Thành phần loài và đặc điểm phân bố của thực vật ngập mặn ở Thừa Thiên Huế

Hoàng Công Tín, Mai Văn Phô

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

 

TÓM TẮT

Thảm thực vật ngập mặn (TVNM) ở Rú Chá, khu du lịch Tân Mỹ, cửa sông Bù Lu và quanh đầm Lập An đã cấu thành nên hệ TVNM ở Thừa Thiên Huế, góp phần vào sự đa dạng sinh học ở vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào công bố một cách đầy đủ về hiện trạng phân bố và thành phần loài TVNM ở đây. Vì vậy, bài báo này nhằm cung cấp dẫn liệu về thành phần loài và đặc điểm phân bố của TVNM hiện có ở Thừa Thiên Huế.

Kết quả nghiên cứu đã xác định được 50 loài thuộc 42 chi, 31 họ thực vật và 2 ngành. Trong đó, đã bổ sung 3 loài TVNM cho khu vực Rú Chá và khu vực cửa sông Bù Lu. Danh lục thành phần loài TVNM ở khu vực Tân Mỹ lần đầu tiên được công bố. Đặc điểm phân bố thành phần loài TVNM theo không gian được ghi nhận rằng, ngay trong địa bàn tỉnh TT- Huế sự đa dạng thành phần loài và các taxon bậc chi và họ của TVNM đã có sự biến động theo phân bố vĩ tuyến với thứ tự các khu vực là Rú Chá < Tân Mỹ < Bù Lu < Lập An. Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ của công nghệ ảnh viễn thám và GIS, tổng diện tích TVNM ở vùng ven biển Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 29,98 ha và diện tích phân bố chi tiết của 4 khu vực chính cũng đã được xác định.

Những kết quả trên có thể xem là cơ sở quan trọng cho công tác bảo tồn và phục hồi diện tích TVNM nhằm tăng tính đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng ven biển Thừa Thiên Huế.

Từ khóa: Thực vật ngập mặn, Thừa Thiên Huế, Thành phần loài, Đặc điểm phân bố

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Vùng duyên hải miền Trung được cấu tạo bởi một dải đất hẹp tiếp giáp giữa Biển Đông và dãy Trường Sơn về phía Bắc. Dải đất bị chia cắt bởi nhiều nhánh núi thuộc dãy Trường Sơn chạy ra đến biển cũng như với các sông ngắn, dốc bắt nguồn từ phía Tây Trường Sơn và đổ ra biển Đông. Nơi đây, là khu vực gặp gỡ giữa các con sông và biển Đông, nơi giao thoa giữa nguồn nước ngọt từ sông và nguồn nước mặn của biển đã tạo nên sự đa dạng các hệ sinh thái đầm phá, vũng vịnh với mật độ dày đặt. Đó cũng là một đặc trưng của của vùng duyên hải miền Trung.

Với đường bờ dài khoảng 127km và trên 22 nghìn hecta mặt nước đầm phá ven biển, Thừa Thiên Huế (TT-Huế) được xem là một trong những vùng đất ngập nước ven biển có tính đa dạng sinh học cao của khu vực miền Trung. Thảm thực vật ngập mặn ở Rú Chá – Hương Phong, khu du lịch Tân Mỹ ở phá Tam Giang, cửa sông Bù Lu – Cảnh Dương và quanh đầm Lập An đã cấu thành nên một hệ TVNM ở vùng ven biển TT. Huế cũng góp một phần vào sự đa dạng sinh học đó. Tuy diện tích không lớn như ở các châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long nhưng chúng cũng đóng một vai trò lớn trong việc bảo vệ các cộng đồng cư dân, hệ sinh thái nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của các địa phương ven biển [10].

(Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp số 1, năm 2012, trang 2085-2094)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]