơn đai phòng hộ rất xung yếu, cần bố trí khoảng >50% diện tích mặt đất có độ che phủ bằng cây rừng và cây công nghiệp dài ngày. Thực hiện hỗn giao giữa cây rừng với cây dược liệu, cây rừng với cây ăn quả, hỗn giao giữa cây rừng và cây công nghiệp. Cây rừng trồng ở đai này cần ưu tiên cây bản địa, đa tác dụng, đa mục đích kết hợp phòng hộ và kinh tế như : Trám, Sấu, Giẻ, Lát hoa, Giổi, Re, Kháo … những vùng canh tác nương rẫy luân canh: Trong luân kỳ canh tác phải thực hiện các biện pháp chống xói mòn như trồng các băng cây họ Đậu để ngăn cắt dòng chảy, hạn chế xói mòn, tăng cường chất hữu cơ và cố định đạm từ không khí cho đất. Cuối luân kỳ canh tác thực hiện cho đất nghỉ tích cực bằng cách trồng các cây họ Đậu như cốt khí, keo dậu, để rút ngắn thời gian bỏ hoá của nương rẫy. Đối với nương rẫy cố định phải thực hiện các biện pháp chống xói mòn bằng cách trồng các hàng rào băng cây xanh xung quanh nương rẫy, trồng các hàng cây xanh theo đường đồng mức làm thành các bậc thang. Trồng các cây lưu niên như dứa, cam, quýt, xoài … theo từng băng xen kẽ với diện tích canh tác cây nông nghiệp. ởchân dốc nên trồng các đai bằng cây tre, luồng để ngăn đất bị rửa trôi và có thu nhập thường xuyên hàng năm.

Biện pháp làm đất: Cục bộ, tránh cày xới nhiều, làm đất toàn diện, trồng các cây có thời gian che phủ đất dài như sắn, ngô …

ở những khu vực không có rừng hoặc tỷ lệ che phủ rừng < 50% cần trồng những đai rừng theo đường đồng mức, chiều rộng của đai rừng này từ 50 – 100m, đai nọ cách đai kia 50m bằng các loại cây mọc nhanh. Trong thời gian đầu cần trồng xen các cây nông nghiệp dài ngày như lúa, sắn, khoai sọ … vừa tăng thu nhập vừa chăm sóc được rừng trồng.

§ Đai phòng hộ ít xung yếu.

ởđai này các giải pháp chống xói mòn, cải thiện độ màu mỡ của đất được đặt ngang nhau, thể hiện ở 2 khâu kỹ thuật làm đất, cải tạo đất và kỹ thuật bố trí cây trồng.

Giải pháp chống xói mòn chủ yếu trồng các băng cây xanh bằng các cây họ Đậu như cốt khí, điền thanh, cỏ stiver, dứa … theo đường đồng mức; xếp đá, các vật chắn khác như thân, cành, các phụ phẩm nông nghiệp theo đường đồng mức. Những nơi có điều kiện thì san thành các ruộng bậc thang để vừa chống xói mòn vừa dễ canh tác, tăng lượng nước ngấm vào đất.

Bố trí cây trồng: Phần đất cao nên bố trí trồng các cây dài ngày hơn phần đất thấp. Bố trí luân canh giữa cây lương thực và cây họ Đậu như đỗ, lạc để tăng cường chất dinh dưỡng và chất mùn trong đất nhờ cố định đạm và thân các cây họ Đậu. Bố trí trồng xen canh gối vụ tăng thời gian che phủ đất của cây trong năm và giữ độ ẩm cho đất vừa tránh được xói mòn. Những nơi có điều kiện tự nhiên thích hợp nên đắp các đập nhỏ để giữ nước, tạo nguồn nước tưới cho cây trồng. ở ven sông Cầu trồng tre chống xói lở bờ sông cự ly 15 – 20m/bụi.

Với các phương thức canh tác trên hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trước mắt cần phải lập kế hoạch tổng thể, có tính toán các bước đi. Những nơi khẩn cấp cần ưu tiên đầu tư trước. Cần thiết phải xây dựng các mô hình thí điểm để từ đó nhân rộng cho toàn lưu vực.

2.2. Các giải pháp về tổ chức quản lý.

Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển rừng phòng hộ. Nhiều dự án bảo vệ, phát triển phòng hộ đầu nguồn đã thực thi có hiệu quả nhưng quy mô và mức độ đầu tư còn thấp. Thực tế hiện nay ở một số nơi việc quy hoạch xác định ranh giới khu rừng phòng hộ nói chung và các khu rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu và rất xung yếu tại thực địa chưa rõ ràng. Các giải pháp về kinh tế kỹ thuật, quyền lợi của người tham gia bảo vệ, xây dựng phát triển rừng phòng hộ còn nhiều bất cập. Để đạt được mục tiêu và những tiêu chuẩn đã đề ra, bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân (nhất là nhân dân ở ven rừng, gần rừng) hiểu được giá trị to lớn của rừng phòng hộ, tích cực tham gia bảo vệ và xây dựng rừng, Nhà nước cần ưu tiên cấp kinh phí đầu tư đúng mức để quản lý, bảo vệ, xây dựng phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu và xung yếu mới đáp ứng được yêu cầu phòng hộ điều tiết nguồn nước, góp phần cung cấp nước cho nông nghiệp và hạn chế lũ lụt … Các chính sách, giải pháp về kinh tế, kỹ thuật, pháp luật về quyền lợi của người dân cũng cần phải hoàn thiện, đồng bộ và phù hợp hơn nữa với yêu cầu phát triển chung của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn hiện nay của nước ta.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Hồng Khánh – Lưu Xuân Viện – Đỗ Hoài Phương – Tạ Đăng Toàn. Những nét cơ bản về

hiện trạng môi trường sinh thái cảnh quan lưu vực sông Cầu, 10 / 2000.

Sở KHCN MT tỉnh Bắc Cạn, Báo cáo hiện trạng lưu vực sông Cầu tỉnh Bắc Cạn, 3 / 2000.

Viện Khí tượng thuỷ văn, Đặc điểm khí tượng thuỷ văn và môi trường nước lưu vực sông Cầu,

3 /2000.

Nguyễn Ngọc Lung – Võ Đại Hải, Kết quả nghiên cứu tác dụng phòng hộ nguồn nước của một số thảm thực vật chính và các nguyên tắc xây dựng rừng phòng hộ, 1997.

Ngô Đình Quế – Bùi Đoàn – Đinh Văn Quang, Nghiên cứu công nghệ sử dụng và bảo vệ đất dốc nông lâm nghiệp vùng phòng hộ đầu nguồn – Viện KHLN Việt Nam, 12/2000.

Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bản đồ hiện trạng sử dụng đất các tỉnh Bắc Cạn-Thái Nguyên, 1998.

Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, Bản đồ đất các tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, 1995

Bộ Lâm nghiệp, Quy phạm kỹ thuật xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn, QPN-13-91, Hà Nội 1994.Summary: Based on the survey and study for elaboration of general, strategic plan to protect and exploit the Cau River resource in 2001-2010 period, with integrated research method and classification of upstream forest of FAO applied in Thailand combined with procedures of Ministry of Agriculture and Rural Development and support of (GIS) the upstream area of Cau River is divided into highly critical, critical and less critical regions and calculation is done about the needed protection forest planting and forest rehabilitation. Preliminary recommendation are made of some technical, organizational and policy measures for prevention of depletion of water sources of Cau River.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]