Thông tin Luận án Tiến sĩ của Nghiên cứu sinh Nguyễn Tiến Linh

Tên luận án: “Nghiên cứu một số cơ sở khoa học trồng rừng thâm canh bạch đàn chu kỳ sau ở vùng Trung tâm Bắc Bộ”.

Chuyên ngành: Lâm sinh   Mã số: 9 62 02 05

Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Tiến Linh

Họ và tên cán bộ hướng dẫn: GS.TS. Võ Đại Hải

Cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN:

  1. Vùng Trung tâm Bắc Bộ có diện tích rừng trồng bạch đàn tập trung lớn, canh tác độc canh qua nhiều chu kỳ, chưa được quản lý dinh dưỡng đất hợp lý dẫn đến lập địa đã và đang bị suy thoái ở các mức độ khác nhau với các chỉ tiêu lý, hóa tính đất ở mức từ trung bình đến nghèo.
  2. Các dòng Bạch đàn lai UP54, UP72, UP95 và UP99 trong khảo nghiệm có sinh trưởng nhanh, năng suất cao (20,6 – 23,7 m3/ha/năm) và chất lượng tốt, phù hợp với vùng Trung tâm Bắc Bộ.
  3. Trồng rừng bạch đàn có xu hướng làm giảm độ pH đất, dẫn đến chua đất; hàm lượng mùn tổng số tăng nhẹ; hàm lượng đạm tổng số và ka li trao đổi giảm nhẹ; hàm lượng lân dễ tiêu giảm mạnh. Nhu cầu dinh dưỡng và khoáng (N, P, K, Ca và Mg) của rừng trồng bạch đàn cao ở giai đoạn rừng non (1-2 tuổi) và có xu hướng giảm dần từ tuổi 3. Quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng bạch đàn ở chu kỳ đầu chưa ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng rừng và tính chất đất. Bón lót 30g phân urê (46% N) + 250g phân lân nung chảy (15-17% P2O5) + 20g kali (61% K2O) + 500g phân hữu cơ vi sinh (chứa các chủng vi sinh vật hữu ích Bacilius 1×106 CFU/g, Azolobacter 1×106 CFU/g, Trichoderma 1×106 CFU/g)/cây; bón thúc 75g urê (46% N)/cây vào đầu mùa mưa 2 năm tiếp theo cho sinh trưởng rừng và hiệu quả kinh tế cao nhất. Xử lý cỏ dại toàn diện bằng biện pháp phát thủ công trước khi cuốc hố trồng và trong các lần chăm sóc ở 3 năm đầu cho sinh trưởng rừng tốt hơn biện pháp phun thuốc diệt cỏ theo rạch và thấp nhất là biện pháp phun thuốc diệt cỏ toàn diện.
  4. Bạch đàn trồng luân canh với keo cho sinh trưởng tốt hơn rõ rệt so với trồng độc canh. Tỉa thưa và bón phân sau tỉa thưa ít có tác dụng đối với sinh trưởng rừng trồng bạch đàn.
  5. Trong kinh doanh rừng bạch đàn chồi, để lại 1 chồi/gốc cho sinh trưởng đường kính và chiều cao từng cây cá lẻ lớn hơn so với để lại 2 chồi/gốc nhưng cho tổng trữ lượng rừng thấp hơn so với để lại 2 chồi/gốc. Bón thúc 180g urê + 300g super lân + 20g kali/cây cho sinh trưởng tốt nhất. Tỉa thưa kết hợp bón thúc phân có tác dụng không đáng kể đến sinh trưởng và năng suất rừng.

 

Thông tin luận án và toàn văn luận án đã được đăng tải công khai trên trang thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại đường link: http://luanvan.moet.gov.vn/?page=1.32&lv=241

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]