Quy trình kỹ thuật trồng rừng muồng đen

Quy trình kỹ thuật trồng rừng muồng đen

(Cassia siamea Lam)

Chương I

Điều khoản chung

Điều 1:Quy trình kỹ thuật này áp dụng chủ yếu cho các vùng đầu nguồn ở các sông, hồ thuỷ lợi, thuỷ điện thuộc quyền quản lý của Quốc gia nơi có điều kiện hoàn cảnh phù hợp.

Điều 2:Quy trình này quy dịnh các biện pháp kỹ thuật từ khâu tạo giống đến trồng rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ đến khi rừng khép tán. Mục tiêu chủ yếu là phòng hộ phục vụ chương trình 327. Song vẫn có thể vận dụng để trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán và trồng cho các mục đích khác.

Chương II

Điều kiện gây trồng

Điều 3: Điều kiện khí hậu

– Nhiệt độ không khí trung bình năm từ 24-270C.

– Lượng mưa trung bình năm từ 700-2000mm.

– Độ ẩm không khí bình quân 70-80%.

– Muồng đen là cây chịu hạn có thể sống được ở những vùng có mùa khô kéo dài 6-7 tháng/năm. Độ cao tuyệt đối <1200m.

Điều 4: Đất để trồng Muồng đen

– Các loại đất Feralit phát triển trên đá Bazan, phiến thạch Mica, sa thạch, đá vôi, đất bồi tụ trung tính hoặc hơi kiềm, đất cát trắng.

– Thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt nhẹ, thoát nước. Độ sâu tầng đất thích hợp >40cm.

Chương III

Tạo cây con

Điều 5: Chọn cây mẹ để thu hái hạt giống

– Cây mẹ để lấy giống phải có tuổi từ 8 năm trở lên, thân tròn, thẳng, tán cân đối, không bị sâu bệnh và phân cành cao.

Điều 6: Thu hái, chế biến và bảo quản hạt giống

– Thời vụ thu hái quả: Cây Muồng đen ra hoa từ tháng 6-7 và kéo dài đến tháng 10-11. Trong thời gian đó trên cây vẫn có quả chín. Khi quả chín vỏ quả chuyển thành màu vàng xám. Dùng sào hoặc trèo lên cây bẻ những trùm quả chín, vỏ chưa nứt, cần chọn những chùm quả có chiều dài quả >20cm, vỏ quả căng và bóng.

– Chế biến hạt: Thu hái về và loại bỏ những quả lép, quả non lẫn trong chùm quả. Dùng nong hay vải bạt để phơi quả ngoài nắng. Phơi nắng 3-5 ngày vỏ quả nứt và hạt rơi ra. Số quả chưa nứt thì dùng tay hoặc thanh gỗ nhẹ để tách hạt.

– Bảo quản hạt: Hạt thu được sàng sẩy sạch để loại bỏ hạt lép, sau đó phơi lại 1-2 nắng nhẹ. Hạt đã phơi khô cho vào chum vại bịt kín hoặc cho vào túi nilon buộc lại cất ở nơi khô ráo, thoáng mát trong điều kiện bình thường. 1kg hạt có khoảng 30.000 hạt.

Điều 7: Chọn vườn ươm

– Vườn ươm phải chọn ở nơi bằng phẳng tốt nhất ở những nơi có độ dốc <50 và thoát nước tốt.

– Vị trí gần nguồn nước, gần đường giao thông để vận chuyển vật liệu và cây con được thuận lợi và tránh hướng gió hại.

– Nơi có điều kiện chăm sóc cho cây con thường xuyên. Phải có hàng rào để che chắn người và gia súc qua lại.

Điều 8: Kỹ thuật tạo bầu

– Dùng túi bầu nilon kích thước 9x12cm với cây con nuôi trong vườn 3 tháng, 12x15cm với cây con nuôi trong vườn hơn 3 tháng tuổi. Túi bầu có đáy cắt hai góc và đục các lỗ thoát nước.

– Thành phần ruột bầu dùng đất mặt vườn ươm, đất dưới thảm cây bụi lau chít, đất bồi tụ ven sông, ven suối đảm bảo tơi xốp, không có đá lẫn, đập nhỏ qua sàng để loại bỏ dá lẫn.

· Tỷ lệ đất 90-95% theo trọng lượng

· Tỷ lệ phân 5-10% phân chuồng hoai hoặc 2-3% Supe lân theo trọng lượng

Hỗn hợp được trộn đều, mỗi mẻ trộn 100-150kg. Sau khi trộn đắp thành đống ủ trong vườn trước khi vào bầu 10-15 ngày.

– Đóng và xếp bầu:

· Luống để xếp bầu có chiều rộng 0,8m không kể gờ luống, chiều dài tuỳ thuộc vào vươn ươm.

· Cho hỗn hợp vào khoảng ẳ bầu ấn chặt rồi đỏ vào phần trên đảm bảo phần trên không quá chặt.

· Xếp bầu sít trên luống và tạo mặt phẳng cho luống bầu.

· Dùng đất đắp thành gờ luống để giữu bầu khỏi đổ và giữ ẩm cho hàng cây ở phía ngoài.

Điều 9: Xử lý hạt

Hạt giống được đãi, rửa sạch rồi cho vào xô, chậu sau đó đổ nước sôi vào cao hơn mặt hạt 3-5cm. Ngâm đến khi nước nguội hẳn thì vớt ra rửa sạch rồi cho vào túi vải sạch để ủ. Hàng ngày rửa chua cho hạt 1 lầnbằng nwocs ấm 25-300C sau đó vẩy nước và hong quả cho hạt hơi khô lại cho vào ủ, 2-3 ngày sau hạt nứt nanh thì đem gieo. Những hạt chưa nứt nanh tiếp tục rửa chua và chi vào ủ, sau 5 ngày hạt chưa nứt nanh thì loại bỏ.

Điều 10: Gieo hạt

– 1 ngày trước khi gieo hạt luống bầu phải được tưới đủ ẩm xuống tận đáy bầu. Dùng que nhọn chọc 1 lỗ ở giữa bầu với độ sâu 1cm và gieo 1 hạt cho một bầu, khi thả hạt xuống sau đó dùng đầu ngón tay ấn nhẹ để lấp hạt. Gieo hạt xong phải tưới cho hạt ngay với lượng 1 lít/m2. Hàng ngày tưới đủ ẩm cho cây.

– Sau 7-10 ngày kiểm tra và gieo dặm cho những cây không nẩy mầm.

Điều 11: Chăm sóc cây

– Tưới nước: Lượng nước tưới, số lần tưới trong 1 ngày cũng như định kỳ tưới khi cây đã lớn tuỳ thuộc vào thời vụ gieo ươm cũng như thời tiết của mỗi vùng mà vận dụng cho phù hợp đảm bảo đủ độ ẩm cho sự sinh trưởng của cây trong từng giai đoạn.

– Cần làm dàn che hoặc cắm ràng ràng để che bóng cho cây trong thời gian đầu 20-30 ngày, với độ che bóng 50-60% sau đó mở dần cho cây đủ ánh sáng.

– Làm cỏ phá váng mặt bầu định kỳ 15 ngày 1 lần, dùng tay nhổ cỏ và que nhỏ để xăm trên mặt bầu để cho nước tưới thấm được xuống phía dưới và hạn chế bốc hơi trên bề mặt, ngừng làm cỏ phá váng 1 tháng trước khi đem trồng.

– Phòng trừ bệnh. Cây con Muồng đen ít bị bệnh nhưng cần phòng bằng Benlát hoặc Boocdo 0,5-1% 1 tháng 1 lần, phun cho ướt toàn bộ lá và thân.

– Đảo bầu. Trước khi trồng 1 tháng cần tiến hành đảo bầu 1-2 lần và phân loại cây con theo tiêu chuẩn chiều cao và đường kính gốc thành 2 loại đủ tiêu chuẩn và chưa đủ tiêu chuẩn để tiếp tục chăm sóc.

Điều 12: Tiêu chuẩn cây con đem trồng

– Thời gian nuôi cây 3 tháng tuổi.

– Chiều cao cây 25-30cm tính từ cổ rễ, đường kính cổ rễ 0,3-0,4cm, cây cân đối không bị sâu bệnh, cụt ngọn.

Điều 13: Thời vụ gieo ươm

Mỗi địa phương cần căn cứ vào tiêu chuẩn cây con đã quy định, căn cứ vào điều kiện thời tiết, thời vụ trồng mà quyết định thời vụ gieo ươm cho phù hợp.

Chương IV

Kỹ thuật trồng

Điều 14: Phương thức và mật độ trồng

– Muồng đen được trồng hỗn giao đồng tuổi với Keo lá tràm.

– Băng trồng Muồng đen rộng 6m bố trí 2 hàng theo cự ly 2x3m.

– Băng keo rộng 9m bố trí 3 hàng theo cự ly 3x2m.

– Mật độ chung là 1660 cây/ha trong đó Muồng đen 600 cây, Keo lá tràm 1000 cây.

Điều 15:Băng trồng được bố trí theo đường đồng mức ở nới có độ dốc >150. Nếu trồng kết hợp cây ăn quả thay cây Keo thì chỉ trồng ở phạm vi 1-2 băng phía chân dốc nơi có điều kiện đất, nguồn nước và khả năng chăm sóc.

Điều 16: Xử lý thực bì

– Cần hoàn thành xử lý thực bì trước khi làm đất 1 tháng.

– Nơi thực bì dày, rậm gây nhiều trở ngại cho làm đất thì phát đất toàn diện.

– Nơi thực bì thưa có nhiều cây tái sinh có triển vọng phát triển thành cây gỗ nhỡ thì phát dọn cục bộ theo rạch rộng 1m ưu tiên để lại những cây nói trên các cây này được tính vào giá thành trong tổng số cây phải trồng.

Điều 17: Làm đất

· Làm đất theo hố ở những nơi đã xử lý thực bì cục bộ, rẫy sạch cỏ và gốc cây bụi trong phạm vi đường kính 1m rồi cuốc hố ở giữa, kích thước hố 30x30x30cm. Đất cuốc lên đập nhỏ, nhặt hết lá và rễ cây dùng để lấp hố.

– Bón lót bằng 1 trong 3 loại phân sau:

+ Supe lân: 200g/hố

+ Vi sinh: 200g/hố

+ NPK: 100g/hố.

– Phải trộn đều phân với đất, lấp hố ở độ sâu 1/2 phía dưới hố. Việc bón lót và lấp hố được thực hiện cùng một lúc trước khi trồng 10-15 ngày.

· Làm đất toàn diện bằng cơ giới ở nơi bằng phẳng có độ dốc <150 cày máy toàn diện sau đó dùng cuốc để moi hố và bón lót phân như trên.

Điều 18: Thời vụ trồng

– Miền Bắc: Vụ xuân hè : tháng 2-4

Vụ hè thu : tháng 7-8-9

– Miền Trung : tháng 9-10

– Tây Nguyên và Đông Nam bộ : tháng 7-8

Chọn thời tiết dâm mát đất đủ ẩm để trồng rừng.

Điều 19: Bứng cây vận chuyển

Trước khi bứng cây đem trồng phải ngừng tưới nước 2 ngày để tránh làm vỡ bầu. Chọn những cây đủ tiêu chuẩn đem trồng. Quá trình bốc, xếp, vận chuyển, rải cây phải đảm bảo cây không bị gẫy, dập lá.

Điều 20: Kỹ thuật trồng

Dùng cuốc moi 1 lỗ ở giữa hố trông sâu 18-20cm, dùng tay tháo gỡ túi bầu rồi đặt cây vào lỗ cho ngay thẳng sau đó vun đất vào quanh gốc, lèn chặt và lấp đất cao hơn cổ rễ khoảng 1cm.

Điều 21:Những băng còn lại phải tiến hành trồng xen cây phù trợ theo quy định ở điều 14.

Chương V

Chăm sóc nuôi dưỡng bảo vệ rừng

Điều 22:Sau khi trồng 1 tháng phải tiến hành kiểm tra tỷ lệ sống của cây và thực hiện trồng dặm những cây bị chết.

Sau 2 tháng phải tiến hành nghiệm thu diện tích trồng và tỷ lệ sống phải đạt >90%.

Điều 23: Thời gian chăm sóc là 3 năm

– Năm thứ nhất sau khi trồng 2 tháng phải chăm sóc.

+ Lần 1 nội dung chăm sóc là làm cỏ xới vun gốc cho cây phạm vi đường kính 1m, gỡ dây leo cây bụi nếu có.

+ Lần hai sau lần một 3-4 tháng, nội dung phát cỏ và cây bụi, xới quanh gốc cho cây đường kính 1m (nếu trồng vụ thu thì năm thứ nhất chỉ chăm sóc 1 lần)

– Năm thứ hai chăm sóc hai lần nội dung chăm sóc như lần hai của năm thứ nhất.

– Năm thứ ba chăm sóc hai lần mỗi lần chăm sóc phải phát hết dây leo buị rậm, cuốc lật đất ở quanh gốc phạm vi đường kính 1m với độ sâu 5-10cm. Chặt bỏ những cành nhánh ảnh hưởng tới sinh trưởng chiều cao và tán lá của cây.

Điều 24: Nuôi dưỡng

· Với Muồng đen, sau 3-5 năm rừng khép tán, chỉ chặt bỏ những cây thực sự không cần để lại như: cây cong queo, sâu bệnh, sinh trưởng không được do bị chèn ép.

· Với loài Keo cần chặt tỉa thưa vào năm thứ 4 hoặc 5, sản phẩm có thể dùng làm nguyên liệu giấy, cường độ chặt 50% tổng số cây Keo.

Sau 8-10 năm 2 hàng Keo phía ngoài được chặt toàn bộ để lại 1 hàng Keo ở giữa.

Điều 25: Bảo vệ

– Theo dõi phát hiện sớm các loại sâu bệnh để phòng chống kịp thời.

– Thực hiện đúng quy phạm phòng chống cháy rừng của ngành tại mội địa phương.

Chương VI

Điều khoản thi hành

Điều 26:Quy trình này có hiệu lực kể từ ngày ký, tất cả các cơ sở trồng rừng theo chương trình 327 phải chấp hành quy trình này.

Điều 27:Cục Phát triển Lâm nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Cục Kiểm lâm Nhân dân, Ban chỉ đạo chương trình 327, các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các chủ dự án trồng rừng 327 có trách nhiệm phổ biến và hướng dẫn thực hiện quy trình này.

Quá trình thực hiện có gì vướng mắc hoặc cần bổ sung, đề nghị báo về phòng KH-TH, Cục Phát triển Lâm nghiệp.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]